Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:24 (GMT +7)

Những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của văn học thiếu nhi

Văn học thiếu nhi (VHTN) nằm trong sáng tác văn học nói chung nên cũng mang đầy đủ những đặc điểm của sáng tác nghệ thuật ngôn từ. Nó thực hiện các chức năng chung của văn học. Bên cạnh đó, VHTN cũng có những chức năng riêng mang tính đặc thù do đối tượng phục vụ chủ yếu của nó là thiếu nhi. Và chính những chức năng mang tính đặc thù đó là những yếu tố cơ bản làm nên sức hấp dẫn của mảng văn học này.

1.Có thể nói, đặc điểm nổi bật của trẻ con là hồn nhiên và ngây thơ. Vì vậy, trước hết, sức hút của văn học viết cho thiếu nhi phải luôn luôn thể hiện được sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ. Đó có thể là sự hồn nhiên, ngây thơ trong hành động hoặc cách cảm, cách nghĩ của các nhân vật trong thơ, truyện:

Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một cái bút chì

Và mang một mẩu bánh mì con con

(Phan Thị Vàng Anh - Mèo con đi học)

Khi viết bài thơ này, Phan Thị Vàng Anh mới 7 tuổi. Sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ được thể hiện ở ngay chính nội dung bài thơ và hình ảnh của nhân vật chính trong câu chuyện. Bài thơ kể lại việc chú Mèo con đi học giữa “trời nắng chang chang”. Đi học nhưng chú lại chẳng mang theo thứ gì ngoài “một cái bút chì” và “một mẩu bánh mì con con”. Đem bút chì, không mang theo sách vở gì thì làm sao học đây? Đi học mà lại mang theo bánh mì chắc có lẽ để ăn khi đói bụng! Sự sơ sài trong việc chuẩn bị đồ dùng học tập và sự chu đáo chuẩn bị đồ ăn phòng khi đói hết sức ngây thơ, hồn nhiên này chỉ có thể có ở trẻ nhỏ. Điều này sẽ ít, thậm chí là khó xảy ra ở người lớn song ở trẻ lại là điều rất dễ gặp. Nếu điều này xảy ra ở người lớn sẽ thành chuyện đáng chê trách song đối với trẻ nhỏ thì lại rất bình thường và có nét ngộ nghĩnh, đáng yêu riêng.

Hay trong bài thơ Ngủ rồi, nhà thơ Phạm Hổ đã viết:

Gà mẹ hỏi gà con:

- Đã ngủ chưa thế hả?

Cả đàn gà nhao nhao:

- Ngủ cả rồi đấy ạ!

Bài thơ là cuộc đối thoại giữa gà mẹ và đàn gà con. Nghe gà mẹ hỏi, cả bọn nhao nhao trả lời: “Ngủ cả rồi đấy ạ!”. Ngủ rồi thế mà vẫn nghe được mẹ hỏi, vẫn trả lời được… Đàn gà con ngây thơ nghĩ rằng, trả lời “Ngủ cả rồi đấy ạ!” là sự khẳng định về sự thật, và gà mẹ sẽ tin vào sự thật đó… Nhưng chúng không biết rằng chính sự khẳng định chắc nịch đó đã phủ định lại thực tế chưa ngủ của chúng. Có thể nói, đây là kiểu tư duy chỉ có ở trẻ nhỏ. Kiểu tư duy này sẽ biến mọi thứ không lôgic sẽ trở thành hoàn toàn lôgic trong thế giới trẻ thơ và làm nên nét đáng yêu của trẻ nhỏ cũng như sức hấp dẫn của VHTN.

2. Cùng với đặc điểm về tính hồn nhiên, ngây thơ như đã nói ở trên, đặc điểm về tính giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu cũng là yếu tố không thể thiếu làm nên cái hay, cái đẹp và sức cuốn hút của VHTN. Trong thơ viết cho người lớn, nhiều khi vần không phải là yếu tố quan trọng nhất. Song thơ viết cho trẻ em thì vần và cách gieo vần thật phù hợp luôn là yếu tố không thể thiếu. Hơn nữa, trong các tác phẩm thơ viết cho trẻ em, gieo vần là yếu tố quan trọng tạo nên nhạc điệu cho các câu thơ. Như trong bài thơ Hạt gạo làng ta, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã sử dụng cách gieo toàn vần bằng cuối các câu thơ như: “ta - sa”, “thầy - đầy - cay” đã tạo nên giai điệu êm ái, ngọt ngào cho các câu thơ; gợi được sự xúc động, thái độ trân trọng, yêu quý đối với hạt gạo quê hương. Bởi những hạt gạo ấy được kết tinh từ những hương vị ngọt ngào, giá trị văn hóa của quê hương…

“Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi đắng cay...”

Hay ở bài thơ Mời vào của Võ Quảng, cách gieo vần giữa các từ “đó - thỏ”, “tai - nai”, chữ “Thỏ”, “Nai” được lặp lại ở hai câu thơ liền nhau cùng với sự kết hợp của các thanh trắc, thanh bằngđã giúp bài thơ trở nên giàu nhạc tính:

“- Cốc, cốc, cốc!

- Ai gọi đó?

- Tôi là Thỏ

- Nếu là Thỏ

Cho xem tai

- Cốc, cốc, cốc!

- Ai gọi đó?

- Tôi là Nai

- Thật là Nai

Cho xem gạc”

Để gây ấn tượng ngay từ ban đầu cũng như để lại dấu ấn lâu dài đối với trẻ nhỏ, VHTN cần phải giàu hình ảnh. Hơn nữa, hình ảnh lại phải cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc, đáng yêu và gần gũi với cuộc sống của trẻ… Để có được đặc điểm này, VHTN thường sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh, các động từ, tính từ miêu tả, tính từ chỉ màu sắc. Bởi những loại từ này có khả năng tạo nên sắc thái cụ thể, tác động trực tiếp vào giác quan của trẻ; kích thích và khơi gợi trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ. Từ đó trẻ có thể dễ cảm nhận, dễ hiểu và dễ rung động trước các hình ảnh, nội dung, tư tưởng của tác phẩm.

Trong bài thơ Hoa kết trái (Thu Hà), trẻ có thể hình dung được đặc điểm rất riêng, rất đặc trưng, không thể lẫn lộn của mỗi loài hoa bởi những động từ chỉ trạng thái (rung rinh) và các tính từ miêu tả màu sắc (tim tím, vàng vàng, chói chang, trắng tinh), tính từ miêu tả đặc điểm hình dáng (nho nhỏ, xinh xinh):

“Hoa cà tim tím

Hoa mướp vàng vàng

Hoa lựu chói chang

Đỏ như đốm lửa

Hoa vừng nho nhỏ

Hoa đỗ xinh xinh

Hoa mận trắng tinh

Rung rinh trước gió…”

Hay trong đoạn văn sau, nhà văn Tô Hoài đã miêu tả khung cảnh hết sức trữ tình với những hình ảnh rất đặc trưng, rất riêng của mùa thu. Bức tranh vào thu đó đã thực sự chạm được vào cảm xúc của người đọc. Yếu tố làm nên sức lay động lòng người của bức tranh đó chính là sự xuất hiện của các hình ảnh hết sức cụ thể và sinh động. Đó là nước mùa thu trong vắt, là hòn cuội trắng tinh, là hình ảnh của các con vật : Gọng Vó đen sạm, gầy và cao, nghênh cặp chân gọng vó…, những ả Cua Kềnh mắt lồi, tình tứ và âu yếm, đàn Săn Sắt và cá Thầu Dầu lăng xăng. Tất cả các hình ảnh đó đều hiện lên rõ mồn một bởi các tính từ, động từ miêu tả:

“Mùa thu mới chớm nhưng nước đã trong vắt. Trông thấy cả hòn cuội trắng tinh nằm dưới đáy. Nhìn hai bên ven sông, phong cảnh đổi thay đủ điều ngoạn mục. Cỏ cây và những làng gần, núi xa luôn luôn mới. Những anh Gọng Vó đen sạm, gầy và cao, nghênh cặp chân gọng vó đứng trên bãi lầy nhìn theo hai tôi, ra lối bái phục. Những ả Cua Kềnh cũng giương đôi mắt lồi, tình tứ và âu yếm, ngó theo hai tôi với muôn vẻ quý mến. Đàn Săn Sắt và cá Thầu Dầu thoáng gặp đâu cũng lăng xăng cố bơi theo bè hai tôi hoan nghênh váng cả mặt nước.”

(Tô Hoài - Dế Mèn phiêu lưu ký)

3. Cùng với các yếu tố trên, yếu tố truyện trong thơ và yếu tố thơ trong truyện là đặc điểm không thể thiếu để làm nên sự thú vị của VHTN. Bởi lẽ, ngoài những truyện thơ như Mèo đi câu cá, Nàng tiên ốc, Bồ câu và ngan…, ở mỗi bài thơ ngắn viết cho thiếu nhi, người đọc dễ dàng gặp ở đó một câu chuyện kể về một sự kiện hay hiện tượng nào đó. Yếu tố truyện trong thơ giúp trẻ có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung từ đó liên hệ, phát hiện và cảm nhận được những vẻ đẹp của thiên nhiên, những điều thú vị của cuộc sống…được gửi gắm trong tác phẩm; hình thành được những cảm xúc đẹp và nhân văn cho trẻ.

Trong bài thơ Dán hoa tặng mẹ của Khải Minh, người đọc có thể gặp ở đó câu chuyện một em bé sau khi dán được bông hoa, được cô dặn mang về làm quà tặng mẹ nhân dịp 8/3. Cô bé làm theo lời cô dạy. Món quà đó của bé đã thực sự đem lại niềm vui, sự xúc động cho mẹ:

Em dán được cái hoa

Cô cho mang về nhà

Nói rằng: Con tặng mẹ

Quà ngày 8 tháng 3!

Xoa đầu con mẹ bảo

- Con dán đẹp thế à?

Mẹ cảm ơn cô giáo,

Dạy con mẹ tặng hoa.

Nếu yếu tố truyện trong thơ giúp trẻ có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung, phát hiện và cảm nhận được những vẻ đẹp của thiên nhiên, những điều thú vị của cuộc sống, hình thành được những cảm xúc đẹp và nhân văn thì yếu tố thơ trong truyện lại là yếu tố quan trọng tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn đối với trẻ. Bởi chất thơ là cái đẹp luôn khiến lòng người xúc động. Có thể nói, mỗi tác phẩm truyện thiếu nhi thường chứa đựng một bài học nhẹ nhàng, sâu sắc. Và “Chất thơ của truyện sẽ làm cho những bài học ấy không bị khô khan hay cứng nhắc. Những truyện như: Giọng hót chim sơn ca, Hoa Mào gà, Giọt nước Tí Xíu, Chú Đỗ con, Bồ Nông có hiếu, Cây gạo… không khác gì những bài thơ ca ngợi cuộc sống, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và ca ngợi những tình cảm cao đẹp của con người. Cùng với chất thơ bay bổng, ý nghĩa của câu chuyện có thể sẽ còn theo các em mãi trong cuộc sống” (Lã Thị Bắc Lý, Văn học thiếu nhi và giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non, 2015, NXB Đại học Sư phạm).

4. Trong cuộc sống, muốn trẻ thích điều gì đó thì phải làm sao để trẻ không chán cái đó. Văn học cũng vậy. Nếu để trẻ chán thì các bé sẽ không còn muốn đọc, không còn muốn nghe nữa. Bởi thông thường ở trẻ, khả năng tập trung chưa cao, tính kiên trì hạn chế, cái gì khó và quá khó sẽ khiến trẻ ngại và chán. Vì vậy VHTN có một đặc trưng và cũng là một trong những yếu tố làm nên sự lôi cuốn đối với trẻ. Đó là sự ngắn gọn, rõ ràng. Tác phẩm ngắn sẽ giúp trẻ dễ nhớ, dễ thuộc; rõ ràng sẽ giúp trẻ dễ đọc và dễ hiểu. Chỉ những bài thơ, câu chuyện dễ nhớ, dễ đọc, dễ thuộc, dễ hiểu thì trẻ mới thích và thích được lâu. Vì vậy, ngắn gọn, rõ ràng cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự gắn bó, yêu mến của trẻ đối với VHTN.

Tính “ngắn gọn” trong thơ viết cho thiếu nhi được hiểu là có dung lượng ngắn, số từ trong câu cũng ngắn. Dạng phổ biến trong thơ viết cho trẻ em thường là thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, thơ lục bát. Kết cấu thơ thường giống với đồng dao - thể loại văn học dân gian giàu nhịp điệu, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc…

“Hay nói ầm ĩ

Là con vịt bầu

Hay hỏi đâu đâu

Là con chó vện

Hay chăng dây điện

Là con nhện con

Ăn no quay tròn

Là cối xay lúa…”

(Trần Đăng Khoa - Kể cho bé nghe)

Ở văn xuôi, tính “ngắn gọn” được thể hiện ở cách sử dụng câu đơn, ngắn, ít khi dùng câu phức; nhan đề truyện cụ thể (thường là tên nhân vật hoặc câu hỏi có tính chất định hướng hoặc đúc kết ý nghĩa giáo dục)…: Ba cô gái, Chú Dê đen, Ai đáng khen nhiều hơn, Thi hát…

Tính “rõ ràng” trong các tác phẩm VHTN được thể hiện ở cách dùng từ ngữ và miêu tả. Từ ngữ thường là các từ mang nghĩa đen; cách miêu tả thường trực tiếp, cụ thể, dễ hiểu. Ví dụ:

“Bọn trẻ con làng Đo Đo không đo ngày tháng theo thời tiết tự nhiên. Chúng chả bao giờ gọi tên bốn mùa theo cách thông thường.

Một năm của bọn chúng có tới sáu mùa: Mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng.

Mùa giấy kính thường trùng với mùa xuân. Những ngày tết bọn trẻ con trong làng được ăn mứt, hạt dưa, bánh thuẫn, bánh in… Bánh in hình vuông, gói bằng giấy kính màu. Màu xanh, màu đỏ, màu cam, màu vàng, màu nõn chuối… Ăn xong, bọn trẻ giữ lại tờ giấy kính, chốc chốc đưa lên mắt để nhìn cảnh vật khi thì màu hồng lúc thì màu xanh để sung sướng tận hưởng cảm giác mới lạ…”.

(Nguyễn Nhật Ánh - Ngồi khóc trên cây)

5. Nói đến các yếu tố làm nên sức hấp dẫn của VHTN chúng ta không thể không nói đến những bài học nhân văn nhẹ nhàng và sâu lắng mà bộ phận văn học này đem lại. Có thể nói, mỗi câu chuyện, bài thơ viết cho thiếu nhi đều chứa đựng trong nó một bài học quý giá. Chẳng hạn, trẻ được giáo dục phải biết xin lỗi khi có lỗi - dù đó là lỗi cố ý hay vô tình:

Vịt con vội vã đi đâu

Dẫm phải chân của Gà Nâu bên hè.

Vịt nhớ xin lỗi bạn nghe!

Chớ đừng lặng lẽ bỏ đi, bạn buồn.

(Nguyễn Thị Thảo - Xin lỗi)

Hay không bắt nạt bạn yếu hơn vì đó là tính xấu:

“Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

Tại sao không học hát?

Nhảy hip hop cho hay?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?”

(Nguyễn Thế Hoàng Linh - Bắt nạt)

Cũng là nói với trẻ rằng đây là điều hay, kia là lẽ phải; nên làm thế này, không nên làm thế kia, song VHTN không thể hiện theo kiểu áp đặt, giáo điều, khô khan mà thông qua nội dung câu chuyện, hoặc cách suy nghĩ cũng như hành động của các nhân vật trong tác phẩm một cách đầy tự nhiên, nhẹ nhàng và sâu lắng. Tuy nhiên, chỉ những nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi đích thực, thật sự tài năng, biết đặt mình vào vị trí của trẻ thơ, hiểu sâu sắc suy nghĩ, tâm lý của trẻ thơ mới có thể khéo léo xen lồng ý nghĩa giáo dục vào trong tác phẩm một cách tinh tế, không khiên cưỡng. Với những tác giả này, cái đích đầu tiên và quan trọng nhất trong mỗi sáng tác phải là tính thẩm mĩ. Đó là phải tạo ra được hình ảnh đẹp, sinh động; cách diễn đạt hay, trong sáng; ngôn từ giản dị, gần gũi với trẻ… Điều đó khiến trẻ thích thú. Từ sự thích thú với thơ, truyện, trẻ sẽ ngấm một cách tự nhiên với những bài học giáo dục trong tác phẩm và học theo, làm theo những gì tốt đẹp; tránh xa những suy nghĩ, hành vi hoặc việc làm không nên…

Trong thực tế cũng có không ít tác giả viết cho thiếu nhi lại đặt cao mục đích giáo huấn, quá coi trọng việc giáo dục luân lý cho trẻ nên tác phẩm viết ra thường khô khan, cứng nhắc, không phù hợp với trẻ. Chính vì vậy độc giả nói chung và độc giả là trẻ con nói riêng sẽ không thích tiếp nhận những tác phẩm như vậy. Trong bài bình về tập thơ Nhặt nắng trong vườn của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đã nói về những tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi hời hợt, thiếu chất thơ, phản cảm trong cách giáo dục trẻ để sau đó làm nổi bật các giá trị của tập thơ “Nhặt nắng trong vườn”: “Chả biết do tay phù thủy nào, mà thơ thiếu nhi của ta suốt thời (còn chưa qua) này cứ già ngay từ lúc còn… hoài thai (…) Chả mấy bài không chềnh ềnh cái bục giáo huấn. Chưa đặt bút đã nhăm nhăm xem chỗ nào đây có thể nhét được giáo điều. Đất sống từng bài thì huấn thị cứ chiếm sạch, thơ cứ bị chèn ép, bần cùng hóa, rồi tha hóa thành vè. Ấy là thơ răn dạy trẻ (cực đoan là thơ lên lớp trẻ). Đọc thấy hắc vị dạy, nhạt vị thơ. Thơ thế bảo sao trẻ không ngán được chứ!” (www.evretschool.edu). Ý kiến nhận xét này của nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thật đúng và sâu sắc vì đã phản ánh được thực tế sáng tác của nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay. Đó là những nhà văn có tư tưởng sai lầm là dùng văn chương để dạy trẻ theo cách của mình. Và đúng như nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đã nói, sáng tác của những tác giả đó “…hắc vị dạy, nhạt vị thơ. Thơ thế bảo sao trẻ không ngán được chứ!”.

* * *

Như vậy, để làm nên cái hay, cái đẹp và sức hấp dẫn của VHTN thì phải cần đến sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố cơ bản như tính hồn nhiên, ngây thơ; tính giàu hình ảnh, vần điệu và nhạc điệu; tính ngắn gọn, rõ ràng; yếu tố truyện trong thơ, yếu tố thơ trong truyện và những bài học nhân văn nhẹ nhàng và sâu lắng. Sự kết hợp của các yếu tố này sẽ đem màu sắc riêng cho bộ phận VHTN cũng như phong cách riêng của nhà thơ, nhà văn trong mảng văn học này. Trong thực tế, các nhà thơ thiếu nhi (Vàng Anh, Trần Đăng Khoa…) hay nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi (Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Võ Quảng, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến…) đã thực sự rất thành công và tạo ra được phong cách độc đáo riêng bởi đã kết hợp rất nhuần nhuyễn các yếu tố này trong tác phẩm của mình. Điều đó càng khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa của các yếu tố này đối với việc làm nên sức hấp dẫn cũng như giá trị của mảng VHTN.

 

Hà Thị Kim Yến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy