Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
03:44 (GMT +7)

Nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học Thái Nguyên đầu thế kỷ XXI

VNTN - Thái Nguyên là một tỉnh mang tính trung tâm, và đã từng là trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của cả vùng miền núi Việt Bắc (là Thủ phủ Khu tự trị Việt Bắc xưa). Thái Nguyên cũng đã từng là trung tâm văn hóa, văn học của cả khu vực (có Hội Văn nghệ Việt Bắc; có Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc với đội ngũ nhà văn, nhà nghiên cứu, sưu tầm, lí luận phê bình (LLPB) văn học người dân tộc thiểu số khá đông đảo,...). Thái Nguyên ngày nay - trong công cuộc Đổi mới toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực - vẫn luôn giữ được vị trí trung tâm của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. Với sự có mặt của hơn 20 trường đại học và cao đẳng đóng trên địa bàn, với khoảng trên 600 tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư và hàng ngàn thạc sĩ khoa học - trong đó có hàng trăm tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ khoa học ngành Văn có khả năng làm công tác nghiên cứu, phê bình (NC, PB) văn chương. Bên cạnh đó, còn có nhiều cây bút sáng tác có kinh nghiệm tham gia nhiệt tình công tác này trên các báo chí Trung ương và địa phương, thậm chí còn xuất bản khá nhiều cuốn sách tiểu luận, phê bình văn học được bạn đọc chú ý.

Thế hệ đầu tiên của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình (NC, LLPB) văn học Thái Nguyên cuối thế kỷ XX phải kể đến là: nhà văn Vi Hồng, nhà giáo - nhà nghiên cứu Vũ Châu Quán, nhà lí luận phê bình Lâm Tiến; sau đó tiếp theo là các cây bút NC, PB: Nguyễn Huy Quát, Hoàng Hữu Bội, Nguyễn Long, Cao Xuân Thử, Ngô Đức,... Và trong khoảng 17 năm đầu thế kỉ XXI là sự có mặt của một loạt các cây bút sung sức, viết đều, viết khỏe, đăng in nhiều bài báo khoa học, xuất bản nhiều cuốn sách nghiên cứu phê bình như: Trần Thị Việt Trung, Phạm Mạnh Hùng, Đào Thủy Nguyên, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Hằng Phương, Phạm Thị Phương Thái, Nguyễn Thị Diệu Linh, Cao Hồng, Cao Thị Hảo, Nguyễn Kiến Thọ, Dương Thu Hằng, Nguyễn Thị Hải Anh, Trần Văn Tác, Nguyễn Thanh Mai... Hầu hết các cây bút nghiên cứu, phê bình (NC, PB) văn học này đều xuất thân từ trong các trường đại học. Họ là những người được đào tạo một cách bài bản, có trình độ học vấn cao (hầu hết đều có học hàm, học vị phó giáo sư - tiến sĩ và thạc sĩ), họ viết thường chắc chắn, có tính khoa học cao. Bên cạnh đội ngũ các nhà NC, LLPB (có tính chất chuyên nghiệp) này, ở Thái Nguyên còn có một lực lượng những nhà văn, nhà thơ tham gia tích cực công tác NC, LLPB nữa - và chính họ đã góp phần không nhỏ thúc đẩy hoạt động này ngày càng thêm mạnh mẽ. Đó là các nhà văn, nhà thơ như: Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Nguyễn Thúy Quỳnh, Phạm Văn Vũ,…

Chỉ tính trong khoảng 17 năm qua, những người làm công tác NC, LLPB văn học của tỉnh Thái Nguyên đã công bố gần 40 tác phẩm (ở dạng sách NC, PB, tiểu luận) và khoảng gần 300 bài NC, PB văn học đăng tải trên các tạp chí Trung ương và địa phương. Nổi bật trong số các nhà nghiên cứu phê bình ở Thái Nguyên có nhiều công trình, nhiều sách, nhiều bài báo khoa học được công bố nhất - phải kể đến các tác giả: Lâm Tiến với 2 công trình nghiên cứu Văn học và miền núi (2002), Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số (2011); Vũ Châu Quán với: Từ dải đất chiến khu xưa, nghĩ và ghi (2006), Cuồn cuộn một dòng thơ Cách mạng (2007),...; Nguyễn Huy Quát với: Để hiểu thêm Đồ Chiểu, Yên Đổ, Tú Xương (2001), Nghiên cứu văn học và đổi mới phương pháp dạy học văn (2008, tái bản 2011)...; Nguyễn Long với: Suy nghĩ từ những trang văn (2002, viết chung), Ngọn đèn và trang sách (2005),...; Nguyễn Đức Hạnh với: 3 cuốn sách NC, LLPB: Tiểu thuyết Việt Nam thời kì 1965 - 1975 từ góc nhìn thể loại (2008), Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Chu Lai (2010); Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - truyền thống và hiện đại (đồng chủ biên, 2014); Đào Thủy Nguyên với: Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam (2014); Nguyễn Kiến Thọ với: Thơ ca HMông - Từ truyền thống đến hiện đại (2014); Cao Hồng với 3 cuốn sách viết chuyên về lí luận văn học trong thời kì Đổi mới: Một chặng đường đổi mới lí luận văn học Việt Nam 1986 - 2011 (2011), Lí luận, phê bình văn học - Đổi mới và sáng tạo (2013), Lý luận - phê bình văn học: một góc nhìn mới (Tiểu luận phê bình, 2017); Hồ Thủy Giang với 2 cuốn sách tiểu luận phê bình văn học: Văn học Thái Nguyên - tác giả, tác phẩm (2004), Thái Nguyên - một dòng chảy văn chương (2010); Ma Trường Nguyên với 3 cuốn: Hiện đại mà dân tộc (2010), Trên cánh đồng chữ nghĩa (2011), Các nhà văn nói về nghề (2013), Cao Thị Hảo với cuốn Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm (đồng chủ biên, 2011) và Ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam (giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (2017)... Ngoài những cuốn sách NC, LLPB đã xuất bản trên, các tác giả này cũng đã viết và in, đăng trên các báo chí Trung ương và địa phương hàng trăm bài nghiên cứu, phê bình lẻ khác. Trong các nhà nghiên cứu phê bình ở Thái Nguyên thời gian qua, riêng tác giả Trần Thị Việt Trung, trong khoảng 15 năm gần đây đã xuất bản 8 cuốn sách NC, PB văn học (với vai trò viết độc lập, chủ biên hoặc đồng chủ biên) và công bố khoảng 40 bài nghiên cứu văn học trên các tạp chí Trung ương và tạp chí của các trường đại học. Đó là các cuốn sách: Lịch sử phê bình văn học Việt Nam (giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (tác giả, 2002, tái bản 2010), Hình tượng người phụ nữ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại (chủ biên, 2008), Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (chủ biên, 2010), Xứ Lạng và Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh (2011), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại - Một số đặc điểm (đồng chủ biên, 2011), Nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại (chủ biên, 2013), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - truyền thống và hiện đại (đồng chủ biên, 2014) và Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số (tác giả, 2016).

Có thể thấy rằng, trong gần 17 năm đầu thế kỷ XXI, các tác giả NC, LLPB văn học của Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng trong hoạt động lý luận phê bình nói chung, trong việc viết và công bố tác phẩm nói riêng. Với một số lượng không nhỏ các tác phẩm, các bài nghiên cứu được xuất bản, công bố liên tục trong các năm, với những hoạt động tích cực (tham gia các hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế, địa phương…) - chứng tỏ: Thái Nguyên là một mảnh đất tụ hội nhiều nhà NC, LLPB văn học - hay nói bằng ngôn ngữ lí luận thì: đây là nơi có sự tự ý thức về văn học khá cao - so với nhiều vùng, miền trên cả nước.

Về chất lượng tác phẩm, khảo sát toàn bộ các tác phẩm của các nhà NC, PB, các nhà văn viết phê bình của Thái Nguyên trong 15 năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng: Hầu hết các tác giả đều hướng ngòi bút của mình vào việc nghiên cứu, thẩm bình hoặc giới thiệu, đánh giá những tác phẩm văn học của tỉnh Thái Nguyên và của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Vấn đề Bản sắc văn hóa dân tộc được các tác giả đặc biệt chú ý và luôn coi đây như là một tiêu chí để đánh giá các tác phẩm văn chương của các tác giả tỉnh nhà và các tỉnh thuộc khu vực miền núi; bên cạnh đó là việc: Khẳng định những sáng tạo độc đáo, những đổi mới trên các phương diện nội dung và nghệ thuật của các cây bút trẻ trong và ngoài tỉnh này. Việc tập trung vào nghiên cứu các tác giả, tác phẩm của Thái Nguyên và các tỉnh miền núi đã tạo nên một thế mạnh của công tác NC, LLPB Thái Nguyên. Có một số tác giả đã được đánh giá như là “người cầm cờ” (Nhà NC, PB Lâm Tiến), là “người khơi nguồn” - “người khởi đầu” cho việc nghiên cứu mảng văn học dân tộc và miền núi của khu vực và cả nước (Nhà NC, PB Trần Thị Việt Trung); Một số tác giả được khẳng định có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu thơ ca Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (như tác giả Vũ Châu Quán, Nguyễn Huy Quát); Một số tác giả được cho là luôn bám sát tình hình thực tiễn sáng tác của tỉnh nhà, luôn phát hiện và động viên những yếu tố mới trong các tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn trong tỉnh (như: Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Nguyễn Huy Quát, Dương Thu Hằng, Phạm Văn Vũ, Trần Văn Tác, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Thúy Quỳnh, Vi Phương, Nguyễn Thị Suối Linh…)

Nội dung thứ hai mà các nhà NC, LLPB văn học Thái Nguyên thường quan tâm và bước đầu đã được khẳng định như là một ưu thế của các cây bút nghiên cứu, lí luận phê bình có “tính hàn lâm” của Thái Nguyên. Đó là việc hướng ngòi bút, trí tuệ của mình vào việc nghiên cứu các vấn đề có tính lí thuyết, lí luận; vào việc nghiên cứu các hiện tượng văn học lớn của dân tộc. Và xu hướng này bước đầu cũng đã được ghi nhận bằng một loạt các công trình nghiên cứu được xuất bản và các bài báo khoa học đã được đăng in trên các Tạp chí chuyên ngành (ví dụ như các công trình nghiên cứu về lí thuyết lí luận về phê bình văn học, về đổi mới lí luận, về thi pháp sáng tác của các tác giả: Trần Thị Việt Trung, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Hạnh, Đào Thuỷ Nguyên, Cao Hồng, Cao Thị Hảo, Dương Thu Hằng…).

Ngoài hai nội dung chính được nêu trên còn một nội dung nữa cũng thu hút sự chú ý của một số cây bút NC, LLPB Thái Nguyên trong thời gian qua. Đó là việc giới thiệu, biên dịch các tác phẩm văn học được sáng tác ở dạng song ngữ của các tác giả dân tộc thiểu số (ví dụ như các tác giả: Triệu Văn Doanh, Nông Phúc Tước, Ma Đình Thu,…)

Có thể thấy, phạm vi và đối tượng mà giới NC, PB văn học Thái Nguyên quan tâm là khá rộng rãi. Các tác phẩm NC, LLPB có nội dung rất phong phú, vừa có tính lí luận, vừa có tính thực tiễn cao, luôn bám sát tình hình sáng tác của Thái Nguyên, của khu vực; luôn động viên kịp thời, ghi nhận kịp thời những cái hay, cái đẹp, cái mới của văn chương nói chung, của các tác phẩm do các tác giả của tỉnh Thái Nguyên sáng tác nói riêng. Những công trình NC, LLPB này vừa có giá trị phẩm bình, định giá tác phẩm văn học, vừa có giá trị góp phần định hướng cho văn học địa phương (và khu vực) phát triển đúng hướng, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn học của đông đảo độc giả hiện nay và phù hợp với khuynh hướng phát triển của văn học thời kì hiện đại và hội nhập.

Chính vì vậy, nhiều tác phẩm NC, LLPB của các tác giả Thái Nguyên đã đạt được các giải thưởng cao từ Trung ương tới địa phương, được đánh giá cao trong các cuộc hội nghị, hội thảo về NC, LLPB văn học toàn quốc và khu vực (ví dụ như các tác phẩm của Vũ Châu Quán, Lâm Tiến, Nguyễn Huy Quát, Trần Thị Việt Trung, Đào Thủy Nguyên, Cao Hồng, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Kiến Thọ, Phạm Văn Vũ…)

Cũng do bám sát tình hình thực tiễn sáng tác (trong tỉnh và khu vực) và được xuất phát từ những quan điểm đúng đắn, mang tính khoa học, cùng những phương pháp NC, PB vừa truyền thống vừa hiện đại - một số công trình nghiên cứu, một số cuốn sách NC, LLPB của các tác giả Thái Nguyên đã được đưa vào các trường đại học, các trường phổ thông (nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc) làm tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ giảng dạy, giảng viên, giáo viên và học sinh (ví dụ các cuốn sách của Lâm Tiến, Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Huy Quát, Nguyễn Đức Hạnh, Hồ Thủy Giang, Trần Văn Tác,…). Đây là một điều đáng trân trọng, tự hào đối với những người làm công tác NC, LLPB tỉnh Thái Nguyên trong gần hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

Nói như vậy, cũng không có nghĩa: công tác NC, LLPB văn học tỉnh Thái Nguyên trong một phần tư thế kỉ qua chỉ toàn thành tựu, không có những hạn chế, nhược điểm nào. Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc thì: Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, lại có nhiều thế mạnh (hơn so với các tỉnh khác trong khu vực); mặc dù cũng đã đạt được một số thành tựu đáng khẳng định, đáng tự hào (như đã nêu ở trên) - nhưng mảng công tác này cũng còn một số hạn chế, nhược điểm cần phải khắc phục, đổi mới thì mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đời sống văn chương tỉnh nhà (và khu vực) trong thời gian tới.

Trước hết, đó là việc cần phải tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ những người làm NC, LLPB ở Thái Nguyên - sao cho đông đảo, phong phú hơn và có tính chuyên nghiệp cao hơn. Sau đó, là việc phải nâng cao số lượng, chất lượng các tác phẩm NC, LLPB sao cho bắt kịp và hòa nhập với hoạt động NC, LLPB của cả nước. Phấn đấu có nhiều tác phẩm, tác giả được nhận giải thưởng cao ở cấp Trung ương và cấp khu vực, cấp tỉnh. Một điểm cũng rất cần lưu ý là: Các cây bút NC, LLPB văn học Thái Nguyên cần phải bám sát hơn nữa, quan tâm sâu sắc hơn nữa tới việc NC, PB các tác phẩm văn chương của các tác giả chính tỉnh mình và các tác giả khu vực miền núi (chủ yếu là phía Bắc) để có thể tạo nên một thế mạnh, một mũi nhọn, một “thương hiệu” cho riêng mình trong lĩnh vực NC, LLPB toàn quốc. Bởi điều này rất có tiềm năng, rất có thể đạt được trong điều kiện về đội ngũ, về trình độ, về sự tâm huyết của những người làm công tác NC, LLPB hiện nay của tỉnh Thái Nguyên.

Tóm lại, nhìn một cách tổng thể, với tinh thần khách quan, khoa học - chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng và tự hào về những kết quả hoạt động NC, LLPB văn học của tỉnh Thái Nguyên trong những năm đầu thế kỷ XXI. Đây cũng là một mảng công tác có những thành tựu đáng khẳng định, đáng trân trọng của một Hội Văn học nghệ thuật địa phương vùng Trung du và miền núi; và cũng là một mảng hoạt động quan trọng, có nhiều đóng góp của Chi hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên (với nhiều tác phẩm mà tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như: Lâm Tiến, Trần Thị Việt Trung, Hồ Thuỷ Giang, Ma Trường Nguyên, Cao Hồng). Các cây bút NC, LLPB văn học tỉnh Thái Nguyên đã rất tích cực hoạt động, nghiên cứu, sáng tạo để có được nhiều công trình công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, xuất bản, truyền hình,…) và có tác động không nhỏ vào việc phân tích, đánh giá, khẳng định (hoặc phê phán) những tác phẩm văn chương; góp phần định hướng cho văn chương của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc phát triển một cách đúng hướng, lành mạnh, luôn phản ánh chân thực cuộc sống và xu hướng phát triển tất yếu của xã hội; đấu tranh chống những biểu hiện của nhận thức sai trái, lệch lạc trong tư tưởng của nhà văn; luôn phát hiện và động viên những sáng tạo, những bước đột phá về nghệ thuật trong sáng tác của các nhà văn (trong và ngoài tỉnh) trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Với những tiềm năng to lớn, với sự nhiệt tình, tâm huyết và đặc biệt là với trách nhiệm của những người làm công tác NC, LLPB đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên; trên tư cách là những người đại diện tư tưởng, người phát ngôn tư tưởng cho văn học của một tỉnh (luôn đóng vai trò trung tâm của khu vực) - chúng tôi luôn tin tưởng một cách vững chắc vào những thành tựu mới sẽ đạt được trong những năm tiếp theo của mảng hoạt động quan trọng này.

Trần Thị Việt Trung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy