Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:16 (GMT +7)

Nhớ về Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên. Thủa nhỏ đi học đã được biết: Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - Võ Nguyên Giáp - chính là người chỉ huy Đội quân cách mạng tập kết ở chùa Đán (Đồng Hỷ) để sáng hôm sau tiến vào thị xã đánh Nhật, cùng các tầng lớp nhân dân Thái Nguyên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong ngày 20 tháng 8 năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông lại là Tổng Tư lệnh Quân đội và được Chủ tịch  Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng. Tôi cũng được nghe rằng người vợ của Đại tướng là con gái nhà trí thức cách mạng Đặng Thai Mai.

Nhớ về Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Phó Giáo sư Đặng Bích Hà nhận cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên” do Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên gửi tặng, từ tay tác giả. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nhưng phải đến khi học xong Trung học phổ thông và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm, khoa Văn - Sử (năm 1960) thì tôi mới được biết cô giáo Đặng Bích Hà trong buổi cô lên lớp dạy chúng tôi môn Lịch sử và cũng mới biết đấy là phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Dạy môn văn học lớp tôi là cô giáo Đặng Thanh Lê, em gái của cô giáo Đặng Bích Hà. Hồi đó hai cô giáo là những giảng viên trẻ so với các thày giáo khác dạy chúng tôi như: Giáo sư Nguyễn Lâm, Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, Giáo sư Trường Chính...

Cô giáo Đặng Bích Hà sinh năm 1928 ở Thanh Chương, Nghệ An, đã cùng gia đình ra ở Hà Nội từ trước cách mạng Tháng Tám. Mười bảy tuổi tốt nghiệp Tú tài Triết học trường Lycée Albert Sarraut, gia đình định cho cô đi du học tại Pháp nhưng vì chiến tranh nên thôi. Cô cưới chồng ba tuần trước ngày Toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946.

Những năm kháng chiến gian khổ, hai vợ chồng Đại tướng ở Việt Bắc. Cô giáo Đặng Bích Hà sinh hạ cùng Đại tướng bốn người con thì ba người sinh ở ATK Định Hóa Thái Nguyên. Người con thứ tư sinh sau hòa bình lập lại. Khi con chưa đầy tuổi, cô Hà tiếp tục học Đại học, tốt nghiệp loại giỏi, được giữ lại trường nghiên cứu và trở thành cán bộ giảng dạy bộ môn Lịch sử. Sau thời gian sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, cô về nước tiếp tục giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; sau cô bảo vệ luận án tiến sĩ và được phong Phó Giáo sư môn Khoa học Lịch sử. Cô có thời gian làm việc ở Viện nghiên cứu Giáo dục và là nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Đông Nam Á; đã có những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử các nước Lào và Thái Lan.

Trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu, cô giáo, Phó Giáo sư Đặng Bích Hà đều coi đó là sự nghiệp cao quí.

Sáu người con của Giáo sư Đặng Thai Mai mà cô giáo Đặng Bích Hà là chị cả đều là tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư.

Là người thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga, phu nhân Đặng Bích Hà thường dịch các tài liệu quan trọng của Đại tướng sang tiếng Pháp và cùng Đại tướng chỉnh sửa bản dịch của các tác giả khác. Có lần phu nhân đã giúp Đại tướng đọc cuốn sách “Bàn về chiến tranh”, di cảo của một nhà lý luận quân sự người Đức qua bản dịch bằng tiếng Pháp.

Từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, gia đình Đại tướng về sống ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Giáo sư Đặng Bích Hà đều không phải quê gốc Hà Nội, nhưng từ tuổi thiếu nhi, “cô bé Hà” đã được “Anh Giáp” kèm xe đạp đi dạo nhiều nơi trong thành phố. Đám cưới của hai người ngày 27 tháng 11 năm 1946 diễn ra đơn giản tại phòng khách nhỏ của một trường học - Trường Trưng Vương ngày nay. Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Thủ đô đến dự, chủ trì hôn lễ và tương truyền là đem luôn cả sổ đăng ký kết hôn để cô dâu, chú rể làm thủ tục.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó Giáo sư Đặng Bích Hà đã sống cuộc sống vợ chồng tri kỷ, tâm giao vượt qua cả hôn lễ kim cương nhiều năm ở ngôi nhà này.

Tôi ấn tượng bức ảnh chụp Đại tướng ngồi chơi đàn piano cho phu nhân nghe khi cả hai đã ở tuổi chiều tà. Hai bàn tay của Đại tướng - hai bàn tay mà nhà thơ Ngọc Anh viết “Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù” thì nay khoan nhặt buông trên phím đàn đen trắng trong khung cảnh êm đềm và phong thái ung dung tự tại.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền, ở lại ngôi nhà ấy, phu nhân Phó Giáo sư Đặng Bích Hà vẫn hay đọc những tác phẩm mà Đại tướng để lại.

Ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu trở thành địa chỉ được nhiều người nhắc đến. Nơi ở trọn cuộc đời của Đại tướng và phu nhân thành điểm sáng của Thủ đô Hà Nội tinh hoa, văn hiến.

Năm 1997 khi còn công tác ở Tỉnh ủy Thái Nguyên, dự cuộc Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc” tổ chức tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, tôi cũng lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đi vào và sống mãi trong lịch sử cách mạng Việt Nam với hai dấu son chói lọi: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ với trọng trách Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh mặt trận đánh bại quân viễn chinh Pháp lập lại hòa bình ở miền Bắc. Và trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ở cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Giữa năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tôi cùng đoàn hội viên Câu lạc bộ Hưu trí Thái Nguyên về thăm Di tích Hoàng Thành Thăng Long, được Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Thái Nguyên Phan Hữu Minh gửi nhờ biếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyển sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên” mà Đài mới hoàn thành.

Tôi đến nhà số 30 Hoàng Diệu, được đồng chí sỹ quan giúp việc thông báo là Đại tướng đang điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và dẫn vào phòng khách.

Tôi chào Đại tướng phu nhân và làm thủ tục biếu sách.

Lúc ra bàn uống nước, tôi lễ phép: “Thưa cô giáo, xin cô cho phép em gọi cô là cô giáo” vì em là học trò của cô giáo. “Thế à, năm nào, ở đâu” cô hỏi trìu mến. “Dạ từ năm 1960 ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ạ”. “ Phải rồi, những năm đó tôi dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”. Vừa uống nước cô trò vừa nhắc lại tên một số thày giáo, cô giáo thời đó. Tôi không quên nhắc tới và hỏi thăm về cô giáo, Giáo sư Đặng Thanh Lê.

Lúc đứng lên ra về, tôi đưa hai tay nắm tay phu nhân và nói: “Tiếc quá, em không được gặp Đại tướng!”. Phu nhân Đặng Bích Hà giọng trầm xuống “Bây giờ thì Bệnh viện là nhà của anh Giáp rồi!”.

Phó Giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạ thế ngày 17 tháng 9 năm 2024 hưởng thọ 96 tuổi. Mọi người tiếc thương, yêu quí và cả biết ơn phu nhân Đại tướng bởi đó là người bạn đời thủy chung tận tụy, luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc của vị Đại tướng anh hùng có nhiều công lao to lớn với đất nước.

Mọi người còn kính trọng, ngưỡng mộ Phó Giáo sư tiến sĩ Đặng Bích Hà bởi bà là người phụ nữ trí thức giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình, vượt bao trở ngại, tiếp thu tri thức, định danh sự nghiệp bản thân để cuộc sống gia đình với Đại tướng luôn song hành, hòa quyện ở tầm cao viên mãn, làm nên một phẩm cách riêng mà không phải người vợ của một vĩ nhân nào cũng có được.

Tại Thái Nguyên hiện nay, trên một hòn đảo nhỏ ở hồ Núi Cốc có ngôi nhà của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm từ những năm 90 của thế kỷ trước trong tình cảm coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai. Thuyền đi trên hồ rất dễ nhận ra bởi lúc nào trên ban công của ngôi nhà, lá cờ đỏ sao vàng cũng tung bay trong gió.

Ngôi nhà này, Quảng trường thành phố Thái Nguyên mang tên Đại tướng và nhiều địa danh ở ATK Định Hóa luôn nhắc nhớ đến tên tuổi trường tồn của vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Đại tướng - Phó Giáo sư Đặng Bích Hà.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ứớc mơ tuyết phủ

Văn xuôi 2 ngày trước

Mía

Văn xuôi 5 ngày trước

Hà Nội - trái tim hồng

Văn xuôi 6 ngày trước

Bình dị Hà Nội

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm tản văn của Mai Đình

Văn xuôi 2 tuần trước

Hương mặt trời

Văn xuôi 3 tuần trước

Đơn giản nhưng cao quý

Xem tin nổi bật 3 tuần trước