DÀNH CHO CÁC EM NHÂN NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1 – 6
Những ngày hè thơ dại
Mùa hè năm ấy nó tròn tám tuổi, mẹ nó vừa mất vì một tai nạn lao động trong nhà máy. Thấy nó buồn bã ngẩn ngơ cả ngày, bố gửi nó về quê ngoại dưới Xuân Hòa – Vĩnh Phúc chơi với các cậu các dì ít hôm.
Tên nó là Giang. Ở dưới quê khoảng chục ngày thì Giang nhớ nhà nằng nặc đòi bà đưa về Thái Nguyên. “Đợi đến Chủ nhật này rồi bà khắc bảo các cậu mày đưa về, ngày thường các cậu mày còn phải đi làm chứ”. Bà ngoại vừa nhai trầu vừa gắt.Nó nhớ bố, nhớ các chị nên tìm đủ mọi cách, từ khóc lóc cho đến giả vờ nhịn ăn để gây áp lực với bà. Nó tuyên bố: “Mai cháu tự đi bộ về nhà”. “Mày giỏi nhỉ, giỏi thì cứ đi đi, ra đường nó bắt cóc cho hết giống…”. Bà ngoại lầm bầm rồi hơ hoải cắp chiếc nón đi ra ngoài cổng.
Minh họa: Minh Thư (15 tuổi)
Chiều tối, nó ngồi thu lu ở góc sân, mặt buồn rười rượi tính xem còn cách nào để bắt bà đưa về nhà không thì bà bảo: “Vào ăn cơm đi, mai bà bảo cậu Mỹ mày đèo về Thái Nguyên”. Nó nhảy cẫng lên sung sướng.Cậu Mỹ người cao dong dỏng, tay phải cậu hơi thõng xuống và bàn tay ấy thiếu mất hai ngón. Bà ngoại bảo: “Cậu mày là bộ đội đặc công, là thương binh đấy”.
Sáng hôm sau cậu Mỹ đạp cái xe Thống nhất, mặc bộ quần áo bộ đội cũ rích đến nhà bà ngoại để đưa nó về nhà, nó mừng rỡ hớn hở nhảy tót lên gác ba ga, quên cả chào mấy thằng em con nhà các cậu các dì.
Đường về nhà từ Xuân Hòa lên Thái Nguyên xa lắm! Những lúc thấy nó im im, thấy vòng tay ôm lưng của nó lỏng ra, cậu sợ nó ngủ gật nên lại gợi chuyện hoặc chỉ cho nó xem cảnh vật trên đường để nó tỉnh táo: “Đây là dãy núi hình dáng giống con Thằn Lằn sừng sững dưới ánh nắng hè. Kia là những cái cái lô cốt màu xám mốc với những lỗ châu mai hình vuông như con mắt trố ra thô lố nhòm xuống đường đất đỏ…”. Cậu gò lưng đạp trên một đoạn dốc dài như vô tận: “Dốc Dây Diều đấy!”. “Sao lại gọi là Dốc Dây Diều hả cậu?”. “Vì dốc dài mười bảy cây số và lên tà tà như đoạn dây diều đang hứng gió vút lên…”. Đường về nhà mải miết cọt kẹt theo tiếng xích xe đạp cũ, theo những gập ghềnh xóc nẩy của lốp xe đạp cũ quấn dây cao su và rủ rỉ những lời cậu kể. Nó thì lúc tỉnh như sáo, lúc gà gật dựa vào lưng áo ướt đẫm mồ hôi của cậu…
*** Rồi cũng về đến nhà. Bố đang lúi húi ngoài giếng trước cửa nhà thấy tiếng xe đạp dừng trước cổng nhòm ra mừng rỡ kêu to: “Thằng Mỹ”.Nó chạy tọt vào trong nhà thấy hai chị nó đang nhòm ra cửa, mặt tai tái ngơ ngác. Nó ngạc nhiên hỏi: “Ơ, hai chị làm sao thế?“. “Suỵt, tại bố vừa hét “thằng mỹ,” bọn chị cứ tưởng là “thằng mỹ” hóa ra là cậu Mỹ nhà mình". "Ha ha!". Nó phá lên cười khoái trá.
Cậu Mỹ ở lại nhà nó chơi mấy ngày. Hôm sau cậu dẫn nó ra vườn chặt đoạn tre để làm cho nó một chiếc nỏ. Nó thích thú ngồi chồm hỗm bên cạnh háo hức chờ. Cánh nỏ làm bằng cật tre già chuốt lá chuối khô bóng nhẫy. Cậu vót mấy mũi tên, chẻ phía đuôi mũi tên rồi kẹp ngang vào đó một mẩu tre ngắn: “Đây là cánh để lái mũi tên,” cậu giải thích. Nó hồi hộp và có một thoáng lo lắng lướt qua trong đầu, khi thấy cậu miết miết ngón tay vào đầu mũi tên nhọn hoắt.
Cậu đưa nó ra quả đồi sau nhà nơi có rặng tre lác đác tiếng chim kêu, giương chiếc nỏ lên, cậu nheo mắt ngắm vào một con chim đang lích rích gần đó. “Tạch” mũi tên bật khỏi cánh nỏ. Loạt soạt trên đám cành lá rậm rạp một con chim rơi xuống. Nó reo lên: “Trúng rồi hả cậu?”. Cậu không trả lời, cậu đang tìm gì đó thì phải, mắt cậu cứ nhìn chăm chăm vào chỗ con chim vừa bị trúng tên…
- Cậu cho cháu thử, cháu muốn bắn thử!Nó háo hức giằng lấy cái nỏ từ tay cậu, vòng ra phía bụi cây gần đường, mắt nó nghếch lên tìm mục tiêu. Chợt nó giật bắn người vì một giọng nói oang oang: “A, thằng này chơi nỏ, chơi vũ khí nguy hiểm nhé”. Nó nhìn lên: Ôi, ông Dân!
Ông Dân làm xã đội trưởng, bố nó bảo thế, còn xã đội trưởng là gì thì nó không biết. Mặt ông sần sùi đen sì, bước chân ông đi cứ huỳnh huỵch, bọn trẻ con trong xóm rất sợ ông vì các bà mẹ thường hay lôi ông ra dọa mỗi khi chúng không nghe lời. Ông lại còn có cả súng, và sợ hơn nữa là có lần ông còn bắn “đoàng đoàng” ngay sau đồi cỏ tranh nhà nó. Hồi đó mẹ nó còn sống, nửa đêm nghe có tiếng hô kẻ trộm, bố nó vớ thanh gỗ mở cửa lao ra khỏi nhà theo đám người đuổi trộm, rồi có tiếng nổ vang lên, mẹ nó líu lưỡi hét lên: “Ối làng xóm ơi, trộm nó bắn ông nhà tôi rồi”(!). Mấy chị em nó ôm chặt lấy nhau sợ hãi. Một lúc sau bố nó về kể: “Ông Dân đuổi kẻ trộm, kẻ trộm chạy thế là ông nổ súng bắn chỉ thiên…”. Nó không biết bắn chỉ thiên là gì nhưng từ đó nó càng sợ ông Dân hơn.
Và giờ thì ông Dân đang đứng trước mặt nó, giọng ông oang oang đe dọa:- Ai cho chơi cái trò nguy hiểm này hả? Đưa ngay cho ông!Nó hoảng sợ người cứ đơ ra. Ông giật cái nỏ khỏi tay nó vừa đi vừa bẻ răng rắc rồi vung tay ném xuống cái ao cạnh đó. Nó hoảng hốt gọi: “Cậu ơi, cậu ơi!”. Nó hi vọng cậu sẽ chạy ra giật lại cây nỏ của nó trên tay ông Dân, thậm chí nếu cần cậu nó sẽ giở võ đặc công ra đánh nhau với ông ấy nữa. Nhưng không. Cậu nó đi từ trong nhà ra, bố nó cũng đi từ trong nhà ra nhưng cả hai chỉ nhìn theo ông Dân rồi nhìn nó im lặng…
Thật khó hiểu! Khó hiểu quá những người lớn này. Nó òa lên tức tưởi. Cái nỏ, những mũi tên và cả một buổi chiều háo hức ngồi nhìn bàn tay cụt ngón của cậu tỉ mẩn chau chuốt...Nó cứ đứng mãi ở cổng mắt nhìn chết trân về cái ao phía bên kia đường, nơi chiếc nỏ vừa bị ông Dân ném xuống.- Giang ơi vào đây cậu bảo này! Nó ngẩng lên, cậu Mỹ đứng bên cạnh nó từ lúc nào không biết.
- Cháu ghét cậu, sao cậu để cho ông Dân lấy nỏ của cháu? Sao cậu không đánh nhau với ông ấy? Thế mà bà bảo cậu là bộ đội đặc công. Nó ấm ức nói một thôi một hồi, nước mắt nó lại chảy, nó tiếc lắm, cái nỏ còn chưa được bắn thử phát nào.- Ừ, được rồi, nín đi vào đây cậu cho xem cái này. Cậu dỗ dành rồi kéo tay nó, miễn cưỡng nó lủi thủi đi theo vào nhà rồi nằm vật ra giường giận dỗi.- Cháu có biết vì sao cậu không lấy lại cái nỏ cho cháu không? Cậu hỏi, bàn tay xoa nhè nhẹ vào lưng nó.
- Cậu sợ ông Dân chứ gì! Mà hôm nay ông ấy có mang súng đâu cơ chứ. Nó ấm ức trả lời và vẫn nằm úp mặt xuống giường. Cậu không nói gì mà đứng dậy đi ra góc nhà rồi quay lại bên cạnh nó.- Không phải như vậy đâu, ngồi dậy cậu cho xem cái này.Nó vẫn nằm im, hé mắt qua cánh tay che mặt để nhìn, Trên đôi bàn tay thiếu hai ngón của cậu là cái tổ chim kết bằng cỏ khô. Nó ngồi bật dậy nhòm vào: Mấy con chim non đỏ hỏn trần trụi đang run rẩy trong tổ, ngửa cổ há cái họng to đòi mồi mẹ. Nó chợt rùng mình: Những con chim non, những con chim mồ côi mẹ giống như nó.
- Cậu... Nó lắp bắp: “Lúc nãy cậu bắn chết chim mẹ rồi phải không?”. Cậu im lặng nhìn vào mấy con con chim non rồi nhìn vào mắt nó:- Giang à, lúc cậu làm nỏ cho cháu, cậu không nghĩ đến chuyện này, cậu chỉ muốn làm đồ chơi cho cháu vui thôi, lúc giương nỏ lên cũng vậy, cậu không kịp nghĩ rằng đó là con chim mẹ đang đi kiếm mồi về cho những con chim vừa nở... Giọng cậu chợt lắng xuống: “Người lớn cũng có lúc sai cháu à”.- Những con chim này, chúng sẽ sống chứ cậu? Nó hỏi mắt nhìn chăm chú, tay nó đỡ rất nhẹ nhàng tổ chim từ tay cậu.- Nó sẽ sống, nhưng chúng ta phải chăm sóc chúng thay cho chim mẹ.Cậu đặt cả hai bàn tay lên vai nó giọng trầm xuống:
- Giang này, mai cậu về dưới quê rồi, cháu chăm sóc nó, bắt cào cào châu chấu cho nó ăn nhé?- Vâng, cháu sẽ chăm nó! Nó áp sát cái tổ vào người như muốn truyền hết những yêu thương, hơi ấm sang những con chim non đang run rẩy.Và lạ quá, giờ đây trong đầu nó không thấy tiếc cái nỏ nữa, cũng không giận cậu Mỹ, không tức ông Dân mặt đen, thậm chí nó còn nghĩ: Giá mà ông Dân tịch thu cái nỏ lúc cậu chưa bắn chết con chim mẹ thì tốt biết bao!***Một tuần đã trôi qua.Buổi sáng hôm ấy bố đi làm ca đêm về, mệt mỏi và kiệt sức, như thường lệ bố dặn mấy chị em không được nói to để cho bố ngủ, rồi bố nặng nề đặt lưng xuống chiếc giường gỗ cũ.
Cái tổ chim hôm nay đặt chênh vênh trên một góc bàn, những tiếng kêu chiêm chiếp đòi ăn, những cặp cánh chim đang kín dần lông vũ chen chúc cựa quậy. Chim non đang lớn, cái tổ đã trở nên chật chội. Mấy con chim con nhảy lên đứng trên thành tổ, cái tổ chim động đậy, xê dịch, nghiêng dần ra mép bàn…Rồi tổ chim rơi xuống đất!
Thằng Giang cầm cái bao diêm cũ bên trong đựng cào châu chấu vừa bắt đi vào nhà, không nhìn thấy cái tổ chim trên mặt bàn, nó cúi xuống: Những con chim nằm thoi thóp trên nền nhà đất. Nó thảng thốt hét lên: “Chị ơi, chim chết rồi!”. Chị nó chạy vào: “Suỵt. Khẽ cho bố ngủ!”. Nó cuống quýt, tay run run nhặt những con chim nằm im dưới đất bỏ vào tổ rồi gào lên: “Chị ơi chim chết rồi!”. Chị sợ hãi lấy tay bịt mồm nó, mắt nhìn về phía góc giường nơi bố ngủ…
Bố dậy rồi! Bước chân bố đi chung chiêng mệt mỏi tới chỗ chị em nó. Mắt bố đỏ ngầu lơ mơ vì thiếu ngủ. Ánh lửa lò gang đã rọi vào mắt bố nó suốt một đêm làm việc. Không nói câu nào, bố nó vơ lấy tổ chim trên bàn ném thẳng ra ngoài vườn. “Bố ơi, bố!”. Nó gào lên thất thanh, cổ họng nghẹn lại. Bố nặng nề lê những bước chân liêu xiêu kiệt sức về phía chiếc giường gỗ cũ kỹ rồi đổ vật mình xuống.
Nó ngộp thở, chết lặng. Nó không khóc, không gào lên được nữa. Nó chạy ra chỗ tổ chim vừa bị ném xuống. Những con chim không động đậy, chim non đã chết. Một tuần xoắn xuýt bón mồi, một tuần ngóng chờ chim lớn, một tuần giãi nắng phơi đầu trần trên đồi cỏ tranh bắt cào cào châu chấu… Giờ, những con chim non trong mắt nó không đơn thuần chỉ là những con chim, đó là những đứa em bé bỏng yếu ớt mà nó chăm chút từng ngày. Là cả thế giới của nó trong những ngày hè này… Bố ơi, sao lại thế?Nó đào một cái hố nhỏ đặt những con chim vào đó rồi lấp đất lên, hái những bông hoa dừa sáu cánh màu tím nhạt, xâu lại bằng những nhành cỏ dại. Thút thít khóc, nó đặt chùm hoa lên mộ chim non.
***Ngày ấy Bố làm việc ở Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Lửa lò luyện gang nghìn độ rừng rực chói chang xuyên qua lớp quần áo bảo hộ bằng vải bạt. Mồ hôi chưa kịp thoát ra khỏi lỗ chân lông đã bốc hơi khô khốc. Những ca đêm ấy khiến cho bố mỗi buổi sáng đạp xe về đến nhà thì muốn kiệt sức…Bố cần một giấc ngủ sâu để buổi chiều khi thức dậy tỉnh táo, để yêu thương đàn con thơ dại được nhiều hơn.
Chiều hôm sau bố dậy muộn. Đến bên cạnh nó đang ngồi bên ụ đất nhỏ, bố nhẹ nhàng xếp lại những cánh hoa dừa màu tím trên mộ chim non. Khẽ ôm nó vào lòng, bố nói: “Bố xin lỗi! Vào ăn cơm nhé con trai!”Ấu thơ luôn đan xen những êm đềm và dữ dội.Ấu thơ găm lại trong đầu những câu hỏi mà chỉ khi thành người lớn câu trả lời mới có.
Trần Giáp
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...