Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:59 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn

Lý sự thời “a còng” 

Thằng Quít đang nghe điện thọai, bỗng vất máy xuống giường, kêu lên:

- Ôi, tôi sắp được làm bố rồi. Ha ha…

Dứt lời, nó chạy huỳnh huỵch xuống tầng dưới, miệng cuống quít gọi bố. Ông Cam đang xem ti vi, thấy con la lớn, thì chột dạ, không hiểu chuyện gì. Nó ào đến trước ông, miệng líu lại:

- Bối ơi, con sắp có con rồi!

- Cái gì?

- Con với cái Linh yêu nhau. Nó vừa nói là chúng con sắp có con...

Ông Cam kinh ngạc, mắt trợn tròn, miệng há hốc, không nói được gì. Ly nước trên tay ông rơi xuống nền nhà, vỡ vụn. Thằng Quýt đang trong trạng thái phấn khích, thấy bố như vậy, thì tiu nghỉu bỏ đi.

Nó chán nản, trở về phòng. Trong đầu nó cộm lên bao thắc mắc: Có gì mà bố phát hoảng lên thế chứ? Bây giờ trai gái yêu nhau, có con trước hôn nhân, đâu còn là chuyện lạ? Sao bố phải làm khó cho nó chứ? Lâu nay nó vẫn nghĩ, ở bố có một cái gì đó, thật khó gọi tên, làm cho tình cảm bố con cứ xa vời vợi. Bây giờ trong đầu nó, ý nghĩ ấy lại trỗi dậy. Nó còn cho rằng, chính cái điều ấy, đã khiến mẹ nó, anh nó, và chị nó lần lượt bỏ nhà ra đi…

Nó nhớ rất rõ, hôm ấy mẹ đã ôm nó vào lòng, dặn:

- Mẹ sắp đi xa. Mẹ đi rồi, con phải nghe lời bố. Bố thương con lắm, luôn mong con là người tốt.

Nó ngây thơ hỏi:

- Vậy mẹ có thương con không?

Mẹ xoa đầu nó, bảo:

- Có chứ! Mẹ cũng thương con như bố.

- Thế sao mẹ lại đi?

Mẹ quay mặt ra ngoài, bảo bị bụi vào mắt, đoạn nói:

- Bố là người nhà Trời, xuống hạ giới giúp người trần. Rồi bố thương yêu và lấy mẹ làm vợ, sinh được các con. Nay mẹ có nhiều lỗi, sợ bố buồn, nên mẹ đi.

Nó hồn nhiên khoe:

- Hôm qua con nghe thấy bố mẹ cãi nhau nhá!

Mẹ giật mình, bảo:

- Ấy không, bố mẹ “Tranh luận” chứ! Mà con đã nghe thấy gì nào?

Nó đặt ngón tay trỏ lên miệng, ra điều giữ bí mật, rồi nói lảng sang chuyện khác. Hôm sau nó thức dậy, thì mẹ đã đi rồi. Năm ấy nó vừa sáu tuổi, bắt đầu đi học. Sau này nghĩ lại, nó đoán việc mẹ ra đi, có liên quan đến cuộc “tranh luận” ấy.

Mẹ đi ít lâu, thì một buổi tối anh Chanh nói với bố:

- Con chán học rồi.

Bố hỏi:

- Vì sao?

- Chẳng sao cả. Ngày nào con cũng bị cô giáo kể tội. Ê mặt lắm.

Bố cười lớn:

- Tưởng gì? Vì con có tội nên cô mới kể. Con tử tế, thì lấy đâu ra tội để cô kể chứ?

- Vâng, đúng là tại con… Nhưng sao những đứa khác cũng thế, thì cô không nói gì? Sao con làm được việc tốt, thì chẳng ai khen? Bố xem, tháng trước con cứu hai người khỏi chết đuối, có ai khen đâu? Vậy mà những đứa khác, chuyện nhỏ xíu, thì lớp khen, rồi trường khen…

Ngừng một lát, anh Chanh nói tiếp:

- Giá ngày ấy, bố nghe lời mẹ…Tết đến mẹ bảo, làm cái phong bì chúc tết cô chủ nhiệm. Bây giờ người ta làm thế cả. Mình không làm, nó trơ ra, thì khó cho con. Bố phản đối, bảo làm thế cô phê bình cho. Thế rồi bố đạp xe đi cả buổi sáng, mua được một quyển lịch. Con thấy quyển lịch đó rất đẹp và có lẽ cũng không ít tiền. Con mang quyển lịch ấy đi chúc tết cô. Đến bây giờ, và có lẽ cả đời mình, con không quên được cái lần đi chúc tết ấy. Khi con đến nhà cô, đã thấy nhiều bậc cha mẹ cùng con họ ở đó. Họ tặng cô hoa, trong đó có cài phong bì. Họ nói những lời chúc tụng thật văn hoa. Cô vui lắm. Chờ mọi người về rồi, con mới rụt rè, hai tay cằm quyển lịch đưa cô, miệng lí nhí nói lời chúc tết. Cô bảo: “Lại lịch à? Nhà cô có nhiều rồi, cô gửi lại em”. Ôi, không hiểu sao, con không khóc, mà nước mắt cứ trào ra. Con lủi thủi ra về, lòng trĩu nặng.

Bố im lặng, chỉ ngồi uống nước lạnh. Rồi anh Chanh nói như người lớn:

- Chuyện của con không làm lại được nữa. Bố nên rút kinh nghiệm mà lo cho các em con. Ở đời, người nào thiếu học, thì sẽ thiếu nhiều thứ. Mà cái sự học, thì bao giờ cũng phải cần đến Thầy. Vì thế, người xưa mới khuyên: Muốn con hay chữ, thì “yêu” lấy thầy. Con nghĩ điều đó xưa đã đúng, bây giờ vẫn đúng.

Bố nghiêm mặt lại:

- Con nghe cho rõ đây: Từ nay bố cấm con nói về thầy, về cô bằng cái giọng như vậy, nhá.

Anh Chanh nhăn mặt rồi kịt mũi một cái. Đó là cử chỉ thường thấy ở anh mỗi khi có gì không bằng lòng.

- Sao bố hay cấm thế? Cấm nhiều, đã chắc gì là tốt? Mà bố cấm được con nói, chứ có cấm được con nghĩ không?

Bố đập tay xuống bàn, quát lớn:

- Còn lý sự hả? Không thích học, thì nghỉ. Không ở nhà, thì đi bụi. Cái loại học trò như con, ra khỏi trường không ai tiếc.

Anh Chanh hơi cúi đầu, nói nhỏ, như chỉ để cho mình nghe:

- Vâng, bố đã nói vậy, thì từ mai con bỏ học. Bố cũng không phải lo cho con đâu.

 Thế rồi anh Chanh bỏ nhà đi thật. Có người bảo anh đi làm thuê cho cai vàng ở tận Thần Sa, thuộc tỉnh Thái Nguyên. Từ đấy không có tin tức về anh.

Năm ngoái chị Bưởi tốt nghiệp đại học, giục bố đi xin việc. Chờ lâu chẳng thấy động tĩnh gì, chị nói với bố:

- Bố ạ, quá nửa số sinh viên lớp con đã có việc làm rồi. Bây giờ con chỉ muốn được đi làm thôi. Bố cố lo cho con đi. Việc gì và ở đâu cũng được. Miễn là được đi làm.

Bố cắt lời chị:

- Được rồi. Con giục ít thôi.

Lâu lâu, vẫn thấy bố im lặng, chị lại nói:

- Lớp tuổi chúng con bây giờ, phần lớn phải do bố mẹ tìm việc làm cho. Kể ra, một người đến tuổi lao động, có một chỗ làm việc, là điều bình thường. Nhưng vì hiện giờ người nhiều, việc ít, nên mới có chuyện mạnh ai nấy lo. Những đứa có bố mẹ làm to, thì dù học hành thế nào, cũng sẽ có người mời làm việc; mà việc tử tế, nhiều người mơ cũng chẳng được. Những đứa bố, mẹ làm bé hơn, thì họ dựa vào quyền chức để lo; mỗi người mỗi cách, ổn cả. Những người không có chức quyền, hoặc có mà không muốn dùng, thì phải bỏ tiền ra. Rút cục, bây giờ chỉ có hai lựa chọn, là dùng quyền hoặc dùng tiền. Bố xem, cách nào thì cách, lo sớm cho con đi. Chẳng lẽ con cứ chơi không thế này mãi sao?

Bố mắng chị là ăn nói hàm hồ, rằng mới tý tuổi đầu mà đã thở ra đầy giọng tiêu cực. Chị cãi lại:

- Sao bố cứ mắng át con đi thế? Bạn con đó, đứa nào cũng khoe tài của bố mẹ mình. Có đứa được bố nó nhận thẳng vào cơ quan của mình. Có đứa bố giữ ý, không muốn cha con cùng cơ quan, thì làm cuộc trao đổi tay đôi, tay ba với người khác. Những đứa bố mẹ không có quyền, thì bỏ tiền ra. Thôi thì đủ kiểu. Ai có lợi thế gì, thì phát huy cái đó, tinh vi và hiệu quả. Chẳng lẽ chuyện sờ sờ ra đó, mà bố còn cho là hàm hồ sao?

Bố tức giận, nói như quát:

- Con có im đi không? Những điều con vừa nói, có khác gì những chuyện ở vỉa hè, xó chợ không?

Chị Bưởi càng ấm ức, cãi tiếp:

- Nhưng đó sự thật. Con dẫn chứng một trường hợp kẻo bố bảo là con bịa chuyện. Ấy là đứa bạn con, có bố là giám đốc cơ quan gì mà chuyên đi thanh tra, kiểm tra các nơi ấy. Nó kể rằng: Một lần nó chỉ nói với bố là thích làm ở ngành nọ. Ngay tắp lự, bố nó tuyên bố xanh rờn: “Con sẽ được toại nguyện”. Thế rồi chừng một tháng sau, có quyết định của ngành đó,  nhận nó vào làm việc thật. Hôm ấy bố nó rất vui, bảo: “Vì chị mà tôi phải ra tay đấy”. Chúng con khen bố nó giỏi. Nó bảo: “Chuyện nhỏ như con thỏ!”. Này nhá, bây giờ vào đâu thanh tra, kiểm tra mà chẳng thấy vi phạm? Không vi phạm điều này, thì vi phạm điều khác. Dĩ nhiên vi phạm thì phải xử lý. Đến lúc ấy, nếu bố tớ “gia ân” thì người kia phải “báo đáp”. Chuyện chỉ đơn giản thế, có gì mà giỏi chứ? Nó còn khoe rằng, nhà nó cả trai, gái, dâu, rể có hơn mười người. Thế mà bố nó đã đưa được tất cả vào những nơi người ta cho là “Thơm ngon, bổ dưỡng” nhất. Hôm nhận quyết định nghỉ hưu, bố nó tự hào rằng, đã “để phúc lại cho con”. Phúc, theo ý ông ấy là việc làm. Vào lúc này, ai có việc làm, đúng là có phúc. Việc càng tốt, phúc càng dày. Bởi công việc, chính là thu nhập và địa vị xã hội mà.

Bố im lặng, bỏ về phòng. Hôm sau bố đi đâu đó, lúc về mang theo túi quà và một chiếc phong bì. Chị Bưởi bóc ra, đếm được một triệu. Chị nói kháy:

- Bố biết nhận quà và phong bì rồi đấy!

Bố bảo:

- Không đâu. Đây là quà của một người bạn của bố. Một lần được bố cứu cho thoát nạn, nên chú ấy vẫn coi bố là ân nhân. Hiện chú ấy làm giám đốc sở ở tỉnh bạn. Bố đến xin cho con về làm ở đó, nhưng rất tiếc nơi chú ấy chưa có biên chế.

Nghĩ đến việc làm, thì chị giục bố. Khi thấy bố lặn lội vất vả, thì chị rất thương. Chị lại kiên nhẫn đợi chờ. Một tháng sau, bạn của chị Bưởi khoe đã tìm được việc. Hỏi ra, thì đúng cái sở bố đã đến xin cho chị hồi tháng trước. Chị nói với bố:

- Cái ông bạn của bố, coi bố là ân nhân ấy, tuần trước đã nhận năm mươi triệu của đứa bạn con, rồi làm thủ tục nhận nó ngay. Bố thấy đấy, ông ta đã tính, thà mất cho bố một triệu, để giữ lấy chút tình, còn hơn nhận con bố để rồi mất cả mấy chục triệu.

Bố quát lớn:

- Nói láo! Chú ấy không phải hạng người như vậy.

Chị nhếch mép cười:

- Trong mắt bố, thì có ai không tốt đâu? Nếu có người không tốt, thì đó là vợ, là con của bố. Nhưng lạ thay, sao bố không làm như những người tốt ấy, để vợ con bố được nhờ? Bố nghĩ xem: Vì sao con bố học xong, có bằng giỏi hẳn hoi, thì không tìm được việc, trong khi con người ta thì…Bố thiếu cái gì chứ? Quyền hay tiền? Về quyền, mấy chú cơ quan bố bảo, những gì bố đang có, nếu vào tay người khác, họ đã làm nên nhiều chuyện. Một chỗ làm việc cho con, thì có đáng gì? Còn tiền, con biết với mức lương cấp tá của bố, chuyển sang lương hành chính cũng tương đương. Tuy không giầu có gì, nhưng bố vẫn có thể lo được việc cho con. Vậy thực chất bố thiếu gì? Con nghĩ, cái bố thiếu chính là sự thức thời và trách nhiệm với con mình. Bố thử quan sát rộng ra mà xem, từ ông to đến bà lớn, có ai không phải dùng “nội lực” của mình, để lo cho con họ một chỗ ngồi hẳn hoi không? Vậy sao bố không làm như họ mà “để phúc” lại cho con mình?

Trông bố thật tội nghiệp. Nó giận chị Bưởi. Sao chị lại trở nên nanh nọc như vậy? Bố lo cho chị ăn học, bây giờ có nhiều lý sự, chả dùng vào việc gì, lại mang ra làm khổ bố. Nó tưởng bố sẽ nổi nóng. Nhưng không. Giọng bố bình thản đến bất ngờ:

- Con nói đúng. Bố đã thiếu trách nhiệm với con. Bây giờ đủ lông, đủ cánh rồi, con hãy tự lo cho mình đi. Bố nghĩ, hằng năm có cả triệu con người bước vào đời. Trong số ấy, có một số ít được bố mẹ lo cho. Số còn lại phải tự vận động. Con nghĩ xem, công nhân, nông dân và dân thường khác, thì làm gì có quyền, có tiền và các mối thân quen để lo cho con họ? Thế mà có ai chết đói đâu. Vậy con hãy làm như họ mà tồn tại và phát triển. Bố không thể.

Chị tuyên bố:

- Vâng, bố đã nói thế, thì con tự lo.

Nói rồi chị vào phòng, đóng chặt cửa thút thít khóc. Hôm sau chị đi. Có người bảo thấy chị làm tiếp viên tại một nhà hàng Caraoke ở một thành phố lớn.

*

Lại một mùa thu nữa đến. Cây sung trước nhà nó lại trút lá già. Ngồi trong nhà, nhìn những chiếc lá chao chao rồi rơi rải rác xuống sân, lòng nó chạnh buồn. Những lúc ấy, nó thấy nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ chị đến cháy lòng. Đôi lúc nó nghĩ phải đi tìm mẹ, tìm anh, tìm chị. Nhưng họ như cá nước, chim trời, biết đâu mà tìm. Một lần có người bảo mẹ nó hiện làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, giầu có lắm. Anh nó đi du học nước ngoài, sắp về. Chị nó làm việc ở một cơ quan danh tiếng, sắp lấy một người đầy quyền lực. Nó nửa tin, nửa ngờ. Chợt một ý nghĩ mơ hồ hình thành trong nó, rằng, mẹ đang ở đâu đó, rất xa mà cũng rất gần. Mẹ vẫn dõi theo cuộc sống của bố con nó. Chuyện anh Chanh, chị Bưởi, chắc phải có bàn tay của mẹ. Nếu đúng vậy, thì đến lượt nó sẽ thế nào?

Bây giờ nhà chỉ còn hai bố con, xuất lương của bố, chỉ phải chi cho hai người, nên có phần rộng rãi hơn nhiều nhà khác. Còn về tình cảm cha con, thì không thay đổi nhiều. Bố vẫn đi sớm, về muộn; lúc nào cũng bận việc cơ quan. Chỉ buổi tối bố mới ở nhà, nhưng bố con cũng ít chuyện trò. Ngày bố nghỉ chế độ, chẳng mang theo gì ngoài quyển sổ lương hưu và một nét mặt thanh thản. Cuộc sống hằng ngày, bố vẫn giản dị tới mức khắc khổ. Nó nghĩ: “Bố muốn thế, thì được thế”. Rồi nó lại thấy mình bất nhẫn.

Hôm vừa rồi tình cờ nó gặp bác An. Bác đã nói nhiều về bố nó. Thì ra bác An và bố có nhiều cái “cùng” lắm: Cùng là bí thư Đoàn ở cơ sở công nghiệp từ cái thời được coi là sôi động vào loại nhất của hoạt động Đoàn; rồi hai người cùng vào Đảng một năm, cùng nhập ngũ, cùng vào chiến trường và cùng ra quân một đợt. Chỉ khác, bác An thì phục viên, còn bố nó thì chuyển ngành. Bác An khen: Bố nó làm “quan” to, mà vẫn sống bình dân như thời còn là lính chiến. Bác kể, mới rồi bố đến chơi, bác đùa: Ông lên chương trình “Người đương thời” của Đài Truyền hình đi. Bố nó bảo: Khi nào có chương trình “Người lỗi thời” thì mình lên. Hai người cùng cười, rồi uống rượu suông, nói chuyện thời cuộc và chuyện gia đình. Bố nó phàn nàn, con cái bây giờ lại chê bố mẹ lỗi thời. Bác An tâm sự: Con tôi cũng bảo tôi như vậy. Chúng nó nói thế, hoá ra mình đang cản trở bước tiến của đất nước, của xã hội hay sao?

Chợt bác An nhìn thẳng vào mặt nó, bảo:

- Con ạ, bác là người hiểu rất rõ bố con. Có thể nói bố con đã cống hiến cho đất nước như một người anh hùng và đã sống gần trọn cuộc đời không có gì phải hổ thẹn. Con có quyền ngẩng cao đầu mà tự hào về bố mình…

Nó thật sự xúc động trước những lời của bác An. Đây là lần đầu trong đời, nó được nghe người khác nói về bố mình như vậy. Nhưng nó lại nói:

- Bác ạ, bây giờ người ta tự hào về công danh, phú quí, chứ mấy ai tự hào về cống hiến và lối sống đâu ạ?

Bác An ôn tồn:

- Mặc người ta, con ạ. Mỗi người có lẽ sống của mình. Vẫn biết công danh, phú quí vốn là những thứ xưa nay người đời theo đuổi. Bác nghĩ, quyền cao, chức trọng mà đức, tài tương xứng hay giầu sang, phú quí mà do tài trí làm nên, thì đáng tự hào lắm chứ. Nhưng cái thứ chức quyền đạt được bằng luồn lách, bán mua; cái thứ giầu sang có được bằng gian lận và ăn cắp, thì có gì đáng để tự hào đâu? Cháu thử nghĩ xem, phàm là những người còn biết xấu hổ, thì có ai dám tự hào trong sự dè bỉu của mọi người không?

Nó hạ giọng:

- Vâng, về lý thuyết thì như vậy. Nhưng tuổi trẻ chúng cháu lại thường trông vào thực tế để nhận diện cuộc sống. Có biết bao nhiêu chuyện, lý thuyết thì một đằng, hiện thực lại một nẻo. Bác bảo chúng cháu phải hiểu thế nào?

Bác An cười độ lượng:

- Nói chuyện với cháu thú vị đấy. Một dịp khác bác cháu mình sẽ trở lại đề tài này, nhá. Vấn đề của cháu bây giờ là chăm lo và động viên bố cháu. Đừng làm gì để ông ấy buồn. Và, hãy làm gì đi, để một ngày nào đấy, bố mẹ cháu có thể tự hào về con mình. Người làm cha, làm mẹ mà không có gì để cho con cái tự hào về mình, đã thấy buồn. Nhưng làm con mà không để cho cha, mẹ điều gì tự hào về mình, thì còn buồn hơn. Bác biết có những điều các cháu chưa bằng lòng với cha mình. Con bác cũng thế. Nhưng cuộc sống đa chiều, đa diện, mỗi người cũng cần thời gian mới nhận thức được. Mặt khác, cha mẹ nào thì cũng mong mang điều tốt cho con mình. Nếu chưa làm được như thế, ắt có lý do. Bác tin rồi có ngày các cháu sẽ hiểu điều đó.

*

Ông Cam ngồi trầm ngâm như pho tượng. Ngón trỏ tay phải của ông gõ gõ xuống mặt bàn, như để giúp cho dòng suy nghĩ của mình được mạch lạc. Thằng Quýt ngồi đối diện với ông, bất động như hòn non bộ. Nó chuẩn bị tinh thần để đón nhận những lời quở trách của ông. Nó biết đó là những lời đầy lý trí, nhưng sẽ đau như dao cứa thịt. Ông Cam nhìn con, hắng giọng. Thằng Quýt nhủ thầm: Sấm sét sắp bắt đầu.

- Con vui lắm khi biết mình sắp làm bố à?

- Vâng!

- Vậy con đã chuẩn bị cho việc đó thế nào rồi?

- Con chả chuẩn bị gì cả. Việc đến đâu, tính đến đó.

Cái lối nói năng tưng tửng của nó, lại chọc giận ông. Ông thấy trong đầu mình như có lửa; mặt ông nóng bừng bừng. Ông biết huyết áp của ông hiện đã vượt ngưỡng an toàn. Rất có thể tai hoạ sẽ ập xuống đầu mình chỉ trong giây phút nữa. Biết thế, mà đâu có dễ tránh? Ông buông tiếng thở dài:

- Xem ra việc trở thành ông bố thời nay đơn giản thật! Nó giống như con gà trống choai, sau một lần leo lên lưng con gà mái, thế là thành bố!

Thằng Quýt cảm thấy như bị một roi quất trúng mặt. Nó cúi xuống để giấu đi sự bối rối của mình. Lát sau nó khẽ khàng:

- Rút cục trong chuyện của con, bố bất đồng điều gì?

- Bất đồng ư? Còn hơn thế. Nói chính xác đó là những điều bất ổn.

Ông Cam mở tủ lấy chai nước lạnh, rót một cốc để uống. Thằng Quýt biết rõ tính bố. Những lúc có chuyện gì căng thẳng hay bức xúc, ông thường uống nước lạnh. Uống xong cốc nước, ông thong thả:

- Thứ nhất, theo luật pháp, con chưa đủ tuổi làm chồng, vậy con đã có tư cách làm cha chưa? Thứ hai, con còn sống phụ thuộc, chưa tự nuôi được mình, vậy con lấy gì để nuôi con của con? Thứ ba, làm cha, làm mẹ thì phải có nghĩa vụ dạy bảo con mình. Để làm việc ấy, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con noi theo. Vậy con đang là một tấm gương thế nào? Với tấm gương ấy, con sẽ dạy bảo con của con ra sao? Bây giờ con nói đi. Bố nghe đây.

Thằng Quýt im lặng. Nó đang nghĩ về bố. Cuộc chuyện trò với bác An, khiến nó phải suy nghĩ lại nhiều điều. Lát sau nó ngẩng lên:

- Bố nói đúng cả. Con cũng đã thấy chỗ chưa ổn của mình. Giá con được nghe bố nói sớm hơn, chắc tình hình sẽ khác. Bây giờ chuyện đã rồi, xin bố cho con một lối thoát.

Bố chậm rãi:

- Lối thoát ư? Thoát thế nào đây?

- Con xin được cưới cái Linh làm vợ... Con phải có trách nhiệm với nó... Con không thể là một gã Sở Khanh…Con không thể là một kẻ đểu cáng, đê tiện…

- Đó là lối thoát cho con. Còn lối thoát cho bố thì sao? Con biết đấy, cưới vợ cho con ở tuổi này, là vi phạm pháp luật. Bố không thể. Nhưng từ chối trách nhiệm, để mặc người ta, thì bố không nỡ. Vậy bố phải làm sao đây?

Nghe bố nói vậy, mặt nó thộn ra. Nó cũng đã hiểu phần nào tâm trạng và nỗi khổ của bố. Phải một lúc sau, nó mới lên tiếng:

- Thôi thì tuỳ bố. Dù sao thì con cũng không thể phó mặc chuyện này cho cái Linh. Con nghĩ, nếu bố và bố mẹ cái Linh bàn với nhau, chắc sẽ có lối thoát.

Ông Cam im lặng. Nó nhìn bố:

- Bây giờ con xin nói về vấn đề trách nhiệm làm cha của con...

Ông Cam gật đầu. Nó chậm rãi:

- Trách nhiệm ấy, thể hiện ở việc nuôi và dưỡng con mình. Chuyện nuôi bố vừa nói, con nghĩ cốt là để con hiểu. Việc dưỡng mới là vấn đề bố quan tâm nhiều. Vậy con xin nói về vấn đề này. Lâu nay bố vẫn nhìn con là đứa chẳng ra gì. Bố lo con sẽ là tấm gương xấu cho con của con. Hôm nay trước mặt bố, con hứa sẽ sống tốt hơn. Bác An cũng đã nói con phải có cái gì đó, để bố mẹ có thể tự hào về mình, mặt khác cũng là để con của con có thể tự hào và noi theo. Bố có thể tin con sẽ làm được như vậy. Tuy nhiên, con cũng không dám chắc rằng con của con sau này, sẽ được như bố mong muốn. Trong trường hợp ấy, xin bố đừng nghĩ do con là tấm gương tồi.

Ông Cam chậm rãi:

- Sao con lại nói vậy?

- Đơn giản thôi ạ. Con thừa nhận việc cha mẹ làm gương để giáo dục con cái, là rất cần thiết và rất quan trọng. Nhưng đó cũng chỉ là một yếu tố và chưa hẳn đã là yếu tố quyết định. Bố thấy đấy, ông nội con trước đây, chỉ là một thợ mỏ bình thường, it học, ít lời; chỉ biết làm ăn và sống lương thiện. Vậy mà con của ông, là bố, lại có những phẩm chất của một người anh hùng. Đến lượt bố, đúng là một tấm gương sáng ít có, thì ba đứa con của bố, đã ai ra gì? Xem vậy, thì ngoài sự giáo dục của gia đình, còn những yếu tố khác, rất quan trọng, thậm chí là quyết định. Con nói thế, có đúng không?

Ông Cam không trả lời, mà giục nó:

- Con nói tiếp đi.

- Qua sách báo, con biết cái thời trai trẻ của bố, nó khác bây giờ. Ngày ấy, hầu như ai cũng muốn sống cao thượng, làm việc nghĩa; có ai đó làm điều không phải, thì họ tự xấu hổ với chính mình. Bây giờ thì sao? Bố hãy bớt thời gian để hòa vào cuộc sống bình dân, mà nghe người ta nói về lẽ sống bây giờ. Họ bảo rằng: “Thật thà là ngu dại”, “Nhân đạo là tự sát”, “Người tốt là người biết có đi có lại”, vân vân… Cái lẽ sống ấy từ đâu ra thì con không biết, nhưng biết rõ nó đang hiện hữu quanh ta, chỉ cần ra ngõ là gặp, thậm chí có khi nó đã vào trong nhà mình. Con nghĩ, nếu cứ đà biến đổi này, thì khó mà biết đến cái thời con của con, người ta sống thế nào? Vậy nên bố đừng kỳ vọng điều gì quá sức của con…

Ông Cam lại giục:

- Con nói tiếp đi!

Quít liền kể một câu chuyện, có lẽ do nó bịa ra:

- Đêm qua con mơ thấy con trai của con đã trưởng thành, con thì đã già. Con kể với nó những gì bố và con đã lo cho nó. Nó cười, bảo: “Ôi, người nào thì thời ấy, thời nào thì cuộc sống ấy. Ông và bố có lo xa cũng chẳng được!”. Con sực tỉnh, mới hay mình nằm mơ.

Ông Cam chép miệng, lên phòng mình nằm nghỉ./.

                                                                   

                                                                                          Thái Nguyên, 8/2009

                                                                                          N.V.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy