Ngôi nhà xưa bên suối
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ:
Nhà văn Cao Duy Sơn, sinh năm 1956, quê quán thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng.
Tác phẩm chính: Tiểu thuyết "Người lang thang"; Tập truyện ngắn "Những chuyện ở lũng Cô Sầu"; Tiểu thuyết "Hoa mận đỏ"; Tiểu thuyết "Đàn trời"; Tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối"....
Giải thưởng chính: Giải A của Hội đồng văn học miền núi Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết: "Người lang thang" năm 1993; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn: "Những chuyện ở lũng Cô Sầu" năm 1996; Giải A của Hội VHNT các DTTS Việt Nam cho tiểu thuyết "Đàn trời" năm 2005; Giải A của Hội nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" năm 2009; Giải thưởng ASEAN cho tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" năm 2010; Giải thưởng Nhà nước trao tặng cho 2 tập tác phẩm: "Đàn trời" và "Ngôi nhà xưa bên suối" năm 2017…
---------
NGÔI NHÀ XƯA BÊN SUỐI
Căn phòng tôi thuê ở và nhà thầy Hạc cách nhau con suối Cun. Nhà tôi ở bên đường Quốc lộ ba, phía sau trông ra con suối. Bên kia bờ suối là xóm Đậu, có ngôi nhà thầy Hạc. Từ cuối mùa hạ sang quá xuân, mỗi lần sang thăm thầy tôi không đi theo đường cầu treo Nà Cạn mà lội ngang suối sau nhà. Những ngày này suối không ngập bờ, hiền hòa chảy, khi lội nước chỉ trên đầu gối. Có bận sang nhà thầy thấy hai ống quần tôi bị ướt, thầy ái ngại:
- Anh qua lối cầu treo có hơn không?
Tôi cười:
- Lối ấy xa, gấp những hai mươi lần lội suối đấy thầy ạ, tiết kiệm thời gian mà.
- Ừ, nhưng lần sau cởi quần dài ra mà lội kẻo ướt.
- Thưa thầy em cũng biết thế...
- Anh không có quần trong à?
Nghe thầy hỏi, tôi ngượng đỏ mặt. Bên trong nhà có tiếng cười rinh rích. Tôi biết đó là tiếng cười của em Lữ và em Thư, hai cô con gái của thầy. Sợ mọi người nghe thầy đùa mà tưởng thật, tôi thanh minh:
-Thưa thầy có chứ ạ, nhưng cứ phải mở ra, đóng vào sợ kích rích nên em chỉ xắn cao cho tiện.
- Có thế chứ, tưởng nhà báo không có quần trong, tôi định biếu một đôi.
- Thưa thầy... ai lại...
Biết là thầy đùa, tôi thấy vui và đỡ ngượng.
Xóm ở địa bàn ngoại Thị, nghề duy nhất là làm đậu cung cấp cho cả Thị xã. Có trên ba chục nóc nhà, không nhà nào không làm đậu. Ai đó đi qua sẽ bắt gặp mùi nước đậu, vỏ đậu, bã đậu lẫn với mùi nước thải làm nên một thứ mùi chua chua, khẳn khẳn rất đặc trưng. Có lẽ vì thế mà cái tên xóm được hình thành. Ở đây nhà nào cũng có hai cái cối đá. Cối xay khô, cối xay nước suốt ngày ù ù như ong chia đàn. Thầy Hạc bảo, xóm Đậu là tổ hợp công nghiệp tiên phong của đất Mục Mã.
Tôi hỏi đùa thầy:
- Sao nhà thầy không mua một đôi cối cho nó hòa hợp với mọi người?
Thầy đưa tay vuốt mái tóc lúc nào cũng được chải gọn, điệu bộ thư thái:
- Trăm hay không bằng tay quen. Có muốn theo đồng bào cũng không được, với lại miếng cơm mọi người kiếm được có là bao lại còn đi véo lấy một miếng. Mình dạy chữ ăn tiền nhà nước rồi thì thôi.
- Chữ thầy dạy thì nhiều nhưng lương thì mọn quá! Chẳng đủ cả nhà sống được quá mười ngày.
- Anh đếm tiền trong túi tôi hay sao?
- Chẳng cần, cứ tính lương tháng của thầy với mức chi tiêu bây giờ thì ra thôi.
- Trong chuồng nuôi thêm con lợn, con gà, có miếng đất trồng ít rau xanh cũng gánh đỡ được hơn phân nửa. Nói vậy thôi, lắm lúc thấy khó và bí, nhưng đi làm về có lao động một chút cũng khỏe người.
Thầy nói như thú nhận cái khó mà cũng là một lời tự động viên mình.
Nhà thầy duy nhất bên xóm Đậu không làm đậu. Cả xóm nhà nhà xây kiên cố, nhà thầy vẫn lợp ngói, tường trát toóc si. Được cái có vườn rau, có hàng rào nan tre đan hình quả trám, trước cửa trông ra con suối Cun quanh năm rì rào chảy, khiến cho không gian nơi đây mang vẻ thanh bình. Còn một thứ nữa làm cho ngôi nhà thầy bớt đi đơn điệu vắng vẻ ấy là hai luống hoa ngay trước ngõ. Mùa nào hoa nấy. Giống hoa tự thầy trữ từ vườn nhà. Mùa đông buốt giá nhưng hồng vẫn nở thắm như thường. Thầy bảo, hoa luôn đẹp như thế là do bàn tay hai tố nữ chăm chút mà nên. Tôi thấy cũng đúng. Tuy đang bận học năm cuối cấp nhưng hai em Lữ và em Thư luôn dành thời gian buổi chiều để chăm sóc vườn rau và hai luống hoa. Hình ảnh hai chị em chung một cái thùng ô doa, quần xắn cao qua đầu gối, lội xuống suối Cun múc nước tưới cho hoa hàng ngày cứ in đậm vào trong óc tôi.
Trong căn phòng thuê của một ông chủ người Hoa với giá mười lăm ngàn một tháng, chiều chiều tôi đến bên cửa sổ trông sang bên suối. Thấy được cái vẻ sinh hoạt lặng lẽ nhưng có trật tự của nhà thầy, chẳng riêng gì tôi, ai đó tình cờ được trông, tự thấy lòng nhẹ nhõm thanh thản.
Tôi và thầy Hạc quen nhau trong những lần đi tắm suối từ sau ngày tôi chuyển đến đây ở. Không phải trò của thầy, nhưng nghe thầy tự giới thiệu là giáo viên nên tôi gọi luôn là thầy giáo. Mới đầu thầy có vẻ ngại khi nghe tôi gọi thế và có ý cải lại lối xưng hô anh, em, nhưng sau rồi quen, không thấy nhắc việc cải chính.
Hồi chưa quen, mỗi buổi chiều cặp chậu quần áo xuống suối, tôi thường tắm bến dưới, thầy tắm bến trên. Hình như cái sự kẻ tắm trên, người tắm dưới làm cho thầy áy náy. Sau này thầy bảo:
- Cứ nghĩ mình thải ra những thứ không sạch trên người xuống chỗ ai tắm phía dưới lại thấy áy náy. Như thể mình là kẻ gây hại khiến người khác thiệt thòi.
Nghe thầy nói, tôi chỉ cười, nghĩ thầy cứ cẩn trọng quá khéo hâm. Hồi đầu thì nghĩ thế. Về sau thường đi lại, tôi dần hiểu thầy là khuôn thước mẫu mực trong giao tiếp và sống rất giản dị.
Thầy bảo, thầy là người Hà Nội, nhà ở phố Nhà Thờ, chỉ cách Hồ Gươm mấy mươi bước chân. Cuối năm một ngàn chín trăm năm mươi chín, tình nguyện lên Mục Mã dạy học. Phải xa Hà Nội cũng có mấy lý do, phần vì tuổi trẻ háo hức, muốn cống hiến và tới những miền đất lạ; phần gia đình dòng dõi quan lại chính quyền cũ, ở lại cũng khó có cơ may tìm được việc làm trong cơ quan nhà nước. Ngày ra đi mà không mảy may nghĩ đến trở về là thế.
Những đêm hè nhàn tản, bên ấm trà nóng thầy thường xúc động kể, đó là những ngày không thể quên của cuộc đời. Hồi mới lên đâu có được dạy ở Thị xã. Cùng một số đồng nghiệp thầy được phân công vào Páo Lò, huyện xa nhất tỉnh. Bước bộ gần ba ngày mới đến. Trường nằm ngay phố huyện. Không ô tô, không điện, đài đi một nhẽ, thiếu cả dầu thắp, muối ăn. Phải mua thóc trong kho nhà nước, vào nhà dân nhờ cối tự giã, sàng sảy lấy gạo thổi nấu. Khổ muôn bề nhưng không hề than vãn. Trò tuổi ngang thầy. Có trò hơn thầy bốn, năm tuổi, địu cả con đến lớp. Học tiếng dân tộc, có trò lừa dạy những câu bậy bạ, tưởng được ít vốn, đem giao tiếp, thanh niên bản nghe thầy nói ôm bụng cười, người già mắng cho thậm tệ. Bao nhiêu là chuyện đáng nhớ. Có cả chuyện một trò đẹp như nàng tiên trên trời đem lòng yêu thầy. Đó là một câu chuyện dài, không nhắc lại làm gì nữa. Vì nó mà thầy bị kỷ luật, bị luân chuyển trường, bị hãm lương. Nhưng thời gian khiến thầy bị hoảng hốt, nghĩ ngợi nhiều cũng không lâu.
Về trường mới thầy tiếp tục lao vào công việc chuyên môn, tổ chức những đêm văn nghệ cho giáo viên và học sinh. Thầy hát hay, đàn giỏi, lại bặt thiệp, lịch lãm nhưng cũng sôi nổi và pha chút nghịch ngợm của tuổi trẻ. Nhiều cô gái lại đem lòng yêu thầy, nhưng lần này thì thầy dứt khoát và thận trọng hơn trong giao tiếp.
Tưởng cuộc đời đã yên để thầy toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp. Mấy năm sau vào một ngày sắp bước vào khai giảng năm học mới, thầy bỗng sững người giữa phòng ngủ. Trước mặt là nàng tiên ngày xưa. Nàng tiên xứ Páo Lò hiển hiện xinh đẹp và mặn mà hơn trước. Nàng nói bây giờ cũng đã là đồng nghiệp của thầy. Thật lòng thầy vẫn thương nhớ nàng lắm, nhưng cứ nghĩ đến những cuộc họp hội đồng nhà trường, đè cổ thầy ra bắt đọc kiểm điểm hàng đêm, rồi tập thể bổ sung viết lại cho chỉnh, rồi lại đọc, lại bổ sung... Thầy thấy nó kinh sợ như bệnh nhân mang khối u, bị đưa lên bàn mổ mà không được gây mê. Nhớ lại vẫn chưa hết hãi hùng. Bây giờ nàng cùng là đồng nghiệp. Ngày ngày gặp nhau tránh sao được chuyện lửa rơm. Thầy ái ngại. Lại tính chuyện chuyển trường. Thầy nung nấu ý định đó mấy hôm. Đầu óc rối bời vì tính không ra. Đã quen với trường mới, đồng nghiệp học trò tin yêu, bây giờ lại ra đi còn mặt mũi nào. Sắp bước vào năm học, việc xin chuyển trường đâu có dễ. Thôi thì tạm gác mọi chuyện, rồi sau sẽ tính.
Một tuần sau nàng lại xuất hiện trong phòng thầy. Lần này nàng tiên nhìn thầy với đôi mắt ngấn nước:
-Sao thầy lại định xin chuyển đi trường khác, nếu biết trước thế này em không về đây còn hơn. Bây giờ thầy cứ ở lại, hết năm học tự em sẽ xin đi, không ai làm ảnh hưởng tới phấn đấu của thầy nữa.
Nói xong nàng bước nhanh ra cửa, tay bưng mặt hu hu khóc. Thầy đứng chết lặng trong phòng. Sao nàng lại xử sự thiếu suy nghĩ như thế? Khóc từ đây ra chẳng hóa ra thầy đã làm gì nàng ư? Mọi người thấy biết giải thích thế nào? Chán quá! Thầy vò đầu dứt tóc, ruột rối như cước chài.
Thầy chỉ lo xa. Chẳng ai để ý đến việc đó. Cũng có thể hôm nàng tiên vọt từ phòng thầy ra chẳng có ai nhìn thấy. Còn nàng, từ sau cái hôm khóc hờn lao từ phòng thầy ra, đến hôm nay chẳng còn dấu vết gì lưu trên khuôn mặt luôn tươi rói. Nàng cười đùa với mọi người và nhiệt tình tham gia mọi phong trào của nhà trường. Những ngày này thầy yên dạ như lão nông phu cật lực đắp được con đê phòng chống bão lũ, trời bỗng lại trở nên khô hạn. Càng tốt. Yên dài dài để rồi còn tính. Nhưng người tính không bằng trời tính. Số kiếp thầy toàn gặp điều rắc rối.
Gần hết năm học, nàng tiên Páo Lò bỗng nở nang khác thường. Nàng rực lên như hoa đón nắng. Bắt đầu có tiếng xì xèo. Mới đầu lời ngắn, về sau lời dài. Có người nói chắc như búa sắc ăn gỗ thực mực,... "Rõ ràng thấy nàng ôm mặt lao từ trong phòng thầy ra, khóc như bị cướp đánh vào pù... chủ nhân sản phẩm trong bụng nàng tiên, không ai ngoài thầy.... cái sự dan díu này đâu phải mới có, nó dính vào thầy từ khi nàng tiên còn là trò của thầy kia. Vì thế nên thầy mới lĩnh án kỷ luật, phải chuyển công tác đến đây...".
Lập tức thầy Hiệu trưởng mời thầy lên. Đầu tiên là tâm tình, căn vặn khéo. Nhưng khi nghe thầy thuật lại, Hiệu trưởng chỉ tin một nửa. Ông bảo:
- Đồng chí mà sáng thì chẳng ai bôi đen lên được. Nói thế thì tạm biết thế. Tôi vẫn phải tìm hiểu thêm cho rõ. Nếu không, công sức bao người xây dựng nên tên tuổi một trường điển hình của Việt Bắc sẽ đổ xuống sông Bằng, sông Hiến hết.
Thầy rất buồn nhưng vẫn bình tĩnh:
- Anh cứ cho gọi cô ấy, tôi tin cô ấy sẽ nói ra sự thật.
- Nếu đồng chí đó cứ khẳng định đó là của đồng chí thì sao?
Hiệu trưởng ngả người, cằm chấm cổ, phát âm chữ "thì sao" thành "thì sào". Thầy Hạc bình thản:
- Có lẽ cô ta không dám.
- Tốt, tốt, thế thì chẳng có gì phải lo, nhưng thành tích và tên tuổi nhà trường chắc không tránh được tổn hại. Từ hôm nay đồng chí nghỉ lên lớp, tôi đã bố trí giáo viên dạy thay, bao giờ giải quyết xong vụ này sẽ bàn sau.
Bên tai thầy như có ai nổ mìn phá đá. Thầy chết lặng. Ngừng lên lớp đồng nghĩa rành rành có tội. Chẳng thể thanh minh với ai, thầy chỉ còn biết ra sau dãy nhà Ban giám hiệu cuốc đất trồng rau. Mồ hôi trên người thầy nhỏ xuống thánh thót dễ có đến chục lít, mà sao nỗi phiền muộn vẫn chưa lui được mấy phân. Đồng nghiệp, học trò nhìn thầy như nhìn một tội phạm, một tội phạm hủ hóa đang chờ ngày cấp có thẩm quyền ra phán quyết.
Đám đất thầy cuốc xới mỗi ngày một phẳng phiu rộng mãi ra. Thầy bỗng nảy ý định làm một khu vườn thực nghiệm, có thể giúp học sinh hiểu biết hơn về kiến thức khoa học, thiên nhiên, tác động của nó với cuộc sống... Công việc mới giúp thầy quên đi phần nào những phiền muộn. Lên rừng, lội suối đến những nơi bản vắng xa xôi thầy đã tìm được những loài cây thuốc quý, cây ăn quả, thực vật thân thảo, thân gỗ có ích, hình dáng ngộ nghĩnh, nhiều loài lan quý hiếm cũng được thầy đeo trên lưng đưa về vườn trồng. Thầy còn đắp mô hình bản đồ khoáng sản và bản đồ địa lý minh họa những tiểu vùng khí hậu trong cả nước bằng vật liệu vôi cát do thầy khai thác và tự đào lò nung.
Vườn thực nghiệm của thầy bỗng trở thành tâm điểm chú ý của các trường trong tỉnh. Họ tổ chức thành đoàn đến thăm quan học tập. Ban giám hiệu mặc nhiên coi đây là thành quả của tập thể. Mọi người hoan hỷ phân công nhau hướng dẫn khách tham quan, và nhận quà cùng những lời ca tụng, những cái bắt tay nồng nhiệt. Không ai nhắc đến thầy, và từ đó mọi người cũng ít thấy thầy xuất hiện ở khu vườn thực nghiệm.
Bây giờ thì thầy lại tập trung vào đọc sách. Thỉnh thoảng từ căn phòng nhìn ra, thấy những đoàn khách, hay học sinh các lớp bước vào khu vườn, thầy mỉm cười. Rồi lại cúi đầu đọc sách. Những cuốn sách triết học, lịch sử tư tưởng, tôn giáo, những tác phẩm văn học kinh điển của nhân loại, mang theo từ ngày rời xa Hà Nội, bây giờ mới có dịp ngồi đọc lại. Sách đã lôi thầy thoát ra khỏi những vụn vặt hàng ngày, giống như khu vườn ngày trước. Nhưng vườn đã được công hữu, thầy tự thấy mình không còn lối vào. Giờ chỉ còn có sách. Sách mở cổng đón thầy vào một thế giới rộng lớn, biết bao nhiêu điều về con người, vũ trụ, các quan niệm tư tưởng, tôn giáo, khoa học, y học... Càng đọc, càng thấy mình bé nhỏ. Càng tiếp cận những điều cao siêu lại càng thấy mình nhỏ nhen. Hóa ra cuộc đời làm một kiếp con người hãy cứ thanh thản, ung dung mà sống. Gạt bỏ phiền muộn rắc rối mà đi về đích. Đích là kết cục của số kiếp. Có là kẻ sang, người hèn cũng cùng về một nơi với nhau. Chỉ có điều khác ấy là đừng có mà chết ngay khi còn đang sống. Thầy rút ra cho mình những kết luận sơ lược rồi vỗ đùi:
- Thế chứ, thế chứ.
Có tiếng gõ cửa. Từ lâu thầy không còn hào hứng với việc tiếp khách trong phòng. Thầy vẫn cúi đầu và nói:
- Cửa không cài then, cứ đẩy vào đi.
Có giọng con gái khẽ cất lên:
- Thầy à, thầy không còn muốn nhìn mặt em nữa rồi phải không?
Ôi, lại là nàng tiên. Bụng nàng đã phưỡn ngang cằm nhưng hình như nàng chẳng coi chuyện đó là gì. Bằng chứng là nàng vẫn tươi rói, đôi mắt vẫn mướt mượt bởi những giấc ngủ no sâu hàng đêm. Nàng chìa một nắm ngô rang về phía thầy:
- Thầy ăn thử mấy hạt, bùi lắm thầy à.
Thầy khẽ cười, rồi lắc đầu tiến đến cửa phòng. Nàng tiên liền nói:
- Thầy à, em không làm phiền thầy lâu đâu!
- Tôi cũng chỉ muốn mở cho nó thoáng.
- Thầy cứ ngại làm gì, em đã thưa với nhà trường mọi chuyện. Mình em làm, em chịu, chẳng liên quan đến ai.
- Sao cô không nói sớm ra điều đó với tổ chức?
- Thầy mà cũng nói thế với em?
- Như thế nào mới phải với cô đây?
- Thế thầy nghĩ chuyện dễ nói lắm á.
- Tôi không biết.
- Thôi được, em chỉ muốn hỏi thầy một câu thôi!
- Cô nói đi.
- Nếu là của thầy, thầy có dám nhận không?
- Có! Chỉ là người không ra gì mới chạy trốn. Yêu nhau, có con với nhau thì lấy nhau cũng là lẽ thường.
Nàng bỗng khẽ cười:
- Yêu còn chẳng dám! Thầy nói cứ như là đã từng có vợ rồi ý. Thôi em về đây. Mai em chuyển công tác về Công ty bảo dưỡng cầu đường bộ. Thầy ở lại mạnh khỏe. Chuyện của em liên lụy đến thầy, em thấy mình có lỗi lắm! Thầy bỏ qua cho em nhá.
- Được rồi, không sao, không sao, tôi cũng đã quen ở trong hoàn cảnh như thế này. Đừng nặng nghĩ về điều đó, rồi nay mai mọi chuyện sẽ trở nên cũ kỹ ngay thôi. Cô về đi. Đến đơn vị mới nhớ cố gắng... - Thầy định nói là "sửa chữa khuyết điểm" hay đại loại "khắc phục những non kém...", nhưng không hiểu sao thầy lại chuyển ý... - dành thời gian biên thư về, rảnh rỗi hãy lại thăm bạn bè đồng nghiệp cũ.
Nàng "vâng" thật ngoan, rồi bước ra cửa với nắm ngô rang ăn dở trong tay.
Tưởng chuyện rồi sẽ nổ như bom, ai ngờ lại kết thúc êm. Nàng đến gặp Hiệu trưởng và chẳng hề giấu diếm. “Đó" không phải với thầy Hạc mà là của một bạn trai cùng học ở trường sư phạm tỉnh, đã nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Sẽ có ngày anh ấy trở về rồi mọi chuyện sẽ được sáng tỏ. Việc làm đó của nàng được ví như đường quyền tuyệt chiêu tránh được hàng đêm phải đọc kiểm điểm để mọi người góp ý. Nhờ có người bác họ làm lãnh đạo Ty giao thông, nàng đã thoát khỏi trường mà không phải chịu một tổn thất.
Mọi chuyện thế là đã rõ. Tuy không còn gì liên đới, nhưng thầy cảm thấy vì chuyện này thanh danh của mình phần nào bị hao tổn. Thầy tiếp tục lại lên lớp, nhưng không hiểu sao từ ngày nàng đi thầy thấy buồn. Nhỡ nhàng mới thành ra như thế. Không có chuyện đó chưa biết chừng thầy và nàng đã là đôi vợ chồng. Nhưng cái duyên trời định, có muốn cũng chẳng được. Thầy gạt chuyện đó ra khỏi đầu.
Thầy cưới vợ. Vợ thầy cũng là giáo viên cùng trường. Tuy không có nét xinh đẹp như nàng tiên, nhưng được cái nết na tốt bụng. Biết mọi chuyện xảy ra với thầy, nhưng cô tin thầy không có lỗi. Lễ cưới được tổ chức đơn giản. Bánh kẹo, hoa quả, nước trà và hát tập thể. Cuối cùng là vỗ tay, những tiếng vỗ tay "rốp rốp" giống như pháo nổ tống tiễn những ngày độc thân xui xẻo, chào đón những ngày hạnh phúc tương lai.
Đứa con đầu lòng ra đời. Nó là con gái. Thầy vui như đào củ mài được hũ vàng. Ngày ngày lên lớp về, thầy xuống bếp nhanh tay nấu nướng cho vợ ăn, rồi lại ẵm con gái cưng nựng, đung đưa như chèo đò. Cứ tưởng hạnh phúc từ đây sẽ mãi mãi. Một chiều mùa đông mưa gió, rét buốt, rét đến mức thầy phải đốt đến hai chảo than hồng đặt trong phòng mà mười ngón chân vẫn như muốn rụng. Đang nhảy lò cò cho ấm người, chợt nghe có tiếng gõ cửa. Khuya khoắt thế mà vẫn có ai đến thăm. Thầy đưa mắt về phía giường ngần ngại. Vợ thầy mỉm cười ra hiệu cho chồng mở cửa. Thầy nâng cây đèn Hoa kỳ ngang tai để nhìn mặt khách. Thầy hơi sững người. Lại là nàng tiên. Lưng nàng đeo ba lô, phủ trên một tấm ni lông màu xanh ướt sượt. Đôi môi nàng tím bầm vì lạnh. Vợ thầy chợt nhắc:
- Anh à, sao không mời khách vào nhà? Đứng ngoài đó rét lắm!
Miệng thầy như nghẹn xôi. Không phải thầy lo vợ mình hiểu lầm, điều khiến thầy bối rối chính là sự hiện diện bất ngờ của nàng. Thầy nghiệm ra, khi nàng xuất hiện thường có những chuyện phiền toái theo sau. Mỗi lần như thế thầy như bị già đi chục tuổi. Thầy gắng giữ cho giọng bình tĩnh:
- Đến rồi thì vào nhà đi em.
Trên giường vợ thầy cũng đã ngồi dậy, hai tay đang cuốn lại mái tóc.
- Cô Bền đấy à, sao lại đứng ngoài đó? Mưa gió thế... vào trong này rồi đóng cửa lại đi.
Nàng tiên đứng ngây. Xem ra nàng vừa vượt qua một chặng đường khá dài và đang đói lắm. Nàng cởi tấm vải mưa rồi vắt lên cây sào phơi quần áo ngoài hiên. Cái ba lô trên lưng nàng kia hóa ra là một đứa trẻ. Một đứa trẻ bụ bẫm, đầu đội chiếc mũ bông hoa cúc đang toét miệng cười. Nàng cởi dây địu:
- Thầy giúp em đỡ cháu xuống.
Nàng nới đôi dây chéo ngực, thầy nhanh tay đỡ lấy đứa trẻ. Nó đã đái từ lúc nào, trên lưng nàng loang một vệt ướt rộng.
- Ô, thế ra cũng là một đứa bé gái, xinh ghê.
Vợ thầy thay tã lót cho con bé, luôn miệng tấm tắc. Nàng ra đứng sau cánh cửa thay quần áo. Hơi ấm trong phòng đã làm cho da mặt nàng hồng hào trở lại. Không chút khách khí, nàng ngồi vào mâm cơm vừa được thầy dọn ra, cắm cúi xới ăn.
Thầy bảo:
- Cơm còn nhiều nhưng hơi nguội...
- Chỗ cơm này em ăn hết đấy!
- Đói thì từ từ ăn, kẻo nghẹn.
- Cháu đã hơn một tuổi, nhờ thầy nấu cho bát cháo.
- Tôi đặt rồi, chỉ lát nữa là được ăn.
Vợ thầy vẫn đùa với đứa bé:
-Ngoan thật, chẳng quấy gì cả! Anh ơi ra nhìn này, con bé xinh giống y mẹ.
Đang và miếng cơm vào miệng nàng hơi ngừng đũa, nét mặt ngây ngây. Nhưng thoáng đó qua nhanh như một chép miệng. Nàng lại tiếp tục ăn như thể không còn gì bận nghĩ.
Đứa trẻ được ăn no và bú một hơi đã ngủ say. Nàng tự rót nước uống, rồi nhấc chiếc ghế trúc đến ngồi xuống bên vợ chồng thầy. Nàng thổ lộ:
- Từ ngày chuyển công tác, cuộc sống của em không đến nỗi nào. Em vẫn một mình nuôi con và đợi anh ấy về... nhưng cứ thế này chẳng biết khi nào mới hết chiến tranh. Được như vợ chồng thầy mới sướng. Chỉ cần vợ chồng, con cái bên nhau thế này, đói vẫn cứ vui, chứ như em... chán lắm! Được nghỉ mấy ngày phép, chẳng biết đi đâu, nghĩ mãi rồi em tìm đến thầy. Từ Mục Mã vào, em được một người lái chiếc xe tải cho đi nhờ. Dọc đường xe trục trặc, giờ mới đến được đây.
Thấy vợ chồng thầy đưa mắt nhìn nhau, nàng bối rối:
- Em chẳng quấy rầy thầy cô lâu đâu, chỉ một, hai ngày em sẽ về công ty...
Vợ thầy vội nói:
- Cô Bền à, chúng tôi muốn cô ở lại chơi cho đến hết phép, lâu rồi không gặp, bao nhiêu chuyện muốn biết lắm.
Thầy tiếp lời vợ:
- Phải đấy, cô cứ ở lại, nhà hẹp nhưng tấm lòng không hẹp.
- Đây là phòng, chứ đâu đã được gọi là nhà.
Nghe nàng nói, vợ chồng thầy vui vẻ:
- Ừ thì phòng, đồng ý ở lại rồi đấy nhá.
Nàng cười và gật đầu. Thầy mở cửa phòng một đồng nghiệp đã về quê, gửi chìa khóa cho thầy giữ, phòng lúc có khách xa đến ngủ lại. Trong phòng chăn ấm đủ cả. Đêm nay thầy sẽ để cho vợ mình và nàng tiên ở với nhau. Hai người chắc có nhiều điều tâm sự. Thấy thầy ra cửa, nàng vội nói:
- Thầy cứ ở lại đây, em và cháu sang bên đó ngủ. Có trẻ sơ sinh, đông người nằm cùng giường là không tốt đâu.
Vừa nói nàng vừa bế con sang phòng với thái độ quả quyết. Thấy vợ tròn mắt nhìn, thầy chỉ còn biết nhún vai. Tính tình nàng vẫn thế, không ai cản được khi đã quyết việc gì. Cũng được, vừa đường xa về chắc mệt, nằm một mình bao giờ cũng thoải mái tự do hơn. Đêm nay chắc nàng sẽ đánh một giấc ngon. Ngoài trời gió bấc hun hút thổi qua ống tre nóc nghe như tiếng chó rừng tru từng hồi hoang dại.
Một đêm đông trôi qua. Chẳng mấy ai chịu ra khỏi chăn lúc trời còn mờ tối thế. Thầy rốn ngủ. Vợ thầy bảo:
- Anh dậy xem mẹ con cô ấy thế nào? Nuôi con nhỏ là nhanh đói lắm.
- Đã ngâm gạo nếp từ đêm qua, chỉ vớt lên đồ một lúc là có xôi ăn ngay.
- Thì cứ dậy làm dần là vừa. Lạnh thế này cũng cần có nồi nước nóng rửa mặt.
- Đun nước rửa mặt, phải đấy, anh dậy đây.
Cửa mở chứ không khóa. Thầy ngó vào trong, khẽ gọi. Trên giường chỉ có tiếng phun mưa và đạp chân lịch bịch của đứa trẻ. Thầy lại gọi:
- Cô Bền ơi!
Trong ánh sáng lờ mờ, cạnh đầu đứa bé hình như có mảnh giấy. Thầy cầm lên đọc. Những dòng chữ viết vội như những thanh kim loại gõ vào đầu "...Thầy ơi, vì em thầy lại phải chịu khổ rồi. Em nhờ vợ chồng thầy nuôi giúp đứa bé con em, vì lúc này hoàn cảnh em nó thế, em không thể đưa nó theo. Em đã chịu làm lẽ hờ người ta. Chồng em người dưới xuôi, lái xe ở mỏ thiếc Thin Túc, đã có gia đình và ba con, nhất quyết không muốn em đưa con nhỏ theo. Em nhờ vợ chồng thầy trông nom giúp con bé, sẽ có ngày em về đón cháu... em phải bỏ đi mà không nói gì, như thế là có lỗi với thầy cô, với cháu. Bây giờ thời gian gấp lắm, em chỉ nói được thế thôi. Thầy cô hãy tha tội. Em... Bền."
Nhìn thầy bế đứa trẻ với vẻ mặt thất thần, vợ thầy hiểu ngay ra mọi chuyện. Cầm lá thư thầy đưa, vợ thầy đọc xong vẻ mặt buồn buồn:
- Biết làm thế nào, hình như số kiếp anh phải thế.
- Ừ, không hiểu sao, cứ mỗi lần cô ấy xuất hiện lại đem đến một chuyện lạ.
- Tội nghiệp đứa bé, vẫn còn bú sữa.
- Làm thế nào bây giờ hở em?
Nghe thầy hỏi, vợ thầy tỏ ra điềm tĩnh:
- Không thể nói ra sự thật, mọi người lại hiểu lầm anh mất, phải có một lý do gì đó cho sự xuất hiện của cháu trong nhà chúng ta.
- Nghĩa là...
-Con của đứa em, mẹ nó chết do hậu sản, người nhà ngoài Mục Mã đưa lên nhờ nuôi. Hay đại loại cháu là người nhà anh dưới Hà Nội và hoàn cảnh gì đó tương tự. Tránh đi những bàn tán phải quấy, ngày xưa vì những chuyện không đâu anh đã chịu bao phiền toái.
- Cũng được, chỉ ngại một mình em nuôi cả hai đứa, bú nhiều lấy đâu sữa.
- Không sao đâu anh à, bé này cũng đã hơn một tuổi, nay mai có thể cai sữa được rồi. Thêm người nhà thêm vui.
Nói xong vợ thầy cười hồn nhiên, nụ cười đã cất đi trong lòng thầy gánh nặng. Trên cuộc đời này đang có rất nhiều người tốt nhưng không dễ gặp. Trước mặt thầy đây đích thị là một người tốt, thầy là người may mắn trúng số độc đắc.
Thầy bảo số kiếp mình trời hay lấy ra làm thí nghiệm. Luôn thắc thỏm những tai họa thường trực đâu đó. Thoắt ẩn, thoắt hiện như ma, lúc nào cũng phải căng sức chống đỡ. Người tốt của thầy cũng thế. Nàng chỉ kịp đặt tên cho đứa bé con nàng tiên là Lữ, và tên cho con gái mình là Thư đã vội đi vào cõi không cùng. Nàng bị khối u ác tính, lúc chết mới vào tuổi hai mươi lăm. Thầy ngơ ngác bên hai con như kẻ mất hồn. Khi ăn, khi chơi, lúc lừa con đi ngủ hình bóng người vợ luôn hiển hiện với nụ cười hiền thục, phúc hậu khiến thầy chỉ còn biết lao vào công việc cho đầu óc khỏi nhàn. Đầu óc nhàn lại luôn nghĩ đến vợ, gợi trong lòng bao nhớ thương.
Nhìn thầy ngày ngày lên lớp, vừa phải nuôi hai đứa nhỏ nhiều người ái ngại:
- Hay ông cho đi một đứa làm con nuôi người khác cho đỡ vất vả?
Thầy cười buồn:
- Có khác gì bảo tôi tự cắt đi một cánh tay.
- Theo tôi tìm một người phụ nữ biết thông cảm làm bạn, đỡ nhau lúc khó.
Đôi mắt thầy bỗng trở nên xa xăm. Người tốt ư? Người tốt nhất trên cuộc đời này không còn nữa rồi. Nàng đã đi về bên kia bầu trời và mang theo tất cả tình yêu của thầy. Chỉ còn lại dấu vết của nàng đọng trên gương mặt đứa con gái yêu và hơi ấm của nàng vương trên da thịt đứa con gái nuôi mà thôi. Không, thầy không có ý định chia sẻ tình yêu đó cho ai. Thầy tự chốt chặt cánh cửa và vui sống với hai con. Hết giờ lên lớp, thầy ào về căn phòng tất bật với một chậu quần áo, tã lót ẩm ướt. Cơm nước, tắm, giặt cho các con xong, thầy đặt chúng ngồi trong chiếc xe gỗ tự chế, đẩy ra sân trường, rồi gảy ghi ta "bừng, bừng"cho chúng nghe.
Thời gian này lương thực, thực phẩm bỗng trở nên khan hiếm. Kiếm được lạng thịt hay quả trứng cho các con quả là một vấn đề không đơn giản. Thầy gom tiền mua được đôi gà mái đẻ. Trong lúc chờ gà đẻ trứng, thầy trồng thêm luống rau và thường nhịn bữa, dành miếng ăn cho các con, nên gầy và xanh như lá mon. Có một việc thầy giấu kín. Mỗi khi đến giờ cho các con ăn, thầy cẩn thận buộc vào đầu đũa một miếng thịt, thầy bảo chúng há miệng nhưng chỉ nún chứ không được nhai, nún xong thầy lại bắt chúng há miệng, rút miếng thịt ra, bồi tiếp ngay một miếng cơm. Cứ thế lừa cho ăn hết bát. Đến miếng cơm cuối cùng thầy mới cắt sợi chỉ, xẻ miếng thịt làm đôi, đút cho hai đứa. Cứ thế thầy nuôi con, cứ thế chúng lớn và tập nói, tập làm được một số việc giúp bố.
Cho đến ngày thầy chuyển về dạy tại trường vùng ven Thị xã, cuộc sống đã khá hơn. Bao năm gom góp, tiết kiệm cuối cùng đã mua được miếng đất làm nhà. Chủ đất là một người hào hiệp, thấy thầy hiền lành, gia cảnh khó khăn liền chỉ cho một mảnh vườn ven suối, bảo: "Đấy, thầy cứ đo lấy ba trăm mét, có bao nhiêu tiền đưa bấy nhiêu, tôi không đòi thêm. Được thầy về làm hàng xóm là tôi vui rồi". Cuộc mua bán diễn ra còn nhanh hơn mua một con gà ngoài chợ. Cầm món tiền thầy đưa, quả nhiên ông ta không cần đếm, lại còn mời thầy ăn một bữa cơm. Bữa cơm thật thịnh soạn. Đã lâu lắm mới được no mắt một bữa thịt gà như thế này. Vừa ăn, thầy vừa ngần ngại. Lẽ ra bữa cơm này phải là thầy mời để cảm tạ, ai đời lại để ông ta, một người sẵn sàng nhận phần thiệt về mình, mà thiệt quá. Tốt, tốt thật! Thật là hạng người hiếm có. Thấy thầy cứ lóng ngóng không chịu gắp thức ăn, ông ta trách:
- Thầy làm lạ thế, tôi nuốt không xuống cổ. Phải ăn người khác mới ăn thoải mái. Thức ăn ngon mà chống đũa thì phí quá! Tính tôi lạ thầy à, nếu khách không ăn, hay ăn ít, lát nữa có bao nhiêu cơm, rau, rượu, thịt tôi “đỏ” xuống suối hết.
Nghe ông ta nói chữ "đổ" ra "đỏ", thầy cuống quýt:
- Ấy đừng, tôi chỉ ăn chậm thôi, chứ đâu dám chê. Thức ăn ngon thế này lát nữa rồi xem, đến xương cũng không còn.
Người mỏng như màng tre! Chắc lâu không được bữa no. Nhìn thầy ăn uống ngon lành và thoải mái, ông ta khẽ quay mặt giấu nụ cười.
Ngôi nhà bên suối của thầy mọc lên từ đó. Nó mọc lên từ đôi tay khéo léo của thầy. Ba gian, hai chái đơn sơ, xinh xắn chỉ để ở, chứ không chống được trộm. Chẳng có gì lo mất. Quý giá nhất là hai tố nữ của thầy, đang lớn khôn từng ngày trên đất xóm Đậu. Ngày ngày ba cha con chăm chỉ trồng rau, nuôi gà đỡ thêm vào bữa ăn. Thầy bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tránh xa bao chuyện bon chen giành đồng tiền, bơ gạo bát nháo phố chợ.
Chiều nay đang ngụp dưới suối, tôi thấy thầy lững thững dọc theo bờ, vẻ mặt không vui. Chờ thầy đến gần, tôi hỏi:
- Hôm nay thầy kiêng tắm?
Thầy như không nghe.
- Lát nữa tắm xong, mời anh lên nhà tôi có chuyện muốn nói.
- Sao thầy không xuống ào một cái cho mát?
- Không, hôm nay trời hơi lạnh.
Thầy quay lên nhà, cái lưng còng còng như múi bưởi. Tôi bỗng nhớ có ai nói, gần nhau thường ít để ý những đổi thay dung mạo. Không đúng, cái sự già đi của thầy hiển hiện ngay trước mắt tôi kia. Có lần thầy bảo ông trời hay lấy thầy ra làm thí nghiệm. Cái sự thí nghiệm đó cuối cùng cũng đã khuất phục được tấm lưng luôn thẳng của thầy. Thế là thầy cũng đã già. Có chuyện gì khiến thầy lo lắng? Tôi ngụp thêm một lần nữa dưới dòng suối mát lạnh rồi lên bờ.
Nghe có tiếng chân bậm bịch, thầy ra tận ngõ đón. Sau một lượt trà, thầy nói:
- Tôi muốn anh giúp cho một việc.
Lời đề nghị bất ngờ khiến tôi bối rối. Tôi dò hỏi:
- Việc gì thầy nói rõ hơn được không?
- Dài dài! Những việc anh đã biết. Nay lại một chuyện khác đang làm tôi khó xử, tôi muốn được nghe ý kiến của anh.
- Thầy cứ nói thế em chẳng hiểu...?
- Bây giờ đầu óc tôi chẳng nghĩ được gì, thể nào anh cũng phải giúp tôi đấy.
- Em đâu nề hà, chỉ e quá tầm, không kham nổi, hỏng việc làm thầy thất vọng.
Nếp nhăn trên vầng trán thầy giãn ra. Thầy vuốt mái tóc đã được chải gọn:
- Anh mở ra mà xem.
Thầy đẩy chiếc hộp cát tông về phía tôi. Tôi thật sự ngần ngại khi chạm tay vào nó. Dù sao cũng không thể từ chối. Tôi mở hộp. Rất nhiều món quà đẹp và đắt tiền. Hai chiếc quần bò cùng hai áo phông màu da cam trẻ trung đúng chất ngoại. Hai sợi dây chuyền vàng mỗi chiếc chừng ba chỉ, hai đôi hoa tai vòng tàu, mỗi đôi cỡ hai chỉ. Một đồng hồ đeo tay mạ vàng; hai bộ com lê màu xanh đen may bằng thứ vải cao cấp. Hai đôi dép da nữ màu hồng. Một đôi giày da đen của nam. Còn nhiều thứ lỉnh kỉnh khác... Tôi đậy lại nắp hộp. Đang phân vân, sao thầy có nhiều đồ quý đến thế, chợt nghe thầy nói:
- Của cô ấy đấy.
- Là ai hả thầy?
Tuy láng máng đoán ra nhưng tôi không dừng được câu hỏi. Thầy thản nhiên:
- Của Bền đấy! Nàng tiên Páo Lò, nàng lại xuất hiện rồi!
- Còn đẹp như xưa không hả thầy?
- Còn nét nhưng cũng đã hơi già. Mà sao anh chỉ quan tâm có thế?
Tôi bối rối khi nghe thầy hỏi vẻ hơi trách.
- Dạ, em xin lỗi.
- Không sao, không sao. Tôi không có quyền trách anh kia mà.
- Thưa thầy, cô ấy đến từ hồi nào?
- Sáng nay! Cứ như trên trời rơi xuống! Chẳng khác mấy ngày xưa, toàn làm những chuyện bất ngờ. Không khéo lần này cũng thế.
Tôi bị cuốn vào câu chuyện của thầy:
- Việc gì, thầy có thể nói rõ hơn được không?
- Muốn về đây nhận lại con gái.
Giọng thầy ngàn ngạt, trong lòng tôi nổi sự bất bình.
- Vậy đây là... thay tiền chuộc...
- Đừng có mà nghĩ ác về người ta như thế! Cũng chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy, cực chẳng đã mới thành ra như thế chứ ai muốn.
- Thầy có giận em cũng nói. Đây chính là lỗi lớn nhất của thầy đấy!
Thầy có vẻ hoang mang:
- Anh nói sao?
- Cái thân mình thầy chẳng thương cứ hay đi thương nhân loại. Em không tin thầy là người tốt.
Ngoài kia vọng về tiếng róc rách đều đều của con suối thu đang kỳ hao nước. Đôi mắt sau cặp kính lão của thầy chợt mơ màng.
- Tôi đã bao giờ dám nhận mình là người tốt! Như lúc này, cô ấy đến đưa quà và nói đây chỉ là tình cảm muốn được tạ lỗi. Nếu thầy còn thương thì cho đón cái Lữ, mẹ con xa nhau ngần ấy năm biết bao day dứt, khổ sở. Ơn thầy dưỡng dục con bé, cô ấy bảo, núi cao sông dài không thể bằng. Khi tôi chết cô ấy sẽ đội khăn như đội khăn cha mẹ.
- Chắc cũng là người kinh tế khá!
- Tôi đâu có quan tâm điều đó! Lòng tôi đang không được yên anh ạ. Tôi thấy trong tôi đang có một nhà tù, phạm nhân trong đó là tôi đang không cách nào thoát ra. Cái không tốt trong tôi chính là đứng giữa, nửa muốn cho cái Lữ theo mẹ nó, một nửa không muốn xa nó. Cứ nghĩ phải chia tay với con lòng tôi như có ai cầm dao cắt từng nhát. Đau xót lắm anh ạ. Nhưng con của người ta sinh ra mình không trả hóa là kẻ tim bằng sắt bằng gang. Cho nó đi hóa ra mình là kẻ mắt trắng môi thâm chỉ muốn tống cổ con nuôi ra cửa cho rảnh, để được ôm toàn vẹn đứa con đẻ. Tôi đâu làm được những việc bất nghĩa đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ khác về cái Lữ, nó cũng như cái Thư, chúng là hai chị em ruột thịt, là một phần trên thân thể tôi và vợ tôi. Cả hai đứa là dấu ấn quá khứ đói nghèo và gian khó. Tựa vào đấy nên tôi mới vững bước đi trên cuộc đời này đến bây giờ. Đã lâu lắm tôi không còn nhớ đến Hà Nội của tôi nữa, không còn nhớ đến phố Nhà Thờ, đến Hồ Gươm xanh trong, đến hàng liễu rủ ven hồ, đến phố cổ... mọi thứ của Hà Nội đã mờ trong ký ức. Ký ức chỉ còn lại những năm tháng tuổi trẻ cống hiến cho non nước Mục Mã; những đêm sương muối giữa rừng khuya buốt lạnh thấu tim; là những học trò nghèo cùng sống trong ký túc xá tạm bợ; những mái trường lợp cỏ gianh; những bục giảng bằng đất nện; những bảng đen được nhuộm từ bột man gan trong quả pin thối giã với ngọn lang; những học trò nghèo chăm chỉ bên ngọn đèn dầu; những cái tết đậm đà hương vị miền núi, thịt lợn, bánh chưng của phụ huynh, học sinh biếu treo đầy quanh phòng... Đó là tất cả tôi còn. Các con tôi là một phần lớn trong đó. Sao tôi có thể chia tay. Nhưng cái tôi nhớ, những thứ tôi quên mấy hôm nay cứ luôn dằn vặt tôi. Hẳn hoi như anh nói, tôi là người không tốt. Hôm nay cô Bền, nàng tiên Páo Lò sẽ đến. Nàng nói, nàng đã tạ lỗi, hôm nay sẽ chuộc lại lỗi lầm bằng việc đón cái Lữ theo, bù đắp cho nó một cuộc sống no đủ, ước gì được nấy. Tôi bảo để từ từ rồi còn nói với con bé cho khỏi đột ngột, nhỡ đâu nó không vui mà sốc thành ra oán mọi người. Cô ấy bảo - "Có gì mà sốc, mẹ đẻ, con ruột gặp nhau đưa nhau về cùng chung sống cũng là lẽ thường thôi thầy à". Cô ấy còn nói: "Hay em đón thầy về ở cùng cho vui". Nói xong cô ấy cười mà rằng - "Giá ngày xưa thầy đừng sống quá nắn nót em đã là vợ thầy. Nghĩ lại hồi ấy cổ, thầy trò yêu nhau, lấy nhau cũng là thường mà sao mọi người làm nghiêm trọng thế! Khổ thân thầy, chịu bao vất vả. Có chút quà gọi là để tạ lỗi, cũng là để cám ơn đã nuôi dưỡng con em khôn lớn đến ngày nay...".
Cô ấy nói xong liền đưa chiếc hộp này ra, cứ như thể cô ta để quên một con chó, nay đến tạ ơn người có công dưỡng dục để bế thốc nó về. Nghe thế tôi giận quá. Nhưng nói thật với anh chỉ vì nể chút tình ngày xưa nên tôi im lặng. Nhưng cứ nghĩ lát nữa em Lữ sẽ biết chuyện tôi giấu nó bao năm mà rầu ruột. Không hình dung nổi giây phút đó sẽ thế nào. Tôi muốn anh giúp tôi nghĩ cách.
- Cho em Lữ theo cô ấy, hay giữ em Lữ lại hả thầy?
Thầy Hạc ngả lưng ra sau chiếc ghế trúc, mắt nhìn lên mái nhà. Tôi chẳng thấy gì trên đó, ngoại những luống ngói như những con sâu chiếu khổng lồ. Thầy mệt mỏi:
-Tôi mà biết thì còn hỏi anh làm gì.
Có lẽ chưa lúc nào thầy rơi vào hoàn cảnh khó xử như bây giờ. Kể cả ngày xưa khi bị kỷ luật, đình chỉ công tác cũng chẳng làm cho thầy sờn lòng nhụt chí. Nhưng lúc này thầy đang căng thẳng và bế tắc. Tôi huy động mọi kinh nghiệm học mót, bèn hiến một kế:
- Tìm cách tạm hoãn thầy ạ, rồi thầy đưa cả hai em về Hà Nội. Khi đó đến cố tổ nàng tiên cũng không tìm ra, Hà Nội rộng thế.
- Muốn về cũng phải có chỗ ở, chỗ làm việc có đồng lương sinh sống, về để tranh cướp đất đai, nhà cửa với họ hàng, con cháu sao? Tôi sợ nhất chuyện đó đấy anh ạ. Không được, cách đó không được. Điều tôi lo bây giờ là em Lữ biết chuyện nó sẽ phản ứng ra sao? Để nó phải khóc tôi sẽ buồn mà chết mất.
- Hay thầy cứ nói hết mọi chuyện với em Lữ, rồi để tùy em ấy quyết định?
- Tôi không đủ can đảm để làm việc đó, nó tàn nhẫn lắm!
- Thế thì thầy cứ để cho nàng tiên Páo Lò đến đón em Lữ đi.
Tự nhiên tôi thấy khó chịu với con người đang ngồi trước tôi kia. Chén nước trà nguội ngắt và nhạt nhẽo quá. Hình như thầy cũng đọc được sự khó chịu trong tôi. Thầy xuống giọng:
- Cứ thử ở vào hoàn cảnh của tôi chắc anh sẽ hiểu. Mà hình như có ai đó...?
Thầy Hạc ra cửa ngó quanh. Hóa ra là em Lữ. Thầy hỏi:
- Con nói chiều nay đi họp đoàn trường cơ mà?
- Biết nhà ta hôm nay có khách, con xin phép về trước nấu cơm. Em Thư ở lại họp, lát nữa về sau pa à.
Thấy tôi, em Lữ lên tiếng chào rồi hơi dừng bước:
- Anh Hội à, mấy ngày anh đi công tác, pa em ngồi uống trà một mình cứ nhắc anh. Rồi luôn miệng than "trăng sáng quá, đẹp quá! Không có Hội ở nhà, trà ngon uống một mình chẳng ngon!".
- Thật thế sao? - Tôi thấy hai tai nóng bừng - anh cũng định về sớm nhưng có việc phải ở lại trong xã thêm mấy hôm.
Thầy Hạc vẫn không khá hơn, nét mặt âu lo. Hình như những lời tôi và em Lữ nói với nhau không lọt vào tai thầy. Cả việc thầy nói sẽ nhờ tôi gỡ giúp chuyện gì đó cũng không nghe thầy nhắc.
Tôi theo em Lữ xuống bếp. Em bảo tôi:
- Trời hơi tối, anh ra vườn hái giúp em nắm ngọn đỗ Hà Lan nhé.
- Lữ này, em nói nhà hôm nay có khách à, là ai thế?
Lữ khẽ cười:
- Thế mà cũng hỏi, ngoài anh ra còn có ai nữa kia chứ!
Thế ra chuyện về nàng tiên sẽ xuất hiện chiều tối nay, ngay trong ngôi nhà này em Lữ vẫn chưa biết. Hãy cứ hưởng không khí hòa bình thêm chút thời gian nữa. Biết đâu từ ngày mai mọi chuyện không còn được như xưa.
Từ lâu tôi đã có cảm tình với Lữ. Không phải em có khuôn mặt luôn ngời sáng xinh đẹp, điều khiến tôi luôn nghĩ đến em là ở dáng vẻ dịu hiền và ít nói. Tôi vẫn hay đùa em và Thư là hai thiên thần chân đất. Mỗi lần nghe tôi nói thế hai em cùng nhìn tôi như dị vật rồi nhìn nhau cười. Tôi nghĩ mình đã nói đúng nên không gợn về điều đó. Cũng có thể các em chỉ ngạc nhiên vì lạ tai chứ không có ý gì. Nhưng riêng với Lữ, có lẽ em đang học phổ thông và còn quá trẻ nên tôi luôn giữ một khoảng cách trong quan hệ. Hình như thầy Hạc cũng nhận ra điều đó. Có lẽ vì thế nên thầy luôn coi tôi là người bạn vong niên đáng tin.
Một nắm ngọn đỗ Hà Lan đã đầy lòng bàn tay, tôi quay trở lại bếp. Tôi nhận ra bếp lò vẫn chưa được nhóm. Lữ đâu thế? Tôi nhặt vội mấy cành củi chất vào bếp. Có tiếng bước chân sau lưng, tôi quay lại. Nhận ra em Lữ trong bộ quần áo mới, mái tóc chải gọn tôi ngỡ ngàng:
- Trông em hôm nay lạ quá!
Lữ đưa tay lên miệng suỵt, khẽ hạ giọng:
- Anh giúp em một việc nhá?
- Việc gì chứ?
- Nấu cơm!
Tôi chưa kịp hỏi thêm đã nghe trên nhà có tiếng thầy Hạc:
- Lữ ơi, con đâu rồi.
Giọng thầy Hạc hôm nay nghe khác quá, âm thanh chìm xuống như đang chịu một tải nặng trong cổ họng. Có tiếng dạ rất nhẹ của Lữ. Rồi tiếng của một phụ nữ cất lên:
- Lại gần đây nữa xem nào.
Tôi tò mò nhón bước đến cửa bếp, ngó lên nhà. Từ đây đến gian khách chỉ chừng bốn mét. Trong ánh chiều sắp tắt tôi nhìn rõ một phụ nữ đứng tuổi, khuôn mặt đẹp, ăn mặc sang trọng đứng bên cửa. Đôi mắt bà ta như có nước. Thầy Hạc ngồi lặng như tượng sứ. Tôi nhận ra em Lữ không hề tỏ ra bất ngờ và sửng sốt trước sự xuất hiện của người đàn bà lạ trong nhà mình.
Người đàn bà bối rối. Bà ta nhìn thầy Hạc:
- Thầy ơi! Thầy phải nói giúp em?
- Tự cô phải nói thôi, cô Bền à.
Người đàn bà nghe thầy nói thế bỗng khóc thành tiếng:
- Không, em không thể nói được.
Hai má em Lữ đỏ bừng. Hình như em đang cố gìm những giọt nước mắt. Tiếng em nhỏ nhẹ nhưng rõ từng lời:
- Mọi người đừng nói gì nữa.
Thầy Hạc nhổm người như bị một cú nhói buốt trong ngực thúc mạnh:
- Con! Lữ ơi, con đã biết gì rồi sao?
-Vâng, con đã biết. Không phải con nghe lỏm mà chỉ là tình cờ thôi.
- Pa mang tội với con rồi Lữ ơi.
Lữ không khóc. Em bước đến đặt hai tay lên vai thầy:
- Con là con gái của pa. Pa yên tâm con vẫn sẽ luôn ở bên pa thôi.
Người đàn bà tên Bền gạt vội nước mắt, hốt hoảng:
- Thầy ơi, thầy hứa sẽ giúp em, sao bây giờ lại ra thế này? Con ơi, mẹ là mẹ Bền của con đây. Mẹ đã có lỗi với con, cái lỗi mà mẹ chẳng muốn, vì lúc đó nó cùng cực quá... nhưng bây giờ mẹ muốn được bù đắp cho con.
Lữ không còn được điềm tĩnh như lúc đầu, giọng run run như có nước mắt:
- Cô à, cháu đã biết cô là ai. Cô sống trong Đắk Lắk cùng một người chồng lái xe và ba người con. Nhà cô ở đường Lê Duẩn, có xe ô tô riêng, nhiều héc ta cà phê và cao su.
- Con nghe từ đâu ra chứ?
Thầy Hạc tròn mắt nhìn. Người đàn bà cũng không giấu được vẻ ngạc nhiên, ánh mắt thấp thoáng những tia hy vọng. Lữ đã trở lại bình tĩnh:
- Con không bao giờ trách pa vì đã giấu con chuyện này bao năm. Tình cờ con cũng mới biết.
- Pa chỉ sợ con buồn, pa không bao giờ ngăn cản con đâu Lữ ơi! Đây chính là người mẹ đã sinh ra con, đừng trách mẹ con, mẹ con cũng đã khổ lắm nên mới thành ra có chuyện hôm nay.
Người đàn bà dường như không còn đủ sức đứng vững trên hai chân của mình, bà ta ngồi xuống bên cửa, khuôn mặt đẫm nước nước mắt:
- Thầy giáo nói đúng đấy con à, ngày đó mẹ đã chịu đựng bao nỗi khổ.
- Bây giờ cô định như thế nào?
- Mẹ muốn đón con theo vào Nam. Đã bao năm rồi mẹ khao khát gia đình mình đoàn tụ. Mẹ biết con sẽ đồng ý nên đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cho con. Quà kia không phải thứ để lấy lòng, mà nó chỉ là tấm lòng của mẹ với thầy, với con và em Thư. Mẹ còn dành cho con nhiều thứ tốt đẹp hơn kia... con hãy theo mẹ nhá.
Mặt thầy Hạc trắng bệch. Thầy nắm chặt tay em Lữ như sợ ngã. Trong đầu thầy mọi thứ đều trống rỗng. Ngôn ngữ đã trở nên rời rạc:
- Con, hãy nghe theo lời mẹ con đi...
- Thưa pa, con chịu công nuôi dạy của pa mới có ngày hôm nay. Hôm nay pa cho con một lần không vâng lời.
- Pa thật sự không muốn! Con hãy làm như mẹ con nói được không?
- Không được pa à!
Lữ quay sang người đàn bà:
- Cháu tin cô là người đã sinh ra cháu. Quá khứ cháu không còn nhớ, nếu bây giờ cô làm được cho cháu một điều cháu sẽ nghe và theo cô vào Nam.
- Con cứ nói! - Người đàn bà mừng rơn - chỉ có mua trời là mẹ chịu, còn mọi việc mẹ sẽ lo được cho con. Bây giờ mẹ không còn như ngày xưa nữa đâu. Điều gì con hãy nói đi? Không gian bỗng trở nên im lặng, rõ cả tiếng chân chuột nhắt chạy quanh thùng gạo góc nhà. Lữ hít một hơi sâu nén lại tiếng nức nở đang hành hạ con tim yếu đuối đang tràn ngập cảm xúc yêu thương và oán hận.
- Thưa cô, cô hãy làm cho cháu bé nhỏ lại đi? Như cái đêm giá buốt nào đó, trong căn phòng lạnh lẽo chỉ có một mình cháu ấy. Nếu cô làm được cháu sẽ để cô đưa ra khỏi đây.
Người đàn bà sững sờ. Đây không phải là một lời đề nghị, mà là thách đố. Lời thách đố không đùa bỡn mà rõ ràng không có sự nhượng bộ. Trái tim bà như bị những ngọn roi quất mạnh. Bà thấy ngực mình đau buốt. Gương mặt đẹp của bà chợt dài thưỡn tuyệt vọng. Bà nhìn thầy Hạc cầu cứu. Không khí im lặng bao trùm. Giọng thầy khẽ khàng:
- Con à, con có thể tha thứ cho mẹ con được không?
- Con không có quyền đó vào lúc này pa à. Người nào để lại bao nhiêu thì chỉ được quyền lấy đi bấy nhiêu thôi. Phần lớn lao còn lại đâu phải của người đó. Con vẫn chỉ luôn nghĩ đến mọi người trong gia đình và người mẹ đã khuất...
Đất dưới chân bà Bền như sụt xuống. Bà không thể thực hiện được lời yêu cầu của nó. Bà hiểu, nó muốn nhắc lại cho bà nhớ cái giây phút đớn đau ngày nào khi bỏ nó ở lại. Quả thật khi đó nếu không vì khao khát hơi ấm của người đàn ông bà đã không làm thế. Nhưng người ta ích kỷ quá. Người ta chỉ muốn có bà chứ không muốn có thêm đứa con riêng của bà đi theo. Bây giờ thì thế này đây. Bà đã hy vọng biết bao khi tìm thấy nó. Bây giờ thì tan như khói lên trời. Bà cảm giác máu trong người đang chảy không cách nào cầm giữ. Mắt như có ngàn đom đóm bay.
Bà bám vai thầy Hạc bước ra cửa. Trong bà chợt hiện lên cái đêm đông buốt giá, cõng con đi trong gió mưa. Nó còn bé và đái ướt lưng mẹ. Khi chia tay, nó vẫn đạp chân bình bịch xuống giường và phun mưa phì phì. Bà đã thơm lên má nó và thầm hẹn sẽ trở về đón nó theo. Sau bao ngày dò hỏi tìm kiếm bà đã đến đây, nhưng hình như đó là điều không thể. Bà khát khao được ôm nó, để được khóc và được tha thứ. Ôi, kỷ niệm khổ đau một thời, một phần máu thịt của người bạn đã hy sinh trong chiến trận, chỉ một lần chạm thật nhẹ lên má con cũng không thể. Trong mắt bà mùa đông năm đó vẫn buốt giá đến bây giờ. Ngôi nhà bên suối sau lưng bà đã chìm xuống trong bóng đêm. Chỉ tiếng róc rách của con nước hao gày đan vào không gian yên ả những âm thanh tự ngàn đời. Mọi con suối đều đổ về sông. Mọi con sông đều chảy về biển. Ý nghĩ chợt đến khiến bà thêm một lần hy vọng. Ngày mai bà sẽ theo xe về Nam. Con đường trở về sẽ rất dài.
***
Bao năm nay tôi vẫn áy náy về phần cuối truyện ngắn này. Mỗi lần nghĩ đến lại như thấy mình có lỗi với thầy Hạc. Hình ảnh của thầy đã bị méo đi trong sự cố chấp của tôi. Ngày đó thầy không xử sự như thế. Em Lữ cũng không nói được gì ngoài tiếng khóc hờn giận và buồn tủi. Em là một phần của cuộc đời thầy, dù buồn mấy thầy vẫn phải nén lòng. Thầy bảo loài cây nào mà chẳng có gốc rễ. Trở về tìm nhau thế này chỉ có con người mà thôi. Rồi thầy tiễn em đi ngay trong đêm. Cái đêm đã làm lưng thầy còng xuống như cây lúa sau cơn bão. Mấy năm sau học xong đại học ngoại ngữ, em Thư cũng chuyển vào Nam công tác. Ngôi nhà chỉ còn mình thầy. Sau ngày đó không lâu tôi cũng về thường trú tại một tỉnh đồng bằng. Bẵng đi mươi năm, có dịp trở lại Mục Mã, tìm đến xóm Đậu thăm thầy Hạc. Ngôi nhà xưa vẫn nguyên đó nhưng chủ nhân đã đi mất rồi. Tôi hỏi, có người cho biết những năm sống một mình trong ngôi nhà bên suối, thầy lặng lẽ như bóng nắng ban chiều. Rồi một ngày, thầy đến gặp ông chủ đất cũ nói rằng, nhờ ông trông nom giúp. Ngôi nhà cứ để nguyên, ngộ nhỡ có ai về tìm cứ đến mở ra mà vào nghỉ. Rồi thầy đi. Không biết đi đâu? Có người nói, thầy về Hà Nội. Có người lại bảo thầy theo em Thư vào sống trong Nam. Nói thế chỉ biết thế.
Qua hết lối ngõ rợp cỏ dại, tôi lặng lẽ mở cửa, bước vào ngôi nhà xưa quen thuộc. Tất cả nguyên vẹn như hồi nào. Bàn ghế, giường tủ vẫn đó, giản dị và lịch lãm như còn lưu bóng chủ nhân. Tôi lặng nhìn con suối Cun trong mướt như lụa, lòng chợt bồi hồi, thầy Hạc giờ không biết lưu lạc nơi đâu.
Tác giả: Nhà văn Cao Duy Sơn
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN HỒ THỦY GIANG:
Có nhiều nhà văn mà tác phẩm của họ được viết từ ký ức. “Ngôi nhà xưa bên suối” của nhà văn Cao Duy Sơn là một truyện ngắn như vậy. Đúng như một lần nhà văn đã trả lời phỏng vấn: “Ngôi nhà xưa bên suối” là kỷ niệm một thời được viết ra trong nỗi nhớ và cả buồn nữa. Nhưng là nỗi buồn không bi lụy, hiu hiu như gió thu ngang qua vùng ký ức, gợi ngày xưa về…”
Tôi đã đọc truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” trong một nỗi buồn như vậy. Buồn vì người tốt luôn nhận về mình những thua thiệt, buồn vì lòng tốt luôn bị xói mòn… Kể ra, kiểu lòng tốt như thầy Hạc trong truyện ngắn không phải là kiểu lòng tốt quá xa lạ trong hiện thực đời sống và cả trong các tác phẩm văn học. Nhưng truyện ngắn vẫn làm ta xúc động mạnh. Tôi tán thành một nhận định của một nhà phê bình: “Các cây bút truyện ngắn như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh… trong khi đang trở mình để bứt phá, đi tìm một lối viết hiện đại, hậu hiện đại nhằm “chối bỏ” lối viết truyền thống, thì Cao Duy Sơn vẫn neo đậu nơi cái khung truyền thống ấy…”. Đúng vậy. Cũng như nhiều truyện ngắn khác của anh, “Ngôi nhà xưa bên suối” có cấu trúc tuyến tính, cốt truyện được đề cao, tính cách nhân vật được quan tâm, các chi tiết nghệ thuật được chú trọng… Nhưng điều đáng nói, đây là một truyện ngắn đã được nhà văn làm mới trên nền truyền thống. Tác giả không quá tuân thủ trình tự thời gian mà có sự biến hóa hợp lý, những hồi tưởng được đan xen… nên đã tạo ra sự hấp dẫn riêng. Có được điều đó, cũng là nhờ cách kể chuyện từ bên trong của tác giả. Cao Duy Sơn không chỉ “kể chuyện” một cách đơn thuần, mà anh đã biết cách khơi mở những gì từ chính tâm hồn người đọc, buộc người đọc phải đau đớn, buồn, vui theo tác giả. Điều đó nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là sự quyết định thành/bại của mỗi tác phẩm văn chương. Với ý nghĩa tự sự học thì “Ngôi nhà xưa bên suối” là một truyện ngắn có xu thế trở thành tiểu thuyết. Nhưng tác giả đã cô đúc, dồn nén để dừng lại ở một truyện ngắn. Có lẽ vì thế, ta dễ nhận thấy “Ngôi nhà xưa bên suối” là một truyện ngắn đa giọng điệu. Ngoài giọng điệu trữ tình, cảm thương, ta còn gặp trong tác phẩm những giọng điệu suồng sã, thân mật, giọng suy tư triết lý… Về hình thức, đó cũng là một điểm mạnh của tác phẩm.
Phần cuối, dù đã đọc khá nhiều truyện ngắn với đủ các kiểu kết truyện nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp cái kết như “Ngôi nhà xưa bên suối”. Dường như cái kết đã phần nào xóa nhòa đi ranh giới giữa nguyên mẫu và nhân vật trong tác phẩm. Người đọc không muốn, không cần hiểu đâu là thầy Hạc (nhân vật trong tác phẩm) và đâu là người thầy ngoài đời. Nhân vật thầy Hạc mờ khuất, nhường chỗ cho hình tượng “ngôi nhà xưa bên suối”. Đúng như quan niệm của tác giả: “Ngôi nhà ấy tuy không mang tầm vóc hiện đại, nhưng bền vững và đậm tình thương yêu, ân nghĩa. Bên con suối văn hóa bao đời bền bỉ, ngôi nhà xưa các thầy dựng lên vẫn đó, vẫn đêm ngày lặng lẽ tỏa sáng và sưởi ấm trái tim bao người”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...