Thứ năm, ngày 02 tháng 01 năm 2025
20:44 (GMT +7)

Chiếc nón Tày của Nông Phúc Tước

Tôi quen Nông Phúc Tước vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngày ấy tôi dạy học ở Đại Từ còn Nông Phúc Tước làm việc tại Nhà Xuất bản Việt Bắc. Vì là cộng tác viên nên tôi thường tới đây để trao đổi về bản thảo. Tước cùng tuổi nên tôi thân thiết với anh hơn so với các cán bộ của nhà xuất bản. Ngày ấy, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Tổng hợp như Tước là thuộc diện quý hiếm. Vì vậy anh được Ban giám đốc giao nhiều đầu việc quan trọng.

Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Nông Phúc Tước. Ảnh: QK
Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Nông Phúc Tước. Ảnh: QK

Là cán bộ trẻ lại có năng lực nên Tước làm việc rất hiệu quả. Các cuốn sách anh biên tập thường là những cuốn có giá trị, tiêu biểu nhất là tập truyện ngắn "Mây tan" tập hợp nhiều tác giả nổi tiếng hồi ấy như Vi Hồng, Triều Ân, Phong Lê… Tuy là người mới cầm bút nhưng tôi cũng vinh dự được Nông Phúc Tước chọn in truyện ngắn "Bà mẹ và cô gái" vào cuốn sách. Làm việc bản thảo với Tước thường rất dễ chịu, thoải mái. Anh là một biên tập viên không chỉ chắc chắn về lí luận mà còn am hiểu người viết.

Khi Nhà Xuất bản Việt Bắc giải thể, Nông Phúc Tước chuyển về công tác tại Nhà Xuất bản Văn hóa ở Hà Nội. Bẵng đi một thời gian dài tôi và Tước rất ít gặp nhau. Giữa năm 1981, tôi từ Phòng Giáo dục Đại Từ chuyển về công tác tại Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Thái. Lúc ấy, Ban Vận động do sự bảo trợ ban đầu của Sở Văn hóa nên trụ sở đóng tại văn phòng Sở. Về đây tôi mới biết Nông Phúc Tước đã chuyển về Phòng Xuất bản của Sở Văn hóa được mấy tháng. Vậy là chúng tôi được gần nhau. Về tình cảm bạn bè như vậy là rất thuận lợi. Tuy nhiên, về công tác, tôi được chứng kiến đó lại là những năm tháng không mấy vui vẻ của anh. Hồi ấy, công bằng mà nói, những cán bộ có năng lực thật sự ở Sở Văn hóa không nhiều, đặc biệt, một số ít cán bộ lãnh đạo có trình độ thấp, tính cách còn bảo thủ. Vì thế, là một người có trình độ, từng trải, lại có quá trình công tác tại những cơ quan khá quan trọng của trung ương nên ở nơi mới anh thường khó tránh khỏi sự va vấp hoặc sự trục trặc về chuyên môn cũng như quan điểm làm việc. Hơn nữa, tính cách của Nông Phúc Tước có phần thẳng thắn, thường không chịu nổi sự ấu trĩ của nhiều cán bộ ngày đó nên anh không được lòng một số cán bộ lãnh đạo.

Ngày ở Sở Văn hóa tôi được chứng kiến hai việc mà có thể gọi là bất thường trong sinh hoạt và trong công tác của anh. Việc thứ nhất, vì là người dân tộc Tày, với mong muốn giữ bản sắc của dân tộc mình nên Tước thường đội chiếc nón Tày để che nắng che mưa. Thực ra điều này không có gì sai trái, nếu không muốn nói đó là một trang phục đẹp, có ý nghĩa. Nhưng không hiểu sao ngày ấy bỗng rộ lên một tin khá bất lợi cho anh, rằng bên Sở Văn hóa có một người Hoa, đầu đội chiếc nón Tầu, hằng ngày thường đi lại trong khu vực văn phòng Sở. Thế là Nông Phúc Tước bị ông Phó Giám đốc Sở gọi lên bắt làm kiểm điểm. Sau mới vỡ lẽ, cái nón của Nông Phúc Tước đội không phải là nón Tầu mà là nón của người Tày. Cũng chẳng hiểu kẻ nào đã tung cái tin thất thiệt ấy để hại anh. Chuyện nhỏ thôi, nhưng cũng làm Nông Phúc Tước không tránh khỏi phiền lụy. Dù vậy Nông Phúc Tước cũng chẳng mấy quan tâm.

Việc thứ hai, là chuyện một lần ông Phó Giám đốc sở ra quyết định chuyển Nông Phúc Tước lên văn phòng làm công việc đánh máy chữ thay cho cô văn thư nghỉ phẫu thuật dài ngày. Do ấu trĩ về quản lý và tính cách cửa quyền, nên vị Phó Giám đốc đã không hề bàn bạc với anh mà cứ thế ra quyết định. Lúc ấy, Tước đang rất bận một số công việc ở Phòng Xuất bản, và điều quan trọng hơn là Tước chỉ biết đánh máy chứ công việc ấy không thuộc chuyên môn của anh. Buổi sáng tôi đang đứng cùng anh ở cửa phòng xuất bản thì cô cán bộ văn phòng đến đưa cho anh tờ quyết định có chữ ký và con dấu đỏ chói của ông Phó Giám đốc. Nông Phúc Tước đọc xong tờ quyết định rồi lẳng lặng với tay dắt lên mái hiên. Tôi tròn mắt. "Lão" này sao ghê gớm thế. Quyết định của Sở mà coi như tờ giấy vụn. Tước cau mày, nói với tôi:

- Tôi chúa ghét cái lối dùng cường quyền đối với cấp dưới ông ạ. Cái quyết định này sai về quy chế nên tôi không thực hiện. Thiếu người đánh máy, nếu nói với tôi, dù không thành thạo lắm nhưng tôi vẫn có thể thông cảm mà làm giúp. Đằng này…

Đúng, nhưng "đanh đá" quá. Nếu là tôi thì dù không thực hiện cũng phải trình bày ngọn ngành, chứ đâu dám làm cái chuyện "động trời" kia. Nhưng Nông Phúc Tước là thế. Không thế thì đâu phải là Nông Phúc Tước. Cuối cùng thì mọi sự cũng chỉ dừng lại ở đó. Ông Phó Giám đốc chắc cũng nhận thấy mình hơi quá đà và có chỗ hổng về quản lý nên cũng để chuyện chìm đi. 

Có lẽ cảm thấy khó trụ nổi ở Sở Văn hóa, đầu năm sau Nông Phúc Tước chuyển sang Đài Phát thanh của tỉnh. Ở cơ quan mới, anh được trọng dụng, nhiều năm được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn nghệ của Đài. Hồi Tước làm ở đó, tôi trở thành một cộng tác viên tích cực, có tới vài chục kịch truyền thanh được dàn dựng với nhiều bút danh khác nhau. Chỉ dăm năm công tác tại đơn vị mới, Nông Phúc Tước đã làm cho mảng văn nghệ khởi sắc hẳn lên.

Khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Thái chính thức thành lập, Nông Phúc Tước về Hội với chức danh Chánh Văn phòng, rồi Trưởng Ban biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Tận lúc nghỉ hưu (2006), anh vẫn tiếp tục tham gia nhiều khóa chấp hành kiêm Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian. Thế mới biết, việc biết sử dụng cán bộ như kiểu biết dụng gỗ, bao giờ cũng là mặt mạnh/ yếu của lãnh đạo.

Đào Việt Hải

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 1 tháng trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 8 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước