Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
01:33 (GMT +7)

Ngôn ngữ thân thể trong truyện ngắn của một số nhà văn nữ Việt Nam đương đại

VNTN - Có thể nói, văn chương đương đại đang có nhiều sự chuyển biến mới. Trong luồng chuyển động đó, với sự bứt phá của nhiều nữ nhà văn, văn học nữ giới đang phá vỡ hệ thống tư tưởng của văn hóa phụ quyền; xác lập hệ thống ngôn ngữ riêng của giới: diễn ngôn khoái lạc, diễn ngôn trải nghiệm thân xác. Với ý thức phái tính và nữ quyền, các tác giả nữ cùng nhau đồng hành trên con đường văn chương. Họ hướng đến những khát khao bình đẳng xã hội hơn là sự mua vui của con chữ. Với những tác phẩm truyện ngắn đặc sắc, họ đã thể hiện lối viết đầy táo bạo, vượt khỏi những khuôn định. Sử dụng ngôn ngữ thân thể trở thành một phương cách cất lên tiếng nói đấu tranh đòi bình đẳng giới, thể hiện sự khát khao yêu thương, là sự dấn thân đi tìm bản ngã đàn bà và đặc biệt là sự khẳng định vị thế của mình trên văn đàn học thuật với các tác giả nam.

Ngôn ngữ thân thể từ cái nhìn nữ quyền luận

Có thể nói ngôn ngữ thân thể trong văn học thường gắn với những tác phẩm mang tính chất nữ quyền. Bởi lẽ, với những đặc trưng trong lối viết nữ và những khát vọng họ muốn đạt đến, thân thể được xem như một thủ pháp nghệ thuật trong quá trình tự khám phá, tự nhận thức về mình.

Có khi ngôn ngữ thân thể là việc thể hiện khát khao đời thường của nữ giới. Bằng diễn ngôn nữ giới, Y Ban và Bích Ngân bộc lộ hết tất cả những khát khao thầm kín từ trong sâu tâm thức của người phụ nữ các nhân vật như đại diện cho tiếng nói của giới thứ hai, khẳng định nhân vị đàn bà. Một hành trình đi tìm bản thể trong họ cũng diễn biến đầy phức tạp. “Nàng” trong Em vẫn gọi tên anh là nước Nga là một người đàn bà không cầu kì và biết tự yêu mình như những người đàn bà khác. Lam trong Kẻ tống tình là một người đàn bà có chồng và hai đứa con học giỏi. Nhưng từ khi người chồng bị bệnh suy thận, ân ái giữa vợ chồng không còn mặn mà, sự trống vắng ngày càng rộng, khoảng cách vợ chồng ngày càng xa, ngôi nhà trở thành không gian lạnh lẽo, buồn tẻ. Nhân vật Tho trong Người đàn bà kể chuyện, nàng tiên xanh xao của Võ Thị Hảo, dẫu mỗi người đều mang một bi kịch khác nhau nhưng đều có chung một nỗi niềm - đó là niềm mong ước về người đàn ông chân chính, về một gia đình, một người chồng thương yêu thấu hiểu những trăn trở của mình.

Sự hy vọng về tình yêu trong tương lai gần hay tương lai xa luôn hiện diện trong lòng những người con gái và phụ nữ. Hình ảnh về một cô bé bị tật nguyền luôn mong đợi những lá thư cổ tích trong Máu của lá, hình ảnh về cô gái mù hình dung cuộc đời qua những âm thanh vọng lại từ chiếc tivi bên nhà hàng xóm trong Làn môi đồng trinh, hay hình ảnh người đàn bà hủi trong Phiên chợ người cùi buồn tênh, lạnh vắng. Tất cả những người phụ nữ kém may mắn này mặc dù sự khát khao cháy bỏng của họ khó có thể trở thành hiện thực nhưng ngọn lửa yêu đương vẫn luôn âm ỉ cháy. Những tâm hồn khát yêu, khao khát được yêu, yêu si mê và dâng hiến. Trong cách nhìn, trong sự suy ngẫm về cuộc đời, những người phụ nữ trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, nhiều số phận đau khổ khác nhau nhưng cũng không nguôi đi khát khao yêu thương và một tương lai tốt đẹp.

  Sự giao lưu văn hóa, văn học đã cho thấy, tính dục cũng dần được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn. Tính dục trong văn chương không phải là sự suy đồi, mà được xem như một thủ pháp nghệ thuật, là hình thức mang tính quan niệm, là cái biểu đạt có nhiệm vụ chuyển tải nội dung nghệ thuật. Xa hơn những trang văn viết về phụ nữ - hình ảnh quá quen thuộc trong văn thơ từ bao đời, hôm nay, hình ảnh phụ nữ xuất hiện trên văn đàn không còn mù mờ qua lớp từ ẩn dụ, so sánh, ví von, hoán dụ qua những lời nói bóng nói gió hay ám chỉ; cũng không phải xuất hiện trong cái luật “tam tòng tứ đức” hay “tam cương ngũ thường”, “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”; cũng không than thân, trách phận, khóc thương mà thay vào đó là những lời bộc bạch về chuyện thầm kín của con gái, những ẩn ức về bản năng vô thức tự nhiên của mình, những tâm trạng cần được chia sẻ bình đẳng. Người phụ nữ không còn phụ thuộc, họ có quyền lựa chọn, quyết định cuộc đời, số phận của mình. Các nhà văn nữ đã khẳng định bản lĩnh của người đàn bà đương thời. Và, khi thân thể từ xác thịt trở thành tâm hồn thì tự nó mới biến thành ngôn ngữ thân thể.

Ngôn ngữ thân thể như một mã tín hiệu về bản ngã  

Ngôn ngữ thân thể được xem như một yếu tố thuộc phương diện văn hóa. Bởi lẽ, thân thể tự nó cũng là một ngôn ngữ giao tiếp.

Thời trung đại, thân thể và vấn đề sex được miêu tả ước lệ, ngụy trang, nói bóng nói gió, ẩn dụ kín đáo. Nhưng văn học hiện đại, thân thể được miêu tả bằng những ngôn từ mang nhiều tính trần trụi, thô sơ thể hiện sự trải nghiệm thân xác. Yếu tố sex trong văn chương giờ đây được nhìn nhận với tư cách như là một trong những thủ pháp nghệ thuật biểu đạt. Trên văn đàn dần xuất hiện nhiều cây bút nữ mang âm hưởng tinh thần ấy như Võ Thị Hảo, Hiền Phương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu..., rồi Lynh Bacadi, Nguyễn Thi Thu Huệ, Trần Thùy Mai... Tính dục được nhìn như là một khoa học quan trọng liên quan đến cuộc sống tinh thần, văn hóa, đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Về phương diện nào đó của tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình, tính dục đóng vai trò quan trọng. Sự hòa hợp về tâm sinh lý trong đời sống vợ chồng cũng như những người ở tuổi trưởng thành tạo nên sự cân bằng cho cuộc sống. Con người càng tất bật, căng thẳng với công việc bao nhiêu càng muốn được xoa dịu tinh thần bấy nhiêu “cuộc đời còn đi lên, hạnh phúc và bản năng là đồng nhất”[2, tr59].

Trong truyện ngắn của các nhà văn nữ, sex hay thân thể được xem là nơi thể hiện vẻ đẹp, tài năng và khẳng định bản thể nữ. Tính nhục như một phương thức thể hiện bản ngã nữ giới. Nếu phụ nữ muốn bình đẳng về thân xác, tình dục lẫn tinh thần thì “người nữ phải được tiếp cận với thế giới nam giống như người nam tiếp cận với thế giới nữ” (Simone de Beauvoir). Chẳng thể nào có được kinh nghiệm hữu ích với những dòng lý thuyết trên sách vở; mà chỉ có tự mình dấn thân, từng trải thì mới cảm nhận và hiểu được từng khoảng khắc cảm xúc của chính người đó. Tất cả những nỗi buồn vui, đau khổ ấy và nhất là những nỗi đau bằng thân xác thì không thể nói hết bằng lời.

Y Ban thường miêu tả cơ thể nữ với những biểu hiện, khí chất nữ, những biểu hiện sinh học nữ mang ký hiệu thân thể. Một làn da vỡ ra trắng nõn, mái tóc đã vào cữ óng của cô bé mới lớn trong tác phẩm Chợ rằm dưới gốc cây cổ thụ, từ cái bắp chân to như cây chuối hột, bàn tay to như cái quạt nan, nước da nâu rám, hàm răng hạt na đều tăm tắp của người đàn bà nghèo khổ trong I’m đàn bà. Người đàn bà đứng trước gương thể hiện cơ thể của người đàn bà đã qua sinh nở, có cái nghi ngại, ngỡ ngàng, có cả lo lắng, sợ hãi, có cả sự tự hào, tự ngưỡng mộ. “Nàng chậm rãi mở từng cúc áo, khuôn ngực đầy đặn, trắng ngà hiện ra. Hai tòa thiên nhiên như hai nắm cơm đẹp, chắc chắn với những núm hoa bí, hoa mướp đã qua thời kì đơm trái” (I am đàn bà)

Ở một số tác phẩm, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai chọn cách nói khá tế nhị, kín đáo về nhu cầu bản năng của con người. Với Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu tình dục được diễn tả táo bạo hơn nhiều. Mỗi nhà văn mỗi cách thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình. Biểu tượng về ngôn ngữ thân thể, hình ảnh bầu vú luôn được tác giả chú tâm trong quá trình xây dựng nghệ thuật. Bộ ngực được xem là biểu tượng cho sự nuôi dưỡng, cưu mang, là khát vọng sinh sôi, nảy nở: “đôi vú ngời ngợi như hai vầng trăng”[5], “Bộ ngực hình trinh nữ với đôi núm vú nhỏ” (Góa phụ đen), “bộ ngực tròn trịa” (Bóng đè)... Những hành vi khoái lạc có thể là mặc cảm giống nòi, mặc cảm thân phận, những chấn thương tinh thần tuổi ấu thơ, hoặc là sự đê tiện, những toan tính của con người, là hạnh phúc, là tình yêu, hoặc thậm chí là trống rỗng vô định hoang hoải từ bản năng hoang sơ nhưng mỗi hành động tình dục được quan niệm như là một bản mật mã mà nhà văn nữ gửi gắm tư tưởng nghệ thuật. Tính dục đã trở thành tấm gương phản chiếu tâm hồn sâu kín của những người phụ nữ, bản ngã nữ giới.

Các nhà văn nữ đã đi vào chiều sâu, xoáy vào tận bản năng con người để tìm cho mình một lối đi. Đó là một hành trình tìm kiếm bản ngã, tình yêu hạnh phúc, nhọc nhằn nhưng chủ động.

Một vài khác biệt với sáng tác của các nhà văn nam

Về mặt sinh học và tâm lí, so với nam giới thì phụ nữ thường thiên về tình cảm hơn lý trí. Vì thế, nếu như ngôn ngữ trong sáng tác các nhà văn nam thường có xu hướng phóng khoáng, gãy gọn và chú trọng vào sự vật, sự kiện hơn là kể lể, thì ngôn ngữ trong sáng tác của các nữ nhà văn lại thường nghiêng về cảm xúc, tâm lí: vừa ủy mị vừa gai góc, chua ngoa. “Dù tôi chẳng còn việc gì bận bịu nữa - đã là ma còn gì bận bụi cơ chứ - nhưng tôi cũng không chịu nổi việc phải nghe mẹ ngồi bên thành bể non bộ kể lể hết buổi sáng, sang buổi chiều, tiếp tục buổi tối. Nỗi buồn thảm tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Toàn những chuyện lẩm cẩm hòa nguyện vào dòng nước mắt tuôn chảy bất kỳ lúc nào” (Bóng đè - Đỗ Hoàng Diệu). Những lời nỉ non của người mẹ với nỗi đau mất con. Bà có thể ngồi bộc bạch tâm sự của mình cả ngày trong nước mắt ngắn dài. Câu văn mang giọng điệu nhẹ nhàng pha lẫn sự day dứt được kết hợp một cách hài hòa đậm bản tính nữ.

Các nhà văn nữ Việt Nam đương đại dù viết truyện với tâm thế hiện sinh, nổi loạn, ngôn ngữ của họ trong tác phẩm có những lúc gãy khúc, thể hiện sự bực tức, hờn dỗi, nhưng họ vẫn không thoát khỏi bản tính giới nữ của mình. Họ thường viết bằng chính trải nghiệm của bản thân. Nhiều khi các nhà văn nữ dễ rơi vào tình trạng tự răn mình. Những câu chuyện chủ yếu xoay quanh các chủ đề như tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Ngôn ngữ trong truyện ngắn của họ như từng viên gạch kết tinh thành những tòa lâu đài hạnh phúc thơ mộng nhưng có khi là những lời đả kích, chua chát với những cánh đàn ông bất toàn.

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Phan Tuấn Anh (2011), “Quá trình giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật - từ góc nhìn mỹ học tính dục” , Trường Đại học Khoa học Huế.

[2]. Lê Huy Bắc (2012), Văn học hậu hiện đại - lý thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

[3]. Phạm Thị Thu Hiền, 2012, Ý thức phái tính trong sáng tác văn xuôi nữ từ sau năm 1975, Đại học Đà Nẵng

[4]. Đỗ Hoàng (2005), Lý tuyết giới phân tích từ tâm lý góc độ xã hội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

[5]. Nhiều tác giả (2014), Truyện ngắn đặc sắc về người mẹ, Nxb Văn

học, Hà Nội.

[6]. Pierre Bourdieu (2011), Sự thống trị của nam giới, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội.

Trương Thị Thu Thanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy