Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:23 (GMT +7)

Ký ức về một truyện ngắn

Trong đời cầm bút của tôi có rất nhiều kỷ niệm. Khi sáng tác, mỗi truyện ngắn dường như đều để lại trong lòng người viết một kỷ niệm nào đó, có thể sâu sắc, có thể mờ nhạt, và năm tháng qua đi thường bị lớp bụi thời gian phủ lấp, lãng quên dần. Tuy nhiên, có một kỷ niệm trong sáng tác mà suốt đời tôi vẫn nhớ. Đó là khi tôi viết truyện ngắn “Cô Bánh Xích”.

Suốt hơn một thế kỷ trôi qua, những kỉ niệm vẫn nằm lặng lẽ trong trái tim tôi... (hình chỉ mang tính minh họa). Ảnh: V.T
Suốt hơn một thế kỷ trôi qua, những kỉ niệm vẫn nằm lặng lẽ trong trái tim tôi... (hình chỉ mang tính minh họa). Ảnh: V.T

Có nhiều bạn đọc nghĩ rằng nó là truyện đầu tay của tôi nhưng thực ra không phải như vậy. Trước khi đăng tải truyện ngắn này trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn tôi đã có vài truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc rồi. Tôi rất nhớ kỷ niệm về truyện ngắn này không phải vì nó xuất sắc hơn những truyện ngắn của tôi, cũng không phải nó đoạt giải của Báo Văn Nghệ, cho dù trong những năm tháng ấy, việc được giải là hết sức đình đám, có thể hình thành một cái tên trên văn đàn ngay lập tức.

Chuyện là thế này: Năm 1970, tôi giảng dạy văn hóa tại Trường Trung cấp Nông nghiệp của tỉnh đóng ở huyện Phú Lương. Những năm tháng ấy, cả tỉnh đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực nên ủy ban tỉnh có chủ trương tổ chức cho cán bộ ở một số ty (bây giờ gọi là sở) lên huyện Phú Lương phá hoang để trồng sắn. Vài trăm cán bộ, công nhân viên trong tỉnh nô nức kéo về huyện Phú Lương để thực thi nhiệm vụ. Trường Trung cấp Nông nghiệp nơi tôi dạy, thuộc Ty Nông nghiệp, là cơ sở đăng cai. Ngày ấy, tỉnh cấp cho đoàn phá hoang một cái máy kéo kiêm máy cày, máy húc gì đó, có cái bánh xích to lù lù như một chiếc xe tăng. Người lái cái xe bánh xích khổng lồ ấy hóa ra lại là một gái trẻ, vóc dáng bé xíu, đứng chỉ nhỉnh hơn cái vòng bánh xích một chút. “Cô bé” có đôi bím tóc luôn lúc lắc sang hai bên mỗi khi cười hoặc tranh luận một điều gì đó. Những hình ảnh về cô bé đã đập vào tâm trí, nói đúng hơn là đập vào trái tim một chàng trai chưa vợ đang lăm le với văn chương như tôi.

Ngày ấy, cáí xe bánh xích của cô tung hoành trên vùng đất hoang trông như một cánh bướm đen khổng lồ. Cái xe bánh xích của cô thật khiếp đảm. Lúc quay bên nọ, lúc ngoắt bên kia, những gốc cây cổ thụ chu vi tới một vòng tay người ôm mà cứ bật lên nhẹ băng. Nó hoàn toàn đối lập với cái vóc dáng nhỏ bé của cô. Cho nên cô đã trở thành tâm điểm của tất cả mọi người. Hình ảnh của cô đối với tôi chỉ có thế. Vậy mà đêm đêm, dù ban ngày mệt bã người vì phát hoang, trồng sắn, tôi vẫn lặng lẽ ngồi bên bàn mà hồi nghĩ lại những hình ảnh tung hoành của “cô bánh xích” trên bãi đất hoang rộng lớn. Cái tên truyện ngắn “Cô Bánh Xích” bỗng hiện lên, thế là vội cầm bút viết lấy viết để, viết như lên đồng. Tôi đưa khá nhiều chi tiết, hình ảnh, thậm chí là ngoại hình, tính nết và cả tên thật “cô bánh xích” là Hiền vào trong truyện, chỉ trừ chuyện tình yêu của anh giáo Dịu (tên nhân vật nam) với cô Hiền lái xe bánh xích là hư cấu. Nếu truyện được đăng, mọi người đọc sẽ nhận ngay là tôi viết về cô.

Sau khi công việc phá hoang, trồng sắn hoàn thành. Mọi người rút quân về đơn vị. Nghe đâu Hiền trở về trạm máy kéo đóng ở Phú Bình.

Khi truyện ngắn được đăng và được giải nhưng tôi vẫn thấp thỏm lo âu là nếu Hiền đọc được truyện ấy, không biết sẽ thế nào. Có khi tôi còn bị té tát về việc dám bịa ra chuyện tôi và cô ấy yêu nhau.

Khoảng một năm sau, tôi có gặp ông bạn là giáo viên ở Phú Bình, đã kể lại một câu chuyện thật vui. Ông bạn bảo có quen cô Hiền nên một lần đã đưa tờ báo có cái truyện “Cô Bánh Xích” của tôi cho cô ấy đọc. Lại còn nói dóc với cô ấy: “Này, ông Giang ngày ấy thầm yêu, trộm nhớ em lắm nên mới viết được cái truyện ngắn này”. Trời ơi! Thế có chết tôi không. Tôi vội nói: “Sao ông liều thế? Cô ấy có té tát cho không?”. Ông bạn cười phớ lớ: “Ông có biết sau khi đọc xong truyện ngắn, cô ấy nói thế nào không?”. Tất nhiên làm sao tôi biết được. Đó cũng là điều mà suốt gần một năm nay, tôi vẫn canh cánh lo lắng trong lòng. Ông bạn tỏ vẻ thích chí, cười to: “Cô ấy bảo rằng: Cái anh Giang buồn cười thế không biết. Ngày ấy yêu em mà sao không nói. Đúng là đồ nhát như thỏ đế”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ông bạn nháy mắt, hẹn về Phú Bình. Tôi cười, không ra tiếc, không ra không: “Tớ lấy vợ rồi”.

“Tiểu sử” truyện ngắn “Cô Bánh Xích” là như vậy. Giữa văn và đời, tuy vẫn gọi là “phản ánh hiện thực”, nhưng thực chất chẳng liên quan gì với nhau nhiều. Vậy mà đôi khi sao vẫn quấn quýt, dan díu lẫn nhau.

Có lẽ vì thế cho nên dù chỉ là một kỷ niệm về một truyện ngắn, nhưng suốt hơn một thế kỷ trôi qua vẫn nằm lặng lẽ trong trái tim tôi.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước