Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:47 (GMT +7)

Chuyện về anh Trường “ngựa bạch”

Chúng tôi gặp anh Dương Xuân Trường, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành, huyện Phú Bình) khi anh vừa trở về từ chương trình “Tôn vinh nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Bên ấm trà sen thơm ngát, anh Trường kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị về công việc mà anh đã và đang gắn bó.

Điểm giới thiệu bán các sản phẩm từ ngựa được đặt tại gia đình anh Trường
Điểm giới thiệu bán các sản phẩm từ ngựa được đặt tại gia đình anh Trường

Tuổi thơ gắn liền với ngựa

Gia đình có bố là người thâm niên trong nghề buôn ngựa nên ngay từ nhỏ, tình yêu, niềm đam mê với ngựa đã đến với cậu bé Trường. Sau những buổi đi học, Trường được bố mẹ giao cho chăn ngựa. Mặc dù nhỏ bé như cái kẹo nhưng Trường chăn ngựa khá giỏi. Những chú ngựa dần dà nghe theo Trường điều khiển răm rắp. Có những hôm Trường cùng đám bạn ở quê cưỡi trên lưng ngựa chạy khắp cánh đồng rộng lớn.

Học hết cấp 2, Trường theo bố rong ruổi tìm, lựa chọn ngựa khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Cứ nghe ở đâu giới thiệu có ngựa tốt, ngựa khỏe là anh cùng bố lại lên đường tìm đến. Hai cha con đã qua không biết bao nhiêu đường đèo, đồi núi để lựa chọn những con ngựa tốt nhất mang về bán cho người dân trong vùng.

Lúc bấy giờ, đường sá, xe cộ chưa thuận tiện nên anh Trường và bố chủ yếu cưỡi ngựa ròng rã vài ngày mới dẫn được về làng. Ngựa được chăn nuôi chủ yếu lấy sức kéo, thồ hàng, chở người đi giao dịch công việc. Tại bãi đất rộng của làng Phẩm hình thành chợ ngựa hoạt động theo từng phiên vào các ngày mùng 5 và 10 Âm lịch. Nhân dân tập trung mua bán khá đông đúc.

Về sau, người dân mới biết thêm lợi ích của việc nấu cao, tăng thu nhập. Với sự năng động của tuổi trẻ, anh Trường đã nhanh chóng tiếp cận thị trường và mở ra nhiều hướng kinh doanh hiệu quả. Anh đầu tư nuôi ngựa bạch, nấu cao ngựa. Sản phẩm được nhiều người biết tới.

Hệ thống chuồng ngựa được anh Trường đầu tư đảm bảo cho ngựa phát triển tốt nhất
Hệ thống chuồng ngựa được anh Trường đầu tư đảm bảo cho ngựa phát triển tốt nhất

Dạo quanh trang trại ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thành, chúng tôi rất ấn tượng với cơ sở sản xuất quy mô, bài bản theo đúng quy trình VietGAP của anh Trường. Trên 40 con ngựa được tắm rửa hàng ngày, cho ăn thức ăn hợp vệ sinh, chuồng trại đảm bảo thoáng mát. Anh Trường cho biết: Việc nuôi ngựa bạch hiện nay chủ yếu để lấy xương nấu cao, thịt để ăn và làm giò chả; tiết ngựa bạch dùng làm thuốc chữa hoa mắt, đau đầu, chóng mặt; phổi ngâm với mật ong để chữa bệnh hen suyễn, lao lực rất tốt... Với sự hỗ trợ của địa phương và nỗ lực của các thành viên hợp tác xã, cao ngựa bạch Trường Nguyên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao từ năm 2020. Các mặt hàng của hợp tác xã ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, đến với khách hàng thông qua hệ thống siêu thị, gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, hội chợ…

Sản phẩm cao ngựa bạch xã Dương Thành được công nhận OCOP 4 sao và được giới thiệu quảng bá tại nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến
Sản phẩm cao ngựa bạch xã Dương Thành được công nhận OCOP 4 sao và được giới thiệu quảng bá tại nhiều hội chợ, chương trình xúc tiến

Nghề nhiều công phu

Gia đình anh Trường bắt đầu chăn nuôi ngựa từ những năm 1980, khi đó chủ yếu là nuôi ngựa đỏ và đen. Đến năm 1993, gia đình anh mới biết đến ngựa bạch và chính thức chăn nuôi ngựa bạch. Với mong muốn khẳng định thương hiệu và uy tín của sản phẩm trên thị trường, năm 2011, anh Trường đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm với 24 thành viên. Đến nay, số thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 54 người.

 Có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi ngựa, anh Trường nắm rõ từng kinh nghiệm nhận biết và lựa chọn để được ngựa bạch chuẩn và khỏe mạnh nhất. Theo anh, khi lựa chọn con giống, nên chọn ngựa từ 4 tháng tuổi trở lên, trọng lượng đạt khoảng 120kg hơi. Như vậy sẽ đảm bảo việc sinh trưởng và phát triển tốt nhất của ngựa. Chăn nuôi ngựa bạch tương đối dễ. Tuy nhiên, ngựa dễ bị ho khi chuyển vùng, thay đổi môi trường sống đột ngột. Do đó cần tiêm phòng chống nhiễm khuẩn thì ngựa sẽ không bị bệnh.

Không phải con ngựa màu trắng nào cũng là ngựa bạch. Nếu con ngựa có lông màu trắng nhưng da, môi và móng vẫn màu đen thì đó chỉ là ngựa kim, giá trị không cao. Còn ngựa bạch thì ngoài màu lông trắng, da, môi, mắt chân đều phải màu hồng. Giữa trưa hoặc ban đêm, mắt ngựa bạch đỏ rực như mặt trời. Nếu chọn ngựa bạch nái thì nên chọn con có mông to, tam sơn thấp, cổ cò. Nên chọn kỹ khoang khoáy để tránh ngựa phản chủ, chết yểu, nghẹn nước. Bạch mã có mấy loài như bạch đồng, bạch sáng và bạch kim. Bạch kim là quý nhất, khi tắm xong, lông ngựa lóng lánh như ánh kim.

Lý thuyết là vậy, nhưng để mua được một con bạch mã ưng ý thì lái ngựa phải rong ruổi khắp các vùng non cao núi thẳm. Bản thân anh Trường cũng đã từng lang thang khắp các chợ ngựa ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai rồi sang tận Trung Quốc, Mông Cổ… để tìm và gom ngựa.

Chọn ngựa đã khó, chăm ngựa bạch cũng thật lắm công phu không khác gì chăm con mọn. Hằng ngày, phải chăm cho ngựa ăn rồi tắm rửa, vỗ về chúng. Lúc ngựa ốm thì chủ ngựa đứng ngồi không yên. Ngựa thường xuyên bị đau bụng, hay mắc một số bệnh như tụ huyết trùng, siêu mao trùng, ký sinh trùng máu. Những lúc đó, chủ ngựa chạy đôn chạy đáo tiêm thuốc, chăm ngựa vô cùng vất vả. Có những lúc phải thức cả đêm ở chuồng ngựa để theo dõi và chăm sóc ngựa ốm.

Nguồn thức ăn chính của ngựa bạch là cỏ. Trung bình mỗi ngày, một con ngựa bạch trưởng thành sẽ ăn khoảng 30kg cỏ tươi. Ngoài ra, anh Trường còn bổ sung thêm một số thức ăn tinh bột như cám ngô, thóc để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho ngựa phát triển.

Khách đến chuồng để lựa chọn, mua ngựa
Khách đến chuồng để lựa chọn, mua ngựa

Hiện nay, Hợp tác xã Chăn nuôi Ngựa bạch xóm Phẩm chủ yếu chế biến một số mặt hàng thương phẩm từ ngựa như thịt ngựa, cao ngựa, phổi ngựa bạch ngâm mật ong, giò ngựa bạch… Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp con giống cho bà con trong vùng cũng như bà con ở một số tỉnh lân cận. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng khoảng 200 con giống và 500 con ngựa thương phẩm ra thị trường.

Ngựa bạch giống được anh bán với giá từ 270.000 - 300.000 đồng/kg hơi, còn thịt ngựa có giá 300.000 đồng/kg. Đối với sản phẩm cao ngựa bạch hiện đang được hợp tác xã bán với giá 1,2 triệu đồng/lạng, phổi ngựa bạch ngâm mật ong bán với giá 1 triệu đồng/lít… Theo anh Trường, so với một số loại vật nuôi khác như trâu, bò thì việc nuôi ngựa bạch đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp khoảng 3 lần.

Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa hoạt động quanh năm nhưng dịp cuối năm thường tất bật hơn cả. Mùi vị đặc trưng của những mẻ cao ngựa tỏa ra ngào ngạt từ các gia đình. Anh Trường chia sẻ: Để nấu được một mẻ cao như ý, công đoạn đầu tiên là chặt xương, sau đó đưa vào nồi luộc để bóc hết thịt, gân bám ở xương. Tiếp đến, chặt nhỏ xương ra, rửa thật sạch tủy ở bên trong cho vào nồi áp suất đun rồi tiếp tục canh, cô đặc cao và cắt thành từng miếng tùy theo trọng lượng. Quá trình chế biến được một mẻ cao trước đây theo kiểu nấu truyền thống phải mất 4-5 ngày. Hiện nay, áp dụng phương pháp mới, nấu bằng nồi áp suất nên nhanh hơn chỉ khoảng 2 ngày là được mẻ cao. Mỗi con ngựa nặng khoảng 200kg thì chế biến được khoảng 4-5kg cao tương đương 40-50 triệu đồng.

Khách đến tham quan Hợp tác xã được trải nghiệm cảm giác cưỡi ngựa ngắn cảnh làng quê Dương Thành đang từng ngày đổi mới
Khách đến tham quan Hợp tác xã sẽ được trải nghiệm cưỡi ngựa ngắm cảnh làng quê Dương Thành đang từng ngày đổi mới

Trong khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Hợp tác xã được huyện, tỉnh hỗ trợ tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài địa phương, ứng dụng công nghệ số phục vụ bán hàng. Để sản phẩm mở rộng đến người tiêu dùng, phát huy lợi thế của mạng xã hội, hàng ngày anh “lives tream” giới thiệu sản phẩm và được nhiều người quan tâm đăng ký mua.

Càng gần cuối năm, khách tìm đến làng nghề mua ngựa ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Minh Tân, chủ nhà hàng Tân Huệ ở xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: Gia đình tôi chuyên chế biến các món ăn từ ngựa nên hàng tháng tôi tìm về làng Phẩm để chọn mua ngựa. Gần 10 năm giao dịch, tôi rất tin tưởng ở ngựa bạch xã Dương Thành bởi ngựa ở đây chăn nuôi đúng quy chuẩn, thịt ngon, xương nấu cao rất hiệu quả. Bình quân mỗi tháng tôi mua từ 10 đến 15 con ngựa về thịt ra chế biến món ăn phục vụ khách và dùng xương để nấu cao.

Ngoài sản phẩm cao đóng bánh, hiện nay hợp tác xã đang thuê gia công qua nhà máy để chế biến cao thành dạng viên nang nhằm đáp ứng sự tiện lợi cho người sử dụng. Các sản phẩm chế biến của hợp tác xã đều đã có tem nhãn và mã vạch để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng. Với việc chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng.

Sản phẩm Cao Ngựa bạch Trường Nguyên liên tiếp 3 năm liền 2018, 2019, 2020 được tôn vinh là sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt năm 2020 đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với chăn nuôi ngựa bạch, với diện tích đất tự nhiên rộng, từ năm 2019, anh Trường đầu tư thêm chăn nuôi gà đẻ với quy mô chăn nuôi 18.000 gà đẻ, sản lượng trứng đạt 4,05 triệu quả/năm. Hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín hiện đại, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Khu chăn nuôi gà đẻ lấy trứng thương phẩm được gia đình anh xây ở một khu riêng biệt và được xây dựng khép kín kiểu nhà lạnh để chống nóng và thông gió, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đã tạo môi trường sản xuất luôn sạch sẽ. Mô hình chăn nuôi gà đẻ cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, không chỉ gia đình anh Trường mà còn rất nhiều hộ dân ở xóm Phẩm 2 đã có thu nhập và kinh tế ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Dương Văn Toàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dương Thành, cho biết: Làng Phẩm hiện có khoảng 400 hộ dân sinh sống. Trong đó, những hộ làm nghề chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch có thu nhập cao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của xã. Đặc biệt, gia đình anh Trường là hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế và thực hiện các phong trào thi đua của địa phương.

Cổng làng nghề chăn nuôi chế biến các sản phẩm từ ngựa được xây dựng bề thế dễ nhận biết cho người lần đầu đến thăm
Cổng làng nghề chăn nuôi chế biến các sản phẩm từ ngựa được xây dựng bề thế dễ nhận biết cho người lần đầu đến thăm

Tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cùng làm kinh tế

Với kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, anh Trường thường xuyên hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho từ 30 - 35 người có nhu cầu học hỏi trao đổi kinh nghiệm làm ăn và  giúp đỡ các hộ khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn xã về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi ngựa. Anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch cho các hộ chăn nuôi Ngựa như thông qua chương trình truyền hình “Sao thần nông” của VTC16, các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức.

Gia đình anh đã tạo điều kiện cung cấp con giống, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, cho vay không lãi với tổng số tiền là 260 triệu đồng giúp cho 6 hộ gia đình trong xóm phát triển kinh tế; tạo thêm việc làm thường xuyên có mức thu nhập ổn định 5 - 7 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho 10 - 15 lao động làm theo mùa vụ với mức tiền công là 4 - 5 triệu đồng/tháng. Bản thân anh và gia đình đã tự nguyện đóng góp 35 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn trong xóm, công đức 42 triệu đồng để tu sửa di tích nghè Mét, chùa Đậu trên địa bàn; ủng hộ 5 triệu đồng/năm với các phong trào văn hóa, thể dục thể thao của xóm, xã,...

Bên cạnh đó, anh và gia đình cũng thường xuyên tham gia ủng hộ các phong trào từ thiện nhân đạo do các cấp, ngành phát động. Anh đã hỗ trợ một hộ nghèo trong xã một con bò giống trị giá 13 triệu đồng; tham gia ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt bằng tiền và hiện vật trị giá gần 20 triệu đồng; ủng hộ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hòa Bình 32 triệu đồng; ủng hộ xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đài Bắc, tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng bởi thiên tai số tiền 30 triệu đồng; ủng hộ Câu lạc bộ từ thiện tỉnh Thái Nguyên 5 triệu đồng,...

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội, anh Trường đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Tiêu biểu như năm 2017, anh được nhận bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; năm 2022, anh được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022; năm 2024, anh là một trong 9 nông dân của tỉnh được được tôn vinh là những nông dân xuất sắc, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và đạt nhiều kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng năm, anh còn nhận được nhiều giấy khen của UBND huyện Phú Bình, Hội Nông dân tỉnh, huyện…

Anh Trường (thứ ba từ trái sang) được tôn vinh là nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I năm 2024
Anh Trường (thứ ba từ trái sang) được tôn vinh là nông dân Thái Nguyên xuất sắc lần thứ I năm 2024

Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Huyện Phú Bình hiện có 33 sản phẩm OCOP trong đó 32 sản phẩm đạt 3 sao, duy nhất có 1 sản phẩm 4 sao là Cao ngựa bạch Dương Thành. Để có được kết quả ấy có vai trò lớn của người “thuyền trưởng” Dương Xuân Trường, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm. Từ tấm gương anh Trường, chúng tôi đang nhân rộng mô hình ra toàn huyện để người nông dân vừa làm giàu kinh tế gia đình vừa tích cực nâng cao khoa học kỹ thuật góp sức xây dựng nông thôn mới.

Làng quê xã Dương Thành xanh sạch đẹp, bình yên, trù phú
Làng quê xã Dương Thành xanh sạch đẹp, bình yên, trù phú

Chia tay anh Trường, chúng tôi ra về trên những con đường quê rộng đẹp, rực rỡ sắc hoa của xã Dương Thành. Và chúng tôi hiểu rằng, để có được diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu như thế này có sự góp công, góp sức rất lớn từ những người nông dân năng động, sáng tạo như anh Dương Xuân Trường.

Phú Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 giờ trước