Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
20:47 (GMT +7)

Để dân không bị phạt

Những ngày đầu năm mới 2025, người dân xôn xao về chuyện xử phạt vi phạm giao thông. Theo laodong.vn, chỉ trong ngày 1/1/2025, cơ quan chức năng đã phạt hơn 13.000 lái xe vi phạm với số tiền ước tính gần 28 tỉ đồng.

Sở dĩ có chuyện này, vì theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, từ 1/1/2025, nhiều hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ bị tăng nặng mức xử phạt.

Dùng biển hạn chế tốc độ và biển phụ (cấm theo giờ) sẽ phù hợp với thực tế trên đường, giảm bớt số người vi phạm (ảnh minh họa)
Dùng biển hạn chế tốc độ và biển phụ (cấm theo giờ) sẽ phù hợp với thực tế trên đường, giảm bớt số người vi phạm (ảnh minh họa)

Mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt theo Nghị định 168 là “Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng coi thường pháp luật, “nhờn luật” hiện nay” (theo antv.gov.vn).

Tuy vậy, sau khi triển khai thực hiện, mục tiêu đó có đạt được hay không; có gì còn bất cập cần phải sửa đổi hay không; mức độ đồng thuận của người dân có cao hay không… là những vấn đề cần phải xem xét.

Chưa cần phải đợi đến một thời gian đủ dài để sơ kết, tổng kết, mà có những việc các cơ quan chức năng có thể chủ động nắm bắt, tìm ra những điểm chưa phù hợp để điều chỉnh ngay, mang lại lợi ích cho người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bất cập lớn nhất phải kể đến là về biển báo, đèn tín hiệu giao thông. Thực tế, việc biển báo bị che khuất; biển đặt như “đánh đố”; đèn tín hiệu gây ách tắc, phân chia làn đường không hợp lí, vạch kẻ đường và mũi tên chỉ hướng trên mặt đường bị mờ… không phải là hiếm.

Chẳng hạn, trên đường phố Thủ đô Hà Nội, xe cộ thường đi nối nhau san sát, không dễ gì nhìn thấy mũi tên chỉ hướng trên mặt đường từ xa, trong khi có chỗ làn trong cùng (hoặc ngoài cùng) vừa cho đi thẳng vừa cho rẽ, nhưng có chỗ lại bắt buộc rẽ nên rất khó đi. Tại sao chúng ta không dùng biển phụ (chỉ hướng đi) đặt ngay dưới đèn tín hiệu ở trên cao để người lái xe có thể quan sát được từ xa và biết mình phải đi ở làn nào?

Không ít nơi, làn xe buộc phải rẽ quá hẹp, xe container hay xe tải lớn, thùng dài không thể đi trong làn quy định rồi rẽ. Bởi, nếu lái xe điều khiển phần đầu xe đi đúng làn rồi rẽ, đuôi xe sẽ đè vạch, lấn sang làn bên cạnh rất nguy hiểm.

Câu chuyện cắm biển “Bắt đầu khu đông dân cư” (biển R.420 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ) là rất đáng quan tâm. Không ít lái xe phàn nàn rằng, biển R.420 như một “cái bẫy” khiến lái xe dễ bị phạt. Nhiều đoạn đường cắm biển R.420 nhưng mặt đường lại rộng hơn và dân cư thưa hơn đoạn ngoài khu đông dân cư. Khi thấy đường vắng, mặt đường phẳng, chiếu sáng tốt, người lái xe thấy an toàn nên theo bản năng sẽ tăng tốc độ, và chỉ cần “mát ga” một chút, thế là vi phạm.

Quy chuẩn Quốc gia về biển báo giao thông đường bộ hiện đang áp dụng (QCVN 41:2019/BGTVT) có quy định việc đặt biển R.420: “Căn cứ vào mức độ đô thị hóa và mật độ dân cư sinh sống bên đường để đặt biển báo hiệu "Bắt đầu khu đông dân cư"… trên các tuyến đường ở vị trí vào, ra đô thị cho phù hợp (không đặt biển báo theo địa giới hành chính được quy hoạch, nếu chưa đô thị hóa hoặc dân cư thưa thớt)...”. Quy định là thế, nhưng thực tế có nhiều đoạn đường, biển R.420 được đặt cả ở những nơi dân cư thưa thớt, thậm chí có những đoạn cả hai bên đường không có nhà dân.

Đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên) có một chiều giáp đường sắt, không có nhà dân ven đường; nhiều đoạn cả hai bên không có dân cư nhưng vẫn cắm biển R.420 là không phù hợp
Đường Việt Bắc (TP. Thái Nguyên) có một chiều giáp đường sắt, không có nhà dân ven đường; nhiều đoạn cả hai bên không có dân cư nhưng vẫn cắm biển R.420 là không phù hợp. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông thường xuyên xử phạt lỗi chạy quá tốc độ trên đường Việt Bắc, đoạn qua phường Trung Thành

Nói đến một khía cạnh khác: Mật độ phương tiện trên cùng một quãng đường ở các thời điểm khác nhau thường sẽ không giống nhau, chỉ đông trong một vài khung giờ nhất định. Nếu cắm biển R.420 đương nhiên tốc độ sẽ bị hạn chế cứng nhắc 24/24 giờ. Trong khi, để hạn chế tốc độ, luật pháp cho phép dùng biển hạn chế tốc độ (biển số P.127 “Tốc độ tối đa cho phép”), thậm chí dùng biển số P.127a “Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm” hoặc kết hợp với biển phụ để hạn chế theo giờ. Nếu dùng biển P.127 thay cho biển R.420 ở khu vực dân cư chưa thật sự đông đúc hoặc chỉ đông theo giờ sẽ giúp cho lưu thông thuận lợi mà vẫn bảo đảm an toàn, và chắc chắn người vi phạm sẽ ít hơn vì nó phù hợp với thực tiễn.

Những hành vi cố tình, coi thường luật pháp và hành vi gây nguy hiểm cho người khác khi tham gia giao thông cần được xử lí mạnh tay, đó là điều ai cũng đồng tình. Nhưng cũng nhiều người cho rằng, việc phạt nặng chỉ nên chọn ra một số hành vi mang tính chất cố tình, gây nguy hiểm cho người khác hoặc gây bức xúc dư luận, như vượt đèn đỏ, nẹt pô, lạng lách đánh võng, vượt tốc độ từ 20km/h trở lên, mở cửa xe thiếu quan sát gây tai nạn, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông… Còn với những lỗi do sơ ý, lỗi vi phạm không đến mức đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông hoặc gây nguy cơ mất an toàn giao thông thì có thể nhắc nhở hoặc giữ mức phạt như trước là phù hợp.   

Tăng cao mức phạt là một cách để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, nhưng nếu không phải phạt mà giao thông vẫn đảm bảo, tai nạn không gia tăng thì mới là tối ưu và mang tính nhân văn. Ấy là chưa nói, nếu tăng cường lắp camera giao thông trên khắp các tuyến đường rồi cứ vi phạm là phạt nguội, thì có lẽ "người người, nhà nhà" đều bị phạt! Bởi vậy, có lẽ việc này nên “đi từ hai phía”, nghĩa là các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại, tổ chức ra quân cải tạo hạ tầng giao thông, rà soát, thay đổi biển báo, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, chứ không nên cho rằng những gì đã có là đủ cả, đúng cả rồi, giờ chỉ có chấp hành và xử phạt.

Địa phương cũng có thể kiến nghị với trung ương để điều chỉnh các chính sách, thậm chí sửa luật. Nhưng, việc “vì dân” này cũng không nhất thiết phải “chờ” thực hiện ở tầm vĩ mô, mà ngay từng địa phương, ngay trong nội bộ ngành (công an, giao thông vận tải, UBND, HĐND của địa phương) cũng đã có thể vận dụng các quy định của pháp luật, đưa ra các sáng kiến, giải pháp, sao cho vừa mềm mại, sát với thực tiễn, vừa đạt được mong muốn của người dân: đi lại an toàn, thuận tiện, nhanh chóng mà không bị phạt.

Làm thế nào để dân không bị phạt khi tham gia giao thông là một vấn đề khoa học, nghiêm túc. Rất mong các nhà lãnh đạo lắng nghe và thấu hiểu.

Thái Văn

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bài 5: Những lớp học đặc biệt trên đảo tiền tiêu

Hướng về biển đảo quê hương 1 giờ trước

Đào phai theo dấu khói

Văn xuôi 14 giờ trước

Tết của ngày xưa…

Văn xuôi 1 ngày trước

Bài 4: Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 1 ngày trước

Đợi Tết

Văn xuôi 2 ngày trước

Bài 3: Đảo xanh giữa đại dương

Xem tin nổi bật 2 ngày trước