Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:34 (GMT +7)

Những người bạn Mỹ giúp đỡ chúng tôi

VNTN - Trước đây văn học thế giới được người Việt Nam biết đến không nhiều lắm. Ngoài văn học Trung Quốc có mặt ở Việt Nam hàng nghìn năm là văn học Pháp - Văn học Nga Xô - Viết. Văn học Anh - Mỹ cho đến nay vẫn chưa nhiều mặc dù Mỹ có một nền văn học đồ sộ, rực rỡ và lại có đến 30 năm liên quan đến Việt Nam trong cuộc chiến tranh (1954 -1975).

Kể cũng lạ, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ cập thế giới. Văn học Mỹ có ảnh hưởng lớn trên thế giới nhưng vấn đề phổ biến, dịch thuật, nghiên cứu văn học Mỹ mãi đến cuối thế kỷ XX ở nước ta vẫn chưa được coi trọng. Mặc dù người Việt Nam đã sớm tiếp nhận văn học Mỹ.

Có lẽ Cụ Phan Bội Châu là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu văn học Mỹ... Từ thế kỷ XVII các giáo sĩ phương Tây khi sang các nước Đông Á truyền đạo đã tuyên truyền hình ảnh Washington - Người cha đẻ ra nước Mỹ với tất cả những phẩm tốt đẹp và tài năng uyên bác của vị Tổng thống khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Từ năm 1838 báo chí Trung Quốc đã đăng tải những bài viết ca ngợi Washington. Báo “Đông Tây dương khảo” đã đăng “Giản lược ngôn hành Washington” liên tục trong nhiều tháng; coi Washington như là “Nghiêu Thuấn”.

Phan Bội Châu đến Trung Quốc hoạt động cách mạng đã đọc những số báo này. Trong những trang hồi ký của mình, cũng như qua “Phan Bội Châu niên biểu” cho ta thấy, trong những ảnh hưởng của văn học thế giới đối với Cụ, có cả văn học Mỹ. Điều này thể hiện rõ nhất ở tác phẩm “Sùng bái giai nhân” được Cụ viết năm 1907. Cụ Phan cũng cho ta biết là Cụ đã đọc tác phẩm Washington tự truyện rồi rút ra những bài học thiết thực, nhất là tư tưởng cách mạng của Washington.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu "Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ" nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. (Nguồn: cinet.vn)

Năm 1911 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc về sau là “Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”, người thuộc thế hệ kế tiếp của Cụ Phan Bội Châu đã đến nước Pháp để tìm đường cứu nước. Sống ở thủ đô văn hóa thế giới, Paris, chắc chắn Bác Hồ đã tiếp xúc với văn hóa Mỹ, trong đó có bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Jefferson để rồi năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã đưa nội dung của bản Tuyên ngôn này: “Chúng tôi coi những chân lý sau đây là hiển nhiên. Rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng; rằng tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể chối bỏ được, trong những quyền này có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc (Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1776) vào bản Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân, đồng bào và thế giới ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài năm 1960 Bác đã cho biết, lúc ở Pháp Bác đã thích đọc Jack London “nhà văn vô sản đầu tiên của nước Mỹ”. Đặc biệt là tác phẩm “Gót sắt”.

Văn học Mỹ đã thâm nhập vào nước ta sau thế hệ của Cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ngày càng sâu và rộng hơn từ những năm 30 của thế kỷ trước. Phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ đã tiếp xúc với văn học Mỹ chủ yếu là qua văn học Pháp, không rầm rộ, không ào ạt nhưng đáng kể.

Tuy vậy, có thể nói, 30 năm có mặt của chủ nghĩa thực dân mới (Mỹ) ở miền Nam Việt Nam nhưng văn học Mỹ ở miền Nam không có vị trí như các nền văn học Pháp và văn học Trung Quốc (cũng là điều hơi lạ). Ngoại trừ sách bán chạy (Best Seller Books) sách giải trí, sách tình dục và vụ án, văn học Mỹ chỉ có thể lọt được vào địa bàn này vài tên tuổi như W. Faulkner, E. Hemingway, J. Dos, Passos… nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu sơ lược.

Văn học Mỹ ở miền Bắc bắt đầu từ những tác phẩm ưu tú của các nhà văn Mỹ. Từ các nhà văn hiện thực, những nhà văn giàu lòng nhân đạo, những trí thức ưu tú của nước Mỹ không chấp nhận xã hội tư bản mang đầy những bệnh hoạn và vô nhân đạo của nước Mỹ.

Mặc dù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lá cỏ của Whitman, Chuông nguyện hồn ai, Vĩnh biệt vũ khí của Hemingway, Cái chết của người chào hàng của A.Miller… cũng ra mặt trận trong ba lô của những anh bộ đội miền Bắc. nhưng việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Mỹ có vẻ như chững lại vì chiến tranh khốc liệt. Đến sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước ta bắt tay xây dựng đất nước trên mọi mặt của một quốc gia thống nhất. Hệ thống giáo dục được xuyên suốt từ Bắc vào Nam. Rồi đến năm 1986, năm Đảng ta chủ trương Mở cửa và Đổi mới. Điều kiện tiếp xúc với văn học Phương Tây và văn học Mỹ được cải thiện. Nhưng cũng theo làn gió “Mở cửa”, nhiều thứ không phải văn học Mỹ chân chính cũng ùa vào. Chúng ta chưa kịp chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt đã phải đối phó với tình trạng xô bồ, lộn xộn trong xuất bản. Trong tình hình đó, nghiên cứu phê bình, giảng dạy văn học Mỹ vẫn yếu ớt, mờ nhạt.

Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng hơn 1000 đầu sách văn học Mỹ đã được dịch ở Việt Nam với hàng triệu bản(*) .

Mãi đến tận những năm 60 mới có một vài cuốn sách của các nhà văn Mỹ, được dịch ở nước ta nhưng nghiên cứu và giảng dạy văn học Mỹ thì hầu như chưa có! Đến những năm 70, không biết xuất phát từ đâu, trong xã hội người ta ngại cả sử dụng từ điển tiếng Anh, bởi tiếng Anh là ngôn ngữ người Mỹ sử dụng. Nhưng cũng thời gian này lác đác xuất hiện những tiểu luận nghiên cứu văn học Mỹ. Đầu tiên là của những người biết tiếng Anh đọc và yêu văn học Mỹ như Đặng Thế Bính, Đào Xuân Quý... tiếp đến là một trong số 7 tiến sỹ văn học đầu tiên được nhà nước gửi sang Liên Xô đào tạo có viết về văn học Mỹ - Tiến sĩ Nguyễn Đức Nam, vốn là nghiên cứu sinh Văn học Hiến chương Anh. Cho đến hết những năm 80 của thế kỷ XX vẫn chưa có một cuốn sách nào nghiên cứu văn học Mỹ.

Tôi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về nước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn cuối. Được phân công công tác ở một viện nghiên cứu. Chưa ổn định công tác lại vào quân đội, bỏ dở dang cái nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn học Mỹ trong sự nghèo nàn và rời rạc của văn học Mỹ ở Việt Nam.

Vài người nghiên cứu văn học Mỹ lớn tuổi đã ra đi. Lớp cùng tuổi và ít hơn chẳng có ai cùng làm việc này, gần như đơn thương độc mã. Trở về khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi mới lại bắt đầu.

Việc nghiên cứu, giảng dạy văn học Mỹ của chúng tôi bắt đầu trong hoàn cảnh đó, với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nếu không có sự hợp tác và giúp đỡ của những bạn bè người Mỹ.

Hồi ấy bao nhiêu là khó khăn, trở ngại. Sách, tác phẩm của các nhà văn Mỹ ở miền Bắc không có. Không phải dễ dàng tìm được và đọc bởi lý do an ninh. Ngay ở các trường đại học và các thư viện ở miền Nam mà chế độ Sài Gòn để lại cũng bị niêm phong. Giáo trình, tiểu luận, lịch sử văn học Mỹ đều rất khó tìm. Tiếp xúc với bạn bè người Mỹ đồng nghiệp cũng thật khó khăn.

Nhưng rồi với thời gian, với chính sách của Đảng và Nhà nước ta mọi khó khăn trở ngại đều được tháo gỡ! Đặc biệt là từ sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, riêng những người làm văn nghệ, trong đó có chúng tôi đã có cơ hội và điều kiện thuận lợi.

Năm 2000 tôi nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Tạp chí tiếng Anh Vietnam Social Sciences của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đăng tải những công trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Một trong những khó khăn và trở ngại nhất của chúng tôi là tiếng Anh. Đọc và hiểu tiếng Anh khoa học là khó lắm. Dịch ra tiếng Anh những nghiên cứu khoa học chuyên ngành của khoa học xã hội như triết học khảo cổ, văn học…lại càng khó. Tôi làm Tổng Biên tập trong 13 năm, hàng năm phải ra 6 số, mỗi số 120 -130 trang bằng tiếng Anh, nếu không có sự giúp đỡ của các bạn Mỹ thì khó mà hoàn thành công việc. Các bạn giúp hiệu đính, dịch thuật những đề tài khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam sang tiếng Anh bảo đảm tính khoa học và tính chính xác của những thuật ngữ và nội dung. Nhiều người bạn Mỹ viết bài cho Tạp chí chúng tôi. Tôi có may mắn là dạy ở Khoa tiếng Việt của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) nên gặp được nhiều bạn Mỹ là sinh viên sang học. Quan hệ đồng nghiệp và thầy trò đã giúp đỡ lẫn nhau rất hiệu quả. Sau này nhiều người tốt nghiệp về Mỹ vẫn giữ quan hệ và giúp đỡ chúng tôi trong công việc hiệu đính và dịch tiếng Anh cho Tạp chí Việt Nam Social Sciences.

Trong những người bạn Mỹ đã từng giúp đỡ chúng tôi, có lần gặp nhau, một người bạn Mỹ đã nheo mắt cười nói với tôi: “Lúc ấy, ngoài mặt trận gặp nhau, tao đã đòm mày rồi đấy, hoặc không mày cũng đòm tao chứ nhỉ”. Tôi rất vui, tặng ngay anh bạn cuốn sách tôi vừa mới in.Tiếu thuyết của Hemingway (Nxb KHXH 1999 tái bản 2018) lật chương Chuông nguyện hồn ai và bảo: “Chuông nguyện hồn cậu hay nguyện hồn tôi; ai mà biết được nhỉ”. Rồi chúng tôi ôm nhau cười.

Nhiều thành viên trong Đội Hòa Bình (Peace Corp) sẵn sàng làm cố vấn khoa học, và giúp chúng tôi trong việc tìm hiểu văn hóa, văn học Mỹ, dịch và hiệu đính tiếng Anh cho những bài báo, báo cáo khoa học, cho hội thảo khoa học mà không nhận thù lao và nhuận bút.

Với thiện chí và mục đích giao lưu và phát triển văn nghệ của Hoa Kỳ và Việt Nam, những tổ chức như Trung tâm Văn hóa Hoa Kỳ ở Rose Garden (Vườn hồng Hà Nội) hay Trung tâm William Joinner Center ở Boston Massachusette đều tạo điều kiện thuận lợi cho những tổ chức và cá nhân chúng tôi nghiên cứu văn hóa, văn học Mỹ.

Tôi đã nhận được cuốn Lược sử văn học Mỹ (Outline of American Literature) do Thông tấn Hoa Kỳ (United States Information Agency) gửi tặng. Trên cơ sở cuốn sách này tôi đã viết cuốn Lịch sử văn học Mỹ (Nxb Giáo dục , 2005. Nxb Đại học Quốc gia, 2018 tái bản. 532 tr khổ 16x24cm).

Tôi cũng nhận được nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ để viết các cuốn sách. Tác gia văn học Mỹ thế kỷ XVIII - XX, Văn học Mỹ những Vấn đề và tác giả, Một số vấn đề văn hóa Mỹ sau chiến tranh thế giới II, Vấn đề tôn giáo Mỹ đương đại, Tiểu thuyết Hemingway…

Năm 2005 tôi đến Trung tâm William Joinner Center và Đại học Washington công tác. Bạn bè ở đây đã hết sức nhiệt tình đón và giúp đỡ tôi tìm đến khách sạn Hommi Parker, nơi đây năm 1913 Bác Hồ đã sống và làm việc như một người thợ làm bánh. Cái bàn đá Bác đã nhào bột làm bánh vẫn còn đó. Các bạn đưa tôi đến Tháp đôi bị bọn khủng bố Bill Laden san phẳng còn nền đất rào kín với địa danh số không (0) nhìn ra biển có bức tượng Nữ Thần Tự do mà Bác Hồ đã đến thăm để rồi viết nên những bài báo đầy xúc động về giai cấp lao động Mỹ những năm đầu thế kỷ XX. Về nước tôi đã viết bài báo “Thăm nơi Bác Hồ làm bánh ở Hoa Kỳ” (báo Sài Gòn giải phóng số 19/5/2005) được nhiều bạn đọc khen.

Cùng với sự hòa giải của hai dân tộc Việt - Mỹ mà hôm nay văn hóa, văn học Mỹ đã được nghiên cứu và giảng dạy và phổ cập rộng rãi ở nước ta và văn học Việt Nam không còn xa lạ với người Mỹ, mà mới có hiện tượng các nhà lãnh đạo cao cấp Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam và đón lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta sang thăm Mỹ, đã ngâm thơ Kiều trong những lần gặp nhau:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ

vén mây giữa trời.

--------------------------

(*)Vì nhiều ấn phẩm Văn hóa Mỹ không được nộp lưu chiểu và nạn in lậu, in chui rất phổ biến nên không có con số để thống kê.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy