Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:25 (GMT +7)

Muốn hiểu thêm một câu thơ của Bác Hồ

VNTN - Tức cảnh Pác Bó là bài thơ Bác Hồ viết vào tháng 2 năm 1941, được tái bản nhiều lần trong các tuyển tập khác nhau và được dạy trong nhà trường. Đó là một bài thơ rất hay, được nhiều người yêu thích. Riêng tôi cứ băn khoăn mãi một vấn đề và rất muốn hiểu thêm bài thơ này của Bác.

Tức cảnh Pác Bó

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng(1)

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Đây là bản rút từ “Hồ Chí Minh - Tuyển tập” (tập 1, 1919 - 1945), Nxb Chính trị Quốc gia 2002, tr 584. Câu thơ thứ 3 “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” - được chú thích như sau: “Hồi ở Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô ra Tiếng Việt làm tài liệu học tập cho cán bộ cách mạng”. Nhiều nguồn tư liệu khác, trong đó có Wikipedia viết rằng “Tháng 1/1941, sau 30 năm bôn ba và hoạt động ở nước ngoài, Bác trở về Tổ quốc. Người qua biên giới Việt - Trung ở cột mốc số 108 thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng…Nơi đây Bác trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng, mở các lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch cuốn lịch sử Đảng Cộng sản (bonsevich) Liên Xô, chuẩn bị cho hội nghị Trung ương lần thứ 8”.

Vậy thì Bác đã dịch hay lược dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô? Bởi dịch và lược dịch rất khác nhau.

Dịch (translate - traduce): Làm cho một nội dung diễn đạt bằng ngôn ngữ, hoặc nói chung, hệ thống tín hiệu này được diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc hệ thống tín hiệu khác. Lược dịch (translate party) là dịch những ý chính, bỏ qua các chi tiết (Từ điển Tiếng Việt, Nxb KHXH. H.1988).

Và nếu là cuốn “Lịch sử Đảng cộng sản (b) Liên Xô” được Bác dịch thì nay ở đâu? Vì trong Wikipedia chỉ viết là “Tỉnh ủy bí mật” - Tác giả Fedorov - Dịch Nguyễn Du Kích - Viết lời giới thiệu Hồ Chí Minh, Nxb Văn Nghệ 1951. Ta cũng đã biết, Nguyễn Du Kích là bút danh của Bác. Như vậy có thể khẳng định đến nay ta biết tác phẩm dịch của Bác chỉ là “Tỉnh ủy bí mật” , Bác không dịch tác phẩm nào khác mà có thể là Bác lược dịch hay tóm tắt, phóng tác một cuốn Lịch sử nào đó về Đảng Cộng sản (b) Liên Xô.

Vậy thì “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” nên hiểu như thế nào?

Bác là người am hiểu sâu sắc văn hóa phương Đông, nhất là văn hóa Việt Nam. Trong trước tác của Người, trong văn, thơ và cả nghị luận chính trị, báo chí Bác đã sử dụng kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca, Truyện Kiều hết sức nhuần nhuyễn. Câu thành ngữ “Vững như bàn thạch” ai cũng biết, không lẽ Bác không biết mà lại viết “Bàn đá chông chênh”? Thực tế ở Pác Bó có cháo bẹ, rau măng, có suối Lê-nin, núi Mác và các tảng đá, khối đá chứ không có cái Bàn đá nào cả để cho Bác đặt cái không có (bàn đá) bên cạnh những thực thể có thật. Mà giả dụ bàn đá ở đây cũng là vật cụ thể như cháo bẹ, rau măng, thì có khó gì khi ngồi viết (dịch sách), chỉ cần kê thêm mấy mẩu đá, viên sỏi là hết “chông chênh”.

Như vậy “Bàn đá” Bác dùng ở đây càng phải là một biểu tượng, nếu có một bàn đá cụ thể thì ý nghĩa biểu tượng của bàn đá trong câu thơ vẫn lớn hơn và “Bàn đá chông chênh” càng làm cho người đọc suy nghĩ.

Nhiều nhà nghiên cứu văn thơ của Bác đã rút ra kinh nghiệm, “đọc Bác hiểu qua văn bản, nhưng quan trọng hơn là hiểu ý Bác sau câu chữ, giữa khoảng lặng của từ ngữ, giữa các dòng chữ Bác viết càng quan trọng hơn, bởi sự kết hợp giữa lý và tình tạo nên minh triết Hồ Chí Minh” (2).

“Dịch sử Đảng” - sử Đảng ở đây là sử Đảng nào? Trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân bị nô lệ dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn gần 100 năm, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911, khi mới 21 tuổi. Những năm hoạt động cách mạng gian khổ và nguy hiểm ở nhiều nước Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Thái Lan… cuối những năm 1920 Người về Trung Quốc để “vừa nghiên cứu làm việc để sống, ông Nguyễn vẫn ra sức làm việc cho Tổ quốc mình. Ông bắt đầu tổ chức đồng bào Việt kiều ở Trung Quốc. Tổ chức này gọi là “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí”. Để tuyên truyền, ông xuất bản một tờ tuần báo: Thanh niên”(3).

Chính “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” do Bác tổ chức là nòng cốt của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hương Cảng. Năm 1927, Bác viết “Đường Cách Mệnh” làm tài liệu huấn luyện cho nhiều thanh niên ưu tú từ trong nước sang đây và tác phẩm này là cơ sở để Bác viết “Chánh cương của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, “Chương trình tóm tắt của Đảng” và “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Bác đã trình bày những tài liệu quan trọng này trong Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 do Bác tổ chức, triệu tập và chủ tọa, lúc đó Bác mang tên là Nguyễn Ái Quốc.

“Chánh cương vắn tắt của Đảng” nêu lên nhiều vấn đề về các phương diện xã hội và cả các phương diện chính trị cũng như kinh tế. Trong đó toát lên vấn đề độc lập dân tộc - “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và bọn phong kiến”, trong đó có: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “Thâu tóm ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo”, “Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”(4) là nội dung chủ yếu và quan trọng nhất.

Để thực hiện được vấn đề độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, trong “Sách lược vắn tắt của Đảng” Bác đã viết về lực lượng tổ chức và tham gia cách mạng là quần chúng nhân dân đủ mọi thành phần, giai cấp, mọi tầng lớp. Điều 4: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ, và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra làm cho họ đứng trung lập” (5).

“Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam” ghi rõ: 1. Tên: Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong “Chương trình tóm tắt của Đảng” cũng ghi rõ mục 2: Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến. Mục 4 ghi: Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản. Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung, đánh đổ các Đảng phân cách mạng như Đảng Lập hiến…(6).

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương 3.2.1930 “có tầm quan trọng ngang một Đại hội, vì nó đề ra đường lối, chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng” (7).

Các văn kiện trên đây đã được Hội nghị thành lập Đảng thông qua.

Như trên chúng ta biết, không hề có “bàn đá” nào ở Pắc Bó. “Chông chênh”- không vững chãi vì không có chỗ dựa chắc chắn (Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, H.1988).Vậy thì cái gì chông chênh ở đây?

Nửa năm sau (tháng 10/1930), Trần Phú (một trong 14 thanh niên yêu nước được cụ Phan Bội Châu chuyển giao cho Nguyễn Ái Quốc huấn luyện và học tập “Đường Cách Mệnh”)(8) từ Liên Xô trở về đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng và xóa bỏ hoàn toàn các văn kiện vừa được thông qua trên đây. Quyết định quan trọng nhất là: “a- Thủ tiêu chánh cương, sách lược và điều lệ của Đảng”; “b- Bỏ tên Việt Nam Cộng sản Đảng” mà “đổi tên là Đông Dương Cộng sản Đảng”. Hội nghị Trung ương do Trần Phú triệu tập cũng quy kết Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930 do Bác Hồ tổ chức là “sai lầm về chính trị…sai lầm về sách lược…sai lầm về điều lệ và tên Đảng…quên mất lợi ích đấu tranh giai cấp”(9).

Trần Phú đã nghiêm khắc phê phán Nguyễn Ái Quốc “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm”. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 17/4/1931, Trần Phú còn phê phán nội dung Hội nghị hợp nhất “mang nặng dấu ấn các tổ chức cách mạng cũ, các vấn đề cơ bản đều mâu thuẫn với đường lối Quốc tế cộng sản” (Văn kiện Đảng, tập II, tr.110-112). Thậm chí Hà Huy Tập còn gay gắt lên án: “... Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào cách mạng… khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”. (Văn kiện Đảng, tập V, tr.204). Và khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” đã ra đời trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Cùng với việc xóa bỏ các văn kiện trên đây của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, Hội nghị Trung ương (chỉ có Trung ương, không có đại biểu tham dự) tháng 10/1930 xóa bỏ “Ban chấp hành Trung ương lâm thời do Trịnh Đình Cửu làm Bí thư (10) và Trần Phú giữ chức Tổng Bí thư”, cũng đồng thời thông qua “Luận cương chính trị” do Trần Phú vạch ra. Bản Luận cương này cơ bản đã thay đổi những nội dung chính mà Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930 đã thông qua. Nội dung và tính chất, mục đích sách lược hành động của Đảng, tên Đảng phải thay. Vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp được đưa lên vị trí hàng đầu… “Trí thức, tiểu tư sản, học sinh là hạng có xu hướng quốc gia chủ nghĩa, chúng nó đại biểu cho quyền lợi cho tất cả giai cấp tư bổn bổn xứ chứ không phải chỉ bênh vực quyền lợi riêng cho tiểu tư sản mà thôi”. Luận cương của Trần Phú còn lên án từ “bọn Huỳnh Thúc Kháng” cho đến “bọn Nguyễn An Ninh”(11).

Dù Bác đã cố gắng uốn nắn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn, Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo vẫn nổ ra và đã thất bại. Phong trào cách mạng Việt Nam chịu những tổn thất ghê gớm.

Rõ ràng “Sử Đảng” đã đi chệch hướng từ Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930.

Cũng từ đó, suốt 10 năm trời (1930-1940) và những năm tiếp theo Bác Hồ vẫn kiên trì, bền bỉ lãnh đạo, uốn nắn, khắc phục hậu quả Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930. Bác lặn lội từ Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... rồi Bác bị mật thám Anh bắt ở Hồng Kông, nhờ luật sư Loseby mà thoát được ngục tù và án tử hình của thực dân Pháp, để rồi “Ba mươi năm ấy chân không mỏi/ Mà mãi bây giờ mới tới nơi”. Bác đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một trong những việc làm quan trọng nhất của Bác là thành lập mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh Hội). Tổ chức có nguồn gốc từ cụ Hồ Học Lãm, một nhà yêu nước không phải là cộng sản, hoạt động trong Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Hội tập hợp mọi thành phần, tầng lớp, giai cấp, mọi người Việt Nam để chuẩn bị giành độc lập tự do cho dân tộc, đúng với cội nguồn “Phản đế đồng minh” mà Bác đã nêu lên trong Hội nghị và tinh thần căn bản của các Văn kiện mà Bác đã viết và thông qua ngày thành lập Đảng  3/2/1930.

Từ năm 1941 đến 1945, Cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, đã khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt để rồi chớp thời cơ, cả nước khởi nghĩa. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Sau đó là cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập dân tộc. Năm 1946, Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán. Năm 1951, Đại hội Đảng lấy lại tên “Đảng Lao động Việt Nam” mà không còn Đảng Cộng sản Đông Dương nữa. Bác nói “Đảng là Đảng Việt Nam”, “Đảng của nhân dân Việt Nam”.

Vậy câu thơ “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” cũng có thể được hiểu như tôi đã trình bày ở trên. Lịch sử Đảng ta đã được Bác dịch thành công ; “Dịch, tức là chuyển dịch, xê dịch (remove): thay đổi hoặc làm thay đổi vị trí trong khoảng cách ngắn” (Từ điển Tiếng Việt, Sđd).

Ngày 2/9/2015

Chú thích:

(1) : Tôi có đọc đâu đó, là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (Bonsevic) Liên Xô bằng tiếng Trung Quốc được Bác rút gọn, phóng tác (adapt) và tóm tắt. Có lẽ hợp lý hơn, vì “làm tài liệu học tập cho cán bộ” trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ không ai lại bê cả cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, mà “tài liệu học tập” thì phải ngắn gọn, cô đúc…là hợp với tác phong của Bác.

(2) : Xem thêm Hoàng Chí Bảo, Minh triết Hồ Chí Minh, tạp chí Văn hóa học, Số 1.2012

(3) : Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn hóa Thông tin, 2001, tr129

(4) : Chánh cương vắn tắt của Đảng, Hồ Chí Minh -Tuyển tập,Tập 1, Sđd. Tr465

(5) : Hồ Chí Minh, Sđd. Tr 647.

(6) : Hồ Chí Minh, Sđd. Tr 469.

(7) : Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Nxb Sự thật. Tr 38, 39, 40. 

(8) : Trong quá trình học tập, Bác và các đồng chí lãnh đạo chọn 5 người để kết nạp vào “Thanh niên cộng sản đoàn” gồm Trần Phú, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình và tôi (tức Phan Trọng Quảng).

Lớp học kết thúc thì tất cả anh em học viên đều được kết nạp vào “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Lễ kết nạp được tổ chức trước mộ Phạm Hồng Thái” (Hoàng Thanh Đạm, Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Lý luận Chính trị, 2005. tr 218, tr 152).

(9) : Văn kiện Đảng 1930 - 1940, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng 1977, tr 84, 85 và 87 (theo Đào Phan, Tạp chí Xưa và Nay số 327 - 329, tháng 4-2009).

(10) : Hoàng Thanh Đạm, Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước, Nxb Lý luận Chính trị 2005, tr 218, tr 152.

(11) : Đào Phan, Tạp chí Xưa và nay, Tài liệu đã dẫn.

Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy