Thứ bảy, ngày 17 tháng 05 năm 2025
12:37 (GMT +7)
Tọa đàm “Văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên”

Phát huy vai trò văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên hiện nay

 
50 năm nền Văn học nghệ thuật Thái Nguyên: Đóng góp tích cực xây dựng giá trị văn hóa, con người
Nhà báo Trần Văn Thép, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trình bày tham luận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Văn học, nghệ thuật – với tư cách là một bộ phận tinh túy của văn hóa dân tộc – không chỉ góp phần lưu giữ, truyền tải giá trị truyền thống, mà còn có vai trò đặc biệt trong việc bồi dưỡng nhân cách, định hướng tư tưởng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam.

Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ: “Văn học, nghệ thuật là một trong những động lực trực tiếp góp phần xây dựng con người và phát triển xã hội”. Kết luận số 84-KL/TW ngày 30/01/2024 tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển văn học, nghệ thuật là yêu cầu cấp thiết để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; góp phần hình thành hệ giá trị quốc gia và chuẩn mực con người thời kỳ mới”. Những định hướng mang tính chiến lược này là cơ sở quan trọng để đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa nhận thức đầy đủ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy hoạt động văn học nghệ thuật phát triển đúng hướng, gắn với yêu cầu xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Từ nhận thức đó, tham luận này xin được tập trung trao đổi một số vấn đề liên quan đến vai trò của văn học, nghệ thuật (VHNT) trong việc bồi đắp nền tảng văn hóa và xây dựng con người Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay.

1. Thực trạng văn học, nghệ thuật và việc tham gia xây dựng nền tảng văn hóa, con người Thái Nguyên

1.1. Những chuyển biến tích cực

Trong những năm gần đây, văn học nghệ thuật Thái Nguyên đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn có nhiều khởi sắc; đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng.

Chỉ riêng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có một đội ngũ hội viên tâm huyết, trách nhiệm, đam mê sáng tạo, có học thức khá cao (hầu hết có trình độ đại học và trên đại học, nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên đại học cao đẳng). Trong 312 hội viên hiện nay có 1/3 là hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương, 01 Nghệ sĩ Nhân dân, 01 Nghệ nhân Nhân dân, 17 Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú và Nghệ nhân Ưu tú. Lực lượng này không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động VHNT ở địa phương mà còn có nhiều đóng góp cho nền VHNT cả nước. Nhiều tác giả đã đoạt giải thưởng cao quý (Tiêu biểu là 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 4 Giải thưởng Nhà nước; nhiều Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng các Hội chuyên ngành trung ương, một số giải thưởng khu vực và quốc tế).

Hàng nghìn tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, múa... đã được công bố, biểu diễn, trưng bày, mang đậm hơi thở thời đại và sắc thái riêng của đất và người Thái Nguyên; đã góp tiếng nói mạnh mẽ vào dòng chảy tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; thể hiện sâu sắc hình tượng người lính, người công nhân gang thép, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng chiến khu xưa và nông thôn, đô thị hôm nay.

Phát huy năng lực sáng tạo của một Hội ở một địa phương là trung tâm vùng miền núi và trung du phía Bắc, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được nhiều sự kiện văn học nghệ thuật lớn, có tiếng vang trong khu vực và cả nước, như Lễ hội Thơ Nguyên tiêu hàng năm; tổ chức các cuộc thi và trại sáng tác online; đăng cai các hoạt động quy mô khu vực... Các hoạt động sáng tác, trưng bày, biểu diễn, hội thảo, liên hoan, trại sáng tác… được tổ chức thường xuyên, tạo nên đời sống văn hóa phong phú, lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân. Các cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT đã lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế mới trong sáng tạo VHNT.

Hội đã chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá tác phẩm, tổ chức triển lãm trực tuyến, tạo điều kiện để công chúng dễ dàng tiếp cận VHNT mọi lúc, mọi nơi. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trở thành diễn đàn quen thuộc và có uy tín cao trong hệ thống báo chí văn nghệ cả nước

Việc xây dựng hệ thống Hội Văn học nghệ thuật từ tỉnh đến cấp huyện nhằm nâng cao khả năng tập hợp, đoàn kết, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và tính chủ động, tích cực của đội ngũ văn nghệ sỹ trong việc trở thành nòng cốt đối với các hoạt động văn học nghệ thuật quần chúng ở địa phương, cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ được chú trọng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Bên cạnh các hoạt động chung của Hội, rất nhiều hội viên đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển đời sống văn nghệ quần chúng bằng các công việc cụ thể như: tham gia bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh; tổ chức và huấn luyện các nhóm, câu lạc bộ, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho trẻ em; biên đạo, dàn dựng, làm giám khảo cho các chương trình, tiết mục trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng, đạo diễn các sự kiện nghệ thuật lớn của tỉnh; mở lớp giảng dạy kiến thức, kỹ năng sáng tác VHNT cho cộng đồng…

Có thể khẳng định :

Ở góc độ một nguồn nhân lực: đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội VHNT tỉnh đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng văn hóa với vai trò là hạt nhân, nòng cốt trong việc sáng tạo, thẩm định và góp phần nâng cao chất lượng thẩm mỹ các hoạt động văn hoá của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ở góc độ một lĩnh vực: VHNT Thái Nguyên đã và đang giữ một vai trò quan trọng trong việc góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách, và bản sắc văn hóa con người Thái Nguyên giàu truyền thống, năng động và sáng tạo.

Đây chính là nguồn lực tinh thần to lớn góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

1.2. Một số hạn chế

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, trong đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh vẫn có hiện tượng một số cá nhân chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, xa rời thực tiễn, xa rời đời sống, nhất là đời sống văn hóa cơ sở.

Chưa cống hiến được nhiều tác phẩm, hình tượng nhân vật, xứng tầm với quê hương cách mạng và kháng chiến, đặc biệt là về công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phồn vinh, hạnh phúc hôm nay; tác phẩm thực sự phản ánh sâu sắc và toàn diện hơi thở của đời sống đương đại – như công cuộc chuyển đổi số, đô thị hóa, biến đổi văn hóa ở nông thôn, miền núi trước bối cảnh hội nhập quốc tế.

Một số chuyên ngành như lý luận phê bình nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc truyền thống … còn mỏng về lực lượng và thành quả sáng tạo.

Công tác quảng bá tác phẩm đến công chúng còn hạn chế. Sách in ít được phát hành rộng rãi, các triển lãm nghệ thuật, các chương trình biểu diễn nghệ thuật còn tập trung ở trung tâm tỉnh, khó tiếp cận với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

2. Văn học nghệ thuật – một nguồn lực tinh thần trong xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên hôm nay

Trong hành trình phát triển của một vùng đất, văn hóa và con người luôn là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh nội sinh. Văn học nghệ thuật – với thiên chức của mình – chính là nơi góp phần bồi đắp, gìn giữ và lan tỏa nền tảng ấy. Đối với Thái Nguyên – một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đa sắc tộc, đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập – vai trò của VHNT lại càng trở nên thiết yếu, cấp bách và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Trước hết, VHNT là phương tiện giàu sức sống trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thái Nguyên là nơi tụ hội của 46/53 dân tộc – đây không chỉ là đặc điểm nhân khẩu học, mà còn là kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc. Những làn điệu then, sli, lượn, páo dung, sấng cọ…, những phong tục, lễ hội, những câu chuyện dân gian... được các văn nghệ sĩ và nghệ nhân tỉnh nhà ghi chép, dàn dựng, phổ nhạc, đưa lên sân khấu và truyền tải bằng nhiều hình thức, như một cách “gìn giữ hồn cốt” quê hương qua tác phẩm.

Thứ hai, VHNT có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, định hình nhân cách, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho nhân dân – nhất là thế hệ trẻ. Từ những bài thơ, bức tranh, khúc hát đến những vở kịch, thước phim... văn học nghệ thuật góp phần khơi gợi tình yêu quê hương, lòng nhân ái, tinh thần sống tử tế, trách nhiệm với cộng đồng. Hình ảnh con người Thái Nguyên cần cù, sáng tạo, năng động, giàu khát vọng, nghĩa tình, được phản chiếu chân thực và sống động qua các tác phẩm.

 Việc được giáo dục đào tạo và tiếp nhận các loại hình nghệ thuật (như sân khấu, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh...) giúp các nhóm xã hội trong cộng đồng hình thành thị hiếu thẩm mỹ, rèn luyện khả năng cảm thụ và lựa chọn những giá trị tích cực trong đời sống đương đại.

Thứ ba, VHNT là tiếng nói phản ánh, đồng hành với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, vừa cổ vũ vừa phản biện xã hội một cách nhân văn. Nhiều tác phẩm VHNT của tỉnh đã kịp thời phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội: xây dựng nông thôn mới, gìn giữ môi trường, phát triển đô thị, lên án tiêu cực... Không lên gân, không tô hồng, các tác phẩm ấy chọn cách đi vào lòng người – bằng chất văn hóa, bằng lòng yêu thương và trách nhiệm công dân.

Cuối cùng, VHNT chính là cầu nối góp phần quảng bá hình ảnh Thái Nguyên – từ vùng đất “Thủ đô gió ngàn” anh hùng đến một trung tâm kinh tế – văn hóa – giáo dục đang vươn mình phát triển. Các chương trình nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, sáng tác về Thái Nguyên chính là điểm nhấn góp phần phát triển du lịch, giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào trong cộng đồng.

3. Một số kiến nghị, giải pháp để phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay

Từ thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật ở Thái Nguyên thời gian qua, để VHNT tiếp tục giữ vai trò nền tảng trong đời sống tinh thần, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của tỉnh, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị, giải pháp sau:

3.1. Tăng cường vai trò định hướng, tạo điều kiện cho sáng tạo và tiếp nhận văn học nghệ thuật

Chúng tôi mong muốn các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát và dành sự đầu tư đúng mức cho hoạt động VHNT. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác đặt hàng sáng tác những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tập trung vào các đề tài lớn: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi số; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường; xây dựng con người Thái Nguyên trong thời kỳ mới…

Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ quảng bá, lan tỏa các tác phẩm VHNT đến công chúng – nhất là học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân – những đối tượng đang rất cần được tiếp cận với những giá trị tinh thần lành mạnh, sâu sắc.

Dành sự quan tâm, đầu tư cụ thể và thỏa đáng cho phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa cơ sở. Cụ thể như: đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, khu thể thao... để người dân bộc lộ năng khiếu, sở thích, tự sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, các điểm sinh hoạt văn hóa theo lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, sở thích… Đó là những cơ sở để từng bước tạo nên một đời sống tinh thần phong phú và khỏe mạnh của người dân Thái Nguyên.

3.2. Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả hoạt động VHNT

Sự phát triển của văn học nghệ thuật không thể tách rời vai trò của quản lý văn hóa và sự phối hợp liên ngành. Do đó, chúng tôi kiến nghị tăng cường sự phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật có chất lượng – từ sáng tác, biểu diễn, đến trưng bày, tọa đàm, hội thảo...

Đồng thời, cần mở rộng cơ hội để văn nghệ sĩ được đi thực tế, tiếp cận sâu sắc với đời sống nhân dân, từ vùng nông thôn, miền núi đến các khu công nghiệp, đô thị – nơi tiềm ẩn nhiều chất liệu sống động cho sáng tạo.

3.3. Quan tâm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những người viết tiếp dòng chảy văn hóa

Mỗi thế hệ văn nghệ sĩ đều mang theo một sứ mệnh. Để có thể kế thừa và phát triển, chúng ta rất cần một lực lượng kế cận đủ tài, đủ tâm. Vì vậy, chúng tôi đề xuất có chính sách thiết thực trong việc bồi dưỡng tài năng trẻ, phát hiện sớm và nuôi dưỡng những người có đam mê với văn học nghệ thuật ở các trường học, cơ sở đào tạo, từ vùng sâu vùng xa đến khu vực trung tâm.

Cùng với đó, cần tăng cường tổ chức các trại sáng tác, tọa đàm chuyên môn, hoạt động giao lưu, trao đổi nghề nghiệp giữa văn nghệ sĩ Thái Nguyên với các địa phương trong và ngoài nước, để tạo thêm cơ hội học hỏi, tiếp thu tinh hoa, mở rộng tầm nhìn.

4. Kết luận

Trong mọi hoàn cảnh, VHNT luôn là tiếng nói của tâm hồn, là mạch ngầm của văn hóa, là nơi con người Thái Nguyên được nâng đỡ, soi chiếu và gìn giữ những giá trị bền lâu nhất.

Văn học nghệ thuật chỉ thực sự phát triển bền vững khi có sự chung tay từ nhiều phía. Chúng tôi tin rằng, đầu tư cho văn học nghệ thuật chính là đầu tư cho tương lai tinh thần của tỉnh nhà – nơi văn hóa trở thành nguồn lực, con người trở thành trung tâm và động lực phát triển bền vững.

Về phía mình, chúng tôi – những người làm công tác văn học nghệ thuật – cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, sáng tạo và cống hiến, với tâm huyết và trách nhiệm, vì sự phát triển văn hóa và con người Thái Nguyên hôm nay và mai sau.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy