Một số vấn đề về bình thơ ở Việt Nam
VNTN - Những năm qua, hoạt động bình thơ ở Việt Nam khá phát triển. Những bài bình thơ được đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí, công bố trên làn sóng đài phát thanh, cả trên những tờ báo, tạp chí ngoài văn chương. Nhiều cuốn sách gom tuyển những bài bình thơ đã được xuất bản. Hơn thế, còn có những cuộc thi về bình thơ .v.v.. Tuy nhiên, rất ít khi có những ý kiến, những bài viết bàn về hoạt động bình thơ và những bài bình thơ.
Lựa chọn tác phẩm là bước quan trọng đầu tiên để bình thơ. Tìm được và tìm đúng thơ hay là điều kiện hàng đầu giúp người bình có thể viết được bài bình thành công. Nếu tìm chọn bài không hay thì bài bình sẽ kém giá trị, thậm chí là vô ích. Ngoài việc hưởng lại sự tìm chọn của người đi trước hoặc những sáng tác nổi tiếng đã được thừa nhận hiển nhiên, thì công việc tìm đọc và chọn thơ của chính tác giả bình là một loại lao động sáng tạo, nó vừa mang tính sức lực, cơ học vừa mang tính trí tuệ, tình cảm. Không có sự hiểu biết nhất định về văn hóa, văn chương nói chung và thơ nói riêng, không có tình yêu đằm thắm đối với thơ ca thì khó tìm chọn được tác phẩm xứng đáng để bình. Tìm chọn những sáng tác không phù hợp với khả năng bình của mình ắt dẫn đến thất bại. Cũng cần nói rằng, không chỉ người bình chọn bài thơ mà bài thơ còn chọn người bình. Cho nên, năng lực đọc - hiểu và cảm thụ thơ sâu sắc hoặc tinh tế rất cần đối với người bình thơ.
Cùng lúc, tác giả bình thơ phải tạo ra hai mối liên hệ đồng cảm: đồng cảm với bài thơ (cùng tác giả của nó) và đồng cảm với người đọc. Mối đồng cảm thứ nhất nhằm mục đích bình cho tốt, mối đồng cảm thứ hai nhằm mục đích giúp người đọc sẻ chia với mình, tán thành bài bình, qua đó góp phần bồi đắp, nâng cao chất lượng xúc cảm thẩm mỹ của người đọc khi hưởng thụ, tiếp nhận bài thơ. Tại đây, bài bình tạo ra cùng lúc ba loại tiếp nhận văn chương: tiếp nhận của người bình đối với tác phẩm thơ, tiếp nhận của người đọc đối với bài bình, tiếp nhận của người đọc tác phẩm thơ. Lao động của tác giả bình vừa là lao động khoa học, vừa là lao động sáng tạo văn chương.
Người bình thơ cần căn cứ vào văn bản tác phẩm, đó là nguyên tắc. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp, ý đồ nghệ thuật của tác giả và tinh thần, tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm lại không hiển lộ trên mặt ngoài câu chữ của bài thơ. Những yếu tố ám chỉ - biểu tượng, ẩn dụ, nghịch dụ, đa nghĩa, sự mơ hồ, mạch ngầm của tứ thơ, ý thơ luôn luôn thách thức năng lực khám phá của người bình.
Những năm qua, việc áp dụng một phần các phương pháp cấu trúc, thi pháp học, tiếp nhận, chú giải học, phê bình mới, v.v. vào bình thơ ở một mức độ nhất định, phù hợp với thực tế sáng tác ở Việt Nam, đã khiến một số tác phẩm bình thơ đạt tới trình độ chuyên nghiệp hóa.
Cách tiếp cận tác phẩm ở mỗi tác giả khi đến với từng bài thơ là khác nhau, sao cho phù hợp với sở trường, thế mạnh của mình. Trên đại thể, có ba cách tiếp cận chính: tiếp cận loại hình và thể loại, tiếp cận cấu trúc bề mặt tác phẩm và tiếp cận trực tiếp ý nghĩa tác phẩm.
Tiếp cận loại hình và thể loại: Đây là bước đầu tiên người bình giáp mặt với văn bản bài thơ. Đây là cách tiếp cận bắt buộc, tuy rằng nó mang tính cơ học. Trước hết, người bình cần xem bài thơ thuộc loại hình nghệ thuật nào, nhằm định hướng về tâm lý và tri thức. Chẳng hạn: Đây là bài thơ trữ tình (trữ tình chung, trữ tình chính trị - công dân, hoặc thơ tình yêu đôi lứa); Đây là bài thơ viết cho thiếu nhi (tránh nhầm lẫn viết cho và viết về thiếu nhi); Đây là bài thơ dịch thơ hiện đại; Đây là bài thơ dịch thơ cổ: Nôm, Hán.v.v.. Phân biệt loại hình tác phẩm trước khi bình là việc làm cần thiết, bởi vì khả năng bình, cách bình, giọng điệu bình không thể giống nhau đối với tất cả các tác phẩm. Thí dụ giản đơn là người bình tiếp cận bài thơ dịch sẽ không có tâm lý, tri thức hoặc xúc cảm giống hệt như tiếp cận bài thơ của tác giả người Việt Nam, hoặc bình một bài thơ châm biếm, trào phúng cũng khác bình một bài thơ trữ tình.v.v.. Hơn nữa, người bình thơ cũng không thể không quan tâm đến thể loại thơ. Có người bình được nhiều thể loại, có người lại chỉ quan tâm đến một thể loại. Thể loại góp phần lớn làm nên phẩm chất thẩm mỹ của thơ ca. Thể loại nào cũng có nhạc điệu riêng của nó và là yếu tố góp phần làm nên điệu tâm hồn riêng của tác giả. Bình thơ lục bát khác với bình thơ tự do hoặc thơ văn xuôi. Thơ ngắn, thơ bốn câu cần một cách bình riêng bởi nó súc tích, nếu tác giả không có năng lực thẩm thơ tốt, hoặc cách tiếp cận kém, suy nghĩ nông cạn thì viết được mấy dòng là hết (đấy là chưa nói đến sự hiểu biết về thơ tứ tuyệt cần được trang bị cẩn thận từ trước). Trường ca, truyện thơ và thơ dài ít được bình (bài bình trường ca, truyện thơ và thơ dài thường chuyển thành bài phê bình). Thể thơ phân đoạn truyền thống bốn câu nối dài tương đối dễ bình đối với nhiều người nhưng cũng dễ sa vào đơn điệu, nếu tác giả bình lười biếng.v.v.. Cũng nên lưu ý đến trường hợp nhiều thể loại cùng có mặt trong một tác phẩm.
Tiếp cận cấu trúc bề mặt tác phẩm: Không có qui định nào buộc người ta phải bình tất cả bài thơ từ câu đầu tới câu cuối. Sáng tác là tự do, có thể mở đầu đột ngột, kết thúc lửng lơ. Người bình thơ cũng có thể bình một câu, vài ba câu, một đoạn, một khổ thơ bất kỳ nào đó trên văn bản bài thơ, đặt chúng trong toàn bộ bài thơ, miễn là số lượng từ bình cần bảo đảm đủ yêu cầu của một tác phẩm bình thơ trong quan hệ tương ứng hợp lý với bài thơ. Thí dụ, đơn vị tác phẩm thơ nhỏ nhất là một câu thơ (Tôi đứng về phe nước mắt - Dương Tường) thì không thể chỉ dùng một câu văn ngắn thông thường để bình. Một câu có thể là một tác phẩm thơ ở dạng đặc biệt, nhưng khó chấp nhận một tác phẩm bình chỉ vẻn vẹn là một câu văn với ngữ pháp và độ dài thông thường. Ngay cả dăm ba câu thông thường cũng khó được chấp nhận là một tác phẩm bình thơ văn, mà chỉ xem như là một ý kiến ngắn. Những lời phát biểu ngắn ngủi ấy chỉ được xem như một đôi lời trong cuộc trò chuyện thơ ca, không phải là một đơn vị văn bản bình thơ hiện đại. Việc bình vài ba câu trong bài thơ xảy ra nhiều. Có khi lời bình ấy được trình bày trọn vẹn trong một bài bình thơ, có khi nó xen vào trong một bài báo, một tiểu luận về thơ, về văn học nói chung. Cũng có nhiều trường hợp, bài bình nói về cả bài thơ nhưng dừng lại rất lâu ở một vài câu, vài đoạn nào đó mà lướt qua những câu, đoạn khác.
Sự phân biệt những cách tiếp cận khác nhau chỉ là tương đối. Trên thực tế, có tác giả cùng lúc tiếp cận bài thơ bằng hai ba hoặc thậm chí tổng hợp nhiều cách tiếp cận.
Phong cách thưởng thức phổ thông: Tại đây, những bài thơ được bình là những sáng tác hay nhưng thường là dễ hiểu như thơ tình, thơ châm biếm, thơ dành cho thiếu nhi... Thơ và bài bình đều phục vụ đối tượng bạn đọc rộng rãi, trình độ vừa phải nhằm giải thích vẻ đẹp, ý nghĩa của bài thơ.
Phong cách học đường: Những tác giả bình thơ là những nhà giáo thường thường làm theo phong cách học đường. Những bài bình của họ thiên về qui phạm, mực thước, chi tiết, ít chất bay bổng. Họ cũng hay có những dòng liên hệ tác giả với cuộc đời, đề cập hoàn cảnh ra đời của tác phẩm... Học sinh tham khảo được ở những bài bình ấy về ngôn ngữ thơ, các biện pháp tu từ, v.v...
Phong cách nghệ sĩ: Giàu cảm xúc, nhiều liên hệ lý thú về đời thơ, nghề thơ, kinh nghiệm sáng tác hoặc đi sâu vào một khía cạnh của bài thơ là nét riêng thuộc phong cách bình thơ nghệ sĩ. Đọc những bài bình này có khi thấy hay hơn cả bài thơ.
Phong cách hàn lâm: Tránh kể lại bài thơ một cách thật thà, đi sâu vào các tầng tầng lớp lớp của tác phẩm thơ, giải mã những bài thơ hay mà khó hiểu, là cách làm của những nhà bình thơ theo phong cách hàn lâm. Những bài bình thơ của họ rất công phu, bàn sâu vào thi pháp thơ, không ít bài rất dài, tựa như một tiểu luận. Những bài bình dạng này đôi khi lấn sang địa hạt khảo cứu, đạt tới giá trị khoa học cao.
Cách phân loại như trên chỉ mang tính tương đối, bởi thực tế không ít trường hợp có sự giao thoa giữa các phong cách. Phong cách học đường và phong cách hàn lâm dễ lẫn vào nhau nếu bình thơ theo hướng thi pháp học. Ở một số trường hợp, phong cách học đường gần gũi với phong cách thưởng thức phổ thông khi bình thơ viết cho trẻ em.v.v..
Bình thơ ở Việt Nam - một số đóng góp và hạn chế
Như chúng ta đã biết, bình thơ hiện đại Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ XX với Thế Lữ (Lê Ta) và một số tác giả khác trong và ngoài Tự lực văn đoàn mà phương tiện đầu tiên chuyển tải văn bản là các báo “Phong hóa” và “Ngày nay”. Sau đó, vào gần giữa thế kỷ, nhà văn hóa, nhà phê bình văn học Hoài Thanh (cùng Hoài Chân) là người chính thức mở đầu mang tính chuyên nghiệp, tính hiện đại về bình thơ với tác phẩm nổi tiếng Thi nhân Việt Nam. Những năm từ 1945 đến 1965 hoạt động phê bình văn học nói chung và phê bình thơ nói riêng dần dần phát triển, tuy nhiên, riêng về bình thơ theo hướng hiện đại thì phát triển chậm. Rất nhiều cuộc nói chuyện thơ nhưng lại không nhiều những bài bình thơ được đăng báo, in sách, chất lượng bài bình hạn chế. Có thể ở những năm tháng ấy, người ta coi trọng phong trào sáng tác, chú ý nhiều hơn vào các tập thơ, còn những bài thơ thì không phải bài nào hay cũng được nhìn nhận thẩm định, bình giá một cách nghiêm túc, sâu sắc. Từ giai đoạn chống Mỹ cứu nước đến thời kỳ Đổi mới và đến nay, bình thơ đã trở thành một hoạt động sáng tạo thường xuyên, sôi nổi, đa dạng. Hàng trăm tác giả bình, hàng nghìn bài bình được in, nhiều chục cuốn bình thơ và nhiều cuốn sách trực tiếp hoặc gián tiếp bàn về bình thơ. Những cuộc nói chuyện thơ đã đạt đến số lượng hàng nghìn, mà chất lượng và cách thức đã khác nhiều và cao hơn so với thời "nói chuyện thơ kháng chiến".
Hoạt động bình thơ càng về thời gian gần đây càng sôi nổi, càng hướng tới chuyên nghiệp. Các cuộc nói chuyện thơ vẫn còn diễn ra, nhưng do việc công bố tác phẩm bằng phương tiện in (hoặc tải trên mạng Internet) đã quá dễ dàng cho nên sản phẩm bình thơ tồn tại dưới phương thức bản in nhằm trở thành tác phẩm bình thơ hiện đại đã trở nên phổ biến.
Thơ hay nói riêng và nền văn học nói chung đã được tôn vinh phần lớn từ những bài bình có chất lượng. Tính chuyên nghiệp của những bài bình thơ đã được nâng cao nhiều bởi các tác giả đã kịp thời được bổ sung những tri thức mới, lý luận mới về thơ.
Theo sự khảo sát của chúng tôi, có thể chưa phù hợp hoàn toàn với thực tế, thì ngoài những người bình ngẫu hứng đôi ba bài (với trình độ chuyên hoặc không chuyên nghiệp), thì có khoảng gần năm mươi tác giả bình thơ, họ là nhà bình thơ chuyên nghiệp hoặc thường xuyên bình thơ ở những khoảng thời gian nhất định nào đó. Trước tiên, vừa đi đầu, mà có thành tựu là Thế Lữ, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông... Tiếp sau, chúng ta có thể tạm phân nhóm. Nhóm nhà giáo đại học và giáo viên phổ thông gồm: Hà Minh Đức, Lê Trí Viễn, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Vũ Nho, Mã Giang Lân, Đinh Trọng Lạc, Lê Quốc Hán, Hoàng Tiến Tựu, Lê Bảo, Nguyễn Ngọc Trứ, Nguyễn Đức Quyền, Lê Xuân v.v. Nhóm nhà nghiên cứu, phê bình có: Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, v.v. Nhóm nhà sáng tác văn chương có: Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Vân Long, Nguyễn Bùi Vợi, Anh Ngọc, Phạm Khải, Trinh Đường, Phạm Hổ, Lê Xuân Đức, Nguyễn Ngọc Phú, Vũ Bình Lục, Lê Huy Hòa, Thanh Ứng, Phạm Đình Ân, v.v.. Danh sách này chắc chắn chưa đầy đủ. Cách phân nhóm cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Ngay cả bình thơ và phê bình thơ cũng không thể luôn luôn được phân biệt rạch ròi ở từng tác giả, từng bài viết, từng cuốn sách.
Tuy nhiên, vấn đề bình thơ hiện đại của chúng ta cũng còn một số hạn chế: Bỏ sót một số bài thơ hay đáng được bình (Nhiều bài thơ đoạt giải trong các cuộc thi quan trọng hoặc được in trong các tập tuyển tiêu biểu còn bị bỏ qua); Không ít những bài thơ không hay lại được bình, đề cao thiếu căn cứ, tô vẽ thêm những giá trị ngoài tác phẩm, lãng phí lời khen, nặng về cảm tính; Bài bình kém chất lượng học thuật, thiếu tính chuyên nghiệp, sơ sài, nông cạn, mới dừng lại ở mức kể lại, giải thích bài thơ, không xứng tầm bài thơ, chứng tỏ tác giả non yếu hoặc ngại khó khăn trong lao động nghề nghiệp; Tác giả bài bình né tránh việc giải mã bài thơ vào loại khó hiểu; Ít phát hiện được cái hay của những bài bị xem là bình thường hoặc tìm ra cái khác lạ, mới mẻ của những bài hay quen thuộc; Cách diễn đạt bài bình chưa đổi mới, còn lặp lại lối mòn; Nhiều tác giả chuyên nghiệp chưa kịp trang bị kiến thức mới mẻ về lý luận văn học nói chung và lý thuyết tiếp nhận văn chương nói riêng, khiến bài bình nông cạn, mòn cũ, hoặc ngược lại - áp dụng lý thuyết nước ngoài vào bình thơ một cách khiên cưỡng, khiến bài bình lạc lõng, vô tình gây tổn hại đến bài thơ; Đây đó có tình trạng bình thơ lạm phát gần như sáng tác thơ (người người làm thơ, người người bình thơ), làm nhiễu loạn giá trị phê bình văn học và sáng tác thơ; Các cơ quan, hội đoàn văn học ít tổ chức các cuộc bình thơ, nhằm nâng cao hoạt động này đồng thời tôn vinh thơ ca.
*
Phạm Đình Ân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...