Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
16:50 (GMT +7)

Những vần thơ đẹp về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc

VNTN - Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta với những chiến tích hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Địa danh này gắn liền với tên tuổi, chiến công và sự hy sinh anh dũng của mười cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ. Ngày 24 tháng 7 năm 1968, trong khi các cô đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom thông đường cho xe ra tiền tuyến thì máy bay Mĩ ào đến ném bom, giết hại cả tổ thanh niên xung phong này. Từ đó, tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của mười cô gái trên Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu của những chiến sĩ thanh niên xung phong nói riêng và quân dân ta nói chung.

Đã có hàng trăm bài thơ ra đời nhằm ca ngợi, tỏ lòng khâm phục và tiếc thương mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Các nhà thơ đã coi địa danh này là “ngã ba trái tim”, là điểm gặp gỡ của cảm xúc. Nhà thơ Huy Cận đã phát hiện và làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của Ngã ba Đồng Lộc bằng một giọng thơ vừa trữ tình vừa triết lý sâu xa:

Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thủy triều lên xuống

Hay bằng đá bằng đất

Bằng xi măng cốt sắt

Bằng vôi trắng gạch xây

Bằng đèn xanh, đèn đỏ đủ màu

Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã

Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng 

                                        xương máu…

                              (Ngã ba Đồng Lộc)

Để làm nên Ngã ba Đồng Lộc lừng lẫy chiến công, trở thành niềm tự hào của quân dân cả nước, khiến quân thù mất ăn mất ngủ, ngày đêm tìm cách đánh phá, thì những chiến sĩ nơi đây phải đánh đổi bằng xương máu của mình. Cũng bởi vì thế mà Ngã ba Đồng Lộc đã mang một vẻ đẹp riêng biệt, không giống bất cứ một ngã ba nào khác. Mảnh đất và con người nơi đây phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn của giặc và những người lính đã không sợ gian khổ, hy sinh để mạch máu giao thông không bị tắc nghẽn. Bàn tay, đôi chân của các cô thanh niên xung phong còn nhanh hơn kíp nổ. Có cô thì chuyên lấp hố bom, có cô thì chuyên phát hiện bom nổ chậm và tự nguyện làm “cọc tiêu sống” đứng cắm cờ canh bom nổ chậm để dẫn đường cho xe ra tiền tuyến. Trong trường ca Vạn lý Trường Sơn, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã phác họa dáng vẻ hiên ngang của những người con gái đứng báo bom nổ chậm, mang vẻ đẹp vừa thánh thiện vừa trần thế:

Em cấy vào đêm sự sống 

                      mong manh mùi con gái

Với những hàng tiêu bằng thân thể 

                                          trắng ngần

Những vầng ngực rời nơi trú ẩn

Kéo trăng về bên hút bom câm…

Các cô tự nguyện kéo về phía mình những bầy “con ma”, “thần sấm” và dũng cảm đón nhận loạt bom để cứu con đường khỏi bị thương, đảm bảo cho đoàn xe chở vũ khí cùng những đoàn quân ra tiền tuyến. Sự hy sinh của mười cô gái đã trở thành nguồn động viên cho những người lính khi ra trận, hồn các cô đã hóa thành những vì sao dẫn đường đêm đêm, thành ánh trăng làm dịu đi cái khắc nghiệt của cuộc chiến tranh:

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh…

                       (Khoảng trời , hố bom -

                                      Lâm Thị Mỹ Dạ)

Cũng như bao thanh niên trên khắp đất nước lúc bấy giờ, mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc đã tạm gác lại chuyện tình duyên, chuyện chồng con để hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Vì thế, cho đến lúc hy sinh, các cô vẫn chưa một lần được yêu, chưa một lần hò hẹn. Nhiều nhà thơ đã dành những vần thơ xúc động nhất thể hiện sự đồng cảm sâu sắc về những khát khao hạnh phúc và sự trinh trắng của tâm hồn mười cô gái:

