Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:10 (GMT +7)

Tâm sự Nghề giáo

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

Ta vẫn gọi là nghề cao quý nhất

Có một nghề không trồng cây vào đất

Mà cho đời những đóa hoa thơm…”

Những ca từ giản dị ấy đã ăn sâu vào tiềm thức và luôn khiến tôi tự hào về công việc mà mình đã lựa chọn và sẽ gắn bó suốt cuộc đời. Tính đến nay, tôi công tác trong ngành cũng đã tròn 20 năm. Nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc...

Tác giả (áo vàng) cùng các học trò trường THPT Lê Hồng Phong (Phổ Yên)
Tác giả (áo vàng) cùng các học trò trường THPT Lê Hồng Phong (Phổ Yên)

 Hành trình Nghề giáo 

Trước đây khi còn là học sinh cấp 2 - 3 tôi đã từng say sưa lạc vào thế giới cổ tích kì diệu qua những lời giảng của cô, tôi cũng đã từng khóc cùng nhân vật cô bé bán diêm co ro trong đêm đông lạnh giá, từng vui từng buồn cùng mỗi nhân vật trong truyện và còn nhiều những cảm xúc rất đời mà các tác phẩm văn học mang lại cho tôi. Để rồi từ đó tôi mơ ước một ngày không xa mình được đứng trên bục giảng, đem cái chữ đến cho học trò. Tôi còn tưởng tượng ra cảnh những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác như nuốt từng lời giảng của tôi… Và mơ ước năm xưa ấy cũng đã thành sự thật.

Tôi bước chân vào nghề mang trong mình bao nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi nộp đơn xin vào trường Định Hóa - một ngôi trường ở huyện miền núi cách xa nhà cả trăm cây số. Ban đầu bố mẹ tôi kiên quyết phản đối không muốn tôi dạy xa nhà bởi từ nhỏ tôi đã quen trong vòng tay bao bọc của bố mẹ. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng bố mẹ tôi cũng đành miễn cưỡng đồng ý. Ngày tôi khăn gói quả mướp theo xe lên nhận công tác tại ngôi trường mới, cả nhà buồn lắm. Nhìn con đường ngoằn nghèo đầy ổ gà, hai bên đường là đồi núi mênh mông, bố mẹ tôi lặng người nhìn nhau không nói câu nào. Tôi cố trấn an mình và cả nhà bằng cách huyên thuyên đủ mọi chuyện trên xe để xóa đi bầu không khí im lặng.

Khi xe đến nơi, một ngôi trường khang trang hiện ra, tựa mình vào dáng núi trầm mặc, bao quanh là màu xanh của những rừng cọ bát ngát. Trong khoảnh khắc ấy, một cảm giác yên bình, thân thuộc dường như xâm chiếm lấy tôi. Những lo âu dọc đường dần tan biến. Không gian tĩnh lặng, thoảng mùi đất sau cơn mưa, và âm thanh của gió rì rào qua tán cây khiến tôi ngỡ như mình đang trở về một ngôi nhà thân thương nào đó trong ký ức.

Ban đầu, tôi không thể phủ nhận những lạ lẫm, bỡ ngỡ. Cuộc sống nơi đây thiếu thốn mọi thứ từ điện, nước đến những con đường đất đỏ mùa mưa lầy lội. Có những hôm trên đường đến lớp, tôi loay hoay xắn quần, vượt qua những con dốc đầy bùn đất, nghĩ đến nơi thị thành đầy đủ tiện nghi, lòng thoáng chút tủi thân. Nhưng rồi mỗi ngày đi qua, chính những điều còn bỡ ngỡ, lạ lẫm ấy lại trở thành những khoảnh khắc gần gũi, những kỷ niệm khiến tôi thêm yêu mảnh đất này.

Mỗi sớm mai, khi đứng trước lớp, nhìn những gương mặt học trò với ánh mắt trong veo, những nụ cười hồn nhiên, tôi dần cảm nhận một niềm vui mới lạ. Sự háo hức đón nhận từng lời giảng, sự tò mò, chăm chú của các em khiến trái tim tôi như rộng mở, và lòng nhiệt huyết trong tôi lại bùng cháy.

Còn người dân nơi đây - những con người chất phác, chân thành - đã khiến tôi không cảm thấy mình là một người khách lạ. Những hôm trời lạnh, trên đường về nhà trọ, có người dân địa phương dúi vào tay tôi củ khoai nướng còn ấm nóng, hay bọc rau rừng vừa hái được. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện về vùng đất này, về những phong tục, tập quán giản dị mà tôi chưa từng biết đến. Từng câu chuyện chân tình, từng ánh mắt hiền hòa đã làm trái tim tôi thêm nặng nghĩa, thêm yêu mến nơi này.

Thời gian trôi qua, tôi nhận ra mình không chỉ yêu nghề dạy học, mà còn yêu cả cuộc sống và con người nơi đây - mộc mạc, chân thành và ấm áp. Những cánh rừng, ngọn núi, ngôi trường nằm lặng lẽ nơi góc trời xa xôi ấy đã dần dần trở thành một phần máu thịt trong tôi, nơi mà tôi luôn mong ngóng quay về sau mỗi kỳ nghỉ, nơi mà mỗi sớm mai thức dậy, tôi thấy lòng mình ngập tràn niềm vui, bình yên và cảm hứng cho một ngày mới.

Sau 4 năm công tác nơi vùng núi xa xôi, khi có quyết định chuyển về gần nhà, lòng tôi rộn ràng niềm vui nhưng cũng không khỏi bâng khuâng, lưu luyến. Ngày rời đi, những ánh mắt trong veo của các học trò như chạm vào trái tim tôi, nhắc nhở rằng nơi đây đã để lại trong tôi một phần ký ức đẹp đẽ và chân thành. Tôi giấu nước mắt vào nụ cười để đến giờ tôi vẫn còn cảm nhận được vị mặn mòi của nụ cười ấy.

Về lại quê nhà Phổ Yên, bước vào ngôi trường THPT Lê Hồng Phong quen thuộc, nơi tôi đã gắn bó trong những năm tháng học trò đầy mơ mộng, cảm giác trong tôi là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại. Hành lang lớp học, những dãy bàn ghế, sân trường với gốc cây phượng già dường như vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Tôi bất giác nhớ lại những ngày ngồi nơi đây, lắng nghe lời thầy cô giảng dạy, và cả giấc mơ trở thành giáo viên được nhen nhóm. Giờ đây, tôi đã là đồng nghiệp của những thầy cô năm xưa. Gặp lại họ, vẫn là dáng vẻ quen thuộc ấy, cảm giác như mọi thứ trôi qua thật nhanh, và rồi cũng lại trở về.

Ngày tháng tiếp nối, tôi cứ thế âm thầm "đứng" trong nghề chầm chậm mà vững vàng. Hai mươi năm, quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để lưu giữ biết bao kỷ niệm. Đã có những lúc tôi thấy chùn chân, những khi áp lực công việc đè nặng khiến tôi có đôi chút nản lòng. Có những đêm thức trắng bên trang giáo án, trăn trở làm sao để bài giảng thật sinh động, làm sao để những học trò của mình không chỉ học kiến thức mà còn tìm thấy niềm vui, sự khích lệ. Và nhìn thấy ánh mắt của các em sáng lên khi hiểu bài, khi nhận được những lá thư tay cảm ơn từ học trò cũ hay đơn giản là nụ cười của các em chào đón tôi mỗi sớm mai, trong lòng tôi lại hạnh phúc ngập tràn.

Những ánh mắt, nụ cười của các em học sinh miền núi sẽ theo tôi suốt cuộc đời (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Báo Thái Nguyên)
Những ánh mắt, nụ cười của các em học sinh miền núi sẽ theo tôi suốt cuộc đời (Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Báo Thái Nguyên)

Qua hai thập kỷ, bao đổi thay trong nghề nghiệp, nhưng điều tôi nhận được không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc hơn về sứ mệnh của mình. Những vui buồn, những lo lắng và cả những khoảnh khắc hạnh phúc giản dị đã dần dần khắc họa nên chân dung của một người thầy trong tôi. Có lẽ, chính những cảm xúc này, những ký ức lắng đọng qua từng năm tháng đã khiến tôi thêm yêu nghề, thêm gắn bó với từng bài giảng, từng thế hệ học trò mà mình đã đồng hành.

Nghề “nhàn hạ”

Công việc của người thầy không dừng lại ở việc soạn bài và giảng dạy mà còn luôn phải luôn theo dõi, thấu hiểu và chia sẻ cùng học sinh, dạy các em biết yêu thương, biết trân trọng cuộc sống và hướng tới những điều tốt đẹp. Giá trị của nghề giáo đôi khi không thể đo đếm bằng tiền bạc hay địa vị. Nó là niềm vui khi thấy học trò thành công, là niềm tự hào khi chứng kiến từng thế hệ học sinh trưởng thành.

Nhiều người vẫn nhìn vào bề ngoài mà cho rằng nghề giáo là nghề “nhàn hạ,” rằng giáo viên chỉ cần lên lớp buổi sáng rồi về nhà, có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và bản thân. Nhưng thực tế, chỉ những ai đã sống với nghề, thấm thía những đêm thức trắng soạn bài, những nỗi trăn trở khi gặp phải một tình huống khó giải quyết mới hiểu được rằng đằng sau vẻ “nhàn hạ” đó là những khó khăn và áp lực ít ai thấu.

Ngày xưa, vào thời bao cấp và những năm tháng chiến tranh, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô không chỉ dạy học mà còn phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Nhiều giáo viên sau giờ dạy phải làm thêm đủ thứ nghề: trồng rau, chăn nuôi, thậm chí lao động chân tay để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Những bàn tay trắng bụi phấn vẫn phải đeo đuổi những công việc nặng nhọc để duy trì cuộc sống tối thiểu. Nhưng dù khó khăn, các thầy cô vẫn giữ cho mình ngọn lửa yêu nghề, vẫn miệt mài từng ngày trên bục giảng, mang theo niềm hy vọng trao tri thức cho học sinh thân yêu.

Ngày nay, áp lực lại đè nặng lên giáo viên theo những cách khác. Với tốc độ thay đổi của xã hội, những kỳ vọng từ phụ huynh, yêu cầu đổi mới liên tục từ chương trình, cộng thêm sức ép từ xã hội đôi khi khiến giáo viên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Chỉ vì vài “con sâu làm rầu nồi canh” - những cá nhân vi phạm chuẩn mực - mà đâu đó vẫn còn những cái nhìn khắt khe đối với nghề giáo, nghi ngờ sự tận tâm của thầy cô.

Nhưng với tôi, ở bất cứ ngành nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Chỉ những ai thực lòng thương yêu học trò, thực sự tận tâm với nghề mới hiểu rằng nghề giáo chưa bao giờ “nhàn hạ.” Và tôi vẫn luôn tin rằng, khi người thầy dồn hết tâm huyết, cống hiến tất cả vì học sinh thân yêu, thì nghề sẽ không bao giờ “phụ” những người có tâm. Đó là một hành trình không dễ dàng, nhưng đủ để những người thầy như chúng tôi cảm thấy tự hào và tiếp tục đứng vững trên bục giảng, dù bao nhiêu gian khó và thử thách đang chờ phía trước.

  Bài học từ cậu học sinh “cá biệt”

Trong sự nghiệp dạy học, không phải lúc nào mọi học trò cũng dễ thương, ngoan ngoãn và chăm chỉ như ta mong đợi. Đã có những lần tôi phải đối diện với những cô cậu học trò cá tính, thậm chí nổi loạn, luôn có thái độ thách thức hay phản ứng trước những lời nhắc nhở. Ban đầu, tôi thấy buồn và thất vọng, tự hỏi liệu có phải do cách giảng dạy của mình chưa đủ tốt, hay có phải tôi chưa đủ nghiêm khắc. Nhưng dần dà, khi mở lòng hơn, tôi nhận ra rằng mỗi học sinh, dù ngỗ nghịch, cá tính đến đâu, đều mang trong mình một câu chuyện riêng, những khó khăn và thiếu thốn mà các em đôi khi không biết cách thể hiện.

Tôi nhớ đến ánh mắt của một trong những cậu học trò “cá biệt” khi từ biệt tôi và các bạn để bước vào quân ngũ. Cậu tên Quân. Ngày ấy tôi mới ra trường được phân công chủ nhiệm lớp 10. Trong lớp, có một cậu học trò khá thông minh nhưng rất nghịch, thường xuyên đi học muộn, trong lớp hay làm trò trêu đùa các bạn. Cậu luôn muốn trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Cũng chính vì vậy mà thường xuyên bị ghi vào sổ đầu bài và làm trừ điểm thi đua của lớp. Tôi cũng đã dùng mọi biện pháp cứng rắn có, mềm mỏng có nhưng không thay đổi được nhiều. Thế rồi 3 năm học cũng qua nhanh, ngày bế giảng cuối năm cả lớp ngỡ ngàng khi biết tin cậu học sinh ấy không thi tốt nghiệp mà lại đi bộ đội. Với sức học của cậu ấy thừa sức đỗ tốt nghiệp nhưng không một ai biết lí do vì sao cậu lại bỏ thi. Rồi câu chuyện cũng dần bị lãng quên.

Trường THPT Định Hóa nơi tác giả từng công tác những năm mới vào nghề (Nguồn: PTTH Định Hóa)
Trường THPT Định Hóa nơi tác giả từng công tác những năm mới vào nghề (Nguồn: PTTH Định Hóa)

Rồi một buổi chiều đúng vào ngày 20/11, tôi ngỡ ngàng thấy một cậu mặc bộ quân phục, trên tay cầm nhánh lan rừng, nét mặt rắn rỏi pha sương bước vào. “Em chào cô, em là Quân - học sinh cá biệt của cô đây. Nhân ngày 20 tháng 11 em về thăm cô, tặng cô nhánh lan rừng ạ. Em nhớ đây là loài hoa mà cô thích nhất”. Ôi cậu học trò năm xưa của tôi giờ đây chững chạc và trưởng thành hơn. Tôi cảm động không nói nên lời, không ngờ cậu học trò ấy vẫn còn nhớ cả loài hoa mà tôi yêu thích nhất. Tôi cũng chỉ kịp hỏi thăm em đôi ba câu rồi em lại vội vã đi để kịp về đơn vị. Cả ngày hôm đó trong tôi thật nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn, cả thương cậu học trò kia nữa. Mãi sau này tôi mới biết ngày ấy em lựa chọn không thi tốt nghiệp cũng bởi hoàn cảnh gia đình, tôi lại càng thương em nhiều hơn và cũng tự trách bản thân mình thật nhiều. Ánh mắt của cậu học trò ấy cứ ám ảnh tôi mãi…

Đây không phải là Kết

Hai mươi năm trong nghề, tôi thấy mình đã trở thành một người đồng hành không chỉ với học sinh, mà còn với chính ước mơ ngày trẻ của mình. Tôi nhận ra rằng, nghề giáo không phải là những bài giảng khô khan hay những trang giáo án lặng lẽ, đó là hành trình chậm rãi, từng chút một vun đắp tri thức và tâm hồn cho thế hệ trẻ. Và có lẽ, phần thưởng quý giá nhất của người thầy không phải là những thành tích rực rỡ mà là niềm tin tưởng và tình cảm học trò dành cho. Trong ánh mắt của từng cô cậu học sinh, dù là những em ngoan hay các em cá tính chưa tròn, tôi tìm thấy sức mạnh để tiếp tục đứng vững. Như nhánh lan rừng mộc mạc mà học trò trao tặng, tôi thấy mình vững vàng hơn, khi biết rằng mỗi bước đi của mình đều là một mầm sống, một tia sáng mà những tâm hồn trẻ thơ ấy có thể tin tưởng và trưởng thành. Những kỷ niệm và nghĩa tình này sẽ mãi là nguồn động lực, là niềm tự hào, tiếp sức cho tôi trên chặng đường nghề giáo phía trước…

Những ngày tháng 11 năm 2024

Lê Thị Thu Hường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục