Thứ ba, ngày 15 tháng 04 năm 2025
20:46 (GMT +7)

Mắt nắng

Tháng tư, trời quang mây tạnh. Những vạt nắng đầu hè không đủ chói chang gay gắt nhưng với tôi, nó là những tia nhọn chạm vào ký ức, làm cho trái tim tôi lại thổn thức với kỷ niệm từ miền xa dội về… 

Lên cấp hai, tôi và Hùng học chung một lớp, hai nhà lại cùng ở xóm Cầu cách nhau một một lối nhỏ, ở giữa có cây nhãn cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát. Vào tháng tư, khi những bông hoa nhãn li ti rụng xuống đầu hai đứa, Hùng thường ví chúng như những vì sao. Dưới cây nhãn là một khoảng đất trống được dùng làm bãi đổ cát do các cô chú công nhân khai thác từ dưới sông Cầu lên, chia đều, gạt phẳng thành từng khối để tính sản phẩm sau đó vận chuyển vào nhà máy làm vật liệu xây dựng. Đây cũng được coi là sân chơi của bọn trẻ con trong xóm.

Mắt nắng
Minh họa: Gia Bảy

Buổi trưa, chúng tôi thường tụ tập, chia cho nhau khi thì trái ổi xanh, lúc thì những cái dái mít chát xít, chờ những khối cát được đo xong rồi cùng nhau trèo lên, lộn xuống, thỏa thích nô đùa… Hùng được xem như một nhân vật không thể thiếu trong các trò chơi. Hắn khá đẹp trai, đôi mắt trong veo lấp lánh những tia nắng lúc nào cũng ánh lên tinh nghịch, đã thế cái miệng luôn tủm tỉm cười, khoe lúm đồng tiền trông càng dễ “ghét”. Hùng hay pha trò hài hước, đôi khi nổi hứng, hắn còn bắt chước nhân vật hề trong tích chèo “Từ Thức gặp tiên”. Tay xoay xoay múa gậy, quần ống thấp ống cao, cất cái giọng nhão nhoẹt: “Bác gọi con, con còn đang mắc dở” (Hùng lại hạ giọng giả làm Từ Thức”: “Mắc dở cái gì?: “con đang mắc dở khai đao hai vợ chồng con chão chuộc, nó đè nhau làm nát cái ao rau cần. Con bắt nó ra đây để xé xác phanh thân, tăng trình lột thảm”…

Mặc dù cái tích ấy được diễn đi diễn lại nhiều lần nhưng lần nào bọn trẻ con chúng tôi cũng cười nắc nẻ vì hắn biết cải biến, làm mới từng động tác. Trong những trò nghịch ngợm, Hùng mà đứng thứ hai thì không có ai là số một. Có lần, chẳng ai biết Hùng ẩn mình trên cây nhãn từ khi nào, chờ các chú kiểm tra đo cát xong, bất thình lình thả người rơi xuống giữa khối cát, nằm giả chết, khiến cho bao nhiêu người hoảng hốt… Đặc biệt, Hùng còn có rất nhiều tài lẻ. Khi xuống sông, hắn là một con rái cá, lúc trên cạn thì nhảy tường trèo cây, bất cứ cây cao đến đâu, cậu ta cũng leo thoăn thoắt như con mèo. Cây nào có bao nhiêu tổ chim cũng đều bị rơi xuống đất vì cái tài bắn súng cao su “bách phát bách trúng” của Hùng. Hắn còn biết chế các loại súng gỗ để chơi trận giả và luôn vỗ ngực ta đây chưa biết “thất trận” là gì…

* * *

Dạo gần đây thấy Hùng bỏ giờ liên tục, nhất lại là môn lịch sử, tôi gặng hỏi:

-Sao hay bỏ giờ lịch sử thế?

Hùng thũng thẵng trả lời:

- Không thích!

Tôi gắt:

- Cái gì cũng phải có lý do chứ!

Hùng trả lời cộc lốc:

-Khô khan!

Tôi liền xuống nước hỏi nhỏ:

-Có phải từ vụ bắn gà nhà cô Xuân? – hình như biết mình lỡ lời, nên tôi vội vớt vát - Nhưng mình tin Hùng vô tội mà!