Mười làn môi chưa một lần hò hẹn

Mãi trẻ trung cô gái ngàn năm

Mười mái tóc chưa trai làng nhẹ vuốt

Mãi xanh cùng cây lá Trường Sơn…

                    (Viếng em - Bùi Văn Bồng)

Ở cái nơi mà sự sống và cái chết cách nhau chỉ tích tắc ấy, trong sâu thẳm tâm hồn mình, các cô càng khát khao được hò hẹn, được vuốt tóc, khát khao được nói tiếng yêu thương… nhưng loạt bom nghiệt ngã đã cướp đi niềm khát khao chính đáng ấy; để rồi mỗi người lính đi qua đều dâng dâng niềm thương cảm:

Các em đi khi mười tám tuổi xuân

Và để lại những trái tim trong trắng

 (...)

Tiếng các em thét gọi nhau 

                        trong chiến hào khói lửa

Còn cháy lòng bao chiến sĩ 

                                    xung phong…

    (Gặp lại các em - Nguyễn Đình Chiến)

 Rồi chiến tranh qua đi, thời gian dần dần phủ màu xanh cây rừng trên những vạt đồi nhưng vẫn còn đó những hố bom ngổn ngang, khô khét một thuở nào, vẫn còn đó nỗi đau của mất mát, hy sinh không thể nào khỏa lấp được. Ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này, hàng triệu lượt người từ khắp đất nước vẫn tìm về Ngã ba Đồng Lộc để tỏ lòng ngưỡng vọng, tri ân, để cảm thấy rằng hình như mười ngôi mộ này được xây cất bằng “tiếng chim ca bên trời”, hình như mười cô gái vẫn lẩn khuất đâu đây! Tâm hồn và máu xương của các cô đã hòa vào trời mây, cây cỏ, núi sông này:

Cầm cỏ thì thấy mồ hôi

Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng…

(Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc - Đồng Đức Bốn)

10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh TL

Hơn hai mươi năm sau kể từ ngày mười cô gái đi vão cõi vĩnh hằng, nhà thơ Mai Văn Phấn đã viết bài thơ Mười nén nhang ở Ngã ba Đồng Lộc, thành kính dâng lên. Đây là tác phẩm đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1995. Bài thơ chỉ vẻn vẹn mười dòng lục bát tương ứng với mười nén nhang dành cho mười cô gái:

Tháng ngày gương lược về đâu

Chân trời để xõa tóc một màu cỏ non

                            *

Các cô nằm lại trên cồn

Những chùm bồ kết khô giòn trong cây

                            *

Khăn thêu những dấu tay gầy

Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời

                            *

Người ơi, tôi lại gặp người

Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô

                            *

Nhang này quặn nỗi đau xưa

Tôi này tôi của cơn mưa về nguồn…

Bài thơ ngắn gọn, dồn nén cảm xúc đau buồn, nhớ thương trước mười ngôi mộ. Ngôn ngữ thơ chắt lọc nhưng giàu tính gợi hình, gợi cảm. Các hình ảnh cụ thể: gương lược, bồ kết, khăn thêu, cỏ xanh… gợi lên sức sống dẻo dai, tràn đầy của tuổi trẻ. Nhà thơ nguyện làm cơn mưa về nguồn mong làm dịu bớt nỗi đau cháy lòng của những hy sinh, mất mát xưa kia và mong làm mát lòng mười cô gái trinh nguyên nơi chín suối…

Vào những ngày này, toàn dân ta đang kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương, đất nước đã anh dũng hy sinh, trong đó có mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Khó mà nói hết được sự hy sinh cao cả của những người lính, cũng như không thể diễn tả hết lòng biết ơn sâu nặng của chúng ta hôm nay về những người đã dâng hiến máu xương cho Tổ quốc. Chúng ta hãy thành kính dâng nén tâm nhang trước Mười ngôi mộ ở Ngã ba Đồng Lộc cùng nhà thơ Trần Mạnh Hùng:

Anh về Đồng Lộc em ơi

Nén nhang tưởng niệm thay lời hát ru…

Trần Văn Lợi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy