Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:25 (GMT +7)

Nhớ cái đêm “thăng thiên” năm ấy

VNTN - Tôi có người bạn văn thân thiết là anh Mai Việt. Là giáo viên dạy toán lý nhưng Việt say mê sáng tác văn học. Đã có một thời, thơ và bút ký của anh đăng tải ở nhiều tờ báo địa phương và trung ương. Anh là hội viên sáng lập của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Hồi ấy Việt dạy ở trường cấp 2 xã Cù Vân, cách nhà tôi mấy cây số nhưng anh có cái xe máy tàng tàng nên cứ vài ba ngày lại phi xuống nhà tôi trò chuyện. Trong nhiều lần hàn huyên thì có một lần làm tôi cứ nhớ mãi. Giống như nhiều gia đình trên đất chè Hà Thượng, gia đình tôi cũng trồng một vườn chè nhỏ. Để uống chè tươi là chính, thỉnh thoảng những lúc thóc cao gạo kém cũng có thể hái để bán búp tươi cho những người chuyên sao chè. Việt quê Phúc Trìu, gần Tân Cương nên am hiểu về chè. Vào một buổi chiều thứ bảy, Việt đến nhà tôi. Nhìn vườn chè xanh tốt nhưng đã hơi quá lứa, Việt bảo tôi mang thạ ra hái. Không ngờ bàn tay chỉ quen cầm phấn, cầm bút mà anh hái chè nhanh đến vậy. Hái xong, Việt kì cạch vào bếp nhóm lò, sao chè. Anh bảo, chè hái phải sao ngay mới thơm ngon, và khi sao không được ngừng tay. Từ đấy tôi mới hiểu thế nào là chè sao suốt. Cứ đảo chè trên chảo vài phút, Việt lại đem ra vò. Làm đi, làm lại nhiều lượt như thế. Lại bảo, phải vò nhiều lần như vậy mới thực sự là người biết sao chè. Thì ra việc sao chè quá công phu. Có lẽ phải đến năm, sáu tiếng đồng hồ Việt không rời bếp. Mồ hôi chảy ròng ròng, ướt đẫm chiếc áo may ô. Cho đến tận tám, chín giờ tối, mấy bơ chè búp (hồi ấy, thường đong chè bằng bơ chứ không bằng cân, lạng như bây giờ) của chúng tôi mới lấy hương xong. Trăng đã lên cao giữa đỉnh trời, tôi và Việt mới được xả hơi, ngồi vào bàn để thưởng thức trà do chính tay mình làm ra. Cũng xin nói để bạn đọc hiểu thêm là vào những năm của thập kỷ bảy mươi, tám mươi thế kỷ trước, người làm chè xứ Thái chỉ uống chè ban, chè cám là những thứ phẩm chứ không ai dám dùng trà búp. Chính phẩm phải dành để mang bán lấy tiền đong gạo. Thế mà hôm ấy, tôi đã có một quyết định… tày đình là dành hẳn nửa bơ trà búp để pha uống. Và kinh hơn là mua hẳn một… bơ lạc về rang. Bây giờ nói ra thì những người trẻ cười nhưng hôm ấy đối với chúng tôi quả là… đại tiệc. Trời ơi! Trà mới thơm làm sao, lạc mới bùi làm sao! Hương chè thanh nhẹ bay lơ mơ, mong manh, dìu dịu khắp ba gian nhà gianh rách nát của gia đình tôi. Không phải rượu mà vẫn chén chú, chén anh, nâng lên đặt xuống cùng biết bao ký ức mừng tủi, buồn đau, xót xa của cõi người. Cứ hết ấm nọ rồi ấm kia. Đổ bã rồi lại pha, rồi lại đổ bã… Quá nửa đêm mà bốn mắt vẫn chong chong. Cái tang trà búp này thật đáng sợ. Uống đều thì chả sao, nhưng thỉnh thoảng mới được nhấp thì mất ngủ là chuyện hiển nhiên. Thì thôi, kệ xừ đời. Cả năm 365 đêm, mất ngủ một đêm có sá chi. Đêm ấy, nhiều chuyện về văn chương cũng được phơi ra giữa bàn trà. Những năm này, tôi mới có một cuốn sách duy nhất được xuất bản, Việt thì đang phấn đấu. Trong cơn say... trà, Việt bảo chả sợ cây bút nào ở Thái Nguyên hết. Rồi anh sẽ có một tiểu thuyết nghìn trang, ngang ngửa với Nguyên Hồng. Khiếp thật! Đâu phải rượu mới làm cho người ta thăng… thiên, bốc hỏa, mới tạo ra sức mạnh dám xô núi, nghiêng sông. Hóa ra, chỉ trà với lạc rang thôi cũng đủ để cho tâm hồn văn nhân bay đến tận đỉnh trời. Đêm càng về khuya thì trà càng pha đậm. Càng mất ngủ. Và chính cái giờ phút ấy tôi mới ngộ ra rằng, trà hoàn toàn có thể thay thế rượu. Tôi và Việt đều không biết đến ma men là gì. Chúng tôi thường bị bạn bè chê là “Nam vô tửu, kỳ vô phong”. Nhưng các bạn đâu có hiểu, không có rượu, chỉ có trà thôi mà tâm hồn chúng tôi vẫn nổi gió đó! Khoảng ba bốn giờ sáng gì đó, bỗng cổ Việt ật ra, tựa vào cái cột xù xì phía sau, mắt nhắm tít lại. Tưởng Việt buồn ngủ, tôi để im. Vậy mà chỉ khoảng năm phút sau, Việt mở choàng mắt vui sướng kêu lên như Colombo phát hiện ra Châu Mỹ: - Em nghĩ ra rồi! - Chú nghĩ ra cái gì? Tưởng chú ngủ. - Trời ơi! Trong cái đêm huyền ảo trà này thì ngủ làm sao được hả anh. Cái lúc lim dim mắt vừa rồi là em đã nghĩ ra câu kết cho bài thơ “Tân Cương quê tôi” đã hơn một tháng nay tắc tị. - Tôi vui vẻ: - Chú đọc thử coi. Kính cẩn, nhẹ nhàng nhấp thêm một ngụm trà, Việt vươn cổ trang trọng buông từng tiếng: - Chè xanh vẫn đợi chén sành/ Nước sông Cầu vẫn trong xanh đợi chờ. Sau đó ít lâu thì bài thơ của Việt được đăng báo. Có thể bây giờ bạn đọc chả ai còn nhớ được chữ nào trong bài thơ ấy. Nhưng cái câu kết “Chè xanh vẫn đợi chén sành/ Nước sông Cầu vẫn trong xanh đợi chờ”, một câu thơ chỉ thường thường bậc trung nhưng với riêng tôi thì có lẽ nghìn năm vẫn không quên được. Vì đó không còn là một câu thơ đơn thuần nữa mà nó được ra đời trong hương sắc hồn trà vào cái đêm đầy ẩn ức ấy. Đã có hàng trăm lần thưởng trà có thể quên đi, nhưng cái đêm trà năm ấy thì trở nên vĩnh viễn rồi.

HỒ THỦY GIANG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 6 ngày trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước