Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
15:39 (GMT +7)

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Những ngày tháng Chín, sau Lễ Quốc khánh cờ hoa rực rỡ sao vàng, bỗng đột ngột cơn bão số 3 với cái tên Yagi ập đến tàn phá các tỉnh đồng bằng và miền núi miền Bắc với hậu quả nặng nề. Thuyền bè của ngư dân vỡ đắm; hoa màu các tỉnh đồng bằng tan nát, mất trắng; cây cối Thủ đô Hà Nội đổ gãy ngổn ngang, một số huyện ngoại thành chìm trong nước lũ; cầu sập, núi đồi sạt lở, người chết và mất tích truyền thông cập nhật liên tục khiến chúng ta luôn bồn chồn, nghe ngóng và cố gắng thực hiện những biện pháp để chống chịu với thiên tai. Con người trước thiên nhiên thật vô cùng nhỏ bé.

Cột cờ Hà Nội nhìn từ trên cao. Nguồn:hoangthanhthanglong.com
Cột cờ Hà Nội nhìn từ trên cao. Nguồn:hoangthanhthanglong.com

Cũng trong quá trình chống chịu với thiên nhiên mưa bão, nghĩa tình đồng bào thảo thơm càng có dịp bộc lộ, chia sẻ, kết đoàn, tỏ rõ bản chất và bản lĩnh của con người Việt Nam trong cuộc sống cần lao, trách nhiệm và nghĩa vụ, sự mạnh mẽ và niềm tin vào đồng bào mình, đất nước mình. Nhất là đối với Thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị chào đón 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với nhiều hoạt động đã được chuẩn bị và nhất là các công việc phải thực hành sau cơn bão lịch sử vừa càn quét với hậu quả nặng nề.

Thủ đô Hà Nội - Thủ đô yêu chuộng hòa bình; Thủ đô Xanh với hàng triệu cây xanh thân thương thơm thảo như người. Cây xanh của Thủ đô Hà Nội cũng như người vừa phải chịu qua gió bão bị quật đổ tới trên 170 nghìn cây các loại là một vết thương sâu không dễ chữa lành. Nhìn những đường phố cây gãy đổ ngổn ngang lòng người se sắt, nhiều người đã ứa hai hàng lệ như chính mình, ruột thịt của mình chịu cảnh đớn đau.

Nhưng tất cả đều phải là tiến về phía trước, tiến lên mạnh mẽ và bền vững, thực hiện khát vọng của nhân dân cả nước trong đó có đồng bào Thủ đô Hà Nội. Những dấu mốc lịch sử, những thông điệp từ lịch sử luôn hiện hình rõ nét, luôn ùa đến đồng hành và nâng đỡ chúng ta trưởng thành để viết tiếp những trang sử vẻ vang.

Tôi còn rất nhớ, những ngày tháng Mười lịch sử của các năm trước, khi tôi chuyển nhà ra ngoài đê sông Hồng vùng đất Bắc Cầu - Ngọc Thụy - Long Biên, trong sôi động, tất bật của đời thường, mỗi buổi tinh sương qua cầu Long Biên tới cơ quan, thấp thoáng trên mặt sông Hồng mùa nước lên, cờ đỏ sao vàng như những chấm đỏ rực in trên mặt sông gió thổi. Hai bên bờ cây xanh miên man rờ rỡ mật phù sa. Lá cờ trên những chiếc thuyền xuôi ngược buổi sớm mai. Người dân lao động, dù trên sông nước buổi thanh bình hay nơi biển cả ngày bão gió, từ cột cờ thiêng Hà Nội tới hút hắt biên cương thảy đều lấy lá cờ làm bạn. Ngày Giải phóng Thủ đô đến gần, dưới bóng cờ bay, những suy nghĩ dâng cuồn cuộn như cờ.

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Năm cửa ô đón chờ đoàn quân tiến về. Hôm nay đây, quân ta đi giữa ban ngày, trong biển cờ hoa tung bay, trong sóng người rạng rỡ nói cười. Người chiến sĩ vẻ vang dưới cờ quyết thắng.

Hình ảnh những đoàn quân trong ngày 10 tháng 10 năm 1954, theo nhiều ngả đường từ ngoại thành tiến vào Thủ đô Hà Nội chia thành nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các phố phường là hình ảnh lịch sử không thể phai mờ trong tâm trí những người dân Việt Nam nhiều thế hệ. Lần lượt bộ đội ta tiếp quản nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ… Thủ đô rực sắc cờ hoa.

Quốc kỳ nền đỏ sao vàng rực rỡ, tươi thắm trong các sự kiện
Quốc kỳ nền đỏ sao vàng rực rỡ, tươi thắm trong các sự kiện. Nguồn: internet

Một hình ảnh ngược chiều với những người chiến thắng, cũng thời khắc ấy, đó là hình ảnh quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ, lầm lũi rút sang phía bắc cầu Long Biên. Những người Pháp im lìm, lạc lõng, ai cũng co mình lại như không muốn đối diện sự thật. Một sự thật lịch sử không dễ gì chấp nhận. Một sự thật lịch sử cả thế giới đang hướng nhìn vào.

Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, tưng bừng chào đón, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên khắp các tầng nhà. Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố… (Văn Cao). Lời người như sóng. Rừng cờ hoa như sóng mênh mông, trải dài, vươn cao bất tận. Trời xanh đây là của chúng ta/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa (Nguyễn Đình Thi). Hạnh phúc được trả bằng máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ. Ôi Thủ đô! Đoàn quân chiến thắng đã trở về.

Nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, tươm tất. Người người mang cờ, ảnh Bác Hồ, những bó hoa tươi thắm, đứng thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố..., kéo tới những con đường đón bộ đội hành quân qua.

Còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Cờ cũng như người. Lá cờ đỏ sao vàng chính là người Việt Nam. Cờ cũng từng bị tù đầy, đốt giết, băm chặt, xé nát nơi tù ngục Côn Lôn: Dưới vầng nhật nguyệt/ Không ở đâu trên thế gian này/ Cờ Việt Nam bị giết, bị đày như ở Côn Lôn!/ Cờ phục sinh từ chốn bi thương/ Mọc rất dày ở nghĩa trang Hàng Dương/ Bay rợp đảo, rợp muôn trùng sóng vỗ/ Muôn năm sau, những lá cờ vẫn thở/ Vẫn tinh khôi màu máu đỏ Việt Nam (Những lá cờ Côn Đảo - Đỗ Trung Lai).

Cũng lá cờ đỏ ngày đất nước hòa bình sao vẫn còn vất vả, lam lũ như người mà đêm ngày reo hồn nước. Một đêm đã khuya, những nhà văn chúng tôi có mặt dưới chân cột cờ Lũng Cú, dưới bóng lá cờ dài rộng 54 mét vuông đại diện cho 54 dân tộc anh em, những vần thơ về người chiến sĩ, về bóng sao vàng chất chứa hiện lên: Dưới bóng vàng sao đầu Lũng Cú/ Đá cũng là dân đất nước tôi/ Chiều xuống sương bò ra mặt đá/ Như người giữ nước đổ mồ hôi - Rồi đá cho người thân kiếp đá/ Dựng thành chót vót với uy nghi/ Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ/ Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ (Đá và cờ ở Đồng Văn - Đỗ Trung Lai).

Nơi biên giới, cũng trong dịp Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô năm trước, các nhà văn quân đội có mặt ở đồn biên phòng A Mú Sung - Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt chúng tôi đã dự một buổi chào cờ cùng các chiến sĩ biên phòng. Lá cờ rưng rưng như có mắt nhìn của 30 liệt sĩ đã hi sinh ngay dưới chân cột cờ mảnh đất địa đầu, có người mới tròn hai mươi tuổi. Mắt các anh, những người đã khuất như ngôi sao vàng rực cháy nhắc nhở, thì thầm với người đang sống như lá cờ kia đang phần phật trên đỉnh cột cờ.

Những năm tháng đi công tác Trường Sa, chúng tôi thường mang đi rất nhiều cờ. Những năm tám mươi, chín mươi, đất nước còn nghèo nhưng lá cờ thì vẫn một màu đỏ thắm. Chúng tôi ấp cờ lên ngực, thả những vòng hoa cháy đỏ hương xuống biển thẳm tưởng nhớ 64 chiến sĩ từng kết thành một vòng tròn bất tử cùng nhau hi sinh tay nắm chặt lá cờ ở Gạc Ma. Nước mắt chúng tôi đã nhỏ xuống lá cờ. Nước mắt từ lá cờ đã nhỏ thẳng vào lòng biển thẳm.

Hướng tới Ngày Giải phóng Thủ đô, trong bóng cờ bay, tôi như nhìn thấy chim Lạc vút bay từ cỏ hoa thơm thảo, nhìn thấy Bà Trưng, Bà Triệu vung gươm giông bão, thấy bóng những thái thú Bắc triều run rẩy dưới chân voi. Trong bóng cờ bay nơi bờ bãi sông Hồng cũng vẫn một dáng cờ phần phật mừng Vạn Xuân - Trấn Quốc, một dáng cờ bay từ thời Đinh - Lý - Trần - Lê… nối nền Độc lập, một dáng cờ như lau sông Hồng xanh mát suốt nghìn năm.

Cờ Tổ quốc theo ngư dân vươn khơi bám biển
Cờ Tổ quốc theo ngư dân vươn khơi bám biển

Trong bóng cờ bay, ta khôn xiết nhớ về xương máu cha anh đời đời đổ xuống buổi dựng nước và giữ nước. Trong bóng cờ, ta càng thấy rõ hơn những thời khắc lịch sử, nhất là những thời khắc bước ngoặt buổi ban đầu chúng ta giành lại nước với biết bao cơ cực nhưng cũng hết sức hào hùng. Trong một đêm đông, tôi đã viết: Lửa cháy năm cửa ô rừng rực đêm đông/ Những chàng trai vượt sông lau im nhỏ máu/ Những mắt lá giương soi nòng súng trận/ Chuông thất thanh lỗ chỗ tiếng bom rền - Trăng sáng đêm đêm/ Cờ lặng lẽ chờ người chín năm bạc tóc/ Đã òa nước dâng sao vàng bay phần phật/ Bóng Cha già in bóng lau sông...

Dưới bóng cờ bay, người chiến sĩ ta không chỉ biết lấy máu tô thắm lá cờ mà chính dưới sắc cờ đỏ sao vàng, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân đã có những bước trưởng thành vững chắc, bề dầy truyền thống vẻ vang với nhiều mốc son lịch sử.

Dưới bóng cờ đỏ sao vàng, quân đội ta ngay từ những ngày đầu mới thành lập với 34 chiến sĩ, vũ khí thô sơ nhưng chí căm thù, lòng yêu nước từ ngàn năm hun đúc đã có những chiến thắng đầu tiên. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình trưởng thành của quân đội ta. Dưới bóng cờ, đội ngũ ta ngày càng trùng điệp, chiến công nối tiếp chiến công. Một Điện Biên Phủ 1954 chấn động địa cầu chấm dứt trăm năm cai trị của thực dân Pháp. Một Điện Biên Phủ trên không tháng Chạp 1972 chấn động nước Mỹ tiến tới Hiệp định Paris lịch sử. Một Đại thắng Mùa Xuân 1975 vang dội năm châu non sông thu về một mối. Phía Nam, phía Bắc, thời chiến, thời bình, dưới bóng cờ, người chiến sĩ luôn có mặt ở tuyến đầu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, giữ vững chủ quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trùng điệp ấy nối tiếp nhau vững bước dưới bóng cờ, làm tường đồng vách sắt trong công cuộc đổi mới của Đảng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trong những ngày thực hiện các hoạt động Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hôm nay, khi mà vị thế Việt Nam đã có chỗ đứng đường hoàng trên trường quốc tế. Lá cờ đỏ sao vàng không chỉ bay ở đất nước, biển đảo của ta mà đã phần phật tung bay khắp năm châu bốn biển trong tiếng nhạc Quốc thiều hùng tráng.

Ngày Giải phóng Thủ đô, dưới bóng cờ, toàn Đảng, toàn dân ta đang đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tận tâm tận lực, nâng cao ý chí, giữ vững thành quả cách mạng, tiếp tục thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng và Lời thề Độc lập khắc sâu trong tim mỗi người Việt Nam. Dưới bóng cờ, chúng ta luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Vẳng trong lời Bác, thật kỳ diệu, trong bóng cờ có tiếng chim và ánh nắng chan hòa ùa đến. Nắng tràn lên những cỏ cây, bảng đồng, bia đá. Nắng bừng lên dưới sắc cờ. Nắng tràn lên các nóc phố, góc nhà, vạt đồi, đỉnh núi, đáy khe. Nắng tung tăng bước chân em nhỏ tới trường, anh chị công nhân vào nhà máy, ngôi sao chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo. Nắng rọi vào những số phận được mất, hy sinh, lẫm liệt, vinh quang.

Nắng bình yên dưới sắc cờ Hà Nội.

Tùy bút. Phùng Văn Khai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy