
Góc biếm họa số 8 (2025)

Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Đặc biệt, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), 4 huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai của Thái Nguyên được chọn cùng với Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK (An toàn khu) của Trung ương mà ATK Định Hóa (Thái Nguyên) là trung tâm của Thủ đô kháng chiến. Vì vậy, có nhiều sự kiện lịch sử của Đảng bộ tỉnh gắn liền với những hoạt động và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Ái Quốc và hoạt động của các đội Cứu quốc quân trên địa bàn tỉnh
Từ trang 80 đến trang 151 cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 (1936 – 1965), xuất bản năm 2003 cho ta hiểu rõ về sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đối với phong trào cách mạng Việt Nam, liên quan trực tiếp đến sự hình thành, phát triển của các đoàn thể cứu quốc (Cứu quốc quân) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Sau Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940), cuối năm 1940, Trung ương Đảng cử đồng chí Hoàng Văn Thụ tới Tĩnh Tây (Trung Quốc) báo cáo với đồng chí Nguyễn Ái Quốc và xin chỉ thị về việc triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Ngày 8/2/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến ở hang Cốc Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), với bí danh Già Thu.
Được chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ về nước cùng Trung ương khẩn trương chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 8, triệu tập đại biểu về dự Hội nghị. Trung ương giao cho các đồng chí lãnh đạo căn cứ du kích Bắc Sơn - Võ Nhai bảo vệ và tìm đường đưa các đại biểu đi họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng). Ngày 5/2/1941, đoàn Đại biểu Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ (gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thành Diên, Bùi San…) lên tới xã Phú Thượng, Võ Nhai. Đoàn đã dừng lại ở Võ Nhai, Bắc Sơn ít ngày nghe báo cáo tình hình địa phương và có ý kiến trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Ngày 23/2/1941, các đồng chí Trung ương đã họp với Ban lãnh đạo khu căn cứ du kích Bắc Sơn - Võ Nhai lại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) phổ biến chủ trương của Trung ương phát triển đội du kích Bắc Sơn làm lực lượng nòng cốt bảo vệ căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, gồm 27 cán bộ, chiến sĩ trong đó có 10 người là người Võ Nhai, số còn lại là người Bắc Sơn, Cao Bằng và Thái Bình do Trung ương điều lên. Đồng chí Lương Văn Tri được cử làm chỉ huy trưởng, Chu Văn Tấn làm chỉ huy phó.
Nhận nhiệm vụ Trung ương giao, Đảng bộ Võ Nhai cử đồng chí Hoàng Tài, một đảng viên hăng hái và có kinh nghiệm đi rừng dẫn đường cùng một tổ Cứu quốc quân do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy bảo vệ đoàn cán bộ đi họp Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đến địa điểm an toàn.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương họp lần thứ 8 tại Pác Bó từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - đại biểu của Quốc tế Cộng sản chủ trì. Phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc.
Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân và áp dụng một sách lược hết sức mềm dẻo để phân hoá kẻ thù và tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được nhằm cứu nước, giải phóng dân tộc, khẳng định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại.
Hội nghị quyết định đẩy mạnh việc củng cố phát triển hai trung tâm cách mạng là Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng được cử về làm Chỉ huy trưởng căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Đội du kích Bắc Sơn sau đổi thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất (hay Cứu quân I).
Tháng 6 năm 1941, các đại biểu rời nơi họp, theo đường cũ về xuôi. Do bị lộ bí mật, địch triển khai kế hoạch vây bắt các đồng chí Trung ương, đánh phá căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Pháp tập trung 4.000 quân từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn bao vây căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết tâm bắt cho được các đồng chí Trung ương, phá tan Căn cứ địa. Trước tình thế hiểm nghèo này, Ban chỉ huy Căn cứ đồng thời cũng là Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân quyết định tập trung lực lượng Cứu quốc quân bảo vệ Trung ương, bảo vệ cơ quan. Nhờ mưu trí và dũng cảm, các cán bộ, đảng viên Võ Nhai được cử lên Bắc Sơn đón đồng chí Tổng Bí thư và hai đồng chí Thường vụ Trung ương về Núi Lèo xã Tràng Xá (Võ Nhai) an toàn vào cuối tháng 6/1941.
Phát hiện Trung ương đã xuống Võ Nhai, địch lập tức dồn đại bộ phận lực lượng về bao vây khủng bố Võ Nhai. Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, vòng vây địch ngày càng khép chặt, đạn dược, lương thực thiếu thốn, đồng chí Phùng Chí Kiên quyết định đưa đơn vị Cứu quốc quân ra biên giới . Không còn mục tiêu, địch dồn cả lực lượng về Võ Nhai, đông tới 4 ngàn quân thọc sâu vào giữa hai triền núi đá của căn cứ Võ Nhai, bịt chặt các ngả đường lên Lạng Sơn, sang Bắc Giang về thị xã Thái Nguyên. Đi đến chỗ nào chúng cũng tàn bạo đốt sạch làng bản, bắn giết gia súc, chặt phá cây ăn quả, dồn hết dân của các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá vào các trại tập trung.
Đối với Đảng bộ Võ Nhai và bộ phận Cứu quốc quân I ở lại khu căn cứ, Nghị quyết 8 của Trung ương và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là ánh sáng soi đường đi tới, là nguồn cổ vũ lớn trong cuộc đấu tranh một mất, một còn với đế quốc. Trên cơ sở phong trào cách mạng vẫn được giữ vững, ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, làng Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập, gồm 47 người (có 3 nữ). Đảng bộ Võ Nhai đã cử hầu hết cán bộ, đảng viên của mình vào Cứu quốc quân.
Qua rèn luyện, chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Cứu quốc quân II đã trưởng thành nhiều về bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm chiến đấu. Đội ngũ từ 47 người khi mới thành lập, đến tháng 2/1942 đã tăng lên 70 người, vũ khí trang bị tăng gấp 5 lần; nhưng tình hình lương thực, thuốc men ngày càng vơi dần, không còn nguồn cung cấp. Ngày 14/3/1942, Ban chỉ huy Cứu quốc quân họp đánh giá tình hình và quyết định tạm rút đơn vị lên biên giới Việt - Trung. Cuộc chiến đấu của Cứu quốc quân đã để lại lòng tin và niềm hy vọng trong nhân dân, để lại ý nghĩa to lớn và bài học quý báu cho cách mạng.
Năm 1943, tại Thái Nguyên, tổ chức Việt Minh được xây dựng ở hầu khắp các làng xã trong tỉnh. Đội tự vệ vũ trang được thành lập ở các xã. Tháng 2/1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương đã lên Thái Nguyên, Tuyên Quang kiểm tra tình hình hoạt động của chiến khu Hoàng Hoa Thám và Cứu quốc quân. Sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực tế, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã triệu tập một cuộc họp cán bộ tại Khuổi Kịch (Sơn Dương, Tuyên Quang). Nhận thấy phong trào cách mạng trên địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân đã mở rộng, cuộc họp quyết định thành lập Trung đội Cứu quốc quân III để có đủ lực lượng nòng cốt kịp thời và phát triển phong trào cách mạng mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày 15/5/1945, tại huyện Định Hóa, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân đại diện cho các lực lượng vũ trang của cả nước tổ chức lễ thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
Bác Hồ với ATK Thái Nguyên
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội đã ở và làm việc tại ATK Thái Nguyên, trong đó, đặc biệt có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại rừng Khau Tý, thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định (nay thuộc xã Điềm Mặc), huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Nơi ở và làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá gồm hai gian được dựng trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa ngộ thuộc thôn Nà Tra. Cách căn nhà Bác ở khoảng 10 mét` là một căn nhà nhỏ xinh xắn. Giữa hai căn nhà là sân đất sạch sẽ. Ở góc sân có một xà đơn, một xà kép; cạnh đó là hầm tránh máy bay. Từ nơi Bác ở có con đường mòn đi sang huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), xuống huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), lên huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), ra huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) và nhiều đường tắt đi lại kín đáo, thuận tiện.
Do điều kiện phải đảm bảo bí mật và tránh các cuộc càn quét, lùng bắt các lãnh tụ cách mạng của thực dân Pháp, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không ở cố định một nơi, mà luôn phải di chuyển đến nhiều nơi trong vùng ATK.
Theo cuốn sách Bác Hồ với Thái Nguyên – Thái Nguyên với Bác Hồ, sau khi đến ở và làm việc tại rừng Khau Tý (20/5/1947), Người đã có nhiều hoạt động, quyết sách lớn. Chẳng hạn như: Ngày 25/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, bộ đội, dân quân tự vệ cả nước và viết Thư gửi nhân dân Pháp và Thư gửi anh em giới văn hóa và trí thức Nam Bộ. Ngày 6/6, Người kí Sắc lệnh số 58/SL, đặt 3 loại huân chương: SAO VÀNG, HỒ CHÍ MINH, ĐỘC LẬP để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân; hoặc những người nước ngoài có công với nước Việt Nam. Ngày 27/7, nhân “Ngày thương binh liệt sĩ” đầu tiên trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”…
Ngày 15/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về ở và làm việc tại làng Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Trong tháng, Bác viết Thư gửi những người Nam Bộ trong quân đội Pháp và tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, kí bút danh X.Y.Z. Ngày 20/11, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Ngày 29/11, Bác chuyển đến ở và làm việc tại Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Ngày 1/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Ngày 15 và ngày 16/1, Người chủ tọa Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng). Ngày 20/1, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí 6 sắc lệnh, trong đó có Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam.
Ngày 8/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Ngày 5/4, Bác chuyển đến ở và làm việc tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Ngày 1/5, Bác chuyển đến ở và làm việc tại Trại thiếu nhi Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Tại đây Người viết Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Ngày 25/5, Người chuyển chỗ ở và làm việc lên một ngọn đồi nhỏ ở xóm Nà Lọm, xã Phú Đình (gần chân đèo De, cách Trại thiếu nhi Nà Lọm khoảng một cây số). Đây là chỗ ở thứ 20 của Người trên chặng đường trường kì kháng chiến. Ngày 12/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 12/5/1949, Người chuyển đến ở và làm việc tại bản Pèo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Ngày 1/6, Người trở lại Khâu Lấu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Dù phải di chuyển chỗ ở, nhưng Bác vẫn thường xuyên đi lại hoạt động ở ATK Thái Nguyên. Chẳng hạn, tháng 6/1950, tại ATK Định Hóa, Bác Hồ và Trung ương Đảng họp, quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Người chỉ thị: Chiến dịch này “chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại”. Ngày 30/4/1952, tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Cuối tháng 9/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Người chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Ngày 6/12, cũng tại Tỉn Keo, Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong tháng 8/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường (nay là xã Bản Ngoại), huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ngày 1/9, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Người dự Lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 12/10, từ nơi ở và làm việc tại đồi Thành Trúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về Thủ đô Hà Nội, kết thúc hơn 7 năm ở và làm việc tại ATK Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước.
7 lần Bác về thăm Thái Nguyên
Với tình cảm đặc biệt với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc đã từng che chở, đùm bọc trong những tháng ngày gian khổ, từ sau khi chia tay ATK Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô (12/10/1954) cho đến cuối đời, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lên thăm hỏi, động viên Đảng bộ Thái Nguyên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.
Lần thứ nhất, tháng 12/1954, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang (tại Thái Nguyên).
Lần thứ hai, ngày 25/1/1955, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bác Hồ đến thăm Công trường đập Thác Huống - đập này bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952, nay đang được sửa chữa lại.
Lần thứ ba, ngày 2/3/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên. Người đến thăm kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta đang cho chạy thử ở đây. Sau đó, Bác Hồ đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Bà con xã viên của 4 hợp tác xã nông nghiệp và nhiều đồng bào ở 2 xã Hùng Sơn, Độc Lập đã tập trung ở Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành để chào đón Hồ Chủ tịch....
Lần thứ tư, ngày 8/6/1959, Bác Hồ đến thăm công trường xây dựng Khu Gang thép lần thứ nhất. Bác căn dặn cán bộ, đảng viên, đoàn viên và công nhân hãy giúp nhau tiến bộ, cần cố gắng mọi mặt, giữ gìn của công, thi đua tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Cán bộ lãnh đạo phải tránh quan liêu, mệnh lệnh, luôn luôn bàn bạc dân chủ với công nhân, lắng nghe ý kiến và săn sóc đời sống anh chị em...
Lần thứ năm, ngày 13/3/1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa.
Lần thứ sáu, ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý.
Lần thứ bảy, ngày 31/12/1963, cũng là lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Sau buổi nói chuyện, Bác xem Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc biểu diễn và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, diễn viên của Đoàn. Ngày 1/1/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... sau đó, Bác nói chuyện với 45 nghìn đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh tại sân vận động thành phố Thái Nguyên. Người căn dặn: “…Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Trần Thép
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...