Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
09:04 (GMT +7)

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp Ba mươi tháng Tư năm Bảy lăm; lứa cán bộ trưởng thành từ Ba mươi tháng Tư; những người lính Ba mươi tháng Tư trở về nay ở đâu?... Nhưng những người con gái Ba mươi tháng Tư thì tôi để ý, chưa thấy ai viết. Hay họ viết mà tôi không biết?

Những người đàn bà dưới đây tôi chỉ gặp họ trong chiến trận vào những ngày tháng 4 năm 1975 rồi từ ấy đến nay không gặp lại. Tôi gọi họ là những người đàn bà tháng Tư. Những người đáng yêu đáng kính.

1. Cô biệt động Mỹ Hạnh

Hạnh quê ở Tân Phú Trung, Củ Chi. Cho tận tới tối 28/4/1975 trước giờ hành quân tôi mới gặp Hạnh. Chiều ấy nắng đã tàn mà trời vẫn hồng rực lên. Lúc ấy chúng tôi ở An Nhơn Tây dàn đội hình hành quân mà vẫn thấy lửa sáng phía tay phải đội hình. Có một cô gái người lẳn như củ khoai sọ, đeo AK báng gấp, bảo: chỗ sáng đó là Đồng Dù.

Ai cũng nhìn sang cô gái. A phó Ngô Thịnh, người Thái Nguyên hỏi: Này, cô đi đâu đấy? Cô gái trả lời: Tôi đến gặp anh Luân và dẫn đường cho tiểu đoàn 8 đánh Ấp Chợ - Cầu Bông. Tiểu đội trinh sát mắt sáng lên. Lần đầu tiên có em gái đi cùng trong một trận đánh lớn, ai chả thích. Tôi gọi: Này em ơi anh biết tên em rồi. Cô gái cũng nói luôn: Em cũng biết tên anh rồi nha. Biết từ lúc nhìn thấy anh da đen quá trời. Cấp trên của anh bảo, em về đó gặp thằng “Luân đen” rồi cùng nhận nhiệm vụ đêm nay. Cả tiểu đội cười ồ. A phó Ngô Thịnh nói trong lúc có tiếng pháo vút qua: Này Hạnh ơi thằng Luân đen nó có người yêu ngoài Hà Nội rồi, em đi mũi luồn sâu đêm nay cùng với anh thôi. Cô gái tên Hạnh cười ri rí. A trưởng phân công đâu em nằm đấy. Cả A trinh sát rúm vào nhau cười rinh rích.

Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang niền Nam Nguyễn Ngọc Hiệp gặp lại các bạn cùng chiến đấu trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30 - 4 - 1975. Baotangphunu.org.vn

Tiểu đoàn nhằm hướng Nam hành quân. Những cánh đồng ruộng trằm lúp xúp và những con kênh nhỏ rồi lại con kênh lớn. Pháo địch bắn từ thành Quan Năm lên, từ Đồng Dù ra hu hú qua đầu. Có vài quả rớt cả vào đuôi đội hình khiến lính ta chạy nháo nhào lên phía trước. Vừa lúc gặp đoạn kênh lớn nước quá đầu người. Bộ đội phía sau hỏi lên, có cởi quần không? Hạnh giật mình kêu chu cha! Tiểu đội phó Ngô Thịnh nói khẽ với tôi, truyền lệnh cho cởi quần đi! Hạnh giãy nảy lên. Em xin. Em xin anh. Ngô Thịnh cười hé hé. Cả đoàn quân cứ thế lặng lẽ xuống nước. Rồi có tiếng, chết đuối rồi! Chết thằng Dìn rồi. Mỹ Hạnh quay ngoắt lại trong mập mờ đêm, nhoáng cái lôi chàng Dìn vào bờ. Chúng nó hỏi mày không biết bơi à? Em không biết. Hinh hích hinh hích, lính ta cười. Mỹ Hạnh càu nhàu, đồng đội chết ỉm đến cổ còn húm vào cười. Lính ta chả ai nói gì.

Vượt qua lộ 8 đoạn Phước Vĩnh An. Cái đồn địch bắn đạn 12,8 đỏ lừ lừ: cành! cành! cành! Chó sủa râm ran. Mặc, chúng tôi cứ nhắm phía Cầu Bông mà lội tới. Mùi bùn, mùi lúa con gái ngai ngái trong đêm. Lính hỏa lực ì ọp ngã lên ngã xuống. Bờ ruộng thì nhỏ bùn lại trơn, tôi bảo Mỹ Hạnh: tôi chiếu bản đồ Hạnh dẫn bộ đội lội trên lúa. Hạnh cự, nát lúa uổng lắm. Tôi gắt, không thể để chậm giờ vào chiếm lĩnh. Tôi truyền lại, tất cả lội ruộng theo trinh sát. Thế là hàng mấy trăm người bì bõm dưới ruộng, rồi leo lên ruộng cạn rồi lại xuống nước. Cứ thế chúng tôi vòng qua cánh đồng rìa làng Tân Thông Hội, xuống Tân Phú Trung.

Một giờ sáng, trăng bất thần nhú ra. Cả đội hình đến cánh đồng trồng dưa của dân Tân Phú Trung. Trong đêm mà vẫn nhận rõ những chùm dưa lúc lỉu, nần nẫn. Tiểu đoàn truyền xuống, hạ ba lô im lặng. Trinh sát bàn nhau, xin đồng bào mấy quả dưa “khợp” đi. Lập tức bị Mỹ Hạnh phản ứng. Hạnh nói, các anh đi làm cách mạng mà lại ăn trộm của dân à?

Tôi đưa cho Hạnh gói lương khô. Mỹ Hạnh mừng húm, hít hà rồi bóc ăn, vừa ăn vừa nói lương khô chủ lực ngon quá trời. Tôi bảo, mỗi trận đánh tụi anh chỉ được một gói thôi. Hạnh ăn rồi anh phải ăn dưa thôi. Cô biệt động kêu trời, rằng bộ đội lừa nhân dân. Chúng tôi cười khoái trá và bổ dưa ăn trong đêm trăng mờ mờ.

Trưa hôm ấy 29/4/1975 đánh dứt điểm đồn Tân Phú Trung và Cầu Bông. Đồng bào Tân Phú Trung ào ra đường ôm lấy Mỹ Hạnh. Người ta òa lên, Út ơi mày đi đâu mà lâu về thế? Bỗng có mấy người mặc đồ xi - vin lẫn trong bà con lục tục tránh đạn ngoài bưng đi về nhìn thấy Hạnh liền vùng bỏ chạy. Hạnh nổ súng ngay tắp lự. Mấy đàn ông sững lại. Thì ra đó là hai thằng ấp trưởng ấp phó và lũ dân vệ ác ôn đã từng săn tìm Mỹ Hạnh bấy nay. Cuộc đời thật trớ trêu. Họ gặp Hạnh và Hạnh cũng mong được gặp họ.

Tôi xa Mỹ Hạnh từ lúc ấy. Hạnh ở lại Tân Phú Trung còn tôi cùng đơn vị tiến vào đô thành. Tiểu đội tôi ai cũng nhớ cô biệt động Mỹ Hạnh mà chả anh nào có may mắn gặp lại cô gái ấy. Vài chục năm sau trong chuyến công tác Sài Gòn tôi trở lại Củ Chi. Bà con kể cho tôi nghe sau giải phóng Hạnh được đi học làm y tá rồi lấy chồng về trên Lâm Đồng sinh sống. Chỉ có điều tiếc là cô ấy mất đã vài năm nay.

2. Cô giao bưu ở Bến Đình Củ Chi

20/4/1975, nơi chúng tôi ém quân ở Bến Đình bên sông Sài Gòn có một đơn vị giao bưu. Chỗ đó nhiều cây ổi lắm. Ổi xùm xòa xuống sông. Những cành ổi gác che mái nhà cho cái trạm giao bưu này nhiều mùa mưa nắng. Trưa nóng, tôi mắc võng sát mặt nước. Nằm nhìn lục bình trôi xuôi dòng và những con cối xay lan lan chạy trên mặt nước tôi chợt nhớ nhà, nhớ ngày bé con của mình.

Cách chừng 10 mét có một cái võng, một cô gái giao bưu cỡ tuổi tôi ngồi thõng chân nhìn bất động ra sông. Mấy ngày nay bộ đội chủ lực về đây đông nghịt kín cả triền cỏ dọc sông Sài Gòn. Cô gái giao bưu nhớ gì mà im lặng đến hàng giờ. Gương mặt thật đẹp. Cô chỉ nhìn vào đám lục bình trôi ngoài sông Sài Gòn. Mặt sông lốm đốm những đám lục bình trôi. Những chùm hoa tím chĩa lên trời. Trưa nắng, có cả tiếng bìm bịp kêu. Sông Sài Gòn lên hơi như khói.

Không biết người con gái ấy nhớ ai? không biết có điều chi uẩn khúc. Mặt trái xoan, mái tóc kẹp cặp ba lá, ngực căng bà ba đen. Chỉ có con mắt là buồn tê tái. Tê tái ngay cả lúc trưa nắng và đầy con trai bên bờ sông im tiếng súng. Chưa bao giờ tôi thấy cô nói, chỉ nhìn đoàn quân ồ ạt trẻ trung như kẻ mộng du rồi lại nhìn ra sông. Cứ thế cô như một hòn vọng phu búi tóc.

Buổi trưa 26/4, sau lúc được trung đoàn phổ biến chiến dịch được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh ai cũng mừng húm. Tôi vội moi cóc ba lô nhưng tìm không thấy cây bút để viết nhật kí. Ngó sang thấy cô giao bưu vẫn ngồi trên võng nhìn ra sông, liền đánh bạo sang hỏi mượn cây bút. Cô gái móc trong cái bồng treo trên cành ổi ra cây Bic đưa cho tôi và khẽ nói, anh cầm lấy mà dùng. Không hiểu sao trang nhật kí hôm ấy tôi toàn viết về con gái Củ Chi. Tôi viết về họ, những người chiến đấu kiên cường trong vòng đai lửa thép mà ai cũng xinh cũng đẹp. Có điều ai cũng buồn buồn.

Chính trong đêm hành quân chiếm lĩnh Cầu Bông Tân Phú Trung tôi đã nghe cô biệt động Mỹ Hạnh kể về cô giao bưu ấy. Năm 1974, trong một trận càn của Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa vào khu vực Bến Đình. Chồng cô gái là trạm trưởng giao bưu đã chiến đấu đến hết đạn và bị địch bắt. Họ có một đứa con trai mới hai tuổi hôm ấy cũng ở lại trạm với bố, còn mẹ đi công tác chưa về. Địch bắt được hai bố con, chúng đưa ra sông buộc đá rồi thả xuống sông Sài Gòn, chính là trước rặng ổi nơi chúng tôi về trú quân vừa qua. Bây giờ thì tôi biết vì sao cô gái xinh đẹp ấy đã bao nhiêu ngày ngồi thõng chân nhìn ra sông Sài Gòn bất động như một hòn vọng phu.

Một thời gian sau 30 tháng 4 năm 1975 tôi lại gặp người con gái giao bưu Bến Đình ở bưu điện khi đi gửi thư về nhà. Cô ngồi trong quầy gửi thư và điện tín. Tưởng cô nhận ra mình nhưng cô nhìn tôi rồi trượt cái nhìn qua đầu ra ngoài sân đầy nắng mùa hè. Vẫn buồn, vẫn im lặng, vẫn đẹp. Ngoài kia, chiến tranh mười ngàn ngày vừa đi qua đất nước tôi và cuộc đời chúng tôi. Năm 1988 khi tôi vào công tác Sài Gòn nghe tin cô ấy cũng mới đi lấy chồng.

3. Chị Bẩy Thơm

Kể từ năm 1993, tôi và Nguyễn Công Thành ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh lên thăm chị, đến nay đã 9 năm. Hai hàm răng chị lúc ấy đã rụng mấy cái, chị cười mà không biết là chị cười. Khổ thế. Một thời cái tên Bẩy Thơm ở xã Tân Phú này ai mà không biết. Chị nhìn không ra tôi, phải nói là: em đây chị, em là Luân 320 này. Chị à à ờ ờ rồi khóc. Khóc chán rồi chị cười. Mà em vô lâu mau? Ở lại không? Bỗng nhiên chị lại khóc: “Mà em ơi chị không nuôi được em bữa cơm như ngày nào đâu...”. Nghe buồn thế, tôi và Thành nín thinh. Ngoài vườn mấy cây lê ki ma - cây trứng gà lá rụng nâu xỉn mặt sân. Hai cái lô cốt chắn cái cổng vào nhà chị biến mất tự bao giờ. Bây giờ chính quyền họ sắp chia lô bán đất, nhà chị vẫn nép sau sự ồn ã của xã hội đổi mới.

Trung đoàn 64 đánh ấp Chợ (Tân Phú Trung). Khó khăn nhất là 2 cái lô cốt bên nam đường chỗ đầu dốc ấp Chợ. Cả căn cứ này có một tiểu đoàn địch hỗ trợ cho cầu Bông cách đó chừng 800 mét. Cô biệt động Mỹ Hạnh ghé tai tôi lúc còn ở trên An Nhơn Tây. Anh yên tâm đi, điều nghiên cụm lô cốt Tân Phú Trung em đã nhắn nhe chị Bẩy Thơm. Tôi hỏi lại, Bẩy Thơm là ai? Là cán bộ phụ nữ nhà sát ngay phía sau đồn địch. Hàng rào dây thép gai lô cốt Tân Phú Trung vào mép vườn nhà chỉ. Lát nữa khi đến Bàu Trâm sẽ gặp Bẩy Thơm để chỉ đưa sơ đồ cụm lô cốt đó anh Hai. Chỉ cũng sẽ là người dẫn đường đại đội đánh bộc phá đó anh.

Đêm ấy tôi gặp chị lúc trăng mờ mờ ngoài đồng dưa leo. Chả rõ mặt nhưng thân hình eo ót và lanh lẹ lẩn vào đêm. Trận đánh hôm 29/4 cũng may mắn là nhà chị không bị trúng đạn hay bị cháy. Chị khoe cái hầm giữa nhà xây cất từ năm Mậu Thân kiên cố lắm. Bên trên là một cái phản rộng bằng bê tông đúc dày đến 15 phân ba hàng mễ vâm vu làm thành mái chắn mảnh pháo. Chiến tranh bom đạn nên gặp rồi xa chẳng ai nghĩ có thể gặp lại chị.

Một tuần sau ngày 30/4, Sư đoàn 320 trở ra Củ Chi đóng quân. Tiểu đoàn tôi lại đóng đúng ngay ấp Chợ. Chúng tôi ra thăm cánh đồng chôn hơn ba mươi tử sĩ của tiểu đoàn hôm 29/4, đi lại những bờ mương, những rặng bằng lăng còn nhuốm màu khói súng. Cuộc sống của dân làng đang còn ngơ ngác thăm dò. Chúng tôi vào ngôi nhà gần cái lô cốt oái oăm kia xin nước và tắm nhờ. Ông già quắc thước chừng ngoài 60 mặc quần cụt ngồi khoanh chân trên phản. Ông nói nghe sang sảng: “Con Bẩy lấy cho mấy chú muợn cái thau”. Ông phẩy phẩy cái quạt: “Tắm rồi vô chơi”. Chúng tôi múc nước giếng tắm ào ào. Rồi vô sân kiếm cái ghế ngồi. Ông già kể: “Sáng 30/4 tao một mình một xe dắt con rựa bám theo bộ đội vô thành phố, suốt cả ngày không thấy thằng Hai, thằng Tư tao mới về”. Mới giải phóng mà có ông già gọi quân giải phóng là mày xưng tao cũng thấy chờn chợn. Ngồi nghe vậy thôi mấy thằng chưa dám hỏi gì. Ông bảo, mai vô đây tao kêu con Bẩy nướng bánh tráng nhậu vài li đế chơi. Tò mò quá. Nhậu bánh đa nướng với rượu đế? Chưa bao giờ tôi từng biết. Tối hôm sau chúng tôi lại vào. Chị Bẩy nướng mấy cái bánh đa và thái mấy quả xoài xanh. “Bánh đa Củ Chi có tiếng chả kém gì Trảng Bàng đâu hà”. Ông già nói rồi đưa li cho chúng tôi. Ông đưa li nào thì tôi uống li ấy. Hồi đó tôi chưa từng uống rượu nhưng cứ uống và thấy cũng hay hay. Rồi nghe ông kể. Trong lúc ông kể thì chị Bẩy lụi hụi gọt thêm xoài, nướng thêm bánh. Ôi thì ra là du kích Bẩy Thơm tôi đã gặp ngoài đồng cái đêm vào đánh ấp Chợ. Từ lúc ấy tai nghe câu chuyện ông già kể còn mắt thì nhìn chị Bẩy. Tấm áo bà ba căng căng. Mặt cúi xuống hiền khô chả thấy ngẩng lên.

...Thằng Hai đi tập kết theo mấy anh mới mười mấy tuổi. Lớn lên thằng Ba, thằng Tư kém nhau mỗi đứa 2 tuổi, cũng đi giải phóng lúc mỗi đứa vừa mười tám. Thằng Năm mãi tới 71 cũng đi huyện đội. Cái năm 70 thằng Ba bị bắn chết trên Tân Thông, tụi nó đưa xác về để ngoài chợ phơi hai nắng. Đêm tao mò ra lấy xác nó đem chôn. Một mình một cây rựa tao vác nó ra tận ấp Bàu Trâm… Rồi ông khà. Ông ngó ra ngoài vườn. Chị Bẩy cũng thở dài nhìn vào đêm. Ông nói tiếp: 30/4 tao mừng quýnh quáng, dắt cây rựa nhằm đường qua thành Quan Năm theo bộ đội đi tìm thằng Hai, thằng Tư, thằng Năm. Tao hỏi chả ai biết thằng Hai, thằng Tư với thằng Năm là thằng nào. Bộ đội chỉ cười bảo tao chắc các anh ấy ở cánh quân khác. Biết bao nhiêu là cánh quân tao tìm sao nổi. Năm ngoái tao nghe có người trên huyện mới ở ngoải về nói thằng Hai được đi Nga Xô học làm cũng lớn lắm ở ngoài Y tế. Thế nào mà nó chả theo về giải phóng. Thằng Tư đi bộ đội xuống tận Bến Tre. Thằng Năm dông lên Tây Ninh. Hôm nay vẫn chưa đứa nào về. Tao ở cái vườn này từ ngày thằng Mĩ chưa xây cái lô cốt kia. Nó làm lô cốt rồi, nhà mình rặt bộ đội với tập kết ai cũng kêu bỏ đó đi. Tao thây kệ tao cứ ở đây nó mới ngán. Tao chả đi đâu hết ngày tao ra đồng tối tao về ngủ. Con Bẩy đi Phụ nữ tau kêu liệu mà giữ lấy thân.

Chị Bẩy mặn mòi, chị làm Phụ nữ xã nhưng hoạt động hợp pháp. Hai mươi lăm tuổi chưa có chồng. Nghe đâu có thương anh nào đó trên bộ đội Củ Chi mà ảnh hi sinh rồi. Mươi ngày sau chúng tôi về đóng trên Đồng Dù. Vài tuần được ra khỏi doanh trại một lần, lại chạy nhờ honda xuống Tân Phú Trung ghé vào nhà chị. Ông kêu chị Bảy nấu cơm ăn, ngồi với ông học uống rượu đế. Một bữa thấy nhà đông hơn, có người đàn bà và hai thằng nhỏ 6, 7 tuổi. Chị bảo vợ và hai con anh Tư ở Bến Tre về. Anh Tư hi sinh từ năm 1970 cùng năm anh Ba. Tháng 8 năm 75 tôi đến, chị mừng quýnh khoe, mày lâu không xuống nên không gặp anh Hai. Ảnh về rồi, học ở Nga Xô về mang cả vợ người Bắc nữa. Ảnh làm cục phó cục gì gì về dược đó, ở nhà vài bữa rồi đi ở dưới thành phố. Chị Ba về lại Bến Tre, hai đứa con để đây ở với nội, tao nuôi luôn. Rồi sau đó là làng quê giải phóng thay da đổi thịt hừng hừng vô tổ hợp, tập đoàn. Cái cầu Bông cách ấp Chợ non cây số cũng xây lại, mang cái tên cầu An Hạ. Cánh đồng phía tây ấp Chợ có một con mương đào lấy nước mang cái tên Phạm Văn Hai, rồi nông trường này nọ mọc lên. Những rặng bằng lăng ngoài bờ ruộng chỗ còn, chỗ chặt đi. Đôi chỗ bằng lăng còn sót lại hoa vẫn tím ngan ngát mỗi độ tháng năm về. Năm 2003, tôi đi công tác, lên thăm Tân Phú Trung. Con đường Xuyên Á rõ to và phẳng đẹp. Dừng lại ở cầu Bông nhìn xuống dòng nước rợp những thân dừa nước và lau sậy khi xưa bây giờ chỉ thấy là quán sá. Cái chợ xưa vẫn còn đó. Cái dốc lên chợ nay ít dốc hơn. Chỉ có một đặc điểm là những bờ mương, bờ ruộng vẫn đầy kịt lục bình như xưa. Củ Chi vời vợi xa mà gần sau tiếng búa máy và xe cộ xoe xóe ngoài đường.

Trước mắt tôi, chị Bẩy Thơm phụ nữ tháng Tư năm xưa vẽ sơ đồ đồn Tân Phú, giờ là một bà già móm mém trong ngôi nhà vắng. Ngoài kia tiếng máy ủi máy búa đang rầm rập thi công khu công nghiệp Tân Phú Trung. Cái vườn có những cây lê ki ma vẫn xanh mướt nhưng đã là của người khác. Bờ ao hoa lục bình thì vẫn tím.

Hơn bốn chục năm rồi, nhớ lại những người phụ nữ Ba mươi tháng Tư năm Bẩy lăm mà lòng tôi bâng khuâng quá…

Nguyễn Trọng Luân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy