Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:25 (GMT +7)

Người ta có mua “thơ” của anh ấy đâu

LTS: Tiếp tục những trao đổi, bình luận xung quanh tập sách “Quà cho con”, VNTN xin giới thiệu ý kiến của tác giả Hoàng Xuân Tuyền


Bạn đọc kính mến, là tôi đang viết về tập sách của anh Hoàng - cuốn “Quà cho con” được dư luận quan tâm về chuyện vì sao thơ thế mà lại bán được giá thế. Để tránh sự nhầm lẫn có thể xảy đến, tôi xin được viết gọn là “anh Hoàng”. Bởi chúng ta có các nhà thơ đích thực: Thi Hoàng, Đỗ Hoàng… và có hẳn một nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng rất có tiếng, 30 năm qua đã sống, sáng tác thơ ở Matxcơva.

“Người ta” ở đây tức là cái công ty đã bỏ ra hơn nửa tỉ đồng trả cho tác giả là anh Hoàng, để mua quyền sử dụng cuốn sách mang tên anh trong 5 năm trên lãnh thổ nước nhà. Vâng, nhưng người ta không mua “thơ” của anh Hoàng. Lý do rất giản dị: anh Hoàng có thơ đâu?! Nếu ai phát hiện ra một câu trong tập sách gọi là “thơ” ấy thì xin cho chúng tôi biết, để cùng được thưởng thức.

Không mua thơ? Vậy người ta mua vè? Chúng tôi cũng không nghĩ là người ta mua vè. Bởi: anh Hoàng có vè đâu?! Sáng tác được vè, thực vè, để có thể “ve vẻ vè ve” trong một đất nước sành thơ, phú, vè… như nước ta quả thực không dễ. Những câu anh Hoàng viết trong tập sách này, theo chúng tôi, tỏ ra có nhiều cố gắng theo định hướng vè, nhưng chưa được là vè. Muốn được là vè, anh cần có “chứng minh nhân dân”, tức là anh phải sống vui, sống khỏe và dai, sống có ích trên vỉa hè cuộc sống.

Thế người ta mua văn vần anh Hoàng chắc? Không. Chúng tôi cũng không dám gọi đó là văn vần. Chúng tôi cũng nghĩ như một nhà thơ quân đội nổi tiếng đã nhận xét trên Facebook: gọi thế thì đau cho chữ “văn” quá.

Công ty ấy người ta chắc cũng biết tập sách đó nó là thế đấy. Làm kinh doanh, họ cũng phải tinh lắm chứ.

Thế thì người ta mua cái gì của anh Hoàng?

Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, người ta mua là mua cái cơ hội làm ăn nó thấp thoáng ở tập sách đầu tay của anh Hoàng. Nó thấp thoáng ở cái gọi là “kỹ năng sống” vốn dĩ quá mập mờ nhưng lại vô cùng hấp dẫn các bà, các chị, các bác, các cụ… vốn rất tích cực coi con cháu nhà mình là trung tâm của mọi trung tâm. Sống thực, thì ít bậc phụ huynh để cho con cháu có điều kiện sống thực, nhưng ai cũng muốn chúng làm chủ kỹ năng sống. Không có kỹ năng sống, thì có mà chết à?! Sách này là “kỹ năng sống”, những một trăm “kỹ năng sống” từ lúc bú tí cho đến khi “chọn trường đại học”, giá chỉ bằng 3 bát phở bình dân thì hời quá, quý quá còn gì?!

Cơ hội làm ăn từ tập sách của anh Hoàng, nói thật nhé, nó còn thấp thoáng một cách hiện thực ở chỗ… các vị chức sắc và cả mấy vị thứ trưởng. Có cả chục vị như thế đã đi vào “sử sách” của anh Hoàng trong phần “Cảm ơn”, như ta có thể đọc được… Công ty ấy mua là mua cái cơ hội kiếm tiền.

***

Cuốn sách ấy không có khả năng phát triển “kỹ năng sống” cho trẻ.  Vì sao? Vì là thế này: bạn có thuộc bài hát “Con cò be bé” không? Chắc chắn thuộc. Hãy so sánh nội dung ca từ của bài hát mà chúng ta - các thế hệ đang sống đây - đều thuộc lòng và hát hay, hay hát ấy với nội dung bài “Xin chào” trong sách anh Hoàng. Ta có thể rút ra điều gì? Về phương diện dạy dỗ chào hỏi “Con cò…” hay hơn, đầy đủ hơn “Xin chào” của anh Hoàng. Vậy mà, dù có thuộc lòng, hát hàng nghìn lần thì những “Con cò be bé” rồi cả “ Có con chim vành khuyên nhỏ”, v.v… cũng chỉ có khả năng cung cấp cho ta phần “kiến thức”, giúp ta “nâng cao nhận thức” về việc chào hỏi trong cuộc sống mà thôi.  Chúng không thể tự biến thành “kỹ năng chào hỏi”. Giá anh Hoàng viết tốt, sách của anh cũng có thể làm giàu có thêm cho phần “kiến thức”, có giá trị “nâng cao nhận thức” như những “Con cò…” , “Có con chim vành khuyên…” là những tác phẩm hay và hầu như không mất tiền mua nọ. Nhưng anh ấy viết không tốt, còn cách rất xa để đạt tới trình độ “Chim”, “Cò”.

Tại sao lại để cho các bậc phụ huynh mất tiền vì những sản phẩm không cần thiết, kém chất lượng như vậy? Tại sao không khai thác, sử dụng cho tốt, cho hiệu quả những ca dao, dân ca, văn thiếu nhi, thơ thiếu nhi… cực kỳ hay, cực kỳ quý trong nước và quốc tế cho công việc này? Lãng phí rất đáng tiếc.

Tại sao nhiều cơ quan chức năng về văn chương, văn hóa, giáo dục lại không thực hiện chức năng của mình để ngăn chặn, mà còn tiếp tay cho những việc làm vô bổ, có hại như trường hợp này?

Xin được góp thêm vài điều ngắn gọn: Anh Hoàng viết chưa hay - đó là chuyện bình thường. Nó chỉ trở nên bất thường khi anh có ý định quảng bá tác phẩm của mình ra toàn cõi với tư cách một cuốn sách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Công ty nọ tỏ ra làm hàng khá giỏi, marketing rất có nghề. Công sức ấy, tiền của ấy nếu đầu tư đúng cho một sản phẩm tốt, thì thật sự ích nước, lợi nhà.

Hoàng Xuân Tuyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy