Nghề chở nặng nỗi niềm
Nỗi vất vả trên đường
Chiếc xe tải chở đầy xi măng nặng nề di chuyển từ Thái Nguyên lên Cao Bằng. Xe phải đi mất 12 tiếng đồng hồ, qua mấy cái đèo mà chỉ cần nhắc đến tên, cánh lái xe đã không khỏi rùng mình: đèo Giàng, đèo Gió, Ngân Sơn, Cao Bắc, Tài Hồ Sìn... Đó là những con đèo với khúc cua ngoằn ngoèo, nguy hiểm, người lái xe phải tập trung cao độ, bởi chỉ một chút sơ sểnh là đâm vách núi hay lao vực.
Từ Thái Nguyên đến Cao Bằng, xe phải đổ nước mui 2 lần để làm mát động cơ và lốp xe. Xe di chuyển liên tục, bánh xe lăn mặt đường bỏng rẫy, xả van tưới lốp đều răm rắp thế mà vẫn “đen”, đang bon bon chạy thì nổ lốp giữa đường. Lái xe cùng phụ phải nhảy xuống kích xe lên, công hết các tắc kê (ốc của bánh xe) ra để tháo lốp và lắp lốp mới. Trời mùa hè, nắng như nung, cùng sức nóng hầm hập của mặt đường và vỏ xe bốc ra nhưng hai con người da đỏ rực vẫn hì hục kích chiếc xe trọng tải 30 tấn. Người giữ tay công, người nhảy lên giẫm cho tắc kê ra. Cứ thế mất tiếng rưỡi đồng hồ mới thay xong quả lốp. Quần áo sũng mồ hôi, người lấm lem dầu mỡ, đất cát, ai nấy đều mệt rã rời nhưng họ vẫn phải lên xe đi tiếp để kịp giờ giao hàng.
Nổ lốp xe chỉ là một trong rất nhiều sự cố hỏng hóc xe ngang đường. Trường hợp hỏng nhẹ còn có thể tự sửa nhưng hỏng nặng thì phải điện cho thợ. Ông Bình 60 tuổi (thị trấn Ba Hàng, Phổ Yên), một lái xe tải đường dài lâu năm đã bỏ nghề, giờ nhớ lại vẫn còn thấy toát mồ hôi.
Có lần xe ông Bình chở quặng từ Cao Bằng về, đang đổ đèo Cao Bắc, xuống được lưng chừng đèo thì xe bị bó máy, khựng lại. Đang đà xuống bị dồn xe khiến xe bị vỡ hết bánh răng, không lăn bánh được, nằm chết cứng tại chỗ. Ông Bình phải điện cho thợ tận Thái Nguyên mang đồ lên sửa, vì ở Cao Bằng không có đồ thay thế. Xe hỏng ngang đèo là chuyện bình thường nên lúc nào ông Bình cũng có đủ số điện thoại của các quán cơm dưới chân đèo, khi cần có thể điện họ mang cơm tới nhưng phải trả phí. Ông Bình thở dài: “Gặp hôm đen đủi, điện mãi cho chủ quán cơm không được, cả mình lẫn thợ sửa chữa đành phải nhịn đói.”
Phải thường xuyên chờ đợi bốc hàng
Với nghề cầm vô lăng, đường và xe như đôi bạn thân. Đường tốt xe chạy bon. Đường xấu xe như một thằng to xác lại khó bảo. Khi gặp đường hỏng, đường đất lầy lội, là y như rằng xe bị pa - ti - nê (bánh xe quay tròn một chỗ, càng cố đi bánh xe càng lún sâu, sa lầy không lên được). Lúc này các bác tài phải cùng xuống, tập trung đào đường, bới đất, kê đá, giúp nhau kích xe lên. Những lúc như vậy mới thấy được sự đoàn kết trong nghề giữa những người lái xe tải với nhau, chứ thường ngày vì miếng cơm manh áo, hàng họ khan hiếm họ phải cạnh tranh nhau khốc liệt.
Chuyện khan hàng xảy ra như cơm bữa. Anh Cương (38 tuổi, lái xe tải tuyến Thái Nguyên - Lạng Sơn) kể, có lần phải chạy xe không (để đi cho nhanh) lên Lạng Sơn mà tranh bốc hàng. Trên đường phải chạy đua với các xe khác, chỉ kịp mua cơm lam, bánh mì,... vừa lái vừa ăn tạm. Anh và phụ xe phải đổi lái liên tục, vì lên muộn hàng không bốc được là phải về xe không.
Anh còn kể, có lần thằng con trai anh 7 tuổi nằng nặc đòi đi theo xe với bố. Xe đang phải chạy đua, nó buồn tè đòi dừng xe để nó xuống “giải quyết”. Anh không cho, bắt nó “giải quyết” qua cửa kính trong khi xe vẫn đang tăng tốc chạy. Lúc ấy anh nghe rõ cả tiếng gió phần phật và tiếng nước tiểu của con văng tứ tung. Sau lần đó, cu cậu cũng “cạch”, không bao giờ đòi đi xe với bố nữa, dù anh Cương có rủ rê, dụ dỗ nó thế nào.
Cám dỗ và hiểm nguy
Người lái xe dẫu có giữ chắc tay lái, thần kinh vững vàng nhưng khi gặp tình huống bất ngờ mà xử lý không nhanh là xảy ra tai nạn. Từ lúc nào họ trang bị cho mình không chỉ kĩ năng lái xe, sự cẩn trọng, mà đặc biệt họ còn rất tâm linh. Họ thường treo vật khước trên xe. Có thể là một pho tượng, bức ảnh, hay một vài miếng khánh nhựa in hình Phật bà Quan âm với dòng chữ “Vạn sự như ý”, cũng có thể là một lá bùa tránh tai bay vạ gió... hoặc có thể là những câu chữ in sau đuôi xe: “Xin đừng hôn em”, “Nếu hôn em cả hai sẽ khổ”... Những câu nói vui vui ấy mấy ai biết được lại ẩn giấu những tâm sự buồn của cánh lái.
Một vụ tai nạn thảm khốc giữa xe công ten nơ và xe tải khi vào khúc cua ở Sapa
Ông Sơn 54 tuổi (thị trấn Giang Tiên, Phú Lương), làm nghề ngót 30 năm nên số lần gặp tai nạn kể ra không ít. Trong một chuyến chở hàng nặng, ông lái xe với vận tốc chậm, chú ý quan sát đường, thế mà “roành”. Xe ông tông phải một cu cậu lao xe đạp từ trong ngõ ra. Ông Sơn ngao ngán: “Nó cứ coi như đường của nhà nó. Lao ra bất chấp, mình muốn tránh mà cũng không được”. May cho ông, bữa ấy thằng bé chỉ bị xây xát nhẹ nhưng chiếc xe đạp thì hỏng nặng. Ông Sơn không sai nhưng vẫn phải móc ví đưa tiền bồi thường. Ông Sơn còn chỉ vết sẹo dài trên mặt, bảo: “Đây là vết tích của một lần lật xe trên đèo, may mà dựa được vào ta luy dương, không thì cả người lẫn xe lao xuống vực, nát xác.”
Chuyện của ông Sơn vẫn còn may mắn hơn trường hợp của anh Kiên (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ). Anh Kiên vay mượn mãi mới đủ tiền mua chiếc xe tải chở hoa quả tuyến quốc lộ 1A vào thành phố Hồ Chí Minh. Trong một lần ngủ gật, không làm chủ được tay lái, anh đâm vào gốc cây. Cú đâm mạnh khiến xe bị lật nhào, toàn bộ hoa quả trên xe bị dập nát. Anh Kiên bị thương nặng, hoại tử xương, phải cắt bỏ một phần xương chân. Vợ anh phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền trị thương cho anh, tiền đền bù thiệt hại hàng hóa và toàn bộ chi phí sửa chữa xe, do xe anh không mua bảo hiểm. Sau vụ tai nạn, anh bị thương tật không lái xe được nữa, phải bán xe trả nợ. Hồi đầu mua xe cũ hết 300 triệu, sau xe bị tai nạn chỉ bán được 60 triệu, đến giờ vợ chồng anh vẫn chưa trả xong nợ.
Không chỉ nguy hiểm vì dễ gặp tai nạn mà lái xe tải đường dài còn hay bị trộm cướp giữa đường. Mất từ gương xe, bình ắc quy cho đến láp xe tải. Mất láp (bộ phận truyền lực đẩy hay kéo từ hộp số ra bánh xe), xe không chạy được mà giá thành của mỗi cái láp tới mấy triệu đồng. Bởi vậy dù mệt mỏi, buồn ngủ đến đâu lái xe cũng không dám đỗ xe nghỉ ở nơi vắng vẻ mà phải chọn nơi đông đúc hoặc các cây xăng. Bản thân họ cũng phải tự tạo cho mình vẻ bề ngoài “dữ dằn” như cắt đầu trọc, xăm trổ đầy mình và trên xe lúc nào cũng có một tuýt sắt dài phòng thân.
Ngoài đối mặt với những hiểm nguy, cánh lái còn rất dễ sa chân vào các tệ nạn. Những cuộc cờ bạc, ma túy, mại dâm. Vất vả, căng thẳng, cánh lái xe hay tìm đến ma túy như một liều “tiên dược” giúp đầu óc có thể tỉnh táo. Tình trạng lái xe sử dụng ma túy đã trở nên đáng báo động trong những năm gần đây, số những vụ tai nạn thảm khốc mà nguyên nhân là do tài xế sử dụng ma túy cũng tăng lên mỗi ngày. Cánh lái xe tải đường dài cho biết, có những lều quán vách gỗ, lợp prôximăng, bên ngoài cà phê, giải khát; bên trong ngăn làm các phòng nhỏ, đó là những quán mại dâm trá hình mà cánh lái xe vẫn gọi với cái tên mĩ miều “quán chân dài”, phục vụ các anh lái xe có nhu cầu sinh lí.
Nỗi buồn xa nhà...
Đi xa cả tuần, hôm nay trả hàng xong là được về nhà gặp vợ nên Khánh (phường Tân Long, thành phố Thái Nguyên) phấn khởi lắm. Khánh mới 24 tuổi nhưng theo bố lái xe tải từ nhỏ, học xong cấp 3, anh chạy xe tải luôn, tuyến Thái Nguyên - Cao Bằng. Hồi đầu thì chở quặng, xi măng sau chuyển sang chở gỗ, đến giờ cũng được 6, 7 năm chính thức trong nghề. Khánh bảo: “Làm nghề này cũng có cái thú là được rong ruổi khắp nơi, ngắm cảnh thiên nhiên, biết đó biết đây, thưởng thức nhiều đặc sản,... Nhưng lấy vợ rồi, để vợ phải ở nhà một mình suốt thì thấy tội, thấy buồn! Vợ em lại đang chửa. Những lúc nó nghén ngẩm, em chẳng ở bên chăm sóc nó được... Nó tủi thân, khóc suốt!”.
Khánh và vợ mới cưới nhau được gần năm. Vợ kém Khánh 4 tuổi, vẫn còn trẻ con. Nhiều khi chồng đi xa, ốm đau cũng chỉ có một mình, nhớ chồng không chịu được, cô nàng lại gọi điện thoại cho chồng, sụt sùi khóc. “Những lúc như thế em chỉ muốn bỏ hàng, chạy xe về với vợ. Nhưng bỏ thì làm gì ra tiền nuôi vợ con!”. Khánh thở dài nhìn bức ảnh cưới hai vợ chồng treo trên xe: “Vợ em trẻ con thế thôi nhưng đã chọn lấy lái xe rồi thì phải chấp nhận và thấu hiểu cho chồng.”
Điều Khánh nói là đúng nhưng không phải người vợ nào cũng làm được điều đó. Như trường hợp của lái xe Tân (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương). Vì tính chất công việc nên Tân phải xa nhà thường xuyên. Anh luôn cố gắng bù đắp cho vợ con bằng việc ăn mặc, chi tiêu và những chuyến du lịch, nghỉ mát. Nhìn vào, ai cũng ngưỡng mộ, tưởng gia đình Tân rất hạnh phúc vậy mà vợ chồng anh lại phải ly dị, vì vợ Tân có người đàn ông khác.
Xa nhà không chỉ khiến những người lái xe tải đường dài khó giữ được hạnh phúc vợ chồng mà ngay cả chuyện con cái cũng khiến họ phải khổ tâm. Thời gian ông Bình lái xe xa nhà, chỉ một mình vợ không quản được con. Con trai đầu ông Bình mắc nghiện rồi mất. Thằng con út cũng chơi bời lêu lổng. Đau xót trước cảnh đầu bạc phải tiễn đầu xanh, ông Bình quyết định bỏ nghề lái xe, về nhà phụ vợ chạy chợ và cốt là để nuôi dạy lại thằng con út. Bởi với ông: “Tiền quý thật, nhưng không quý bằng con”. Nhấp ngụm chè đặc kịt và rít sâu hơi thuốc lá, ông Bình trầm ngâm: “Đi xa suốt ngày, chẳng có thời gian cho gia đình, vợ con... Làm nghề này bạc lắm!”
* Tên môt số nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...