Tinh giản… nghệ thuật
Từ sau Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 01/12/2024), nhất là từ sau hội nghị của Chính phủ “Quán triệt, triển khai về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW” (tổ chức ngày 4/12), thì gần như đến đâu ta cũng được nghe/ bàn luận về chủ đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chưa có một thống kê dư luận nào về vấn đề này, nhưng thông qua các diễn đàn, báo chí, mạng xã hội… có thể thấy tuyệt đại đa số người dân đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và hy vọng vào cuộc “trở mình” này để đưa đất nước “cất cánh bay lên”.
Chiều thuận là thế, nhưng không phải có những điểm khiến dư luận băn khoăn. Một trong những vấn đề đang gây bàn tán, đó là việc chấm dứt hoạt động/ sáp nhập các đơn vị hoạt động ở lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.
Sau khi Báo Tiền Phong ngày 26/12/2024 đăng bài “Đà Nẵng giữ nguyên Sở Du lịch, giải thể Nhà xuất bản do hoạt động không hiệu quả”, có khá nhiều ý kiến cho rằng việc giải thể Nhà xuất bản (Nxb) Đà Nẵng là chưa thỏa đáng vì thời gian qua, Nxb này đã cho ra đời khá nhiều cuốn sách hay, được đông đảo độc giả đón nhận.
Trên mạng xã hội Face book, một nick name (tài khoản) có tên “Son Kieu Mai” viết: “Vậy là mất thêm 1 Nxb nơi cho ra đời những đầu sách được bạn đọc mến mộ. Trần Dần thơ - là một ví dụ tiêu biểu. Trong khi đó, có những Nxb chỉ bán giấy phép và sách in xong ra đồng nát vô khối thì không thấy giải thể”. Một tài khoản khác bình luận: “Nhớ nhất cuốn “Tại sao Việt Nam?” của L.A Patti của Nxb này. Chắc không Nxb nào tái bản được nữa”. Nhiều tài khoản bình luận: “Như nào là "hoạt động hiệu quả"? Ra được nhiều sách bán chạy hay ra được nhiều sách có giá trị?”; “Thật tiếc. Theo mình thì đây là một Nxb có công rất lớn đối với văn học, văn hoá và giáo dục”.
Ở Thái Nguyên, câu chuyện “Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc sẽ sáp nhập với một nhà hát khác của Bộ” dù mới chỉ là thông tin nội bộ, nhưng cũng đang được dư luận quan tâm, bàn luận sôi nổi.
Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc (Nhà hát) tiền thân là Đoàn Văn công nhân dân Khu Tự trị Việt Bắc, được thành lập ngày 20 tháng 5 năm 1953; có chức năng biểu diễn nghệ thuật; sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa nhạc dân gian truyền thống các dân tộc vùng Việt Bắc. 70 năm xây dựng và phát triển, với sự cống hiến của biết bao thế hệ cán bộ, diễn viên (chủ yếu từ vùng Việt Bắc), với những nghệ sĩ tiền bối như: Lê Khình, Nông Văn Khang, Thanh Loan, Vương Thào,… cho đến nay, Nhà hát đã chiếm được cảm tình, sự mến mộ của đông đảo khán giả trong nước và nước ngoài. Thông qua các chương trình biểu diễn, những sắc màu nghệ thuật dân gian truyền thống của các dân tộc vùng Việt Bắc đã được lưu giữ, tái hiện và lan tỏa.
Nhưng, nếu sáp nhập, điều đầu tiên thấy ngay, đó là hai chữ “Việt Bắc” không còn trong tên gọi của Nhà hát nữa. Nhiều ý kiến của văn nghệ sĩ cho rằng: Cách mạng tinh gọn là hết sức cần thiết. Nhưng với khối các đơn vị văn hoá nghệ thuật thì không thể sáp nhập một cách cơ học để đếm số đầu mối, biên chế được giảm sau đó. Càng không nên đánh đồng sự khác biệt của các loại hình nghệ thuật biểu diễn vào chung một giỏ gọi là “nghệ thuật”.
Các văn nghệ sĩ cho rằng: Bài học từ chuyện sáp nhập các đoàn nghệ thuật của Thái Nguyên vẫn còn nguyên đó. Trước đây, tỉnh Thái Nguyên có 3 đoàn nghệ thuật hoạt động độc lập là Đoàn Chèo, Đoàn Kịch nói và Đoàn Ca Múa Nhạc. Năm 2002, Thái Nguyên gộp 3 đoàn này vào thành Đoàn Nghệ thuật tỉnh.
Các nghệ sĩ gọi cuộc hợp nhất đó là “ba bệnh viện thành một bệnh xá”. Chỉ một thời gian sau sáp nhập, các môn nghệ thuật cứ teo dần đi. Rồi Tổ kịch chuyển về Trung tâm Văn hoá thông tin tỉnh. Đến năm 2018 thì Đoàn nghệ thuật tỉnh tiếp tục sáp nhập với Trung tâm Văn hoá thông tin thành Trung tâm Văn hoá nghệ thuật tỉnh. Tham gia hoạt động phong trào, các nghệ sĩ diễn viên kịch học thêm đàn then, biểu diễn múa, làm “trà nương” ở các sự kiện…
Trên mạng xã hội, một tài khoản đã phản biện sắc sảo: “Sáp nhập các Nhà hát chuyên nghiệp với từng thể loại nghệ thuật khác nhau thành một đơn vị thì có khác nào như một nồi lẩu thập cẩm...”. Người này còn nhắc lại lời dặn của Bác về văn hóa, văn nghệ nói chung và về sân khấu nói riêng “Chớ có gieo vừng ra ngô” (sau khi Bác khen ngợi: “Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến").
Tài khoản có tên "Nguyễn Thế Nhật Phong" cho rằng: "Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW là đúng và cần thiết, rất cần thiết. Tuy nhiên, khi thực hiện phải coi trọng tính đặc thù, đặc biệt, cả sự tinh tế, nhạy cảm của một số lĩnh vực. Với văn hóa, văn nghệ, đang có khá nhiều nơi làm đại trà, cơ học, duy ý chí. Không thể trộn lẫn một cách máy móc các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương,..; không thể trộn lẫn nghệ thuật hiện đại với nghệ thuật dân tộc (dù có thể kết hợp); không thể trộn lẫn các nghệ sĩ tinh hoa, chuyên nghiệp với các nghệ sĩ quần chúng, nghiệp dư... Khi ấy, rất có thể, cái thu được sẽ ít hơn cái mất đi, có những cái mất rất lớn, khó đo đếm được, mất rồi khó có thể khôi phục lại được...”.
Thêm một câu chuyện nữa, đó là việc sáp nhập Hội Văn học nghệ thuật ở các tỉnh. Qua thông tin trên báo chí, đến ngày 18/12, đã có một số tỉnh như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hà Giang đưa việc sáp nhập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh với Hội Nhà báo tỉnh vào kế hoạch đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Trước tình hình này, ngày 25/12, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị không nên sáp nhập Hội Nhà báo và Hội Văn học nghệ thuật với nhau.
Theo đó, “Hai tổ chức Hội có tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, tính chất, nội dung và đối tượng hoạt động rất khác nhau. Nếu sáp nhập, sự chồng chéo về nhiệm vụ và cách thức quản lý là điều khó tránh khỏi, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của cả hai Hội. Việc sáp nhập một cách cơ học có thể khiến hai tổ chức hội mất đi bản sắc riêng, làm giảm sức hút đối với hội viên. Các nhà báo sẽ không còn môi trường chuyên biệt để nâng cao nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp. Văn nghệ sĩ cũng có nguy cơ bị gò bó bởi các quy định mang tính hành chính hơn là sáng tạo…”.
Hy vọng, những ý kiến mang tính phản biện trên đây sẽ được các nhà quản lý lưu tâm. Mong rằng, cuộc tinh gọn lần này đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật sẽ không dẫn đến kết cục kiểu nhiệm kỳ này phá đi, nhiệm kỳ sau phải nát óc tìm cách xây lại.
Thái Văn
2 đã tặng
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...