Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
10:04 (GMT +7)

Nhà văn và giải thưởng

Đã là người viết văn, làm thơ có lẽ ai cũng mong đoạt được giải thưởng văn  chương. Đó là một mong ước chính đáng. Hiện nay ở trong nước, hằng năm có khá nhiều các cuộc thi văn học từ các ngành, các Hội, các báo chí từ trung ương đến địa phương. Mỗi tỉnh thường cũng có tặng thưởng hằng năm hoặc giải thưởng VHNT ba năm, năm năm trao cho các hội viên và các tác giả trong tỉnh, với số tiền giải thưởng không nhỏ.

Đơn cử như Giải thưởng VHNT 5 năm của UBND tỉnh Thái Nguyên. Giải thưởng được trao lần thứ nhất vào năm 1991. Đến nay, các ban giám khảo (sơ khảo và chung khảo) đang khẩn trương làm việc để tiến hành trao giải lần thứ 7 cho giai đoạn 2017 - 2021. Số tiền giải thưởng lên tới 20 lần lương cơ sở cho Giải A… Đây là một Giải thưởng lớn nhất đã được trao đều đặn cho các tác giả trong và ngoài tỉnh (với các tác giả ở ngoài tỉnh phải là các tác phẩm viết về Thái Nguyên). Có một thực tế là qua mỗi lần trao giải đều đã tạo ra một động lực mạnh mẽ khích lệ người viết trên con đường sáng tạo.

Không ai có thể phủ nhận các giá trị của giải thưởng VHNT. Có thể nói, mỗi khi đoạt giải thì các tác giả chủ nhân của giải thưởng dường như đã được bước lên một nấc thang mới, trước hết cho chính  mình. Các nhà văn xuất chúng trên thế giới như  Marquez, Josecela, Octavio Paz, Kenzaburo, Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn... đều là những người từng nhận giải thưởng Nô- ben về văn học hoặc các giải thưởng danh giá tương tự. Các nhà văn gạo cội ở nước ta như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… đều có những giải thưởng quốc tế và giải thưởng lớn trong nước.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây cũng có những ý kiến không đồng thuận với nhau khi đánh giá về các giải thưởng văn học. Có người cho rằng tác giả được đánh giá tài năng cao hay thấp không ở các giải thưởng. Họ cho rằng nhiều tác phẩm, nhiều cuốn sách đoạt giải nhưng không có bạn đọc. Ngược lại, có những tác phẩm, các cuốn sách chưa hề được nhận một giải thưởng nào nhưng số người đọc lại đông gấp bội. Thực ra đó chỉ là một cách nói và nếu đó là sự thật thì cũng chỉ là một phần sự thật, không thể áp dụng chung cho toàn bộ phong trào văn học. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận, trong tình hình xuất bản tràn lan như ngày hôm nay đã xảy ra một thực trạng đáng buồn là mỗi năm có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cuốn sách văn học được tung ra khiến độc giả lúng túng không thể chọn ra một cuốn sách đáng đọc hoặc thiết thực cho mình.

Với tình hình hiện tại, cũng không ai dám chắc các giải thưởng đều được trao một cách chính xác, cũng như sách đoạt giải thì sẽ hay hơn sách không đoạt giải, đấy là chưa kể đến nạn mua giải, cánh hẩu, sự quen thân… Dù là vậy, nhưng nếu suy xét cho đầy đủ và công tâm thì rõ ràng những tác phẩm đoạt giải bao giờ cũng đã có sự chọn lọc ít nhất là của một, hai ban giám khảo là những người có đủ kiến văn và sự công tâm. Bất cứ ở một cuộc thi nào đó cũng có hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm dở hoặc chất lượng chưa cao được các ban giám khảo loại ra. Vậy thì các tác phẩm đoạt giải chắc chắn phải là những tác phẩm vượt qua rất nhiều các tác phẩm khác.

Nói đi cũng phải nói lại. Cũng đã từng xảy ra chuyện, tuy không nhiều, nhưng vẫn có những thành viên ban giám khảo lười biếng, vô trách nhiệm đọc không kĩ, thậm chí không đọc nhưng vẫn theo kiểu "đo gang", áng chừng để chấm điểm. Thêm nữa, còn ở vấn để khẩu vị, tác phẩm có hợp “gu” với các thành viên ban giám khảo hay không. Giám khảo là nhà thơ ghét thơ lục bát thì chắc chắn các bài lục bát sẽ bị loại ngay ở "vòng coi xe". Vì thế đã từng xảy ra chuyện ở đôi ba cuộc thi, tác phẩm còn đọng lại trong lòng độc giả nhất lại là giải… khuyến khích chứ không phải nhất, nhì. Nhưng cũng nên thống nhất với nhau là những tình trạng ấy không quá nhiều. Giải thưởng văn chương dù sao đi nữa vẫn là một thước đo giá trị tác phẩm.

Có điều, trên thực tế của xã hội hiện nay đã thấy bắt đầu xuất hiện một số giải thưởng mà không thể không dùng từ bi hài để diễn tả. Từng có một bạn viết sau khi gửi bài dự thi về cuộc thi A (không phải của các tổ chức VHNT thuộc nhà nước quản lí), nhưng nghe nói là cuộc thi mở rộng ở khắp cả nước. Vài tháng sau, bạn viết nọ nhận được thông báo đoạt giải nhất. Đúng là một vinh quang quá lớn. Nhưng vài ngày sau "tác giả giải nhất"  lại được nghe một thông báo mồm của ban tổ chức là hãy ủng hộ cuộc thi x đồng (số tiền cũng to, có thể hơn cả giải). Vì là người có tư cách và cũng hiểu ra vấn đề, bạn viết nọ đã không gửi số tiền đó đi. Lập tức, giải nhất kia không được trao cho "tác giả giải nhất" nữa mà trao cho một người khác. Vậy thì không phải là bi hài thì gọi là gì cho chính xác? Cái giải thưởng ấy có nên gọi là giải thưởng văn chương hay không? Và có sự kinh doanh, vụ lợi ở đấy không?

Tiền bạc đối với giải thưởng là quan trọng, nhưng nhiều khi cũng không hẳn là vậy. Trên thế giới và ở Việt Nam cũng từng có những giải văn chương mà tiền bạc không hề cao, nhưng lại rất nghiêm túc và danh giá, có thể mang lại tiếng vang cho các nhà văn.

Cũng có một hiện tượng, trong cuộc đời cầm bút có những nhà văn đoạt tới mấy chục giải thưởng nhưng cũng có những nhà văn tuy xuất sắc không kém nhưng rất ít khi được giải. Có thể do tác phẩm của họ khi viết, xuất bản không đúng dịp các cuộc thi được mở ra, hoặc như nhiều người thường nói, phải có cái duyên với giải. Vì vậy, ở một vài trường hợp nào đó, giải thưởng cũng chưa phải là cái tiêu chí để đánh giá nhà văn.

Nhưng trong giới cầm bút từng xuất hiện một vài người do cay cú bởi chưa bao giờ được nhận giải thưởng thì sinh ra chuyện dè bỉu, coi thường các giải thưởng của người khác thì quả là không nên. Giải thưởng có thể không phải là thứ duy nhất để xếp loại một người viết, nhưng ít nhiều nó cũng là cái thước đo không phải không chính xác.

Ở nước ta, mấy chục năm gần đây đã có các giải thưởng danh giá như Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các giải thưởng từ các cuộc thi truyện ngắn, thơ của Tuần báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, báo Tiền phong, tạp chí Tài Hoa trẻ… Từ các giải thưởng ấy nhiều tác giả trẻ đã trưởng thành trở thành những nhà văn nổi tiếng của cả nước.

Tóm lại, giải thưởng tuy không phải là mục đích của nhà văn, cũng không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá tác phẩm, nhưng nó luôn là niềm mong ước và khát vọng của người cầm bút.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 3 tháng trước