Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:40 (GMT +7)

Năm 1964, Thái Nguyên đón Bác Hồ về thăm lần cuối

Như chúng ta đã biết: ngày 12/10/1954, từ nơi ở và làm việc tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về Thủ đô Hà Nội, kết thúc hơn 7 năm ở và làm việc tại ATK Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước (2/4/1947 – 12/10/1954).

Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhân dân Thái Nguyên ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử
Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhân dân Thái Nguyên ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử

Theo sách “Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ” (do Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ đạo biên soạn, tái bản năm 2014), từ tháng 12/1954 đến ngày 1/1/1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp trở lại thăm hỏi, động viên Đảng bộ Thái Nguyên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.

Lần thứ 7 (và cũng là lần cuối cùng) Bác trở lại thăm Thái Nguyên, trong hai ngày 31/12/1963 và 1/1/1964. Dù ngày đầu tiên của năm 1964 chưa sang năm con Rồng theo âm lịch, nhưng đây vẫn được xem là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với tỉnh trong năm Giáp Thìn 1964.

Có thể nói, lần về thăm ấy của Bác đã để lại nhiều kỉ niệm và ấn tượng sâu sắc nhất đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là đối với cán bộ, công nhân Khu Gang thép. Bài nói của Người đăng trên Báo Nhân Dân số 3567, ra ngày 3/1/1964, sau này được tập hợp trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 14, xuất bản lần thứ ba, từ trang 225 đến  trang 231.

Trước ngày về thăm, Người đã tìm hiểu tình hình của địa phương, đơn vị. Trong đó, việc nắm bắt tình hình hoạt động của Khu Gang thép cũng được sử sách ghi lại. Trang 66 - 67 cuốn “Bác Hồ với Bắc Thái” tập 2 có trích đăng Hồi kí của đồng chí Hồng Long (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên khóa I, sau là Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - tác giả chú thích), dưới tiêu đề: “Những dòng chữ đỏ”. Dưới đây là nội dung bản hồi kí:

“Vào một ngày tháng Chạp năm 1963, lò cao số 1 vừa khánh thành xong được mấy hôm, thì anh Đinh Đức Thiện (Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc - tác giả chú thích) cho tôi biết là Bác sắp lên thăm nhân dân Thái Nguyên và Khu Gang thép.

Tin vui đến làm tôi nhớ lại ngày mới mở công trường, Bác Hồ đã lên thăm Khu Gang thép hai lần, những lần ấy nơi đây vẫn còn đồi hoang và cỏ dại. Bây giờ nhà máy đã vào sản xuất, những khu nhà mới mọc lên nguy nga như một thành phố.

Cũng như mọi anh chị em cán bộ công nhân viên chức ở đây đều mong đợi ngày Bác Hồ về thăm Khu Gang thép, nên khi được tin này, tôi rất xúc động.

Anh Đinh Đức Thiện đưa cho tôi xem một tờ giấy trắng đã gấp tư thật cẩn thận, rồi nói:

- Đây là những vấn đề Bác cần biết rõ trước khi lên đây. Anh chuẩn bị thêm tình hình rồi cùng đi với anh Tấn (Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Việt Bắc -  tác giả chú thích) lên trực tiếp gặp Bác, xem Bác có hỏi gì thêm không. Tự tay Bác viết đấy!

Tôi vô cùng xúc động cứ ngắm nghía mãi tờ giấy trên tay. Đó là một tờ giấy trắng không có dòng kẻ, chỉ có mười bốn dòng chữ vắn tắt viết bằng bút bi màu đỏ…”.

Bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo Công trường báo cáo trước khi Người về thăm Gang thép. Nguồn: tư liệu lịch sử
Bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo Công trường báo cáo trước khi Người về thăm Gang thép. Nguồn: tư liệu lịch sử

Nội dung 14 dòng chữ (trích):

“Gang thép Thái Nguyên

Số đ.c. chuyên za.

Số cb kĩ thuật - số cb khác.

Số công nhân: trai, gái.

Anh hùng lao động - chiến sĩ thi đua.

…”

Trong hồi ký, đồng chí Hồng Long viết tiếp: “Bác bận trăm công nghìn việc lớn lao, nhưng Bác vẫn quan tâm đến nhiều mặt của Khu Gang thép, Bác muốn biết từ mức lương thấp nhất đến từng luống rau, con gà, con lợn tăng gia tự túc của những công nhân, Bác muốn biết đến quan hệ giữa chúng tôi và các chuyên gia bạn; giữa chúng tôi và công nhân như thế nào...”.

Sách “Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ”, từ trang 309 đến trang 327 viết khá đầy đủ về sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên lần thứ 7.

“Ngày 31-12-1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao cho. Sau buổi nói chuyện, Bác xem Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc biểu diễn và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, diễn viên của Đoàn.

Bác Hồ và đại biểu Khu ủy Việt Bắc chụp ảnh với diễn viên Đoàn văn công nhân dân Khu Tự trị Việt Bắc tối ngày 31/12/1963 tại Trường Đảng (bay là Trường Chính trị) tỉnh Thái Nguyên. Ảnh tư liệu lịch sử
Bác Hồ và đại biểu Khu ủy Việt Bắc chụp ảnh với diễn viên Đoàn văn công nhân dân Khu Tự trị Việt Bắc tối 31/12/1963 tại Trường Đảng (nay là Trường Chính trị) tỉnh Thái Nguyên. Ảnh tư liệu lịch sử

Ngày 1-1-1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... Bốn mươi lăm nghìn đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi được Bác Hồ chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên trong ngày đầu năm. Người nói:

“Bác và đồng chí Nguyễn Chí Thanh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chúc mừng năm mới các đồng chí chuyên gia Trung Quốc, đồng bào các dân tộc, cán bộ và công nhân, bộ đội, công an, dân quân, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Gần bốn năm trước, Bác đã về thăm Thái Nguyên, lần này về thăm, Bác rất vui lòng thấy tỉnh ta có nhiều tiến bộ mới: có nông nghiệp tiến bộ và công nghiệp gang thép.

Bác Hồ với công nhân Lò cao số 1 Khu Gang thép Thái Nguyên, ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử
Bác Hồ với công nhân Lò cao số 1 Khu Gang thép Thái Nguyên, ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử

...

Bây giờ Bác nói về Khu Gang thép.

Trước đây mấy năm, nơi đó là những đồi, núi hoang vu. Hiện nay đồi núi đó đã biến thành Khu Gang thép đồ sộ. Thành tích đó, một mặt là do sự cố gắng của Đảng ta và dân ta. Và mặt khác, chúng ta vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc anh em đã cung cấp cho chúng ta các thứ máy móc, đã phái các đồng chí chuyên gia sang vừa giúp chúng ta xây dựng, vừa giúp đào tạo cán bộ và công nhân ta.

Chính sách của Đảng ta là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi. Ngày nay chính sách đó đã bước đầu thực hiện. Với Khu Gang thép, đồng bào Thái Nguyên có thể tự hào rằng, về công nghiệp nặng thì miền xuôi cần thi đua với miền núi!

Cán bộ và công nhân có thể tự hào rằng, sau hơn 3 năm lao động cần cù, tự tay mình đã ngăn sông xẻ núi, xây dựng một Khu Gang thép to lớn đầu tiên của nước ta.

Khu Gang thép là một đại gia đình với gần 22.000 anh chị em công nhân và cán bộ, trong số đó người Trung, Nam, Bắc và các dân tộc đều có. Mọi người đã đóng góp phần mình vào việc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mọi người đã trưởng thành với Khu Gang thép.

Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang. Nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy.

Tỉnh ta sớm có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn (xuất bản lần thứ ba, có chỉnh sửa, bổ sung), Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2016, tr.3 ghi: “Nhân dịp về thăm Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Điện Cao Ngạn và Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam); thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312”.

Tổng hợp từ những tài liệu trên cho thấy: Trong chuyến về thăm tỉnh Thái Nguyên lần cuối cùng, Bác đã đến thăm Trường Đảng tỉnh và xem Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc biểu diễn vào tối 31/12/1963; thăm Khu Gang thép, Nhà máy Điện Cao Ngạn, Bảo tàng Việt Bắc và nói chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân tại sân vận động thành phố Thái Nguyên vào ngày 1/1/1964. Còn đối với Sư đoàn 312, các tài liệu lịch sử không ghi rõ thời gian Bác đến thăm vào buổi nào, nhưng có thể suy luận: Người tới thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 vào buổi chiều, trên đường về Hà Nội, bởi Sư đoàn 312 nằm cách xa trung tâm thành phố Thái Nguyên, ở về phía nam tỉnh, gần với Hà Nội. Và trên đường xuôi về, Người còn vào thắp hương tại đền Mẫu, sau đó nghỉ ăn cơm trưa tại đồi thông Vân Dương ở xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên.

Đối với di tích Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, năm 2008, UBND tỉnh đã xếp hạng Di tích Lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh (Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 13/10/2008).

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi là con của công nhân Nhà máy điện Cao Ngạn 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử
Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi là con của công nhân Nhà máy điện Cao Ngạn 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử

Đền Mẫu (ở xóm Giếng, xã - nay là phường - Hồng Tiến, huyện - nay là thành phố - Phổ Yên) được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử năm 2010. Trong hồ sơ khoa học của Đền Mẫu có ghi rõ: Ngày 1/1/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm khu Gang thép Thái Nguyên, trên đường trở về Hà Nội đã vào thắp hương tại đền Mẫu, sau đó Người nghỉ ăn cơm trưa tại đồi thông Vân Dương trong khu vực Đền.

Bức ảnh Người ngồi nghỉ bên gốc thông do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chụp được treo trang trọng tại Đền Mẫu.
Bức ảnh Người ngồi nghỉ bên gốc thông do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chụp được treo trang trọng tại Đền Mẫu.

Các nguồn tài liệu cũng cho biết: Ngày 1/1/1964, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) vinh dự được Bác Hồ về thăm. Sau khi nghe tình hình Sư đoàn, Bác nói nhiều về cách mạng miền Nam. Bác khẳng định: Kẻ thù dù tàn ác đến đâu, cuối cùng, nhất định chúng sẽ bị thất bại. Bác nhấn mạnh về tốc độ xây dựng quân đội chính quy, nâng cao bản lĩnh và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, sẵn sàng có lệnh là lên đường. Bác căn dặn: “Ở đâu các chú cũng phải nhớ quan hệ tốt và đoàn kết với nhân dân và chính quyền địa phương. Quân với dân như cá với nước, có sức mạnh quân dân đoàn kết ta đã đánh thắng giặc Pháp. Quân dân đoàn kết một lòng là sức mạnh dời non lấp biển, có sức mạnh đó kẻ thù nào cũng đánh thắng, nhiệm vụ nào cũng làm tròn...”.

Người ghi vào sổ vàng truyền thống Sư đoàn: “Ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Ra sức học tập chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân… Chống tham ô, lãng phí, quan liêu; mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật” (1).

Thái Nguyên hôm nay đang vươn mình đi tới để sáng mãi địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến. Xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, đó cũng là sự thể hiện sinh động nhất cho sự tri ân của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên với những tình cảm mà Bác Hồ kính yêu đã dành cho tỉnh.

Trần Thép

-------

(1) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba, có chỉnh sửa, bổ sung), Tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2016, tr.3

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy