Thứ ba, ngày 01 tháng 04 năm 2025
11:06 (GMT +7)

Văn chương và các hội văn chương

Gần đây trên các mạng xã hội rộ lên nhiều ý kiến về các hội văn học nghệ thuật (VHNT). Có nhiều ý kiến góp ý khá xác đáng, mang ý nghĩa xây dựng nhưng cũng không ít ý kiến không công bằng, tỏ ra chưa hiểu thấu đáo, thậm chí có ý đồ "ném đá"… Trước khi bàn về vấn đề này, cũng nên nêu ra một câu hỏi thông thường: Văn chương và các hội văn chương có thực sự cần thiết cho xã hội không?

Hoạt cảnh trong Đêm thơ Nguyên tiêu tỉnh Thái Nguyên, tổ chức tại TP. Phổ Yên (hình chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Kim Ngân
Hoạt cảnh trong Đêm thơ Nguyên tiêu tỉnh Thái Nguyên, tổ chức tại TP. Phổ Yên (hình chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Kim Ngân

Trước hết, xin nói về văn chương. Có một sự thực là văn chương, nghệ thuật nói chung đã ra đời từ thuở bình minh của loài người (tất nhiên chỉ là sự manh nha). Vì vậy nó là sản phẩm tự nhiên của con người chứ không do một thế lực nào tạo lập ra. Mỗi bước xã hội phát triển, văn chương luôn là một tác nhân song hành. Thậm chí, trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể, văn chương chính là một trong những động lực thúc đầy xã hội. Nhưng điều cơ bản nhất, văn chương chính là tấm gương phản ánh đời sống vật chất và văn hóa của con người, nó góp một phần quan trọng trong sự tiến bộ của xã hội. Sẽ rất phiến diện và sai lệch khi cho rằng văn chương chỉ là thứ giải trí (tuy có yếu tố này). Thiếu văn chương, con người trở nên cằn cỗi.

Đã từng có một thí nghiệm của một vị vua độc tài thời cổ xưa. Vị vua ấy đã cho làm một cuộc thí nghiệm là nhốt một trăm bà mẹ cùng những đứa trẻ sơ sinh rồi ra lệnh chỉ được cho những đứa trẻ kia ăn uống chứ không được nói những lời âu yếm và đặc biệt là không được hát ru. Cuối cùng, sau một năm, kết quả là cả một trăm đứa trẻ nọ đã lần lượt từ bỏ cõi đời, mặc dù được ăn uống rất đầy đủ. Cái chết do sự cằn cỗi tâm hồn diễn ra có thể rất chậm so với sự thiếu thốn của vật chất nhưng lại nặng nề và bi thảm hơn nhiều. Hình như cái chết về tâm hồn của một con người và của một dân tộc chỉ chú trọng tới sự no đủ vật chất, con đường cũng chẳng khác là bao so với cuộc thí nghiệm khủng khiếp kia. Có lẽ vì vậy mà các nghị quyết của Đảng luôn xác định “Văn học nghệ thuật là nền tảng tinh thần của đất nước”, như là một định hướng cho toàn dân.      

Tuy mỗi đất nước, mỗi dân tộc trên trái đất này có một cách quan tâm đến văn chương một cách khác nhau nhưng không một đất nước nào, chính quyền nào ruồng bỏ văn chương. Có một triết gia đã nói rất chí lí: "Chính quyền nào mà quay lưng với các nhà văn thì chính quyền đó sẽ thất sủng chứ không phải các nhà văn".

Những tác phẩm văn chương đích thực thường khơi dậy trí tưởng tượng và đặc biệt có thể làm cho tâm hồn con người trở nên dịu dàng, thanh tao, chan chứa tinh thần vị tha. Văn chương có sức mạnh làm nên lí tưởng của con người. Nó có tác dụng vô hình, khó đong đếm nhưng hết sức mạnh mẽ, mang tính chất nhiều đời người, nhiều thế hệ. Những tác phẩm như "Không gia đình" (Hector Malot), "Những người khốn khổ" (Victor Hugo), Chiến tranh và hòa bình (Lev Nikolayevich Tolstoy), Ruồi trâu (Lilian Voynich) hoặc những truyện ngắn của  A. P. Chekhov, Guy de Maupassant, Alphonse Daudet, Paustovsky, Aytmatov...; ở ta, như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam… đã gián tiếp làm cho biết bao kẻ ác hoàn lương và xây dựng nên biết bao con người lương thiện.

Bởi văn chương thường không hoặc ít có giá trị trực tiếp nên có người nghĩ rằng văn chương là thứ viển vông, không mấy cần thiết cho xã hội. Nhưng nghĩ vậy là hết sức sai lầm và có phần vô ơn với văn chương, nghệ thuật. Thời thơ bé, tiếng ru của mẹ vang vọng trong tâm hồn, khi đi học, được tiếp xúc với những trang văn, những áng thơ hay; trong giao tiếp cộng đồng, nếu không có tục ngữ, thành ngữ, ca dao… thì cũng khó sinh động, khó mang bản sắc dân tộc.… Rồi trong cuộc sống, nếu không đọc sách, không có ti vi, không có phim ảnh, sân khấu… thì thử hình dung cuộc sống sẽ tẻ nhạt ra sao… Tất cả những thứ đó đều nhờ văn chương nghệ thuật mà có.

Vấn đề thứ hai, là về các hội, các tổ chức văn chương. Vừa qua trên mạng có vài ý kiến muốn kêu gọi giải tán các Hội Nhà văn, các hội VHNT ở trung ương cũng như ở các địa phương. Họ cho rằng các hội này tiêu tốn tiền ngân sách nhưng ít hoặc không có hữu ích cho xã hội, cho nhân dân. Có ý kiến dẫn ra ở nhiều nước không có các hội văn chương, hoặc có thì phải tự nuôi nhau… Không phải không có lý. Đúng là ở nhiều nước, nhất là các nước phát triển không có các hiệp hội nhà văn và nghệ thuật mà các nhà văn, các nhà nghệ thuật vẫn sống khỏe và phục vụ xã hội rất hiệu quả. Tuy nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng.

Thực ra, ở một số nước phát triển, tuy không có nguồn tài trợ từ nhà nước nhưng vẫn có nguồn tài trợ, thậm chí dồi dào cho văn chương từ các người giàu có, yêu văn chương. Giới doanh nhân thành đạt thực hiện việc này đã trở thành "việc thường ngày ở huyện". Song song với việc này thì tiền nhuận bút, tiền giải thưởng (kể cả các giải thưởng tư nhân) của đất nước họ cũng gấp bội nước ta cho nên các nhà văn có thể sống bằng nghề. Các nhà văn sống được bằng nghề chính là sự thúc đẩy nền văn chương phát triển. Còn ở nước ta thì sao? Tuy đây đó đã có sự đồng hành giữa các nhà văn với các doanh nhân nhưng có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ là cá biệt chứ hoàn toàn không phải là sự phổ biến (hình như ở nước ta mới chỉ làm tốt điều này đối với bóng đá). Điều này có nguyên nhân. Giới doanh nhân Việt Nam còn rất mới, chưa có thói quen và sự nhận thức đó là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội để tạo ra một sức sống cho giới văn chương, nói rộng ra là cho đất nước, cho dân tộc. Tất nhiên, đây là nói tới các tác phẩm văn chương đích thực, hữu ích chứ không phải về thứ ngụy văn chương đang nhan nhản trong cộng đồng hiện nay.

Vẫn có một thực tế, cho dù là một thực tế đáng buồn là hiện thời, nếu không có nguồn tài chính nhất định của Nhà nước tài trợ thì văn chương Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn. Trong nhiều năm qua, chính nhờ vào sự tài trợ của Nhà nước mà đã giúp cho nhiều tác phẩm văn chương ra đời, trong đó có những tác phẩm lớn và không ít tác phẩm phục vụ tốt cho địa phương.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc kiểm điểm lại, là trong những năm qua, nhiều hội VHNT trên cả nước đã thực hiện nguồn tài trợ này một cách kém hiệu quả. Có một vài hội địa phương còn coi nguồn tiền này như kiểu cứu tế, chia phần để giải quyết hoàn cảnh khó khăn cho hội viên. Vì vậy không thể thực sự giúp ích cho các tác phẩm xuất sắc ra đời.

Tóm lại, có vấn đề cần chấn chỉnh nhưng không nên hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của các hội văn chương. Thực tế trong nhiều năm qua, nhờ có Hội Nhà văn, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam và các hội VHNT ở địa phương… đã giúp cho văn chương, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ. Nếu có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa, có sự quản lí chặt chẽ và đúng hướng hơn nữa từ các hội VHNT từ trung ương đến địa phương, sẽ góp phần xây dựng và phát triển nền văn chương, nghệ thuật ở một tầm cao mới.

Thái Văn

3 đã tặng

1

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy