Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
23:18 (GMT +7)

Hồi ức của những người mở con đường Hạnh Phúc

Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày con đường Hạnh Phúc, nối từ thị xã Hà Giang đến Đồng Văn, Mèo Vạc, được khai thông giữa lòng những dãy núi đá ngàn năm xám ngắt. Thời gian trôi, những thanh niên xung phong (TNXP) năm nào giờ đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Thế nhưng, trong sâu thẳm trái tim họ, ký ức về một thời tuổi trẻ rực lửa, nhiệt huyết chưa bao giờ phai nhạt.

Mã Pì Lèng được mệnh danh là “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hùng
Mã Pì Lèng được mệnh danh là “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hùng

Nhìn vào "Danh sách cựu TNXP tham gia làm con đường Hạnh Phúc" của Ban Liên lạc C4 Thái Nguyên, mắt tôi cay xè khi thấy dòng chú thích "đã mất" bên cạnh tên hầu hết những TNXP năm xưa. Những con người đã bỏ lại tuổi trẻ, thậm chí cả mạng sống của mình để làm nên một con đường vượt qua nghìn trùng núi đá.

65 năm một thời sôi nổi

Chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Đăng Thoa, tổ dân phố Yên Trung, phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên. Ông Thoa hiện là Trưởng Ban Liên lạc của Cựu TNXP C4 Thái Nguyên. Theo thông tin từ Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên, Phổ Yên hiện là địa phương đang tập trung số cựu TNXP từng tham gia làm con đường ở Hà Giang đông nhất. Dù là đông nhất, nhưng người còn sống hiện nay cũng chỉ còn vỏn vẹn 8 người (trên tổng số 25 người tham gia làm đường).

Người còn khoẻ cũng đã da mồi, tóc bạc, nhiều người khác để đi lại được phải dựa vào chiếc gậy chống. Nhưng dù thế vẫn còn may mắn hơn những người đã hoàn toàn mất đi khả năng vận động. Chuyến thăm của chúng tôi đã trở thành dịp để những người đồng đội hội ngộ. Bởi dù cùng ở TP. Phổ Yên nhưng vì tuổi tác, sức khoẻ mà đã 4 - 5 năm nay các ông chưa có dịp gặp nhau. Cuộc hội ngộ hôm ấy có các ông Nguyễn Văn Thoi, Hà Đức Lược và ông Nguyễn Bá Tấn cùng ở C4.

Vào tháng 9 năm 1959 thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Đoàn Thanh niên các tỉnh Khu tự trị Việt Bắc đã thành lập Đội TNXP, tổ chức xuất quân mở con đường chiến lược nhằm bảo vệ an ninh đất nước và phát triển kinh tế - xã hội từ thị xã Hà Giang đi Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày 6/5/1960, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Đại đội 4 TNXP với 147 đội viên mang phiên hiệu H100.

Hồi cuối năm 1962, 4 huyện vùng cao là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ là một huyện mang tên Đồng Văn. Vùng đất rộng với 8 vạn dân thuộc 16 dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu, vì hệ thống giao thông chỉ là đường mòn, phương tiện giao thông chỉ có ngựa và đôi chân của con người.

Từ trái sang phải, 4 cựu TNXP C4 gồm các ông: Nguyễn Bá Tấn, Hà Đức Lược, Nguyễn Đăng Thoa và Nguyễn Văn Thoi
Từ trái sang phải, 4 cựu TNXP C4 gồm các ông: Nguyễn Bá Tấn, Hà Đức Lược, Nguyễn Đăng Thoa và Nguyễn Văn Thoi

Nhớ lại thời điểm đó, ông Thoa kể: Hôm ấy tôi đang đi làm về thì gặp cán bộ đoàn xã, anh ấy hỏi tôi có muốn đi Hà Giang làm đường không. Tôi chưa kịp trả lời, anh ấy lại nói tiếp: nhưng nghe nói trên đó đang có Phỉ đấy và hỏi tôi có sợ không. Không cần suy nghĩ, tôi đồng ý luôn. Tuổi trẻ mà, hăng hái lắm. Lúc ấy, tôi còn không biết Hà Giang ở đâu, cũng không suy tính gì mà chỉ nghĩ Đảng, Chính phủ và Đoàn thanh niên cần là tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ban đầu, đơn vị có 129 người, sau được bổ sung thêm 18 người và được chia làm 8A gồm 5A nam và 3A nữ.

Đưa tay về phía những người đồng đội đang ngồi quây quần bên ấm trà nóng hổi, ông Thoa tiếp lời: Lúc đi, anh em chúng tôi đều là thanh niên trai tráng, trẻ măng, chỉ có anh Hà Đức Lược (thôn Giã Thù, phường Tiên Phong) là đã có vợ con. Chúng tôi ra huyện tập trung, xe đón lên Trường Đoàn của tỉnh, lao động ở đó chừng 10 ngày mới lên xe xuất phát đi Hà Giang. Tôi và ông Thoi là những người tham gia làm đường từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng khi con đường hoàn thành. Bác Lược thì được chuyển ngành trước, chú Tấn thì về đơn vị sau.

Từ trạm dừng chân trên đỉnh đèo nhìn xuống dòng Nho Quế. Đây cũng được mệnh danh là một trong những điểm có thể nhìn quang cảnh núi non hùng vĩ đẹp bậc nhất ở nước ta. Ảnh: Mạnh Hùng
Từ trạm dừng chân trên đỉnh đèo nhìn xuống dòng Nho Quế. Đây cũng được mệnh danh là một trong những điểm có thể nhìn quang cảnh núi non hùng vĩ đẹp bậc nhất ở nước ta. Ảnh: Mạnh Hùng

Nhớ lại quãng thời gian đó, phải đến 10 năm sau khi trở về, đêm nằm ngủ tôi vẫn mơ thấy mình treo trên vách đá mà giật mình thon thót. Nghe ông Thoa nói đến đây, những ký ức về một thời thanh xuân sôi nổi, đầy những thử thách cam go dường như đều hiện về trong tâm trí của những người đồng ngũ. Hình ảnh những đôi tay với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít..., được cái ông tái hiện lại trong câu chuyện của mình.

Ông Nguyễn Văn Thoi (phường Đồng Tiến) nhớ ngày mới lên công trường làm đường: Cứ 2 người sẽ được phát 2 cái choòng, một dài một ngắn. Người giữ choòng, người quai búa để đục thành những cái lỗ sâu từ 80 cm đến 1m trên đá. Cứ đục khoảng 10 phút lại phải đổ nước vào lỗ một lần. Mỗi lần như thế mạt đá bắn lên đầy đầu, đầy mặt. Sau chúng tôi phát minh ra lấy ống dây nhỏ nước từng chút một vào lỗ vừa nhàn hơn lại vừa dễ đục. Đồng thời lấy bẹ ngô be vào miệng lỗ sẽ hạn chế được đá và nước bắn lên.

Ngồi bên cạnh, ông Lược giơ ngón tay trỏ trên bàn tay phải đã bị mất một đốt lên, miêu tả thêm: Ban đầu làm chưa quen, chúng tôi cứ một người vừa giữ vừa xoay choòng, một người đập búa. Có khi búa đập cả vào tay người giữ choòng. Như đốt tay này của tôi cũng bị búa đập phải nên hỏng mất. Sau quen hơn thì mỗi người đảm nhận một lỗ, hiệu suất lao động cũng được tăng lên.

Ngày nối ngày miệt mài đục đá ngoài công trường, nhiều người ban đầu chưa quen, cầm choòng, cầm búa, hết lần này đến lần khác trầy da, rớm máu đến bỏng rát. Nguy hiểm hơn là làm việc ở địa hình hiểm trở, chỉ cần sơ sảy là có thể mất mạng. Công việc vất vả, ăn lại không đủ no, thêm vào đó, thời tiết ở vùng cao vô cùng khắc nghiệt. Thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu rau xanh, khan hiếm thức ăn, nhưng có lẽ thiếu nước vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất với những chàng trai, cô gái lúc bấy giờ. Tuần một lần, phải chờ đến ngày Chủ nhật được nghỉ, mọi người mới đi tìm sông suối để được tắm. Điều kiện như thế với nam giới đã là khó khăn, với nữ giới càng khổ cực hơn gấp nhiều lần.

Ông Thoa rùng mình khi nhớ lại: Mùa hè nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Quần áo không đủ ấm, mùa đông đến, mấy anh em chúng tôi phải nằm sát lại ôm nhau cho bớt lạnh mới có thể ngủ được. Dù nắng hay mưa, rét hay nóng thì anh em trong đơn vị cũng phải thay nhau gác đêm, mỗi ca 3 người, gác trong vòng một tiếng đồng hồ. Cứ như thế thay nhau gác từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng.

Ông Nguyễn Bá Tấn (trái) xem lại vết thương làm ông Hà Đức Lược mất một đốt tay trong một buổi lao động
Ông Nguyễn Bá Tấn (trái) xem lại vết thương làm ông Hà Đức Lược mất một đốt tay trong một buổi lao động

Ngày đó, TNXP tham gia mở đường ở trong những chiếc lán cho dân công địa phương dựng sẵn bằng tre, vầu và dây rừng. Từ chỗ lán ở ra đến công trường thường đi bộ mất vài cây số. Đường làm đến đâu, dân công địa phương dựng lán cho TNXP nghỉ qua đêm đến đó. Còn buổi trưa, TNXP sẽ mang theo phần ăn của mình ăn tại công trường. Đồ ăn mang theo thường là cơm nắm, nhưng có thời điểm, không có gạo tẻ, cả đơn vị hàng tháng trời phải ăn gạo nếp cũ, mốc. Lâu lâu có con ngựa thồ hàng vì kiệt sức mà chết thì anh em được bổ sung vào bữa ăn chút thịt. Hết năm thứ nhất, thứ hai, nhiều người đã biết tìm chỗ có đất để gieo giống rau cải lông để lấy rau ăn, nhưng do phải di chuyển liên tục nên cũng không cải thiện được là bao.

Câu chuyện với những người bạn đồng ngũ đã khơi lại những ký ức năm xưa tưởng chừng như đã phai mờ theo quy luật tháng năm trong tâm trí của người đàn ông đã 92 tuổi. Ông Lược kể thêm: Ngày ấy đói khổ nhưng chúng tôi thương nhau lắm, quần áo mặc chung, người nào được về phép thì những người còn lại ai có đồng nào đều gom hết lại cho. Ăn chẳng đủ no nên nếu để dư ra được hào nào thì đợi ngày nghỉ đi đổi lấy bánh chưng không nhân của đồng bào làm bán. Trời đất! bánh không nhân mà ăn ngon làm sao.

Khó khăn thì không kể hết được, ngày đó, chúng tôi còn nghe thổ phỉ tung tin rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, dê đực biết đẻ thì mới mở được đường vào Đồng Văn, mới xuyên qua được “sống mũi ngựa” (Mã Pí Lèng) và nếu TNXP làm được con đường này thì chúng sẽ đi bằng đầu. Thế nhưng, chúng tôi vô tư và lạc quan lắm, cứ đi làm về là cũng chơi bóng chuyền, đá bóng, tối lại học văn hoá. Chẳng thấy ai than vãn hay nản chí cả. Ai cũng kiên trì bám trụ nơi núi rừng, dốc sức chiến đấu với biển đá xám mênh mông.

Ông Nguyễn Đăng Thoa (bên phải) và ông Nguyễn Văn Thoi cũng xem lại những tấm ảnh kỷ niệm gặp mặt của đơn vị
Ông Nguyễn Đăng Thoa (bên phải) và ông Nguyễn Văn Thoi cũng xem lại những tấm ảnh kỷ niệm gặp mặt của đơn vị

Máu xương để lại

Không phải ngẫu nhiên mà thổ phỉ viện ra lý do lừa bịp ấy. Con đường Hạnh Phúc nối liền thị xã Hà Giang với bốn huyện vùng cao phía Bắc đã phải trả giá bằng máu và sinh mạng của nhiều TNXP. 14 người đã mãi mãi nằm lại trên miền cao nguyên đá. Đặc biệt, đoạn khó khăn nhất trong hành trình mở đường là khi phải vượt qua con đèo Mã Pí Lèng đầy hiểm trở, nơi mà dường như thiên nhiên thách thức mọi giới hạn của con người.

Tôi nhớ khi lên Hà Giang, tôi đã từng hỏi về cái tên Mã Pí Lèng thì được người dân địa phương kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở vì kiệt sức. Vì vậy người dân bản địa đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng”, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo.

Để hoàn thành con đường qua đèo, ròng rã gần một năm trời TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để lựa từng thớ đá, đục từng lỗ mìn. Chiều dài con đường chỉ được nhích từng xăng-ti-mét. Trong tâm trí của những TNXP năm ấy, vẫn vang vọng câu vè đầy ám ảnh: “Dốc Pắc Sum, hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn,” gợi nhắc về những hiểm nguy và thách thức mà họ phải đối mặt nơi rừng núi hoang vu với những vách đá dựng đứng cao vời vợi.

Ông Thoa kể thêm: Sau này chúng tôi cũng được nghe kể lúc làm đến Mã Pí Lèng, một số chiếc áo quan đã được chuẩn bị sẵn để trên đỉnh núi thể hiện ý chí quyết tử của TNXP khi quyết tâm làm đoạn đường này. Hàng ngày, TNXP phải treo mình giữa lưng chừng trời, đục lỗ vào vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi gọi đồng đội kéo lên đỉnh núi.

Đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Mạnh Hùng
Đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Mạnh Hùng

Nhắc về địa điểm này, ông Nguyễn Bá Tấn (phường Đồng Tiến) không thể quên lần bản thân chết hụt: Hôm ấy chúng tôi làm ở chân dốc Mã Pí Lèng, trong đơn vị tôi có cô tên là Giang đánh rơi cái nón xuống dưới. Tôi nhảy xuống mô đất định lấy giúp, ai ngờ đất phủ lên hòn đá mà tôi không nhìn thấy. Tôi trượt chân thế là cả người lao xuống vực. Đầu tiên tôi va vào cái cây to bằng cổ tay, cây gãy, tôi tiếp tục rơi xuống va vào cây thứ hai, cây tiếp tục gãy. Lúc ấy tôi chỉ kịp lấy 2 tay ôm đầu và nghĩ mình chết trẻ quá. Chỉ nghĩ được thế thì thấy “huỵch” một cái. Cả cơ thể tôi rơi đúng xuống chỗ cái ụ đất. Tôi đứng dậy vung thử chân, tay thấy không việc gì, đưa tay quệt lên má chỉ thấy chút máu rỉ ra. Tôi còn nghe rõ bên trên anh em kêu lên “nó chết rồi”. Rơi từ độ cao 57 - 58m xuống như thế đương nhiên không ai nghĩ tôi có thể còn sống. Nghe thấy vậy tôi hô to “chưa chết đâu”. Một lát sau thì anh Thoa đã trèo xuống đến nơi và dìu tôi lên. Tôi “bay” qua bao vỉa đá tai mèo mà không va vào tý nào. Thế nên mới bảo toàn được tính mạng.

Ông Thoa kể thêm: Lúc thấy chú Tấn rơi, theo phản xạ cứ thế tôi leo xuống theo. Đến nơi thấy quần áo của chú ấy rách bươm hết mà chân tay vẫn lành lặn, mừng quá. Đúng là một kỳ tích.

Kể lại sự việc suýt mất mạng năm xưa, ông Tấn còn chưa hết xúc động: Lúc anh Thoa dìu tôi lên được đến nơi, ông anh trai tôi hết nắn tay lại nắn chân tôi, giọng hoảng sợ đến lạc đi bảo, phúc nhà mình to quá.

Xin được nói thêm, gia đình ông Tấn có tới 3 người cùng tham gia thi công làm con đường Hạnh Phúc. Đó là ông và vợ chồng anh trai ruột của ông. Anh trai ông Tấn là ông Nguyễn Quốc Toản. Trong chuyến về phép thăm nhà sau 2 năm lên làm đường Hà Giang, ông Toản đã rủ ông Tấn cùng lên công trường. Ông Tấn ở đơn vị làm đường cùng đồng đội từ đó cho đến ngày con đường được hoàn thành.

Cũng tại cung đường Mã Pì Lèng, sát chân Mèo Vạc, vài ngày sau khi ông Tấn ngã, đồng đội của ông đã gặp nạn nhưng không may mắn được như ông. Đó là sự hy sinh của liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm, quê xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ.

Cuộc hội ngộ của các cựu TNXP sinh sống tại TP. Phổ Yên
Cuộc hội ngộ của các cựu TNXP sinh sống tại TP. Phổ Yên

Ông Tấn nhớ lại: Hôm đó đường làm đã xong, chúng tôi đang dọn dẹp, vét đá khơi rãnh cho nước chảy, tự nhiên trên đỉnh Mã Pí Lèng có một hòn đá to lắm lăn xuống. Nó tạo ra tiếng “ù ù” nghe rợn người. Ai nấy đều chạy dạt hết đi. Đúng lúc ấy có 2 bố con người dân tộc Mông dắt trâu đi qua. Ông bố nghe tiếng đá lăn, hốt hoảng trượt chân tụt xuống ven đường. Anh Phẩm nhanh tay túm được vào tay ông bố kéo giật lên. Khi giật được ông bố lên đường thì theo đà anh Phẩm ngã nhào xuống vực.

Sau đó đơn vị cử người đi tìm anh Phẩm. Những thanh niên khoẻ mạnh nhất được đơn vị chọn rồi buộc một cái dây vào ngang người, thả xuống vách núi. Theo toạ độ người được anh Phẩm cứu chỉ, đơn vị tìm thấy anh Phẩm nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt đường. Chúng tôi áng khoảng cách thế vì từ mặt đường xuống tới dòng sông Nho Quế bấy giờ có độ cao khoảng 600m thì anh Phẩm mắc ở lưng chừng giữa. Cảnh tượng lúc đó thương tâm lắm.

Còn ông Lược thì không sao quên được cái lần đi tìm nơi đào huyệt để an táng liệt sĩ Dương Đình Sản quê xã Thượng Đình, huyện Phú Bình. Vì địa hình toàn đá nên 3 lần đào huyệt bất thành, đồng đội phải đào đến lần thứ 4 mới an táng được cho liệt sĩ Sản.

Sau hơn 6 năm con đường dài 184 km đã hoàn thành, với sự tham gia của hơn 1.200 TNXP của các tỉnh Khu Tự trị Việt Bắc và 2 tỉnh Hải Dương, Nam Định. 14 TNXP trong đó có những người con ưu tú của Thái Nguyên đã hy sinh và lặng lẽ yên nghỉ bên con đường Hạnh Phúc, tại Nghĩa trang Liệt sỹ TNXP ở huyện Yên Minh. Con đường được gọi tên là “Đường Hạnh Phúc”. Đội TNXP mở đường Hạnh Phúc đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đại đội 4 TNXP Thái Nguyên đã được Ban Chỉ huy Công trường 100 suy tôn là Đơn vị xuất sắc toàn diện.

Con đường Hạnh Phúc không chỉ đơn thuần là tuyến giao thông huyết mạch, mang lại sự thay đổi to lớn cho vùng cao nguyên đá Hà Giang, mà còn là biểu tượng sức mạnh và ý chí kiên cường của hàng nghìn TNXP Việt Nam. Đến Hà Giang hôm nay, khi đứng trước những thắng cảnh hùng vĩ như dốc Pắc Sum, cổng trời Quản Bạ, dốc Chín Khoanh hay đỉnh Mã Pí Lèng, ta còn như thấy vang vọng trong không gian ấy những bước chân của những con người đã từng vượt qua nắng mưa khắc nghiệt, găm từng nhát búa chắc nịch vào lòng núi. Họ đã dùng tuổi trẻ, mồ hôi, cả máu và sinh mạng để chinh phục biển đá hoang vu, mở ra con đường kết nối người dân vùng cao với ánh sáng của văn minh, làm bừng lên sắc màu của tương lai, đầy hứa hẹn và phồn thịnh hôm nay.

Kim Ngân

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy