Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:43 (GMT +7)

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

VNTN- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần quan trọng vào chiến công bảo vệ vững chắc thành phố Thép và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên ra quân, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Nguồn: congan.thainguyen.gov.vn
Cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên ra quân, quyết liệt đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Nguồn: congan.thainguyen.gov.vn

Tìm về những câu chuyện xưa

Xem loạt phim “Cảnh sát hình sự” phát trên truyền hình, khán giả không khỏi bất ngờ và vô cùng khâm phục sự dũng cảm, mưu trí, tài ứng thí, những pha hành động gay cấn cùng với các phương tiện, trang thiết bị hiện đại và công cụ hỗ trợ của các chiến sĩ cảnh sát hình sự trong điều tra truy bắt tội phạm. Nhiều người cho rằng: Cảnh sát hình sự là những người được đào tạo bài bản với các kỹ năng đặc biệt, được trang bị vũ khí và các trang thiết bị cũng đặc biệt.

Tìm hiểu tôi được biết Cảnh sát hình sự, hay còn gọi là Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có nhiệm vụ và thẩm quyền tiến hành các biện pháp trinh sát và một số hoạt động điều tra, khám phá theo quy định của pháp luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động của bọn tội phạm về trật tự xã hội, các loại tội phạm trong lĩnh vực tệ nạn xã hội, góp phần bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên sự kiện, nhân vật và bối cảnh phim hầu hết đều diễn ra trong những năm gần đây. Vậy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát hình sự thực thi nhiệm vụ thế nào? Phương tiện, công cụ hỗ trợ và những điều kiện cần thiết được trang bị cho lực lượng này ở một thành phố lớn như Thái Nguyên ra sao? Mang theo câu hỏi đó, tôi tìm đến lãnh đạo Công an thành phố Thái Nguyên và được giúp đỡ nhiệt tình để gặp các cựu cán bộ Công an tìm hiểu ngọn ngành.

Thời gian lùi xa gần như quá nửa đời người, nhiều cán bộ chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã về với tiên tổ, một số tuổi đã cao. Tuy nhiên, tôi không khó để tìm gặp và có những buổi trò chuyện thú vị với những người từng đảm nhận nhiệm vụ, trong số đó có Thượng tá Lưu Công Dư, nguyên Chánh thanh tra Công an tỉnh, người từng là chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự Công an Thành phố Thái Nguyên trong những năm bom đạn ác liệt nhất.

Tuy tuổi đã cao, ông Lưu Công Dư vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có trí nhớ rất tốt và tiếp chuyện tôi cởi mở thân tình. Tôi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác khi thấy ông vẫn lưu trữ cuốn sổ nhật kí, nhiều bản ghi chép cá nhân và cả tập thống kê thiệt hại người và tài sản khi ông kiêm nhiệm vụ Thư kí Ủy ban điều tra tội ác giặc Mỹ của thành phố Thái Nguyên.

Với mong muốn được trải nghiệm và “mục sở thị” địa bàn, tôi đã lần theo bước chân các cán bộ chiến sĩ. Dù khá thông thạo địa danh, tôi cũng mất nhiều thời gian để tìm hiểu, bởi địa giới hành chính khi ấy chưa hợp lý. Nếu như khu vực Đán là huyện lỵ của Đồng Hỷ thì thị trấn Trại Cau đi tắt cầu treo Bến Oánh sang ngót trên 20 cây số lại thuộc địa giới thành phố. Cảnh vật, dấu tích khi xưa cũng hoàn toàn đổi khác.

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa
Bác Hồ thăm Trường Thiếu sinh quân năm 1948. Ảnh tư liệu

Không chỉ trò chuyện với người dân từng cưu mang giúp đỡ Đội Cảnh sát hình sự, tôi còn được lắng nghe ý kiến của một vài người lớn tuổi từng là đối tượng “cộm cán” trót sa ngã, được các anh thuyết phục, cảm hóa trở thành tai mắt tại cơ sở và cung cấp cho công an những nguồn tin giá trị để điều tra phá án. Cũng chính từ các tấm gương tận tụy gương mẫu, hết lòng vì nước vì dân mà các cán bộ chiến sĩ được nhân dân tin yêu, kính trọng.

Không phải người trong cuộc, tôi cũng có thể hình dung phần nào bức tranh toàn cảnh về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ Cảnh sát hình sự thành phố. Khi ấy Thái Nguyên là một thành phố công nghiệp lớn trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nơi có Khu Gang thép, đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, Thái Nguyên còn là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc.

Nhiều cơ quan, đơn vị quân đội, trường học đứng chân trên địa bàn. Mật độ người và dân cư đông đúc, bọn gián điệp và các phần tử cơ hội ráo riết hoạt động do thám, chống phá. Tình hình an ninh trật tự diễn biết phức tạp. Khi các cảng biển, cửa sông bị ngư lôi Mỹ phong tỏa, Thái Nguyên được chọn làm nơi tiếp nhận và trung chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa do các nước viện trợ. Thành phố tập trung nhiều kho bãi, trở thành “cảng nổi” và là trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ.

Dũng cảm, mưu trí, sáng tạo phá án

Ngày đó lực lượng công an của ta chưa biên chế lực lượng cảnh sát điều tra. Cảnh sát hình sự làm luôn nhiệm vụ từ điều tra, phá án, bắt tội phạm và làm hồ sơ khởi tố.

Các cán bộ chiến sĩ được phát quân tư trang theo qui định gồm: ba lô, trang phục của ngành, mũ cát và một đôi dép lốp. Vũ khí được trang bị mỗi người một khẩu súng ngắn, đạn và gao găm. Đội không có xe nên đi làm việc quanh thành phố chủ yếu là đi bộ, mãi sau này ai có xe đạp thì dùng xe cá nhân. Quần áo thường phục anh em hầu hết đều sờn cũ, vá víu. Mỗi khi xảy ra các vụ án, đội chỉ tới chụp ảnh, đo vẽ hiện trường và bằng các biện pháp nghiệp vụ phá án, chưa hề có các trang thiết bị nào khác. Các cán bộ chiến sĩ đều ở nhà tập thể, ăn cơm hai bữa chính tại nhà bếp cơ quan, bữa sáng tự lo liệu.

Như để tôi hình dung rõ hơn về tính chất công việc thời chiến, ông Lưu Công Dư kể, những năm tháng ấy hầu như toàn đội không có ngày nghỉ, bất kể sự việc liên quan đến hình sự hay không, khi nhận lệnh anh em đều có thể lên đường ngay. Đêm nằm ngủ vẫn đeo súng, dao găm, nhiều khi để cả giày và không cần mắc màn cho tiện cơ động. Việc thức thâu đêm, ngủ bờ bụi là chuyện bình thường mỗi khi điều tra phá án hoặc theo dõi đối tượng.

Có lần các chiến sĩ còn suýt bị tầu cán khi lỡ ngủ quên trên đường tầu, lúc tầu lao đến, đường ray rung mới bừng tỉnh. Ngoài tiền lương, các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ không hề có bất cứ chế độ công tác phí nào, bởi vậy anh em thường đút túi chiếc bánh mì để khi đói có cái lót dạ. Vất vả thiếu thốn là vậy, nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, luôn biết giữ mình để không bị sa vào cám dỗ.

Đội Cảnh sát hình sự được bố trí đóng quân cùng Đội Bảo vệ chính trị trên đồi Vũ Trang, cách khá xa trụ sở Công an Thành phố bên đồi thông (nay là đồi Tượng đài liệt sỹ). Đội có căn nhà tranh vách đất chứa tang vật các vụ án, cùng tài sản của những người bị chết khi trúng bom trên tầu và các khu vực toàn thành phố. Lượng tiền, vàng, đồng hồ và các tài sản khác khá nhiều. Những thứ có giá trị như vàng đội trưởng cũng chỉ đánh dấu gói vào tờ giấy.

Tuy nhiên không một ai đụng đến, dù có thứ rất cần như đồng hồ để biết thời gian đi làm nhiệm vụ. Sự sống và cái chết khi đó rất mong manh, những trận oanh tạc của máy bay Mĩ liên tục diễn ra. Đeo đồng hồ lỡ chết bị phát hiện chắc chắn là một nỗi nhục lớn. Danh dự và lòng tự trọng quí hơn bất cứ thứ gì khác.

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô Hà Nội, mùng 1 Tết Quý Mão (1963). Ảnh tư liệu

Cuộc đời người chiến sĩ cảnh sát hình sự luôn phải đối mặt với nhiều cám dỗ. Các đối tượng vi phạm không chỉ dùng tiền mua chuộc để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, mà còn dùng cả nhan sắc. Điển hình như vụ một cô gái trẻ, đẹp giả danh sinh viên đại học bám theo các chuyến xe khách để lừa đảo. Thủ đoạn của ả là hát và dùng vẻ đẹp của cơ thể để lợi dụng. Chỉ bằng chiêu trò đơn giản nhưng ả lừa được rất nhiều tiền, nhất là với các đồng chí bộ đội sắp đi B.

Nhận được tin báo, một số chiến sĩ nhập vai hành khách và bắt về đội. Dù bị tạm giam nhưng mỗi lần báo động, đơn vị phải đưa cô ta xuống hầm trú ẩn. Không thể “hối lộ” bằng vốn tự có, ả định bỏ trốn bởi căn phòng tạm giam cũng tuyềnh toàng mái tranh vách đất, buộc các chiến sĩ phải cùm chân...

Trong điều kiện thời chiến, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn, đến mức toàn đội một bộ quần áo tươm tất cũng không có. Vụ Cửa hàng bách hóa Xăng Dầu mất một số lượng lớn hàng hóa là một ví dụ. Xác định đây là vụ trộm có tổ chức, khả năng nhiều kẻ tham gia và chúng đã phân tán tài sản cất giấu.

Sau nhiều ngày trinh sát và được cả đặc tình cung cấp thông tin manh mối đối tượng trong nhóm, Đội trưởng Nông Danh Hạ đã phải đi mượn một bộ quần áo cho Lưu Công Dư đóng giả người cháu ở Hà Nội lên chơi với vợ chồng người bác cạnh nhà đối tượng. Đôi vợ chồng đó nhà cũng nghèo, ông Hạ gửi tiền cho gia đình nấu cơm cho Lưu Công Dư.

Gần một tuần lễ, ông Dư không có cách nào tiếp cận nhà đối tượng, bởi quanh căn nhà là giậu tre gai đối tượng đã treo chai lọ để canh chừng, bên trong thả rông đàn chó dữ. Bất quá, ông Dư đành cầm gậy, lấy cớ sang chào để về Hà Nội…

Kể lại việc triệt phá băng nhóm trộm cắp trên, ông Dư tỏ ý áy náy bởi sau khi bắt đối tượng, đôi vợ chồng cho ông ở nhờ phải bỏ nhà đi nơi khác vì bị kẻ nào đó đe dọa. Do tình hình chiến sự ác liệt, ông không có điều kiện tìm hiểu họ di chuyển, hay sơ tán đi đâu.

Không chỉ phải xử lí các vụ phạm pháp và tội phạm hình sự, có những vụ việc hi hữu cũng làm các cán bộ chiến sĩ mất thời gian. Ngày đó các phương tiện vận tải công cộng ít. Hành khách nhiều khi phải chờ đợi ngày đêm ở bến tầu, bến xe. Các tệ nạn xã hội cũng theo đó phát sinh.

Trong khi các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ, một cô gái trình báo bị cưỡng hiếp tại ngôi nhà hoang cạnh bến xe. Trên áo kẻ dùng bạo lực cưỡng hiếp có thêu hai kí hiệu chữ cái. Cô gái còn nói hắn yêu cầu nếu tối nay đến gặp hắn, hắn sẽ tạo điều kiện cho cô mang chè đi. Khảo sát căn nhà, các chiến sĩ thấy trên tấm phản có dấu vết ân ái. Tổ chức mật phục, các chiến sĩ bắt được đối tượng mặc áo có thêu kí hiệu chữ cái như khai báo của cô gái.

Tuy nhiên điều bất ngờ là cô gái cũng lại đến đó. Không khó để các chiến sĩ xác định người thanh niên ở ngôi nhà gần bến xe. Qua xác minh các chiến sĩ được biết người thanh niên không có khả năng quan hệ nam nữ và đôi khi tới xem người khác… Vì những lí do không mong muốn, các nguồn thông tin đến với công an không phải tất cả đều đáng tin cậy. Vấn đề điều tra xác minh kỹ lưỡng cũng là những bài học các chiến sĩ cảnh sát hình sự luôn nằm lòng…

Ngày bé lũ trẻ con bọn tôi vẫn rỉ tai nhau: Các chú cảnh sát hình sự võ nghệ cao cường, lại còn lái được cả ô tô, máy bay. Trò chuyện cùng ông Lưu Công Dư, vốn tính tò mò tôi mạnh dạn hỏi:

- Cảnh sát hình sự thời ấy có được huấn luyện đặc biệt không ạ?

Ông Dư cười:

- Tôi là công an được điều sang Đội Cảnh sát hình sự. Các kỹ năng anh em cũng như nhau thôi…

Ông kể lại câu chuyện hai lần tham gia bắt phi công Mỹ bị ta bắn rơi máy bay. Trong đó có lần ông nhặt được một chiếc máy nhấp nháy sáng phát tiếng kêu tít tít. Trên trời máy bay Mỹ quần thảo rất thấp. Ông nghĩ đó là mìn hẹn giờ. Một đồng chí bộ đội đi qua cầm xem và tắt máy. Thì ra đó là chiếc máy phát tín hiệu cầu cứu đồng bọn của phi công. Không còn tín hiệu từ mặt đất, máy bay Mỹ cũng bay đi. Không hẳn cảnh sát hình sự thời ấy được đào tạo đặc biệt hơn lực lượng khác trong ngành và cái gì cũng biết.

Tội phạm bao giờ cũng mưu mô xảo quyệt và manh động, chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn chống đối người thi hành công vụ để tẩu thoát. Đối mặt với các loại tội phạm và mọi tình huống nguy hiểm, các chiến sĩ cảnh sát hình sự luôn bình tĩnh, tự tin xử lí bằng nhiều biện pháp vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết. Các màn đấu trí, đấu sức nhiều vụ án diễn ra hết sức quyết liệt.

Có lẽ vì những lý do khác nhau, các nhà làm phim chưa có điều kiện tổ chức sản xuất. Tuy vậy, hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát hình sự thời chống Mỹ với những phẩm chất cao đẹp đã là nguồn cảm hứng và thấp thoáng bóng dáng trong một số tác phẩm văn học.

Mỗi giai đoạn lịch sử có những con người, sự việc và bối cảnh khác nhau. Để tuổi trẻ hôm nay hiểu biết sâu sắc về một thời hào hùng của dân tộc, tôi nghĩ khắc họa và tái hiện hình ảnh các cán bộ chiến sĩ cảnh sát hình sự thời kỳ chống Mỹ, trước hết là lực lượng Cảnh sát hình sự thành phố Thái Nguyên là một đề tài cần được khai thác. Ở một góc độ khác, đó còn là sự trân trọng đối với những công hiến hy sinh to lớn của thế hệ đi trước cho những ngày ta đang sống.

Ký. Phan Thái

1 đã tặng

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 1 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 3 ngày trước