Những góc độ tiếp cận mới trong luận giải mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ (từ năm 1986 đến nay) Kỳ 2
VNTN - Trong thời đại ngày nay cần quan niệm “văn nghệ phục vụ chính trị” như thế nào?
Quan sát tiến trình đổi mới tư duy xung quanh vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, có thể thấy các nhà khoa học một mặt vẫn thừa nhận quan hệ văn nghệ với chính trị trên tư cách là quan hệ quản lý của chế độ chính trị đối với văn nghệ, mặt khác lại nhấn mạnh và làm sáng tỏ hơn quan hệ giữa văn nghệ với chính trị trên bình diện là những hình thái ý thức xã hội có quan hệ tương tác bình đẳng lẫn nhau. Nhận thức mới này mang đến cái nhìn biện chứng, toàn diện, khách quan hơn về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, trả lại cho văn nghệ vai trò, chức năng mang tính đặc thù của nó.
Các nhà lý luận đã chứng minh và khẳng định: “Việc văn nghệ chịu sự quản lý của chính trị để phục vụ con người không có gì là vô lý, thậm chí việc đó còn góp phần phát huy hiệu quả tác động xã hội của văn nghệ”(1). Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, xét từ góc độ lý thuyết nói chung, khi xã hội xuất hiện chế độ chuyên chế chuyên quyền, cai trị văn nghệ bằng mệnh lệnh chủ quan áp đặt, buộc các văn nghệ sĩ phải phục tùng và phục vụ chế độ chính trị tàn bạo, mất dân chủ thì việc xung đột giữa văn nghệ với chính trị là tất yếu. Văn nghệ chân chính luôn chống lại thứ chính trị thoái hóa, nhưng lại thống nhất với chính trị chân chính. Như vậy đấu tranh để chống lại lối quản lý áp đặt giáo điều của thiết chế chính trị không có nghĩa là phủ nhận vai trò của chính trị đối với văn nghệ.
Việc lý luận đổi mới phân biệt rõ đặc thù của hai hình thái ý thức xã hội là quan điểm khoa học đúng đắn. Bởi vì chỉ có trên cơ sở như vậy lý luận mới có thể tiếp tục giải quyết nhiều câu hỏi khác đặt ra xung quanh mối quan hệ giữa văn học và chính trị, đặc biệt nhất là câu hỏi: Trong thời đại ngày nay cần quan niệm “văn nghệ phục vụ chính trị” như thế nào?
Chúng tôi đồng tình và chia sẻ với Lê Ngọc Trà khi trong bài viết Văn nghệ và chính trị ông đã phân biệt khác với chính trị và đạo đức, sức tác động mạnh mẽ của văn nghệ thể hiện chủ yếu không phải ở chỗ nó tuyên truyền và răn dạy, mà ở khả năng khêu gợi, đánh thức lương tri của mỗi người, kích thích quá trình tự giáo dục ở họ: “Nghệ thuật như tấm gương lớn xã hội đặt ra trước mặt, mỗi người đến tự soi mình, nhận diện, đối thoại với chính bản thân mình, tự phán xử, kiêu hãnh với những gì tốt đẹp có ở mình, ở cuộc đời, đồng thời cũng hổ thẹn vì những gì trái với lương tâm, đau đớn với tội lỗi, bất công trong xã hội”(2). Lê Ngọc Trà cũng như nhiều nhà khoa học khác, đã đánh giá cao chức năng giáo dục con người của văn nghệ, song đó không phải là sự giáo dục theo công thức giáo điều buộc người ta phải tuân thủ mà ở đây mang ý thức tự giác cao. Thiết nghĩ, muốn “phục vụ” được chính trị, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội thì trước hết văn nghệ phải ý thức được đầy đủ thiên chức của mình. Đó không đơn thuần chỉ là chức năng tuyên truyền mà quan trọng hơn hết đối với ý nghĩa sự tồn tại của văn học nghệ thuật là thiên chức đánh thức tâm hồn, tình cảm của con người.
Bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, thế giới với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin đã, đang và sẽ làm nên một “thế giới phẳng” (Thomas Friedman). Rào cản biên giới ở mọi lĩnh vực của cuộc sống giữa các dân tộc ngày càng trở nên nhạt nhòa. Tuy nhiên, “phẳng” ở đây không có nghĩa là san phẳng tất cả, “phẳng” với ý nghĩa mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý… tất cả phải được duy trì, được bảo vệ giữ gìn, được xử lý theo hướng làm phong phú cho tính “phẳng”của thế giới, quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu không muốn tự cô lập mình. Trong sự vận hành chung của thế giới, đất nước và con người Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu có thể đến với bất kỳ một ai chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Những tác động của thông tin sẽ mang lại hiệu quả rất lớn để thúc đẩy phát triển xã hội nếu chúng ta biết cập nhật những tri thức tinh hoa văn hóa, trong đó văn học nghệ thuật đóng một vai trò hết sức quan trọng. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới hiện nay, câu hỏi: nằm trong sự quản lý của thiết chế chính trị, văn nghệ sẽ phục vụ cho sự phát triển của xã hội và con người như thế nào? đòi hỏi ở lý luận một sự quan tâm lý giải thỏa đáng.
Một số hiện tượng văn học thời kỳ Đổi mới gặp phải nhiều ý kiến đánh giá không đồng thuận,
thậm chí trái ngược nhau. (Nguồn: Internet)
Có thể thấy, với sự phát triển nhận thức của con người trong xã hội hiện đại, để phát huy tốt chức năng của mình, văn nghệ không thể sáng tác chạy theo giáo điều, rao giảng đạo đức một cách khô khan, sống sượng, cũng không thể hô hào tình yêu Tổ quốc một cách chung chung, sáo rỗng. Văn nghệ hoàn toàn không phải là một thứ “công cụ” như khẩu súng, máy bay, tàu thủy để sử dụng như một thứ vũ khí vật chất vào mục đích vụ lợi của một số người, phe phái, cục bộ địa phương. Nghệ thuật là một hoạt động tinh thần có sức mạnh kỳ diệu, nhưng sức mạnh của nghệ thuật không phải là thứ sức mạnh nhờ vào quyền lực chính trị mang lại. Sức mạnh lôi cuốn thuyết phục của nghệ thuật tỏa ra từ chính tác phẩm - điểm hội tụ tài năng, trí tuệ, tâm huyết và bản lĩnh của người nghệ sĩ. Từ hơn sáu trăm năm trước, Nguyễn Trãi - người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - đã từng dùng những trang viết sắc sảo, thấu lý đạt tình để “mưu phạt tâm công” (đánh vào lòng người), và nhờ vậy ông đã để lại cho đời những áng văn chương có “sức mạnh hơn mười vạn quân” (Phan Huy Chú).
Việc tiếp nhận nghệ thuật là một sự tự nguyện, tự ý thức cao của mỗi người, nó giúp độc giả ý thức được sâu sắc hơn về bản thân, tự nhìn vào “con người bên trong” mình nghiêm khắc hơn, từ đó hiểu được sâu sắc hơn sự thật bản thân mình - đây cũng chính là một sứ mệnh thiêng liêng của văn học. Vì vậy văn nghệ “phục vụ chính trị” ở chỗ khi tiếp nhận tác phẩm, ngoài việc nhân lên lòng tự hào dân tộc, hướng mạnh mẽ đến cội nguồn cuộc sống, công chúng còn được khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, thậm chí cảm thấy tủi hổ vì những gì mình đang thua kém những dân tộc khác trên thế giới, cảm thấy đau buồn sâu sắc trước những bất công, tàn bạo khôn lường đe dọa sự bình yên của cuộc sống con người. Từ đó, truy tìm lời giải đáp cho câu hỏi: phải tự vượt mình, tự hoàn thiện nhân cách, văn hóa của con người trong thời đại văn minh như thế nào? Sẽ hạnh phúc biết bao và khoan dung, nhân ái biết bao khi xã hội có nhiều người muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà văn học nghệ thuật gợi ra, và đó lại cũng chính là những vấn đề không nằm ngoài sự quan tâm của chính trị.
Muốn có được sức mạnh lay chuyển lòng người như vậy, nghệ thuật phải được bộc bạch tất cả những gì riêng tư nhất, khát vọng tha thiết nhất thuộc về bản thể con người, nó đánh thức tình yêu và tiềm năng sáng tạo của họ, nó khiến con người ý thức được niềm hạnh phúc và trách nhiệm lớn lao của quyền và nghĩa vụ của Con Người theo nghĩa đúng nhất của từ này. Phải được nói lên nhiều mặt cả cái xấu và cái tốt, cao thượng và thấp hèn, cái ác và cái thiện, cái được và cái mất,… Văn học phải được đi đến tận cùng những số phận con người với những trang viết thấu đáo về đời sống và con người. “Nó chỉ làm cái việc của nó, riêng nó mới có thể làm được (…) giữ cho con người mãi mãi là con người, không phải là con thú vô nhân tính, mà cũng không thành ông thánh cao vời, vô duyên và cũng vô nhân tính nốt. Nó chăm lo cho con người mãi mãi thật là người”(3). Khi văn học hướng cái nhìn vào cận cảnh bề tối của chính trị, của cộng đồng, không phải tất cả đều đồng nghĩa với phá hoại trật tự xã hội và truyền thống văn hóa dân tộc. Cũng có những trường hợp suy tư, phản biện vào lịch sử không có nghĩa là chống lại lịch sử. Tất cả là để cùng tự thức trong đường biên của tự do sáng tạo, trong tư duy hiền minh về nghệ thuật, ở đó mỗi cá nhân được thể hiện trọn vẹn khả năng của mình, ý thức được một cách cao nhất quyền công dân của mình đối với Dân tộc, Tổ quốc, Nhân dân.
Lịch sử văn học nghệ thuật đã chứng minh rằng nhiều tác phẩm trường tồn qua thời gian không đồng nghĩa với việc nó sinh ra chỉ là để ca ngợi thể chế chính trị đương thời. Văn học là tiếng nói mang tính dự báo, do vậy nó có thể hỗ trợ chính trị ở chỗ nó dự báo và cảnh báo về sự suy thoái và có thể đi đến sụp đổ của một nền chính trị không còn phù hợp với quyền lợi của nhân dân, của cộng đồng. Văn học chân chính (cũng như chính trị tiên tiến) nằm ngoài những băng hoại do thời gian. Sự sàng lọc nghiệt ngã qua thời gian khiến những tác phẩm văn học có giá trị đích thực như những viên ngọc quý phát lộ hào quang. Đó cũng chính là những tế bào vĩnh cửu góp phần cấu tạo nên văn hóa của một dân tộc. Và câu hỏi những tác phẩm văn học như vậy “phục vụ” chính trị ở chỗ nào đồng nghĩa với lời giải đáp cho câu hỏi: những tác phẩm ấy có giá trị làm cho cuộc sống tinh thần, tâm hồn của con người ở thời đại mà nó tỏa sáng phong phú tốt đẹp lên ra sao?
Kết luận
Thời đổi mới và hội nhập, việc nhận thức vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị được thể hiện ở các mức độ khác nhau. Vì lý luận còn thiếu tính độc lập nên nhiều người còn e ngại, không dám nói lên chính kiến của mình. Sức ỳ của quan niệm cũ coi văn nghệ phải là “công cụ” phục vụ chính trị một cách máy móc vẫn còn rơi rớt lại. Đây đó vẫn có hiện tượng người làm công tác quản lý văn nghệ không thấu hiểu về bản chất đặc thù của văn học nghệ thuật, vẫn lấy tiêu chí phục vụ nhiệm vụ cụ thể, thời vụ của chính trị để thẩm định sáng tác của nhà văn một cách hẹp hòi. Chẳng hạn khi đánh giá về các hiện tượng văn học xuất hiện ở thời kỳ Đổi mới như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng anh hùng của Doãn Dũng, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn… có nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí trái ngược nhau. Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh tư tưởng để giải phóng văn học nghệ thuật triệt để khỏi rào cản của những tư duy đơn giản, thực dụng vẫn còn phải bền bỉ tiếp tục.
Tuy vậy, quan sát thực tiễn xã hội, có thể thấy những tư tưởng mới, tiến bộ đã và đang theo xu hướng được khẳng định. Cụm từ “văn nghệ là công cụ phục vụ chính trị” hầu như không được dùng đến trong các văn bản của Nhà nước và trong nghiên cứu, phê bình văn học thời đổi mới. Điều đó cho thấy dù một số phương diện nhận thức chưa đi đến thống nhất cao, nhưng tư duy về vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị - một vấn đề lý luận nhạy cảm và không dễ dàng trong việc tháo gỡ những mâu thuẫn, đẩy lùi những ngộ nhận, bất cập đã thực sự thay đổi về chất. Đó là tinh thần khắc phục những hạn chế trong nhận thức về vai trò của văn nghệ và chính trị, khôi phục lại quan hệ gắn bó mà đẳng lập của hai hình thái ý thức xã hội làm cho chúng phát triển trong tương quan một cách biện chứng.
Như vậy, ở bất cứ thời đại nào, khi mà cả văn nghệ và chính trị đều hướng đến lợi ích chung của dân tộc, cộng đồng, thì văn nghệ với sứ mệnh thiêng liêng của mình hoàn toàn không phải là “công cụ” phục vụ chính trị một cách máy móc, thực dụng. Văn nghệ với chức năng có tính đặc thù nghệ thuật sẽ cùng với chính trị hướng đến mục tiêu cao đẹp: làm cho xã hội ổn định, con người trở nên người hơn, sống nhân ái, nhân văn, và hướng về những khát vọng chân chính.
Tài liệu tham khảo
(1). Nguyễn Văn Dân (2009), “Vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị”, Nghiên cứu Văn học, (4), tr. 13.
(2). Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr. 27.
(3). Nguyên Ngọc (2009), “Đôi ý kiến về văn học hiện nay'', Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn (Tháng 1), tr.36.
Cao Thị Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...