
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN- 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Thái Nguyên kể lại câu chuyện của mình bằng văn chương và ký ức. 50 tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật tiêu biểu được vinh danh là kết tinh của một nửa thế kỷ lặng lẽ gìn giữ, bồi đắp, thắp lửa cho đời sống tinh thần của Nhân dân. Trong đó, hai dòng chảy văn xuôi và văn nghệ dân gian hiện diện như hai nhịp kể song hành: một bên là tiếng nói của trải nghiệm cá nhân, một bên là trí nhớ cộng đồng được nâng niu qua từng thế hệ.
Những người kể chuyện bằng văn xuôi
Họ là những cây bút kiên trì khám phá, đào sâu vào những lớp hiện thực phức tạp của con người, những đổi thay và khát vọng của vùng đất trung du. Năm tác phẩm của năm tác giả đã được vinh danh lần này vừa là sự ghi nhận xứng đáng, đồng thời minh chứng cho sự trưởng thành và tài năng của các cây bút địa phương.
Tiểu thuyết “Những người mở đường” của nhà văn Hồ Thủy Giang được lấy cảm hứng từ trận bom kinh hoàng đêm Noel năm 1972 tại ga Lưu Xá, TP. Thái Nguyên, nơi 60 cán bộ, đội viên Đội Thanh niên xung phong 915, Đội 91 Bắc Thái đã vĩnh viễn nằm lại với giấc mơ còn dang dở.
Điểm làm nên sức nặng nghệ thuật của tiểu thuyết chính là văn phong đậm chất điện ảnh, đặc điểm rất riêng trong bút pháp của Hồ Thủy Giang. Thông qua tác phẩm, nhà văn Hồ Thủy Giang đã tái tạo một cách chân thực khúc bi tráng những tháng ngày cam go, hào hùng, nơi cái chết không làm lu mờ lý tưởng sống. Cùng với đó là những hệ lụy của một thời chiến tranh và những đóng góp của các nhân tối mới trong thời hậu chiến.
“Viết về họ, tôi không chỉ là người kể chuyện. Tôi muốn mình là người đi tìm lại sự trong trẻo và quả cảm mà cuộc sống hiện đại đôi khi khiến chúng ta quên lãng. Tôi viết như một lời tri ân. Và tôi tin rằng, lòng biết ơn cũng là một thứ năng lượng làm nên văn chương” - Nhà văn Hồ Thủy Giang
Chính sự đan cài giữa hào khí quá khứ và dòng chảy tiếp nối của hiện tại đã làm nên chiều sâu nhân văn và giá trị lan tỏa của tác phẩm. Tác phẩm từng đoạt giải Ba cuộc Vận động sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức năm 2015.
Nếu “Những người mở đường” gợi nhắc về những năm tháng đạn bom, thì “Bão rừng” của nhà văn Phạm Đức lại đưa người đọc vào một cuộc chiến khác, âm thầm nhưng quyết liệt: Cuộc chiến giữ rừng.
Dựa trên một vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cuối thế kỷ XX, tác phẩm tái hiện hành trình dấn thân của những cán bộ kiểm lâm, những cựu chiến binh, người cao tuổi và cả những nhà báo dũng cảm, cùng nhau đứng lên chống lại lâm tặc có tổ chức. Không chỉ là câu chuyện về công lý, “Bão rừng” còn là tiếng gọi từ lương tri và trách nhiệm công dân. Tác phẩm cũng đặt ra những vấn đề nhức nhối về đạo đức, quyền lực và lòng can đảm giữa đời thường.
Nhà văn Phạm Đức từng chia sẻ: “Những nhân vật của tôi đều dựa trên tình tiết của một vụ án có thật. Nhưng tôi không kể lại, tôi đi sâu vào số phận, vào nội tâm. Tôi viết để trả lời một câu hỏi rất cũ: Con người sẽ lựa chọn điều gì khi phải đối mặt với cái ác?”
Tác phẩm giành Giải Ba của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Giải A Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên (2007 – 2011), là minh chứng cho văn chương không né tránh hiện thực, mà dấn thân, can đảm và phản biện.
Không gian miền quê, ký ức chiến tranh và số phận con người bình dị là mạch nguồn xuyên suốt trong tập truyện ngắn “Những cánh đồng và những dòng sông” của nhà văn Lê Thế Thành, một cây bút tài hoa đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tác phẩm của ông vẫn còn nguyên sức sống.
Những câu chuyện của nhà văn Lê Thế Thành trong tập truyện ngắn này viết về đất và người Thái Nguyên, về hình tượng người lính và con người trong thời bình. Ông không lớn tiếng mà thấm đẫm nỗi niềm thế sự. Đó là những dòng sông của ký ức, là cánh đồng của khát vọng sống. Ông viết bằng cả trải nghiệm người lính, bằng ký ức một thời đạn bom, bằng trái tim đau đáu với số phận những người dân quê lam lũ mà kiên cường. Tập truyện từng đoạt Giải A Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên (2011-2016).
Nhiều bạn văn thân thiết của ông cùng chung nhận định: “Văn của Lê Thế Thành như tiếng thở của đất. Lặng lẽ, dịu dàng, nhưng sâu đến tận đáy tâm hồn. “Những cánh đồng và những dòng sông” là dòng chảy ký ức chưa bao giờ thinh lặng”
Trong số 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu Thái Nguyên được vinh danh nhân dịp tổng kết 50 năm đất nước thống nhất, tập truyện ngắn “Tiếng chim Kỷ Giàng” của nhà văn Bùi Thị Như Lan mang đến một dư âm khác biệt.
Tập truyện gồm 10 truyện ngắn với chủ đề xuyên suốt viết về hậu chiến tranh, khắc họa chân thực số phận những người ở lại. Những bà, những mẹ nâng trên tay số ít những lá thư ám khói đạn bom, có cả vết máu khô từ chiến trường gửi về. Và, những tấm bằng Tổ quốc ghi công treo lặng lẽ trên ban thờ không có di ảnh, những đứa trẻ chỉ biết về cha qua bóng núi và làn khói nhang mờ ảo. Lại có người trở về, mang theo hình hài không còn nguyên vẹn.
Bằng giọng văn thấm đẫm cảm xúc, nhà văn Bùi Thị Như Lan không tô vẽ bi thương, mà lặng lẽ đặt từng câu chữ như lời ru, tiếng then của đồng bào mình. Là người dân tộc Tày, từng sống qua thời chiến, từng là phóng viên chiến sĩ, từng chứng kiến và phải trải qua những nỗi đau hậu chiến cận cảnh, chị viết như thể đang tự đối thoại với ký ức của mình và của cả cộng đồng.
“Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Nó dội vào trí óc tuổi thơ tôi, ám ảnh, đau xót, vang âm… Tất cả thôi thúc tôi phải nói lên nỗi đau của đồng bào dân tộc trên vùng cao xa xôi quê hương, trong đó có gia đình tôi”. - Nhà văn Bùi Thị Như Lan.
“Tiếng chim Kỷ Giàng” được vinh danh trong dịp tổng kết 50 năm này, với nhà văn Bùi Thị Như Lan, đây không những là niềm vinh dự tự hào mà còn là dấu ấn đặc biệt, là niềm vinh dự lớn nhất của một người cầm bút viết về Hậu chiến. Ba truyện ngắn trong tập truyện này cũng từng đạt những giải thưởng chuyên ngành danh giá.
Nằm giữa những tác phẩm văn xuôi đậm chất chiến tranh và hiện thực xã hội, “Ba ông đầu rau” của cố nhà văn Hà Đức Toàn lại mang đến một gam màu riêng biệt.
Điều đặc biệt, nhân vật chính trong tiểu thuyết được xây dựng từ nguyên mẫu cha ruột của tác giả, một đội phó du kích, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính huyện Đại Từ trong thời kỳ chống Pháp. Chính nền tảng ký ức sâu sắc ấy đã giúp nhà văn Hà Đức Toàn dệt nên một câu chuyện nơi lịch sử được tái hiện bằng lối viết dí dỏm, gần gũi, gợi bao suy ngẫm.
Nói về văn phong được sử dụng trong “Ba ông đầu rau”, nhà văn Hồ Thủy Giang, người có nhiều thời gian gần gũi với nhà văn Hà Đức Toàn chia sẻ: Anh Toàn viết như đang kể chuyện làng, chuyện xóm. Điểm nổi bật của nhà văn Hà Đức Toàn là sự hài hước, dí dỏm. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy là cả một trời thương nhớ, là lòng tự hào về quê hương của ông. Tác phẩm từng đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1997-2001.
Có thể nói, 5 nhà văn, mỗi người mang trong mình một phong cách, một sắc thái riêng biệt, song họ đã cùng nhau tạo nên một bức tranh đa dạng và sinh động về văn xuôi Thái Nguyên.
Văn nghệ dân gian - Ký ức của nhân dân, tinh hoa của vùng đất
Nếu văn xuôi là cách người viết kể lại chuyện đời bằng trải nghiệm cá nhân, thì văn nghệ dân gian lại là tiếng nói tập thể của một cộng đồng, được chắt chiu qua hàng trăm năm lịch sử. Bốn công trình thuộc chuyên ngành Văn nghệ dân gian như những “mạch ngầm lặng thầm” nuôi dưỡng dòng chảy văn hóa, từ chiều sâu học thuật đến tính ứng dụng trong đời sống.
Là người dành cả cuộc đời cho nghiên cứu văn hóa dân gian, GS.TS Vũ Anh Tuấn là trường hợp khá đặc biệt, khi ông là người Kinh nhưng lặng lẽ, kiên trì để tìm lại dòng mạch thi ca Tày giữa muôn vàn biến thiên hiện đại.
Tác phẩm “Truyện thơ Tày - Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại” của ông là công trình đầu tiên nghiên cứu truyện thơ Tày một cách toàn diện và có hệ thống, được độc giả và giới chuyên môn đánh giá cao.
Để lý giải nguồn gốc của thể loại này, công trình của ông đã đưa ra các vấn đề cơ bản để người đọc có cơ hội tiếp cận với những tư liệu lịch sử chính xác. Trong đó, các dấu hiệu lịch sử về đời sống kinh tế, xã hội của người Tày trong thời kỳ trung đại được làm nổi bật.
Tác phẩm khẳng định rằng, truyện thơ Tày không chỉ là những câu chuyện cổ tích có vần, mà còn là lời kể của cả một cộng đồng, là ký ức, là triết lý sống, là bài học về luân lý và cách làm người. Mỗi vần thơ, mỗi lời ru, chứa đựng những thông điệp nhân văn, như một lời răn gọi nhẹ nhàng nhưng sâu sắc từ quá khứ.
Công trình đã từng đoạt Giải Nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2004 và đến nay vẫn là tài liệu tham khảo quý giá cho các thế hệ nghiên cứu văn học dân gian và văn hóa dân tộc.
Là người con của núi rừng Định Hóa, nghệ nhân ưu tú Hoàng Luận không chỉ giữ gìn nghi lễ then như một phần tín ngưỡng tổ tiên, mà ở góc độ thực hành dân gian, công trình “Then giải hạn của người Tày Định Hóa” của ông là sự kết tinh giữa tâm huyết của người làm văn hóa và sự am tường của người trong cuộc.
Nghệ nhân Hoàng Luận đã dẫn dắt người đọc vào không gian linh thiêng của các nghi thức tâm linh truyền thống, nơi mỗi lời khấn, mỗi câu dâng, và từng biểu tượng đều được thể hiện một cách trang nghiêm qua mỗi lời nói, cử chỉ. Công trình của ông không chỉ phản ánh sức sống mãnh liệt của cộng đồng trong những hoạt động tâm linh ấy, mà còn là một tài liệu quý giá, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản văn hóa dân tộc, đồng thời bảo tồn và truyền tải những giá trị tinh thần của người Tày qua thời gian.
Công trình được tặng Giải A Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên (2012 – 2016), đồng thời góp phần tích cực vào việc đề xuất đưa nghi lễ then vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với cách viết giản dị, dễ hiểu, giàu tính biểu tượng, công trình “Then bách hoa, bách điểu, bắt ve sầu” của Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nông Phúc Tước mở ra một cánh cửa khác về then, không dừng ở tín ngưỡng, mà còn là một không gian nghệ thuật tổng hợp: kết hợp âm nhạc, trang phục, đạo cụ, múa và lời thiêng.
“Bách hoa”, “Bách điểu” là các chương trong bộ “Then tứ bách” của nội dung then Kỳ Yên. Ở đây, ông không chỉ dừng lại ở việc ghi chép các nghi thức, mà còn khéo léo phân tích các biểu tượng như hình ảnh “bách hoa” (trăm loài hoa) và “bách điểu” (trăm loài chim) , gợi lên niềm tin vào sự sinh sôi, sự may mắn và khát vọng về một tương lai tươi sáng.Những hình tượng này, dù giản dị, nhưng lại chứa đựng cả một hệ thống ý nghĩa, phản ánh tâm hồn và đời sống tinh thần của người Tày.
Đồng bào Tày quan niệm vạn vật đều có linh hồn. Một thủ pháp được các tác giả then quan tâm trong suốt quá trình đặt lời then, đó là nghệ thuật nhân cách hóa.
Ví như ở chương "Bắt ve sầu" lý giải: Sở dĩ tiếng ve sầu da diết nẫu lòng, làm chùn chân, mỏi mệt đoàn quân binh mã của then, bởi theo truyền thuyết dân gian đó là tiếng kêu than khóc của người con có hiếu ngày đêm đi tìm bố mẹ, khi bố đi sứ nhà vua, mẹ đi tìm, cả hai bị chết dọc đường, người con cũng chết theo và hóa kiếp thành ve sầu. Nếu những ai đã từng đi qua các đoạn đường rừng heo hút ra rả tiếng ve trong tâm trạng cô đơn mệt mỏi mới cảm thông với đoàn binh mã nhà then. Muốn đoàn binh mã có sức lực đi tiếp thì chúa (thầy then) phải làm bùa phép cho quân tướng bắt hết ve sầu, cấm không cho chúng kêu.
Công trình đã góp phần tạo nên một bước tiến mới trong việc nhận thức và diễn giải các yếu tố thi pháp của nghi lễ then, mang đến những giá trị học thuật mà gần gũi. Thông qua các lý giải của tác giả, công chúng có thể cảm nhận được dáng hình, thân phận của con người, nhất là con người vất vả, lam lũ trong xã hội xưa cũ trong chính những hình tượng “bách hoa”, “bách điểu” mà tác giả đề cập.
Đồng thời, Nhà nghiên cứu Nông Phúc Tước cũng đã chỉ ra thủ pháp nghệ thuật của Then. Theo đó, ca từ then dẫu ra đời cách ngày nay đã vài trăm năm, khi trình độ văn hóa xã hội tộc người còn rất hạn chế, nhưng lời then đã được gọt giũa, chọn lọc tinh tế, vừa xúc tích cô đọng, vừa giàu hình ảnh, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Công trình giành Giải B Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên (2017 – 2021).
Có thể thấy, hai tác phẩm này, dù tiếp cận với nghi lễ then từ những góc độ khác nhau, đều mang đến cho người đọc những trải nghiệm cảm xúc gần gũi, chân thật về văn hóa và tâm linh của người Tày. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại hiện nay.
Không khai thác nghi lễ hay nghệ thuật, TS. Ma Ngọc Dung chọn cho mình một hướng đi đối lập. Ông đi vào bữa cơm hàng ngày của người Tày để đi tìm những giá trị văn hóa từ những điều giản dị. Công trình nghiên cứu “Tập quán ăn uống của người Tày vùng Đông Bắc Việt Nam”, chỉ ra rằng tập quán ăn uống không chỉ đơn thuần là cách thức con người duy trì sự sống, mà còn là một khía cạnh quan trọng của văn hóa, gói gọn những thói quen hình thành qua một quá trình dài trong lịch sử. Những thói quen về ăn uống của mỗi dân tộc hay một cộng đồng thường được lưu giữ bền lâu, chậm biến đổi theo thời gian. Chính vì vậy, công trình nghiên cứu về tập quán ăn uống đã giúp công chúng hiểu sâu về hệ thống văn hóa của mỗi tộc người.
Đặc biệt, đối với người Tày, một dân tộc thiểu số có nguồn gốc lâu đời ở vùng Đông Bắc Việt Nam, tập quán ăn uống mang đậm sắc thái của những cư dân nông nghiệp sống giữa thung lũng, xen lẫn với nét đặc trưng riêng của một tộc người. Qua những món ăn đặc trưng, cách thức chế biến độc đáo và cả lối ứng xử trong bữa ăn, chúng ta có thể nhận ra những giá trị độc đáo của nền văn hóa người Tày.
Những giá trị đó không chỉ dừng lại ở việc thể hiện khẩu vị mà còn phản ánh tâm hồn, truyền thống và cách mà cộng đồng người Tày duy trì bản sắc của mình qua bao thế hệ. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn góp phần giữ gìn toàn bộ di sản tinh thần của dân tộc. Tác phẩm từng đoạt Giải 3A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2007.
Nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong dòng chảy ấy, những nhà văn, nhà nghiên cứu, nghệ nhân thầm lặng - tác giả của 50 tác phẩm được vinh danh đã và đang góp phần gìn giữ mạch nguồn bản sắc không bao giờ cạn. Văn chương, một lần nữa, làm tròn sứ mệnh của mình: kết nối quá khứ với hiện tại và gieo những hạt mầm văn hóa cho thế hệ mai sau.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...