Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:24 (GMT +7)

Nguyễn Trãi – ông nông dân trồng rau muống? (Hay là một cách hiểu khác về bài Thuật hứng 24)

VNTN - Trong quá trình tìm tư liệu về một vấn đề khác của Nguyễn Trãi, tôi đã vô tình “google”, và thấy rất nhiều tư liệu giảng dạy, học tập về bài thơ Thuật hứng 24 của Nguyễn Trãi. Từ đó mới hiểu đây là bài thơ được giảng dạy trong chương trình phổ thông trung học. Sau khi đọc nhiều tài liệu, khá nhiều bài văn mẫu, tôi rất băn khoăn. Dường như người dạy văn đã không hiểu đúng tinh thần của bài thơ này.

Bài Thuật hứng 24 như sau:

Công danh đã được hợp về nhàn

Lành dữ âu chi thế nghị khen

Ao cạn vớt bèo cấy muống

Đìa thanh phát cỏ ương sen

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc

Thuyền chở yên hà nặng vạy then

Bui có một lòng trung lẫn hiếu

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen

Đây là bài thơ Nôm, có một số từ cổ ngày nay không hoặc rất ít dùng. Thao tác đọc thơ Nôm Nguyễn Trãi, chắc là đầu tiên phải hiểu hết các từ khó. Có thể tạm lấy cách giải thích trong đề thi kì 1 lớp 10 môn văn Nam Định để hiểu (đúng sai một vài từ thì bàn sau). Đó  là: Hợp: đáng, nên; âu chi: lo chi; nghị: dị nghị, ở đây hiểu là chê; đìa thanh: đìa là vũng nước ngoài đồng, thanh là trong; đầy qua nóc: đầy quá nóc nhà, nóc kho; yên hà: khói, ráng; vạy: oằn, cong. Nặng vạy then: chở nặng làm thang thuyền oằn xuống; bui: chỉ có; lẫn: với hoặc và;…

Nguyễn Trãi (tranh của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”) .

Nguồn: trithucvn.net

Như vậy, sau khi đã giải các từ cổ, thì bài thơ thực ra cũng rõ ràng thôi, có thể “dịch” nghĩa: Công danh đã được thì đáng về nhàn/ Lành dữ lo gì đến thế gian khen chê/ Ao cạn thì vớt bèo cấy rau muống/ Đầm trong thì phát cỏ ương trồng sen/ Kho đựng trăng gió đầy qua nóc kho/ Thuyền chở sông khói nặng oằn thang thuyền/ Chỉ có lòng trung và hiếu/ Mài chẳng mòn đi, nhuộm chẳng đen.

Và, các đáp án, các bài văn mẫu đều triển khai bình vào những cái mà bài thơ đã “mô tả”. Chính vì quá chăm chú chẻ chữ, mà không để ý đến tư tưởng của bài thơ.

  1. Về chuyện trồng muống, ương sen

Với bài thơ này, 2 câu đầu và 2 câu cuối dễ hiểu nhất, thường là được dẫn vào đề và kết luận. Tương tự thể Đường luật, có thể coi 8 câu sắp theo trình tự đề, thực, luận, kết. Phần lớn tài liệu đã tập trung bình vào 2 câu “thực”, đó là câu “Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Đìa thanh phát cỏ ương sen”.

Ví dụ 1: (theo https://tailieuphothong.com/phan-tich-bai-tho-thuat-hung-24-cua-nguye%CC%83n-trai) “Cũng như bao nhiêu người ở ẩn khác, giờ đây quan đại thần Nguyễn Trãi hiện ra dưới mắt ta là một lão nông sớm chiều vác cuốc ra vườn “cấy muống, ương sen”. Hai việc làm trên khiến ta nghĩ đến một công việc lao động nhẹ nhàng…”.

Ví dụ 2: (https://kienthucvan.com/phan-tich-bai-tho-thuat-hung-cua-nguyen-traiixzz5NE204zLI) “Là một vị quan tài giỏi nhưng khi đã về ở ẩn thì cuộc sống của Nguyễn Trãi cũng giản dị, mộc mạc như bao người Nho sĩ khác, sống bầu bạn với thiên nhiên, làm những công việc dung dị, “vớt bèo” để cấy muống, đó là những loài thực vật trong tự nhiên nhưng trong cuộc sống ở ẩn đấy thì nó lại là những nguồn thức ăn, nguồn thực phẩm mà nhà thơ sử dụng nó hàng ngày. Cuộc sống nơi hoang dã không có những sơn hào hải vị mà chỉ có “muống”, “ương sen”, nhưng cũng chỉ cần như vậy thôi, cuộc sống cũng đã vô cùng ý nghĩa, mãn nguyện. (Nguồn: Văn mẫu)

Ví dụ 3: Hồ Ngọc Hoa, “Con người nhàn dật, tự tại trong thơ Nôm đường luật” Tạp chí khoa học, Đại học Huế, tập 72A, số 3, 2012 (https://tailieumienphi.vn/doc/con-nguoi-nhan-data-tu-tai-trong-tho-nom-duong-luat-a545tq.html), khi dẫn 2 câu thơ này, đã cho rằng đó là ước muốn “quay trở về cố hương để dưỡng thân nhàn bằng cuộc sống ăn cơm rau muống, uống nước suông, gối đầu lên đá mà ngủ của nền kinh tế tự cung tự cấp”

Ví dụ 4: (Nguồn: http://vanmau.com.vn/cam-nhan-chung-cua-anh-chi-ve-cuoc-song-va-nhan-cach-cua-nguyen-binh-khiem-qua-bai-tho-nhan/) “Khi nói về ý thơ “một mai, một cuốc, một cần câu” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “tưởng nhớ đến 2 câu Nguyễn Trãi (… ) Đó chính là tinh thần nhập thế rất tích cực của các bậc đại ẩn. Thật khó có thể tìm thấy dấu vết của lối sống quan trường cao sang trong những câu thơ như vậy.

Nỗi băn khoăn của tôi được giải phần nào, khi đọc bài “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài này, Trạng Trình nói ngay từ đầu là “Hiệp sĩ trở về nơi bản trạch”, làm một ông nhàn nông phu thật sự. Còn với Thuật hứng 24, bảo rằng ông trở về quê trồng rau muống, ương sen như một ông nông dân thì chưa chắc đã đúng với tinh thần của bài thơ này. Vậy phải hiểu như thế nào?

Phải đặt 2 câu thơ đó vào trong toàn bài thơ. Nguyễn Trãi chỉ nói “hợp về nhàn”, chứ tuyệt nhiên không nói đến việc ông về quê hay về đâu. Không biết nguyên tác có dòng lạc khoản để biết ông làm thơ ở đâu không, nhưng không hiểu sao nhất nhất cứ đoán rằng ông về Côn Sơn để làm nông. Cái sự công danh đã được rồi, nên về nhàn là cái nhàn tư tưởng, cái nhàn đầu óc. Hai câu này như là một tuyên bố cách ứng xử của nhà Nho, nhằm mục tiêu “chỉ có lòng trung hiếu mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”. Đó là phương châm ứng xử, trong mọi trường hợp cũng mềm dẻo, linh hoạt để giữ lại cái căn cốt, ở đây là trung và hiếu. Ao cạn thì không thất vọng mà bỏ, vẫn có thể thành ruộng trồng rau muống. Đầm trong, không còn nuôi tôm cá được nữa thì trồng sen. Đó là 2 câu như là tục ngữ kinh nghiệm sống, dù hoàn cảnh nào thì người nông dân vẫn tìm ra cách để làm cho ao đầm có ích, nói văn vẻ là “giữ mầm sống” trường tồn. Cái mầm sống muống và sen ấy, với Nguyễn Trãi muốn nói đến, chính là lòng trung hiếu. Dụng ý của hai câu thơ này là nói cái phương châm xử thế, tương tự như “dĩ bất biến ứng vạn biến”. “Vạn biến” là hoàn cảnh của ao đầm, “bất biến” là công quả của nhà nông. Hai câu thơ này đặt trong toàn bài, truyền thông điệp tư tưởng, chứ không phải dụng công tả cái hình tướng một cách thô mộc.

 Nhà văn Vũ Bình Lục trong tác phẩm “Giai phẩm với lời bình” tập 5, NXB Hội Nhà văn 2012, không bình như các tài liệu giảng văn ở trường, mà chỉ nói “Cảnh quê… chứng tỏ sự quan sát phong phú trong cuộc sống” và “… những hiểu biết ở nông thôn của tác giả là đáng nể”.

Nếu hiểu như các tài liệu giảng văn, Nguyễn Trãi về nhàn làm ông nông dân, tham gia thành phần bần nông, thì quá thô thiển, còn đâu cái ý nghĩa “về nhàn” trong tư tưởng của một nhà Nho. Thật sự hạ thấp bài thơ ghê gớm. Hạ thấp cả lao động nhà nông, sao lại có thể nói người nông dân trồng muống ươm sen là nhàn nhã?

Chỉnh thể toàn bài thơ câu trước đỡ câu sau, câu sau nâng câu trước. Hiểu như các nhà bình thơ dạy học sinh, hiện ra hình ảnh một người làm quan xong, về quê làm ruộng, trăng gió thuyền sông, rồi tự dưng bảo chỉ có lòng trung hiếu kiên trung. Vậy làm ruộng thì đảm bảo là trung hiếu ư? Cái tầng thấp của bài thơ là ở đó, người ta chộp lấy cái tầng đó. Còn tầng cao, sâu kín ở cái ý nghĩa ứng xử của con người để giữ lòng trung hiếu, thì người ta bỏ qua.

  1. Kho và thuyền

Đáng lẽ, phân tích cái cốt cách thanh cao của tác giả, phải tập trung vào 2 câu thứ 5 và 6. Nhưng rất ngạc nhiên là hầu hết, không nói là tất cả, các tài liệu mà tôi tìm thấy trên mạng, lại “đọc” qua loa, không để ý đến 2 câu này. Vũ Bình Lục trong sách dẫn trên đây cũng chỉ nói “Một câu thơ đẹp, rất ảo, tràn đầy mỹ cảm, hình như chưa thấy ở đâu, chưa thấy ai sáng tạo được như thế. Ức Trai quả thật là vị tiên trong thơ, từ trong thơ mà lừng lững đi ra, rồi cùng với thơ đi vào bất tử”.

Câu này có một vấn đề đối với các tác giả bình thơ, kể cả các tài liệu giảng văn và trong bài bình của Vũ Bình Lục cũng có chỗ cần bàn.

Đó là từ “then”. Then của thuyền đều chú là “thang thuyền”. “Nặng vạy then” là “thang thuyền oằn xuống”. Có lẽ không phải.

Trong các từ điển, đều giải nghĩa then như mọi người hiểu thời hiện đại. Bùi Thiết trong sách khảo cứu từ cổ trong Truyện Kiều còn cho biết, từ này nguyên bản đọc là “thoen”, chỉ cái khúc gỗ di động được trên cửa, chốt cửa, còn trong thuyền là… thang thuyền.

Nếu là cái thang thuyền, mà “vạy then” thì cái thuyền ấy vặn vỏ đỗ, chỉ có thể chòng chành, sao có thể đi trên sông được. Trong đó, hình ảnh thuyền này trong một câu thơ đẹp. Như thế này: “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then”.

Tác giả Vũ Bình Lục có chỗ nhầm lẫn, ở đây không hề là “gió trăng mùa thu”, mà chữ “thu” đối với chữ “chở” xem nguyên bản chữ Nôm là chữ thu thập, thu về, chứ không phải chữ thu mùa. Câu này còn có vấn đề ở từ “yên hà”. Đề thi ở Nam Định trên đây, chú thích cho học sinh, cả cụm 2 chữ “yên hà” là “khói, ráng” thì học sinh bình ra cái gì không biết. “Phong nguyệt” và “yên hà” tuy là từ gốc Hán, nhưng dùng trong thể Nôm, phải hiểu là gió trăngkhói sông. Trong bài thơ chữ Hán rất nổi tiếng có “yên ba” thì đó là “sóng khói”. Sông rộng, sóng mạnh thường có “yên ba”. Ở đây Nguyễn Trãi thấy “yên hà”. Như thế là, cái kho thu về gió trăng đầy qua nóc, con thuyền chở khói sông nặng “vạy then”. Hình ảnh ở đây rất ảo diệu. Kho là hữu hạn, thu vào gió trăng vô hạn. Thuyền là hữu hạn, chở khói sông là vô hạn. Gió trăng dĩ nhiên đầy vượt qua nóc. Còn khói sông tưởng nhẹ mà nặng vạy cả then thuyền. Điều tất nhiên đối với điều huyền ảo.

Ở đây có chuyện hiểu “then” là thang thuyền vào đây, con thuyền vặn đi, phá hết hình ảnh thanh tao, ảo diệu của câu thơ. Vậy cái then chắc không phải cái thang thuyền. Nó phải là một cái thanh gỗ có thể di động được, một bộ phận trên con thuyền có chức năng nào đó. Tôi ở ven sông từ bé, biết người ta gọi cái cần lái chính là then thuyền. Trục dẫn của tấm bánh lái thò lên trên sàn thuyền, có một lỗ lớn, người ta dùng cái thanh gỗ xỏ vào cái trục ấy. Khi lái, cần lái bẻ về hướng nào, bánh lái quay theo hướng ấy. Đó là bộ phận “then chốt” của cái thuyền, không có nó thuyền không biết đi đâu. Khi chở nặng, người lái phải ghì thanh then đó, khiến nó oằn “vạy” đi. Như thế đấy. Con thuyền dù nặng vẫn đi ngay ngắn, chứ vặn vỏ đỗ thì còn gì là tư thế nữa. Cái then thuyền như thế, vai trò như cái nóc nhà, khi nói về chức năng kho cất trữ và làm cho thuyền đi, càng làm cho 2 câu thơ đối nhau xứng đáng.

Đây là 2 câu thơ thần tình trong bài thơ này. Con người nhàn vượt lên thực tại, đó là cái chất trong tâm trí, cái kỳ diệu, mầu nhiệm của phẩm chất trung hiếu. Dù cho hoàn cảnh thực tại phải ứng xử như cấy muống, trồng sen, thì tâm hồn và trí tuệ vẫn là cái kho phong nguyệt và thuyền yên hà kia. Tâm hồn trăng gió vẫn phóng khoáng vượt ra ngoài mái kho sống. Trí tuệ khói sông thế mà còn nặng lẽ thuyền đời. Hai câu này bổ sung và nâng đỡ, hiệp cùng 2 câu trên, để nói về lòng trung hiếu. Thế mới là “mài chăng khuyết, nhuộm chăng phai”.

  1. Thay cho kết luận

Tôi đã đọc Thuật hứng 24 và viết bài này rất lâu rồi, có nguyên nhân quan trọng khiến tôi lần lữa mãi, giờ mới công bố. Vì tôi ý thức được đang thách thức một hệ thống khuôn vàng thước ngọc, nên cứ phân vân: Mình có sai không? Câu trả lời bây giờ là dành cho bạn đọc.

Nguyễn Xuân Hưng

3 đã tặng

1

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy