Thứ ba, ngày 01 tháng 04 năm 2025
10:42 (GMT +7)

Chính sách thuế thu nhập cá nhân: thay đổi càng sớm càng có lợi

Chúng ta đều biết, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những công cụ quan trọng của chính sách tài khóa, giúp Nhà nước điều tiết thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội và tạo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội không ngừng biến động, việc duy trì một chính sách thuế TNCN cứng nhắc, không linh hoạt có thể dẫn đến nhiều bất cập. Việc thay đổi chính sách thuế TNCN sớm không chỉ giúp phù hợp với thực tiễn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và nền kinh tế.

Người dân mong mỏi sớm được giảm thuế TNCN (Hình chỉ mang tính minh họa. Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)
Người dân mong mỏi sớm được giảm thuế TNCN (Hình chỉ mang tính minh họa. Nguồn: diendandoanhnghiep.vn)

Thông tin trên báo chí cho biết: Trước sức ép từ thực tế chi phí sinh hoạt leo thang, vào cuối năm 2024, các đoàn đại biểu Quốc hội từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Trà Vinh đã đồng loạt kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 15 - 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế. Mới đây, trong hội thảo "Luật Thuế Thu nhập cá nhân - Đảm bảo công bằng, thúc đẩy tăng trưởng" do Báo Lao Động phối hợp cùng Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng nên cân nhắc điều chỉnh ngưỡng đánh thuế lên mức 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Mặc dù thuế TNCN có mặt tích cực của nó, là một trong 9 loại thuế của Việt Nam, đóng góp hơn 198.000 tỷ đồng trong tổng thu hơn 1,9 triệu tỷ đồng (ước tính) năm 2024, chiếm khoảng 10% trên tổng thu. Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ tăng thu thuế với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát, qua dữ liệu thuế TNCN và thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2020 - 2024 cho thấy, mức thu thuế tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, trong giai đoạn 2020 - 2024, tổng thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng khoảng 70% (từ 110.000 tỉ đồng lên 198.000 tỉ đồng). Trong khi, cũng cùng kỳ, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng khoảng 30%, từ 3.548 USD lên 4.622 USD. Điều này cho thấy, mức đóng góp thuế TNCN đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng thu nhập thực tế của người dân.

So sánh với Indonesia, một nước trong khu vực Đông Nam Á và ở trình độ phát triển tương đương thì mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế của Việt Nam cao hơn khoảng 50%. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về tính hợp lý của chính sách thuế hiện hành, đặc biệt là mối quan hệ giữa tốc độ tăng số thu thuế và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người.

Luật thuế TNCN được ban hành năm 2007, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2009 với mức giảm trừ gia cảnh ban đầu là 4 triệu đồng, sau đó tăng lên 9 triệu đồng và hiện tại là 11 triệu đồng. Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại 11 triệu đồng/tháng đối với cá nhân không có người phụ thuộc đã trở nên lạc hậu, không còn phản ánh đúng tình hình kinh tế xã hội. Thậm chí, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc bị đánh giá là không đủ để đáp ứng các chi phí thiết yếu như giáo dục, y tế, và sinh hoạt hàng ngày.

Khấu trừ thuế là một vấn đề quan trọng trong hệ thống thuế TNCN. Khi xem xét thu nhập chịu thuế, cần tính đến chi phí cần thiết để tạo ra thu nhập, bao gồm cả chi phí sinh hoạt hàng ngày (đi lại, ăn uống, tái sản xuất sức lao động) và chi phí từ quá khứ như chi phí học hành, đào tạo...để có công việc và thu nhập ngày hôm nay. Tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành dường như chưa phản ánh đầy đủ những yếu tố này, dẫn đến việc đánh thuế chưa thực sự công bằng đối với người lao động.

Có thể thấy, trong bối cảnh lạm phát và giá cả leo thang, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp, dẫn đến số tiền nộp thuế cao, khiến thu nhập không đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ngoài ra, biểu thuế lũy tiến hiện tại được cho là chưa thực sự công bằng. Việc áp dụng mức thuế suất cao (35%) đối với thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên có thể gây áp lực lớn lên người lao động có thu nhập cao, trong khi nhóm siêu giàu lại có nhiều cách để trốn thuế hoặc chuyển thu nhập sang các hình thức khác.

Chính sách thuế TNCN đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Việc điều chỉnh giảm thuế TNCN trong tình hình hiện nay sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mà cái lợi thấy ngay là nó giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người lao động, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với cuộc sống “cơm áo gạo tiền” của mỗi người dân.

Việc thay đổi chính sách này cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Những điều chỉnh về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến và chính sách ưu đãi thuế sẽ không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút nhân tài. Nhìn rộng ra, âu đó cũng là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), một trong những động lực để Việt Nam "cất cánh" trong kỷ nguyên mới.

Thật mong chính sách này sẽ được sớm triển khai, đáp ứng niềm mong mỏi của hàng chục triệu người lao động.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy