Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:21 (GMT +7)

Múa Việt Bắc - nỗi niềm trăn trở

1. Khái lược về nghệ thuật Múa tại Việt Nam

Trong khoảng 10 năm trở lại đây có thể tạm gọi là làn sóng thứ 2 nghệ thuật múa của thế giới đã xuất hiện ở Việt Nam.Các hình thái chất liệu phong cách múa Balles lãng mạn, nhảy múa hiện đại, kỹ thuật xiếc các công cụ kỹ xảo điện tử… của các quốc gia như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc v.v… mà chúng ta thường quen thường gọi - đó là múa hiện đại hay múa đương đại.

Sự xuất hiện của làn sóng này đã tác động ít nhiều đến các tác phẩm, chương trình biểu diễn trên toàn quốc, với phong cách dàn dựng và biểu diễn khác lạ, làm hấp dẫn người xem bằng những thủ pháp kỹ xảo tiên tiến, công nghệ điện tử nhân tạo hiện đại. Những tác phẩm được đầu tư của cả một tập thể ekip nhạc sỹ, biên đạo múa, phục trang, ánh sáng; những dàn diễn viên múa đơn, múa đôi, múa 3 đến những dàn tập thể diễn viên trình diễn những kỹ thuật siêu đẳng cấp trong các chương trình ở các quy mô lớn nhỏ, sự kiện, truyền thông khác nhau. Phải khẳng định làn sóng mới này rất có hiệu ứng, hiệu quả tích cực hỗ trợ rất nhiều cho mỗi tác phẩm múa trong các chương trình được đầu tư, coi trọng.

Tuy nhiên múa dân gian các dân tộc Việt Nam lại vắng bóng, rất còn hạn chế về nhiều mặt, đó là: số lượng tác phẩm; ý tưởng nội dung kịch bản múa; âm nhạc; biên đạo và diễn viên; trang phục đạo cụ; thiết kế mỹ thuật sân khấu… khâu nào cũng có những vấn đề cần được nghiêm túc nhìn nhận lại.

 Có thể nói để hoàn chỉnh được một tác phẩm múa thì việc có một ý tưởng cần thiết hơn một nội dung chi tiết kịch bản múa.Bởi lẽ khi hoàn thành tác phẩm múa rồi thì việc hay dở là do tổng thể của tác phẩm được trình bày chứ không còn là trên giấy. Thực tế cho thấy rất nhiều biên đạo đã không mấy chú trọng về khâu viết ý tưởng nội dung của kịch bản, và điều này vô tình đã làm cho các khâu tiếp theo - nhất là nhạc sỹ - không có được nguồn cơ sở, cảm xúc để viết nhạc…, với phần biên đạo và diễn viên thì: ngôn ngữ luật động động tác đâu đó đang bị lai căng lẫn lộn.Nhiều tác phẩm còn dập khuôn sao chép một cách máy móc khiên cưỡng, các động tác tư thế nhảy múa, cách biểu hiện tình cảm đều na ná giống với phong cách múa nước ngoài lạnh lùng vô cảm, diễn viên tự do quằn quại ra vào lăn đùng ngã ngửa dãy đành đạch trên sân khấu hoặc nhào lộn, xoạc ngang xoạc dọc không có chủ định…; rất nhiều tác phẩm múa xử lý âm nhạc như một thứ phụ kiện để giữ nhịp, múa một đằng nhạc một nẻo; rất nhiều tác phẩm múa được dàn dựng theo chủ quan của tác giả không có nội dung chủ đề nào hết. Bởi vậy mới xảy ra chuyện một tác phẩm múa của một vài biên đạo trẻ có tác phẩm với ý tưởng, ngôn ngữ, âm nhạc, chất liệu rất chuẩn múa Mông nhưng lại lấy tứ từ nong tằm của người Kinh làm nội dung chính để biên đạo dàn dựng lên tác phẩm múa Nong tằm của người Mông?

Trang phục và thiết kế mỹ thuật cũng là một trong những vấn đề mà chúng ta cũng cần phải quan tâm. Thiết kế ra một bộ trang phục múa là vô cùng cầu kỳ, kỳ công và đầy sự sáng tạo của nhà thiết kế trang phục, nhưng sáng tạo đến mức không còn nhận diện ra được đó là trang phục của dân tộc nào thì quả thật đáng phải quan tâm xem lại, không thể để hiện tượng hoa văn họa tiết của các tộc người cứ trộn lên rồi hòa cùng với nhau đắp lên trang phục miễn sao nhiều màu sắc rực rỡ là được, ví dụ như hoa văn của các dân tộc Dao, Tày, Mông, Lô Lô cứ táp lên trang phục, lên khăn đội đầu và đội thế nào cũng được.Thiết kế mỹ thuật sân khấu cũng vậy. Nhiều tác giả đã sử dụng hình ảnh nhà sàn của người Thái để làm nền cho múa người Mông với tiêu đề “Bên hiên nhà”, v.v…

Có thể khẳng định, trên sân khấu hiện nay nhiều tác phẩm mang màu sắc múa dân gian đương đại đã giành được giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, đã xuất hiện nhiều hơn những tổ khúc thơ múa, kịch múa chương trình nghệ thuật có chất lượng cao. Việc tiếp thu học tập ngôn ngữ múa hiện đại, đương đại của nước ngoài là xu thế tất yếu, chúng ta không nên né tránh dị ứng, song vấn đề chính là phải tìm ra được con đường đi cho múa đương đại Việt Nam nhưng không xa rời tính dân tộc, để người xem thừa nhận đó là tác phẩm múa đương đại của Việt Nam, không lai căng không mất gốc. Có lẽ chúng ta không thể phủ nhận việc học tập tiếp thu các dòng nghệ thuật múa tiên tiến trên thế giới, song phải hướng tới sự nghiệp phát triển của nghệ thuật múa nước nhà.Xem các tác phẩm múa của các biên đạo Việt Nam chúng ta phải thấy được hình ảnh và con người của đất nước Việt Nam - đó là tiêu chí và cũng là nhiệm vụ, là đạo đức nghề nghiệp, là trách nhiệm bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống múa dân gian các dân tộc Việt Nam nói chung, múa vùng Việt Bắc nói riêng của các nhà sáng tạo biên đạo múa chúng ta.

 

  • Đào tạo múa dân gian dân tộc tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc

Trải qua gần 60 năm xây dựng phát triển và trưởng thành, trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc với sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cho xã hội”; cùng với các chuyên ngành đào tạo chung của nhà trường, khoa Múa và Sân khấu đã đào tạo được khá nhiều các thế hệ học trò, đến nay các em đã và đang giữ những cương vị chủ chốt - lãnh đạo sở, ban, ngành các đoàn nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và chúng ta cùng mừng vì điều đó bởi đó chính là niềm vinh dự, niềm tự hào, là minh chứng sáng rõ nhất để tiếp nối trang sử vẻ vang của Nhà trường, đồng thời thắm tô dấu mốc lịch sử kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường cao đẳng VHNT Việt Bắc 11/11/2025.

 Tròn 30 năm công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, là giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Múa dân gian các dân tộc Việt Nam, bộ môn Kỹ thuật biểu diễn cho khoa Múa và Sân khấu, 30 năm không phải để chứng minh sự thành công của mình trong công tác giáo dục đào tạo hay biên đạo dàn dựng các tác phẩm múa nhưng cũng đủ để cho bản thân tôi nhận thức và thấy được tầm quan trọng của múa dân gian dân tộc Việt Nam nói chung và múa dân gian các dân tộc Việt Bắc nói riêng.

Trên mảnh đất Thái Nguyên thân yêu giàu truyền thống lịch sử văn hóa này, vùng đất chứa đựng nhiều những giá trị về văn hóa và đặc biệt hơn là nghệ thuật múa dân gian các dân tộc vùng Việt Bắc, khoa Múa và Sân khấu lớn lên và trưởng thành cùng với lịch sử của Nhà trường, lịch sử quê hương. Tới nay khoa đã đào tạo 29 khóa với hàng ngàn diễn viên múa, cung cấp nguồn nhân lực cho các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc, hiện nay chủ chốt đào tạo ngành nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc trình độ trung cấp, thời gian đào tạo là 4 năm.

Trong nghệ thuật múa gồm có Huấn luyện (đào tạo), Biên đạo (sáng tạo), Lý luận phê bình, đó là 3 lĩnh vực quan trọng nhất luôn đồng hành cùng tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển… Đó là nói như vậy còn thực chất 3 lĩnh vực này hoàn toàn không có mối liên hệ gì với nhau, ai mạnh thì cứ mạnh còn ai yếu thì tự khắc phục! Và trong khuôn khổ của Hội thảo, tôi xin được trình bày những cảm nhận của cá nhân tôi trước những vấn đề chính yếu nhất nhằm nhận diện, chỉ ra những khó khăn vướng mắc đồng thời đưa ra ý kiến đề xuất với mục đính góp phần làm rõ hơn trách nhiệm của người làm nghề tới Hội thảo.

Đối với Huấn luyện múa, dù là ở bất kỳ trình độ hay ngôi trường đào tạo nào hiện nay trên toàn quốc đều rất tốt, bởi lẽ đào tạo cần có sự đảm bảo về chất lượng đầu vào, chương trình khung, chương trình chi tiết, tiến độ lộ trình phân kỳ rõ ràng phù hợp, hệ thống đào tạo các học phần bài bản chi tiết đều rất đồng bộ từ Bộ đến các ngành và các trường luôn tuân thủ và nghiêm túc thực hiện(bởi có một hệ thống xuyên suốt đảm bảo trong môi trường kiểm định chất lượng khá khắt khe, buộc các đơn vị có đào tạo múa buộc phải thực hiện).

Đối với Lý luận phê bình múa, phải thừa nhận trong lĩnh vực này là yếu kém nhất! Có quá ít những đánh giá phê bình, những góc nhìn đa chiều về múa, có chăng chỉ thấy những bài viết phản ánh một cách chung chung (khen nhiều chê ít) thiếu những tay viết sắc sảo để phản ánh tính hiện thực của quá trình phát triển nghệ thuật múa nước nhà hay khu vực.Bởi lẽ người làm chuyên về múa thì khả năng viết hạn chế, còn người viết được thì không có đủ năng lực chuyên ngành để viết, để phản ánh. Một trong những lý do rất rõ là thiếu nhân lực chuyên ngành được đào tạo về Lý luận phê bình múa. Tôi được biết cho đến nay duy nhất khóa 1 (năm học 2000 – 2005) Khoa Múa - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội với 12 sinh viên tốt nghiệp ra trường đến nay còn 4 người còn đang hoạt động, trong đó có 1 đồng chí đang công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc và là cộng tác giảng dạy môn Lịch sử múa tại trường tôi. (Và trong lĩnh vực này tôi xin phép được dừng tại đây vì tôi cũng không đủ khả năng để viết, để phản ánh).

Còn đối với Biên đạo múa, tôi xin được bàn kỹ và cụ thể hơn về múa dân gian các dân tộc vùng Việt Bắc.

Như chúng ta đã biết, nghệ thuật nào cũng cần gốc rễ, và nghệ thuật múa cũng vậy.Trong thời gian qua cho ta thấy những điểm sáng, những dấu ấn thành công đều có nguồn cội từ múa dân gian dân tộc.Múa dân gian là cái gốc, là hạt giống để gieo trồng nên những tác phẩm nghệ thuật, là hướng đi chủ đạo để phát triển nghệ thuật múa Việt Nam thấm đẫm tinh thần dân tộc. Múa dân gian đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của nghệ thuật múa nước nhà.Chúng ta cũng thấy rõ Múa dân gian dân tộc hiện nay không còn đơn thuần chỉ là những yếu tố mảnh miếng tổ hợp đồng đều lặp đi lặp lại, mà múa dân gian đã được giao lưu, tiếp biến, tự thân phát triển phù hợp với thẩm mỹ đương đại, phản ánh được các nội dung mới mẻ của thời đại, múa dân gian tiếp thu tinh hoa của múa đương đại nước ngoài để làm giàu cho múa đương đại Việt Nam và ngược lại… bởi múa dân gian dân tộc chính là hồn cốt của dân tộc, là bản sắc dân tộc. 

Từ tình yêu và trách nhiệm nghề nghiệp, trước bối cảnh toàn cầu hóa nghệ thuật múa, đặc biệt là múa đương đại đang rầm rộ phát triển vô cùng mạnh mẽ, nếu chúng ta không kịp thời đưa ra những giải pháp, trách nhiệm gìn giữ và tôn vinh múa dân gian của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng Việt Bắc thì ắt một này nào đó nó sẽ rất dễ bị mai một. Những giá trị của múa dân gian dân tộc được gìn giữ bởi chính đồng bào các dân tộc vì nó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các nghi lễ và trong cộng đồng sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình.

Mỗi tác phẩm múa dân gian dân tộc ngày nay là niềm trăn trở khôn nguôi của những người trong cuộc, nhất là những người luôn trăn trở tâm huyết, bởi nó không chỉ còn là của riêng một dân tộc, một vùng miền, một khu vực mà múa dân gian dân tộc còn là hồn cốt của cả quốc gia, mỗi chúng ta, những người làm nghề bao giờ cũng nghĩ đến giá trị của những điệu múa dân gian dân tộc và làm thế nào để không mất đi một di sản nghệ thuật mà cha ông ta đã gìn giữ bấy lâu. Vì thế yếu tố yêu nghề, say nghề sẽ luôn tồn tại với nghề, chúng ta nên đồng ý: “bảo tồn để phát triển chứ không chỉ để tồn tại”. Những trăn trở không chỉ của riêng ai trong mỗi chúng ta, đang ngày đêm đau đáu hy vọng nghệ thuật múa Việt Bắc không bị đẩy lùi về phía sau mà sẽ trường tồn phát triển mạnh mẽ.

3. Múa dân gian dân tộc trong bối cảnh hiện nay

Là một hội viên trong chi hội Múa tỉnh Thái Nguyên, giảng viên chuyên ngành Đào tạo múa dân gian dân tộc, cũng chưa đóng góp được nhiều cho Hội, cho tỉnh nhà, hôm nay được trình bày những tâm tư và đóng góp ý kiến với Hội thảo là một việc hết sức có ý nghĩa với cá nhân tôi với chặng đường dài ở phía trước.Trong Hội thảo hôm nay, tôi mạnh dạn đưa ra một số vấn đề sau nhằm góp phần vào việc gìn giữ bản sắc nghệ thuật múa dân gian các dân tộc trong nền nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, múa vùng Việt Bắc nói riêng.

Thứ nhất:  Đề nghị Hội VHNT tỉnh cần có kế hoạch chiến lược xây dựng phát triển đồng bộ cho đội ngũ Biên đạo, Huấn luyện và Lý luận phê bình, đặc biệt là đối với múa dân gian các dân tộc trong khu vực, bởi nghệ thuật múa Việt Bắc rất cần được bảo tồn phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị truyền thống trong đời sống đương đại như hiện nay.

Thứ hai: Chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội ngày càng phát triển.

Thứ ba: Coi trọng việc đầu tư cho các hoạt động liên quan đến múa dân gian dân tộc từ những hoạt động phong trào đến chuyên nghiệp, vì đã lâu chúng ta chưa có bất kỳ cuộc thi, tác phẩm múa dân gian dân tộc dành cho 2 đối tượng nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp.

Thứ tư: Tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn múa cổ đang có nguy cơ bị thất truyền không còn người kế nghiệp, đặc biệt là múa của các đồng bào chưa được khai thác đưa vào danh sách bảo tồn hoặc phát triển đưa vào giáo trình để giảng dạy.

Thứ năm: Rất cần đến nguồn kinh phí cho các nội dung đã nêu và phải khẳng định kinh phí cho những hoạt động trên là mấu chốt tạo nên sự thành công của các mục tiêu cần đề ra.

Thứ sáu: Tăng cường cam kết phối hợp giữa Nhà trường và Chi hội Múa cũng như Hội VHNT tỉnh bằng các đề án phát triển văn hóa trên nền tảng nguồn nhân lực có sẵn như ca, múa, nhạc, hội họa….

Kính thưa các quý vị!

Nhìn lại quá trình hình thành nên 1 tác phẩm múa dân gian dân tộc đảm bảo được yêu cầu về phát huy giá trị truyền thống dẫu biết là rất khó khăn, nhưng tôi tin là sẽ làm được và sẽ thành công vì sự chung tay của cả hệ thống, đặc biệt là trong mỗi nhà sáng tạo biên đạo nghệ thuật múa cần phải có trong mình 3 trách nhiệm cao cả đó là: Tư duy sâu rộng để có ý tưởng hay kịch bản tốt; Đạo đức nghề nghiệp, lòng tự tôn dân tộc, biến chuyển sử dụng thủ pháp biên đạo hòa quyện không hòa tan; Phương pháp huấn luyện mềm dẻo linh hoạt phát huy tiềm năng của diễn viên, phối kết hợp ekip trang phục thiết kế sân khấu hiệu quả tối đa… 

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi xuất phát từ niềm đau đáu tâm huyết với nghề trước những thực trạng đang diễn ra trên quê hương Việt Bắc với mong muốn góp tiếng nói của mình trong Hội thảo để nhằm nhận diện, làm rõ hơn việc bảo tồn giá trị truyền thống của múa dân gian dân tộc vùng Việt Bắc. Rất mong nhận được sự đóng góp của quý vị để bản tham luận của tôi được hoàn chỉnh hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Tạp chí Nhịp điệu – Hội NS Múa Việt Nam.

 

Hoàng Thiện Thực

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy