Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
08:54 (GMT +7)

Nồng nàn câu ví người Dao

Dân tộc Dao ở Thái Nguyên có khoảng 30 nghìn người, thuộc ba nhóm: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, sinh sống chủ yếu ở các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử, đồng bào Dao vẫn gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần lan tỏa nét đẹp trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Nồng nàn câu ví người Dao
Tốp nữ hát ví của Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Đỏ xã Động Đạt, huyện Phú Lương

Ngọn nguồn từ lời yêu thương

Ở Phú Lương, người dân tộc Dao Đỏ sống tập trung tại xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt. Xóm có 136 hộ với 617 nhân khẩu, trong đó Dao Đỏ có 57%, còn lại là Dao Lô Gang, Tày, Nùng, Kinh. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đời sống người dân trong xóm ngày càng được cải thiện. Xóm đang nỗ lực về nhiều mặt để năm 2024 đạt xóm nông thôn mới nâng cao.

Cuối năm 2023, Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Đỏ xã Động Đạt chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Bước đầu câu lạc bộ đã phục dựng được làn điệu hát ví và múa rùa, múa chuông. Múa rùa và múa chuông là hai điệu múa tiêu biểu, đặc sắc trong lễ hội cầu mùa và không thể thiếu trong một số nghi lễ như cấp sắc, Tết nhảy… Riêng hát ví mang nét đặc thù, lớp người cao tuổi đã dày công sưu tầm, truyền dạy để nhiều người cùng hát. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh hầu như còn ít đi sâu tìm hiểu và đề cập về hát ví của người Dao Đỏ xã Động Đạt.

Theo các nghệ nhân dân tộc Dao, một số phong tục tập quán tín ngưỡng, nghi lễ thờ cúng, cấp sắc, Tết nhảy, các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Dao tuy có nguồn gốc và việc thực hành cơ bản giống nhau, nhưng các nhóm Dao trên từng địa bàn lại có nét riêng biệt, nhất là làn điệu dân ca. Lý giải cho vấn đề này bà con cho rằng trước đây người Dao sống du canh du cư trên các triền núi, nơi ở không cố định và ít có sự giao lưu trong cùng cộng đồng. Vì vậy việc lưu truyền có những biến tấu. Mặt khác trong quá trình giao thoa văn hóa giữa nhiều tộc người, các nhóm Dao cũng tiếp cận và định hình cho mình một bản sắc riêng. Điều đó thể hiện rõ nét trong làn điệu hát ví của người Dao Đỏ, xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt, huyện Phú Lương.

Một buổi sinh hoạt hát ví
Một buổi sinh hoạt hát ví

Khác với Páo Dung là làn điệu dân ca truyền thống mang tính đại diện của dân tộc Dao và đã khá phổ biến. Hát ví của người Dao Đỏ còn ít người biết tới. Làn điệu này cũng khác với hát ví của vùng đồng bằng Bắc Bộ và hát ví của người Tày Định Hóa. Nếu hát ví người Tày âm hưởng chủ đạo là thơ lục bát, thì hát ví người Dao là thể thơ tự do, gần với lời nói giản dị trong giao tiếp. Giai điệu và ca từ của hát ví vừa ngọt ngào sâu lắng, vừa nhẹ nhàng bay bổng, thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng của con người.

Người Dao Đỏ say mê hát, bởi hát ví bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác và thông qua câu hát mọi người gửi gắm, trao đổi tâm tình, đùa vui với niềm lạc quan trong tình người tình đời. Làn điệu hát ví là món ăn tinh thần giản dị, gần gũi, tự nhiên. Hát ví cơ bản là hát tập thể, hát đôi và không phân biệt đối tượng, dòng tộc. Các câu ví thường một cặp hai câu, độ dài ngắn phụ thuộc vào ngữ cảnh. Các bên nam nữ dễ dàng chuyển sang hát về chủ đề khác theo nhu cầu của bên bạn. Người hát cũng có thể ứng khẩu hoặc mượn giai điệu cổ để sáng tác lời mới.

Hát ví là làn điệu dân ca không có nhạc cụ. Không gian diễn xướng rất phong phú, có thể hát trong nhà, bên ngoài, khi đi làm nương, ru con, đi làng khác hát giao lưu, trong lễ hội, hoặc bất cứ lúc nào nếu gặp bầu bạn. Hát ví có hai thể loại là lời cổ và lời mới. Nội dung của hát ví chủ yếu ca ngợi quê hương đất nước, khuyên răn, khích lệ con người, phê phán thói hư tật xấu, hát giao duyên bày tỏ tình yêu nam nữ và những kinh nghiệm về đối nhân xử thế.

Bà Dương Thị Sinh, nghệ nhân hát ví dân tộc Dao Đỏ, năm nay 87 tuổi, thành viên câu lạc bộ bày tỏ: Hát ví của người Dao Đỏ có từ xa xưa. Các cụ truyền dạy lại cho tôi cũng không biết có từ bao giờ. Hát ví dễ nhớ, dễ thuộc, chủ yếu qua truyền miệng, không có sổ sách ghi chép và cùng các điệu hát khác tồn tại trong cuộc sống. Sau nhiều năm chiến tranh, hát ví dần mai một. Lớp người hát ví xưa về với tiên tổ, Câu lạc bộ là nơi quy tụ, cùng nhau sưu tầm, truyền dạy các câu hát cho các thế hệ để gìn giữ vốn cổ của cha ông…

Nồng nàn câu ví người Dao
Nghệ nhân hát ví dân tộc Dao Đỏ Dương Thị Sinh

Cõi thiêng mang lửa tình đời bay lên

Như nhiều dân tộc khác, người Dao quan niệm có sự tồn tại của thế giới tâm linh, con người và siêu nhiên có mối giao hòa, vạn vật đều do các vị thần linh cai quản. Ngoài ý nghĩa tâm linh, đó còn là nét văn hóa truyền từ đời này sang đời khác. Cũng chính bởi quan niệm như vậy mà mỗi làn điệu hát ví đều hướng con người sống thiện, giữ mình, không làm điều ác, tránh gây phiền muộn cho cộng đồng: “Tâm người như nắng mai/ trời xanh chẳng nỡ phụ tình/ người xưa bảo nụ cười ta trao nhau/ để mùa đông ấm hơn” - Lời câu hát thể hiện ý thức cội nguồn và nhân văn sâu sắc.

Nhiều năm dưới chế độ phong kiến và thực dân đế quốc, người Dao như cỏ cây bên rừng. Các dòng họ tự khai phá đất hoang làm nương rẫy, chăn thả vật nuôi, sống tự cung tự cấp. Mỗi khi đất nơi sinh sống bạc màu họ lai di cư khai khẩn vùng đất mới. Đảng và Bác Hồ đã mang lại cho người Dao cuộc sống an cư, sung túc đủ đầy, chung sống hòa thuận với các dân tộc anh em. Tình cảm biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ là âm hưởng chủ đạo ngợi ca cuộc sống mới luôn cất lên tha thiết: “Pé Hồ ơi úm a dỉa à man tẩy/ Cú nà dìa miền màn mán phủi ơ phiều/Chìu nhất phiềm tuông mài in quá/ Phẩy cóc miền màn thông híu ơ phiều…”. Dịch nghĩa là: “Bác Hồ cai quản đất nước Việt Nam/ Dành cho hạnh phúc đời đời ấm no/ Bác nay đã xa rồi/ Mà Bác để lại tình thương lưu truyền đời đời không quên..” (ví Bác Hồ)

Một trong những làn điệu hát ví thường được hát nhiều là ví giao duyên. Làn điệu giao duyên diễn xướng hiện nay hầu hết là ví giao duyên cổ, được hát tập thể giữa bên nam, bên nữ trong các cuộc vui, hoặc hát đôi. Trai gái làm quen nhau qua câu hát. Phải lòng nhau gửi tình vào câu hát. Lời yêu từ câu hát nối trái tim đến trái tim. Nếu chàng trai gặp cô gái mình thích, chàng lấy thuốc ra mời và hát: “Điếu thuốc từ mình châm mời bạn hút/ Thuốc lấy từ đâu về chỉ người làm ra mới biết”. Cô gái muốn làm bạn, nhận thuốc và hát đối lại: “Được điếu thuốc nhân nghĩa nhưng em không dùng/ Em xin mang về cho bố hút”. Qua những lời đối đáp và ưng thuận, cô gái không ngần ngại bộc bạch: “Hút điếu thuốc khi về nhớ ngàn năm” (ví Mời thuốc)

Trong mời trầu, người Dao cũng rất ý nhị, chàng trai hát: “Nhà mình chỉ có tấm lòng/ Miếng trầu mang hương đồi núi mời người dùng”. Người nữ nhận và hát đối lại: “Được miếng trầu nên nhận tình nghĩa/ Miếng trầu cau cho nhau biết đã có người trao tình cảm” (ví Mời trầu)

Hát ví hoa
Hát ví Hoa

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, một lòng “trung quân báo quốc”, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đánh giặc giữ gìn cương thổ. Các làn điệu tòng quân ngọt ngào, tha thiết thôi thúc những người trai lên đường cầm gươm giáo, cung nỏ đánh giặc: “Khắp bốn phương trời mạnh bước quân đi/ Tòng quân chiến trường đổ máu hy sinh/ Bao nhiêu đau đớn mối tình cảm thương/ Giành cho đất nước yên bình” (ví Tòng quân).

Người Dao vốn vui tính, thích đùa, mến khách. Hát ví cũng biểu lộ tính cách ấy. Nghe hát ai cũng cảm nhận được trong từng ca từ sự hồn hậu, vui tươi. Giai điệu lay động lòng người khi trầm bổng, du dương như tiếng gió ngàn, lúc thánh thót như tiếng chim ban mai, có lúc lại ào ào bừng lên như thác đổ. Cuộc sống dân dã, chất phác bao đời làm bạn với rừng xanh xưa cho người Dao sự tự tin, mạnh mẽ chống chọi với thiên tai, giặc giã, muông thú và giữ trọn niềm tin yêu vào cuộc sống. Lời ví được gọt giũa, chắt lọc ngân lên từ tiếng lòng của họ. Ý và tứ thơ trong hát ví mang khẩu khí “văn nói”, nhưng chan chứa xúc cảm, bập bùng như ngọn lửa thiêng nồng nàn.

 Nhiều làn điệu ví về phong cảnh bản làng, tình yêu quê hương đất nước con người làm cho hát ví người Dao mang sự khác biệt và thực sự ấn tượng, quyến rũ người nghe: “Chắt tiếng suối tiếng rừng/ ta châm lửa cho câu hát cháy lên bay qua đồi nương…” (ví Giao duyên).

Tiễn bạn về với tiên tổ, người Dao Đỏ cũng thể hiện tình cảm chân tình, mộc mạc: “Chúng ta cùng nhau đi qua cuộc đời này/ Người ở lại người đi vẫn là bạn” (ví Tiễn).

Tác giả (ngoài cùng bên trái) tìm hiểu về hát ví
Tác giả (ngoài cùng bên trái) tìm hiểu về hát ví

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nhâm Thị Nguyên, Trưởng xóm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết thêm: Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Đỏ được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng hết sức quan tâm, tạo điều kiện hoạt động như hỗ trợ kinh phí tập luyện ra mắt, loa kéo, 30 bộ quần áo, 8 chiếc chiêng, 16 phèng. Tuy mới thành lập, nhưng bước đầu đã thu hút được 60 hội viên tham gia bảo tồn, phục dựng làn điệu hát ví và múa rùa, múa chuông. Hát ví xưa rất nhiều làn điệu, nhưng do truyền miệng, sau nhiều năm không thực hiện diễn xướng nên dần mai một. Điều đáng mừng là câu lạc bộ có ba cụ được công nhận là nghệ nhân: Dương Thị Sinh, Bàn Thị Cầu, Đặng Thị Mấy làm nòng cốt sưu tầm, truyền dạy. Có điều số lượng thành viên trẻ còn ít. Câu lạc bộ đã có những giải pháp tổ chức vận động các cháu tham gia và truyền dạy bài bản. Lan tỏa nét đẹp của hát ví cùng múa chuông, múa rùa dân tộc Dao Đỏ cũng là những việc chúng tôi đang tích cực triển khai thực hiện.

Bằng sự độc đáo riêng có, những câu ví ngọt ngào, đằm thắm trường tồn qua năm tháng của người Dao Đỏ xã Động Đạt mang giá trị văn hóa tinh thần quý giá góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của người Dao. Nhiều nghi lễ, dân ca, dân vũ của người Dao đã được tôn vinh, nhưng hát ví người Dao Đỏ xã Động Đạt mang nét đặc trưng riêng mới dừng ở khâu diễn xướng trong phạm vi địa phương.

Hy vọng với nhiều giải pháp gìn giữ, bảo tồn, phục dựng, trong tương lai không xa, hát ví người Dao sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch về tinh thần phục vụ du khách đến với Thái Nguyên.

 Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 2 giờ trước