Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
14:58 (GMT +7)

Chỉ cần có thuốc lào là Ma Trường Nguyên có thể ngồi viết suốt đời

Ngày hôm nay, bạn viết và bạn đọc trong tỉnh đều biết Ma Trường Nguyên là một nhà thơ, người dân tộc Tày, quê hương Định Hóa, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam... Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã cho xuất bản vài chục đầu sách gồm thơ, trường ca, tiểu thuyết, ký. Trong công tác đã từng nhiều năm làm lãnh đạo Sở Văn hóa, Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyện trong đời thường của ông chưa hoặc rất ít người được biết.

Nhà văn Ma Trường Nguyên. Ảnh : Quang Khải
Nhà văn Ma Trường Nguyên. Ảnh : Quang Khải

Tôi là người may mắn được cùng anh Ma Trường Nguyên công tác và sáng tác rất nhiều năm. Từ thời còn Hội Văn nghệ Việt Bắc, anh là biên tập viên tạp chí của Hội, tôi là một công tác viên trẻ, vẫn thường qua lại gặp gỡ. Nhưng chúng tôi chỉ thật sự thân thiết và hiểu nhau sâu sắc hơn khi tôi và anh cùng công tác ở Sở Văn hóa Bắc Thái.

Tuy ngày ấy Ma Trường Nguyên làm Trưởng Phòng Xuất bản rồi Phó Giám đốc Sở nhưng tính khí hiền lành, có phần ngại va chạm. Gia đình Ma Trường Nguyên rất khó khăn về kinh tế. Vợ anh không có việc làm chính thức, bốn cô con gái, đứa đang tuổi ăn học, đứa mới sinh. Đồng lương còi cọc và nhuận bút nhẹ như lông hồng vào thời ấy không đủ để anh cáng đáng cuộc sống gia đình. Vì vậy, anh luôn lâm vào cảnh thiếu thốn.

Có chuyện cách đây đã mấy chục năm mà tận bây giờ tôi vẫn nhớ không sót một chi tiết. Đó là hồi anh viết cuốn tiểu thuyết đầu tay “Mũi tên ám khói”. Ngồi miệt mài cả tháng trời bên bàn viết, người anh kiệt quệ hẳn đi. Hôm ấy gặp tôi, anh vừa nhăn nhó cười vừa nói:

- Hôm nay vợ tớ đánh liều ra chợ mua hẳn… ba lạng thịt ba chỉ về bồi dưỡng cho tớ đấy. Ông có biết thế nào không? Ăn miếng thịt đầu tiên mình thấy ngay một cảm giác là các tế bào ở má như bỗng từ từ… nở ra, như miếng bánh mì khô gặp nước. Tớ nói thật đấy, không hề bịa đâu.

Tôi cũng nhăn nhó cười. Vui quá mà cũng buồn quá. Không hiểu làng văn cả nước và ở Thái Nguyên có ai như anh không?

Hồi ấy, anh đã từng có một lời tuyên bố độc nhất vô nhị rằng: “Chỉ cần hai thứ, bột mì và thuốc lào là Ma Trường Nguyên có thể ngồi viết văn và làm thơ suốt đời”. Bây giờ nghĩ lại thấy hoảng và thấm đẫm chất bi hài.

Ma Trường Nguyên sống trong hoàn cảnh kinh tế đầy khó khăn như vậy, nhưng một điều nổi bật ở anh không ham tiền bạc, nhất là những gì không chính tay mình làm ra. Điều này làm tôi sực nhớ đến cái lần khi cuốn trường ca “Mát xanh rừng cọ” của anh được Sở Văn hóa xuất bản. Năm ấy đúng vào năm nhà nước đổi tiền (1985). Tập trường ca của Ma Trường Nguyên không may lại rơi vào đúng thời điểm giáp ranh giữa tiền cũ và tiền mới. Nếu lấy nhuận bút theo biểu tiền cũ thì việc chi tiêu lúc ấy sẽ thiệt gấp mười lần. Lúc ấy, tôi phụ trách phòng xuất bản, thấy Ma Trường Nguyên luôn khó khăn nên linh động kê theo giá nhuận bút mới. Thực ra tập sách cũng chỉ xuất bản chậm đôi ba ngày theo mốc qui định, nếu tính theo biểu nhuận bút cũ thì quá thiệt thòi cho anh. Vậy mà Ma Trường Nguyên kiên quyết gạt đi. Tôi còn nhớ như in câu nói của Ma Trường Nguyên ngày ấy: “Thôi! Tham làm gì. Tiền tiêu nhiều hay ít thì cũng đều hết cả”.

Cuối cùng vì trả theo biểu cũ nên nhuận bút cái trường ca của anh hồi ấy chỉ có giá trị bằng khoảng 10 bát phở (khoảng 400.000đ bây giờ). Ai nghe kể về chuyện này cũng lắc đầu tiếc cho anh. Có lẽ nhiều người chưa biết trong giới văn hóa, văn nghệ Thái Nguyên thời ấy thường lưu truyền nhau câu nói như là một… phương ngôn: “Ông lãnh đạo nào mà chẳng có chút xà xẻo, trừ Phó Giám đốc Ma Trường Nguyên”.

Bạn đọc và bạn viết ở Thái Nguyên ai cũng biết Ma Trường Nguyên sáng tác thơ, tiểu thuyết và khá nhiều bút ký, gần đây còn cả phê bình văn học. Tôi là một bạn văn chương gần gũi với anh nhất, đôi khi anh chuẩn bị viết một cuốn sách thậm chí chỉ là một bài nhỏ anh cũng hé lộ cho tôi biết. Vậy mà quen thân anh hơn năm mươi năm nay, nhưng vài ngày trước tôi mới tình cờ biết anh còn sáng tác cả nhạc. Lại là một bài hát từng được công bố trên báo và được nhiều người hát, với nhan đề là “Thái Nguyên chiến thắng - nhạc và lời Trường Nguyên”. Đúng là quá bất ngờ.

Xuất xứ bài hát là vào dịp sau ngày 17 tháng 10 năm 1965, ngày giặc Mỹ ném bom cầu Gia Bảy. Khi ấy anh đang là Khẩu đội trưởng thuộc Trung đoàn pháo binh bảo vệ vùng trời Thái Nguyên (E210), đóng quân tại Gia Sàng. Hưởng ứng đợt phát động văn hóa văn nghệ của toàn đơn vị, chỉ thị về công tác văn hóa văn nghệ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đẩy mạnh các tổ chức văn nghệ chuyên nghiệp và nghiệp dư, kịp thời biểu dương tinh thần chiến đấu của quân và dân trong sản xuất chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, trong không khí chiến tranh quyết liệt, với hào khí của một nhà báo, một nhà thơ và nhất là của một khẩu đội trưởng pháo binh trẻ trực tiếp đối mặt với kẻ thù, Ma Trường Nguyên đã xuất thần viết một ca khúc mà từng được bộ đội và nhân dân Thái Nguyên hào hứng đón nhận.

Nhưng có một chuyện vui nhất là vào năm 2019, vợ chồng nhà phê bình văn học Cao Hồng và nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thao đi du lịch ở Pa-ri (Pháp), vô tình gặp ông Đinh Thanh Tùng (sinh sống ở Hà Nội), trong khi thăm hỏi, biết Ma Trường Nguyên đang ở Thái Nguyên, liền… hát tặng vợ chồng Cao Hồng, Hoàng Thao bài hát “Thái Nguyên chiến thắng” với giọng ca rất hào sảng.

Một bài hát của một nhạc sĩ nghiệp dư mà tận 54 năm sau vẫn có người hát một cách đầy say mê như vậy thì quả là một niềm hạnh phúc quá hiếm hoi đối với tác giả.

Năm nay nhà văn Ma Trường Nguyên đã bước sang tuổi 81 (tuổi các cụ), thuốc lào anh cũng bỏ từ lâu. Tuy sức khỏe không còn như hồi trai trẻ nhưng ngày ngày vẫn đọc và viết khá đều đặn, vẫn là một tấm gương văn chương cho nhiều thế hệ người cầm bút Thái Nguyên. 

Đào Việt Hải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 1 tuần trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 6 tháng trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 10 tháng trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Cuốn tuyển truyện ngắn đầu tiên của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức đi khám mắt

Giai thoại văn nghệ 3 năm trước