Hùng tỏ vẻ bất mãn, lên giọng:

- Đây không cần ai tin! “Cây ngay chẳng lo chết đứng”.

Bực mình vì thấy thái độ của Hùng như vậy. Tuy hay nghịch ngợm nhưng hắn cũng thuộc dạng hiền lành, tốt tính. Chưa bao giờ Hùng làm mất lòng một đứa con gái nào trong lớp, với tôi lại càng không. Trước đây có lần nghịch dại, Hùng lấy chùm lá thông dứ dứ vào mặt tôi, tôi vênh mặt vẻ thách thức, không ngờ quá đà, lá thông nhọn như kim chọc vào mắt tôi, khiến bị rách giác mạc. Đã thế trong lớp, tôi còn bị chúng bạn gán cho cái tên là “Hồng khóc nhè” mà Hùng lại sợ nhất mỗi khi nhìn thấy con gái khóc. Vậy mà hôm nay, tôi chỉ nói hớ có một câu thôi mà… Hình như có ai đó vừa ném những hạt cát khiến cho hai mắt  tôi đỏ hoe. Quay đi, cố giấu những giọt ấm ức chực rơi, tôi thầm nghĩ: “Thể nào Hùng cũng chạy theo năn nỉ cho mà xem 1… 2… 3… Ơ! Sao hôm nay tên này lỳ thế nhỉ, mọi khi chỉ cần tôi nói to một tiếng là Hùng đã mềm như bún rồi. Đã thế đây cũng cóc cần”. Nghĩ thế, tôi nện những bước chân bậm bạch bỏ đi.

Tùng… Tùng… Tùng. Ba tiếng trống vang lên kết thúc giờ ra chơi. Đám học sinh dưới sân trường đứa nào đứa nấy, nháo nhào vào lớp. Theo thói quen, tôi đưa mắt nhìn về phía chỗ ngồi của Hùng, nỗi thất vọng khiến mắt tôi cụp xuống. “Tên này lại trốn tiết rồi, vẫn là môn lịch sử của cô Xuân”. Không hiểu thời gian gần đây đã xảy ra chuyện gì để đến nỗi cô Xuân có ác cảm và luôn xem Hùng là học sinh “cá biệt”. Phải chăng tất cả cũng do những tò nghịch ngợm của hắn? Nhưng có phải bây giờ hắn mới biết nghịch đâu, chẳng qua vì ở trường học, có nhiều bạn nữ nên hắn đã tiết chế nhiều chứ còn ở nhà thì…

Cô Xuân vừa bước qua cửa lớp đã hướng ánh nhìn về phía Hùng ngồi, nét mặt của cô không có biểu cảm gì rõ rệt. Ra hiệu cho học sinh ngồi xuống, cô tuyên bố:

-Cả lớp lấy giấy kiểm tra một tiết!

Lớp bỗng ồn ào. Có một bạn rụt rè lên tiếng:

- Thưa cô, cô không báo trước nên chúng em không chuẩn bị ạ!

- Nếu tôi nói trước thì làm sao gọi là kiểm tra, hoá ra các anh chị đều học chống đối à?

Thằng Tuấn lớp trưởng mạnh bạo lên tiếng: “Nhưng có bao giờ kiểm tra một tiết mà thầy cô không báo trước đâu ạ?”.

- Không bàn cãi - đập mạnh tay xuống mặt bàn, giọng cô Xuân đanh lại, ánh mắt sắc lạnh quét một tia nhìn phủ kín những gương mặt đang ngơ ngác - Định làm phản hả? Có làm kiểm tra hay muốn nghỉ tiết này thì nói với tôi một câu?

Thằng Tuấn ghé sát tai đứa ngồi cạnh thì thầm: “Dạo này cô Xuân toàn xem phim lịch sử của Trung Quốc nên hay dùng từ “định làm phản” hoặc “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”. Tiếng xì xào nhỏ dần rồi im bặt, chỉ còn tiếng giấy bút sột soạt vang lên...

Trong lòng tôi như có lửa đốt, ngồi viết bài mà tâm trí để hết ra phía ngoài, thầm mong Hùng xuất hiện. “Sắp thi hết cấp rồi, điểm kiểm tra một tiết lần này mà thiếu nữa thì chỉ có nước lưu ban thôi”. 

Hùng đột ngột xuất hiện trước cửa lớp. Dáng lộc ngộc của cậu thanh niên choai choai gần mười bảy tuổi càng gầy gò hơn trong bộ quần áo ướt sượt, dính đầy bùn đất. Gương mặt tái mét, cặp môi run lên vì lạnh khiến giọng của Hùng gần như tắc lại:

- Em… thư… ưa… cô…

Cô Xuân quét một tia sắc lạnh suốt từ đầu xuống chân Hùng, nhìn thấy vài cánh bèo tấm còn dính trên bộ quần áo xộc xệch, cô chau đôi mày, bàn tay phẩy qua phẩy lại trước mũi như xua đuổi một thứ mùi rất khó chịu. Lạnh lùng cô ngắt lời Hùng:

- Khỏi phải thưa gửi gì. Từ nay, giờ lịch sử của tôi cậu đừng xuất hiện nữa. Tôi sẽ làm đơn lên ban giám hiệu tường trình về vụ này. Tôi không thể chấp nhận một học sinh cá biệt như cậu trong giờ giảng của mình.

Hùng quay người bỏ đi. Cái quay người cũng bất ngờ như khi xuất hiện. Tôi ngơ ngác nhìn theo, chợt thấy nụ cười trên gương mặt đang tái nhợt vì lạnh của Hùng. Có lẽ không phải nụ cười, mà chỉ là cặp môi hơi nhếch lên. Còn cô Xuân quay lại, những nếp nhăn trên mặt đã giãn ra. Cô nói với cả lớp:

-Lịch sử là môn học rất quan trọng, giúp ta hiểu biết về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Những người quay lưng lại với lịch sử là những người không yêu nước. Các em phải ghi nhớ…

Cả lớp đang cúi xuống bàn ghi đề kiểm tra thì bác bảo vệ xộc tới trước cửa, giọng hốt hoảng:

-Chị Xuân! Chị Xuân, có chuyện rồi!

Cô Xuân chạy vội ra ngoài. Không hiểu bác bảo vệ nói gì nhưng mặt cô Xuân lộ vẻ hốt hoảng. Hấp tấp theo chân bác. Dường như cô quên rằng, mình đang đứng trên bục giảng…

Cả lớp lại được một phen bàn tán, đoán già đoán non nhưng đều cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải làm bài kiểm tra một cách vô lý nữa…

Bỗng nhiên cô Thúy, chủ nhiệm bước vào, cô khẽ gật đầu chào rồi ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Cô nói:

-Cô Xuân lúc nãy vội đưa con cô ấy xuống viện cấp cứu nên chỉ trao đổi sơ qua với cô về việc Hùng bỏ học giờ lịch sử…

Tôi đứng lên, hấp tấp nói:

-Thưa cô, bạn Hùng không bỏ học mà là đến muộn nên cô “sử” không cho vào ạ!

Cô giáo chủ nhiệm nghe thế liền buông một tiếng thở dài. Cô nói, giọng trầm hẳn xuống:

- Cô đã tìm hiểu nguyên nhân vì sao dạo gần đây Hùng bỏ giờ lịch sử. Tất cả cũng chỉ vì hiểu lầm mà ra thôi các em ạ…

Qua lời cô chủ nhiệm, cả lớp mới hiểu ra mọi chuyện. Thì ra tháng trước, Hùng lang thang trong vườn cây cạnh dãy nhà tập thể của giáo viên, đang khom người rón rén từng bước nhẹ nhàng, bất chợt Hùng nhìn thấy một con rắn hổ mang đang bò dưới gầm chuồng gà của nhà cô Xuân. Cách đấy không xa, em Hải con trai của cô Xuân mới lên năm tuổi đang tha thẩn chơi gần đó. Hùng liền lắp “đạn” từ từ kéo căng bật cao su… “phựt”... Con rắn giãy giụa dưới gầm chuồng gà. Hùng  rón rén đến gần, khom người nhìn vào bên trong. Bất chợt em Hải chạy tới kêu to:

- Không được bắt gà nhà em!

Hùng vội quay người lại, đẩy bé Hải vào trong sân, một ngón tay đưa lên môi khẽ “suỵt” nhẹ, ra hiệu cho bé Hải im lặng.

Nghe tiếng con trai, cô Xuân  đi ra cũng vừa lúc nhìn thấy hành động của Hùng, cô la lối:

- A! thì ra là thằng này, ban ngày ban mặt mà dám manh động ghê, chắc ăn quen mui rồi hả, tao rình mấy lần giờ mới bắt được quả tang. Hôm nay thì hết đường chối cãi nhé!

Hùng cố sức thanh minh:

-Không!... không phải em bắt trộm gà mà e… em…

Nhưng cô Xuân không để Hùng nói hết. Cô nghiến răng, gồng người ghì chặt hai tay Hùng, lôi lên phòng hiệu trưởng.

Thầy hiệu trưởng nghe Hùng trình bày xong, chưa kịp cho người đi kiểm tra thì đã thấy thầy dạy toán đứng trước cửa phòng, tay giơ con rắn hổ mang đã bị dập nửa đầu. Tiếng thầy oang oang:

- May quá, nhiều lần tôi thoáng thấy con rắn này bò quanh quẩn chỗ chuồng gà rồi mà chưa rình để đập chết được nó, thì hôm nay nhờ có cậu xạ thủ này đã hạ được rồi. Loại hổ mang bành này bắt gà như ngóe ấy, ai vô phúc mà bị nó “mổ” cho một nhát thì chỉ có trời cứu.

Hùng như chết “đuối vớ được cọc”, vội vàng thanh minh:

- Vâng! Em thấy con rắn bò dưới gầm chuồng gà trong khi bé Hải mải chơi không chú ý, sợ em ấy bị rắn cắn nên em mới lẳng lặng bắn nó…

Cô Xuân vội cướp lời Hùng:

- Cậu còn chối cãi à! Định lấy con rắn đã chết từ bao giờ để hòng thoát tội? Không có đâu! - Sấn đến trước mặt Hùng, hai mắt long lên giận giữ, cô lên giọng nặng trịch như một vị quan tòa đang luận tội phạm nhân trước vành móng ngựa - Tôi hỏi cậu: Tại sao rắn không bắt gà con mà cứ gà choai choai mới bắt? Nào, cậu trả lời tôi đi!

Thấy Hùng đỏ mặt ấp úng. Cô Xuân càng khẳng định Hùng bắt gà rồi mang lên đồi bạch đàn nướng ăn với nhau. Cô đề nghị thầy hiệu trưởng ra quyết định kỷ luật Hùng bằng hình thức “buộc thôi học”. Nhưng trước chứng cứ của thầy Thắng, thầy hiệu trưởng không có lý do kỷ luật Hùng

Từ đó, cô Xuân có ác cảm và coi Hùng là học sinh cá biệt. Cô luôn nhắc nhở mọi người phải cảnh giác với Hùng, vì thế không ít người nhìn Hùng với con mắt coi thường, xa lánh.

Cô chủ nhiệm nói thêm:

- Chỉ vì có thành kiến với Hùng nên vô tình cô Xuân đã đẩy mọi chuyện đi quá xa. Nhiều lần họp hội đồng, cô ấy đã yêu cầu kỷ luật Hùng nhưng ban giám hiệu không nhất trí. Vì không đủ lý do đuổi Hùng khỏi nhà trường nên không ít lần cô Xuân đã cảnh cáo, không cho Hùng vào giờ lịch sử. Vừa rồi để trả thù riêng mà cô ấy đã làm trái nguyên tắc, kiểm tra một tiết không nằm trong phân phối chương trình của nhà trường…

Trong lớp không có một tiếng động, mấy chục giây trôi qua chìm trong sự im lặng hiếm hoi. Tiếng thở dài của cô chủ nhiệm và một số trò không đủ mạnh để xua đi bầu không khí nặng nề nhưng ai cũng nhận thấy trong hơi thở ấy có vương một sự day dứt… Ngoài trời, nắng tháng tư dìu dịu mà sao Hồng lại cảm thấy chói chang đến thế.

 Lát sau, bằng một giọng xúc động cô Thúy nói:

- Sáng nay Hùng vừa cứu con cô Xuân thoát khỏi vụ đuối nước. Chả hiểu cái cổng vườn nhà trường hôm qua ai quên không đóng, để hôm nay bé Hải đi vào và bị trượt chân ngã xuống ao. Nếu không có Hùng thì…

Giọng cô chủ nhiệm hơi nghẹn lại:

- Cô mong rằng tới đây mọi chuyện hiểu lầm sẽ được sáng tỏ. Tình cảm cô, trò sẽ được cải thiện.

Từng lời cô Thúy kể cứ lùng bùng trong tai tôi. Chiều qua lao động làm cỏ trong vườn sinh vật cảnh của trường, chính tôi là người đã quên khóa cổng sau, lối đi xuống ao. Trước đây là cái hố bom do giặc Mỹ để lại, được người dân quanh trường tôn tạo làm cái ao để chứa nước tưới cây nên độ dốc rất cao. Vì thế xung quanh bờ được rào kín và cấm trẻ con bén mảng lại gần. Họ còn truyền miệng nhau rằng: “cái ao này có rớp, dưới còn hai con nam” nên lũ con gái thường thần hồn nát thần tính, không dám ra ao một mình. Nên mỗi lần lao động hay có việc phải ra cổng sau, Hùng luôn là người đi cùng và giúp tôi đóng cổng…

***

Từ hôm ấy, Hùng không đến lớp. Ở bãi cát Hùng cũng biến mất như chưa từng xuất hiện. Tôi bồn chồn không yên liền sang nhà tìm. Vừa nhìn thấy tôi, mẹ Hùng đã vội nói:

-Cháu mày khuyên thằng Hùng hộ bác với. Nó viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Bác nói “mái” mà nó không có nghe. “Đá” đủ tuổi đâu, chưa mười bảy tuổi mà.

Tôi giật mình vì lâu nay chẳng nghe thấy Hùng đả động gì đến chuyện đi bộ đội. Từ hôm cứu bé Hải, hắn bỏ học. Cô Xuân đến nhà tìm mấy lần, Hùng đều lánh mặt.

Nghe theo lời mẹ Hùng, tôi tìm gặp, bằng mọi cách phải kéo hắn quay lại trường mới được:

- Này! Định đi bộ đội thật đấy à?

- Sao biết, chắc lại “tướng bà” nói chứ gì? (Hùng có thói quen gọi mẹ như thế).

- Nhưng đã học xong đâu vả lại còn chưa đủ tuổi mà.

- Ôi dào! Đã là học sinh cá biệt thì thể nào chả đúp, mà đúp thì đâu phải là ngày tận thế - Hùng cao giọng giảng giải và triết lý theo kiểu chư từng thấy ở hắn bao giờ – Những kẻ cá biệt luôn sẵn sàng chấp nhận thua thiệt và thường không thích ai sắp đặt, vạch hướng cho cuộc đời của họ… Hiểu chưa?

Tôi bĩu môi:

- H… iểu… iểu! Hiểu cái con đà điểu ý – rồi chùng giọng tôi nói tiếp - Nhưng cô “sử” đã đến nhà xin lỗi rồi còn gì.

- Là học không vào nữa chứ đâu phải tại cô “sử”. Làm đơn rồi.

- Nhưng đằng ấy đã đủ tuổi đâu.

- Khai tăng tuổi lên thì ai biết! Nếu phải đợi đủ tuổi nhỡ hết giặc rồi còn bắn nhau với ai nữa.

Nói xong Hùng lôi từ dưới gầm bàn lên quyển vở, trong đó có kẹp lá đơn viết bằng một thứ mực màu nâu thẫm.

Hồng nhăn mặt, nói:

- Khiếp viết cái loại mực gì mà nom ghê chết thế này.

Hùng bèn giơ tay, cho tôi xem một vết sứt nơi đầu ngón. Tôi lặng người hồi lâu không thốt nổi một câu…

Mẹ Hùng khuyên can mãi nhưng Hùng không nghe. Bà giận lắm, bỏ cơm nằm khóc. Hùng sợ quá nên vội vàng hứa ở nhà với mẹ, “chờ lớn thêm một tý” rồi đi cũng chưa muộn.

 Nắng tháng tư lại sáng bừng trên gương mặt của mẹ và trên môi Hùng, cũng đang tủm tỉm một nụ cười bí hiểm…

Vậy mà tuần sau, Hùng hẹn tôi ở sân ga Quan Triều, dù thắc mắc nhưng tôi cũng không hỏi, ra đến nơi đã thấy sân ga chật kín người. Một nhóm bạn cùng lớp đang hòa vào dòng người đưa tiễn tân binh lên đường. Hình như ai cũng cầm theo một món quà như cây bút, quyển sổ hay cái khăn tay, riêng tôi vì quá bất ngờ nên không có chuẩn bị được gì. Tôi đâu có nghĩ hắn lại lừa mẹ, dối tôi, trốn nhà đi nhập ngũ…

- Sao liều thế? Giờ mẹ cậu phải tính sao đây?

Hùng thản nhiên:

- Không lo đâu, có mặt mình là mẹ làm tình làm tội thế thôi chứ đến lúc đi rồi thì bà còn dọa được ai.

Giọng Hùng chợt chùng xuống, nhưng ánh mắt nhìn tôi như có một vệt nắng nồng nàn khiến cho khuôn mặt tôi bỗng chốc nóng bừng:

- Thi thoảng sang nhà động viên mẹ nhé!

Giữa dòng người đông đúc, tay Hùng quờ tìm bàn tay tôi nắm lại. Giật mình, tôi rụt nhanh tay về. Mặt Hùng ửng đỏ, núm đồng tiền dưới má trái hiện ra rất nhanh và cũng biến mất như nó vụt xuất hiện. Đoàn tàu kéo một hồi còi dài chuẩn bị chuyển bánh. Hùng nhảy lên, thò đầu qua của sổ toa tàu giơ tay vẫy vẫy. Nắng tháng tư nhuộm hồng một nỗi buồn khôn tả... Tôi nhớ có lần hai đứa đứng trên sân trường trong cái nắng tháng tư dìu dịu, Hùng đột nhiên nói: “Này! Sao cái nắng tháng tư yếu ớt và buồn bã thế nhỉ?”... Và hôm nay, một lần nữa, cái nắng tháng tư buồn ấy lại vây quanh chúng tôi trong cuộc chia ly này.

Từ buổi chia tay vội vàng ấy, không hiểu sao cái cảm giác run rẩy thoáng qua và ánh mắt có những vệt nắng nồng nàn của Hùng cứ ám ảnh tôi mãi sau này.

***

Hôm nay, tôi đến bên đài tưởng niệm, run run đốt một nắm hương, thành tâm cắm lên lư hương, tỏ lòng tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc, trong đó có Hùng. Chẳng hiểu do khói hương làm cay mắt hay vì những cảm xúc từ miền xa dội về khiến cho lòng tôi rưng rưng. Nghẹn ngào, tôi khẽ gọi: “Hùng ơi, bao nhiêu người đã trở về mà sao Hùng im lặng mãi nơi đâu. Anh giận mẹ không chờ anh hay giận cô hàng xóm không cho anh cầm tay buổi tiễn đưa ngày ấy…”. Một cơn gió từ đâu bất chợt ùa đến, thổi bùng ngọn lửa trên lư hương như một bó đuốc rừng rực cháy. Ngực tôi run lên từng hồi thổn thức… Giá ngày ấy tôi hiểu được tình cảm của anh dành cho tôi, giá như tôi biết rằng bàn tay của anh hôm ấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chạm vào tay một người con gái, thì có lẽ tôi đã không vô cảm đến vậy...

Ra khỏi cổng đài tưởng niệm. Tôi tình cờ gặp lại cô giáo dạy môn lịch sử năm xưa. Chào hỏi một lúc lâu cô mới nhận ra tôi, liền vồn vã kéo tôi vào nhà cô. Về phần tôi, được  gặp lại cô, cảm xúc dạt dào đưa tôi về những kỷ niệm hồi còn đi học nên tôi cũng muốn được ở bên cô để cùng nhau nhắc về “người ấy”.

Vào đến cửa, đầu tiên đập vào mắt tôi là tấm hình anh bộ đội được đặt ngay ngắn trên ban thờ. Tôi lại gần, lấy kính ra đeo lên nhìn cho rõ. Tiếng cô Xuân sau lưng:

- Cô lấy từ trong tấm hình chụp tập thể lớp, phải đi tận Hà Nội làm cô mới ưng ý!

Hình như vừa có một vật gì đó đè nặng trong lồng ngực tôi. Ngước đôi mắt sóng sánh nước, tôi bồi hồi nhìn người trong ảnh. Ánh mắt nắng ấy, nụ cười tủm tỉm ấy, như đang xoáy vào tôi, chế giễu tôi: “ê… ê… khóc nhè kìa”.

Cố nén lại cảm xúc, tôi hỏi cô:

-Cô thắp hương cho Hùng lâu chưa ạ?

Cô ngậm ngùi kể:

-Ngày ấy, khi đưa cu Hải từ viện về, cô đã đến nhà tìm gặp Hùng để xin lỗi em ấy, nhưng hình như Hùng vẫn giận cô nên tránh mặt.

Tôi khẽ lắc đầu:

- Ôi! Không phải đâu thưa cô. Em chơi với Hùng từ nhỏ nên biết, bạn ấy có tính xấu hổ, hơi tí thì đỏ mặt nên ngại thôi chứ Hùng không giận ai lâu bao giờ đâu ạ.

Cô gật đầu nói tiếp:

-Từ đấy cô cũng không có cơ hội gặp Hùng để nói lời xin lỗi nữa. Cô chợt nhận ra sống trên đời không có gì đau khổ hơn nỗi ân hận. Hai lần Hùng cứu con cô mà cô chưa có một lời cảm ơn, lại còn có những câu xúc phạm nặng nề làm tổn thương em ấy. Cả một thời gian dài cô sống trong day dứt, tự trách bản thân nhỏ nhen ích kỷ. Chính cô đã quá nhẫn tâm và bảo thủ, đẩy Hùng rời khỏi ngôi trường. Khi biết tin Hùng hy sinh ở biên giới Tây Nam, lương tâm cô lại càng day dứt hơn.... Cô và em Hải đã đến nhà thắp hương, động viên mẹ Hùng. Bẵng đi một thời gian, cô mới có dịp quay lại thăm bà thì được biết mẹ Hùng không có nơi nương tựa nên đã vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Khi bà mất, cô xin chân nhang về hương khói cho Hùng.

Tôi lặng người trước lời tâm sự của cô. Nhìn cô qua nước mắt nhạt nhòa, tôi hiểu suốt một thời gian dài cô đã phải đắm chìm trong sự sám hối với người học sinh cá biệt của cô đã nằm xuống vì nhiệm vụ quốc tế cao cả…

Tôi châm nén nhang lên ban thờ, không hiểu hơi nóng từ chiếc bật lửa ga tỏa ra hay hơi ấm từ bàn tay năm ấy, cứ nồng nàn trong tay tôi. Nhìn từng làn khói hương mong manh uốn lượn, lúc tỏa ra, khi quyện vào, bỗng dưng tôi thấy nhớ ánh mắt có nắng của anh đến nao lòng. Chắp hai tay trước ngực tôi khẽ gọi: “Hùng ơi, từ ngày anh đi, đã qua mấy chục mùa nắng rồi. Tuy chúng mình không được ở bên nhau nhưng những tia nắng trong mắt anh đã sưởi ấm cho em bao mùa đông giá lạnh, đã giúp em thêm nghị lực để vượt qua mọi giông tố đường đời. Cảm ơn anh, Mắt Nắng của em”.

 Khói hương bay lên, cuốn những lời tâm tình của tôi về phía trời xanh. Những vệt nắng cuối ngày rọi xuống, như mắt anh đang âu yếm nhìn tôi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Hoa lê rắc trắng lối về

Văn xuôi 14 giờ trước

Nửa thế kỷ kể chuyện đất và người

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Ngồi với tháng Ba quê nhà

Văn xuôi 1 tuần trước

Nắng ấm đồi chè

Văn xuôi 2 tuần trước

Hoa tử sa

Văn xuôi 2 tuần trước

Nắng xuân thơm ngát

Văn xuôi 2 tuần trước