Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
11:07 (GMT +7)

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn của một số tộc người cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Việt Bắc +2, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Đây là địa bàn rộng lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng gồm vùng Núi cao, vùng thung lũng, vùng trung du... là địa bàn cư trú chủ yếu của các tộc người như: Kinh,Tày, Nùng, Bố Y, Sán Chay, La Chí, Mông, Dao, Cơ Lao, Pu Péo, Hoa, Ngái, Sán Dìu... trong mỗi tộc người lại có nhiều nhóm địa phương (VD: Dân tộc Nùng có Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Giang, Nùng U...; Dân tộc Dao có Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Lô Găng, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán...). Do môi trường, điệu kiện tự nhiên, xã hội... trải quá quá trình hình thành, phát triển mỗi tộc người, vùng miền có những sắc thái văn hoá riêng, rất đa dạng, phong phú.

1. Một số loại hình nghệ thuật biểu diễn của các tộc người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du - miền núi phía Đông Bắc, là vùng đất nối liền giữa núi rừng Việt Bắc và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía đông giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, phía nam giáp thủ đô Hà Nội, phía tây giáp các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang. Theo điều tra dân số ngày 1/4/2019, dân số tỉnh Thái Nguyên là 1.286.751 người, trong đó nam có 629.197 người và nữ là 657.554 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, trong đó 8 dân tộc đông dân nhất là: dân tộc Kinh là 821.083 người chiếm tỷ lệ 73,1% dân số toàn tỉnh (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019); còn lại là các dân tộc khác như: Dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa, Ngái… Các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh từ lâu luôn có truyền thống đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có những sắc văn hóa riêng về Di sản Văn hoá Vật thể như: Nhà cửa, trang phục ẩm thực…; Di sản Văn hoá Phi vật thể như: Ngôn ngữ, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian. Cho đến nay, Thái Nguyên có tổng số 22 Di sản Văn hóa Phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, cụ thể như sau:

 1.1. Dân tộc Tày: Dân số 123.197 người, chiếm 11% dân số ở tỉnh Thái Nguyên (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), họ có mặt ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung đông nhất là ở huyện Định Hoá, tiếp đến là các huyện: Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai… trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ trong chu kỳ đời người, lễ hội người Tày có nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia: Rối cạn của người Tày; Nghi lễ Then của người Tày, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ATK, Định Hoá, Lượn Cọi của Người Tày, Hát ví của người Tày huyện Định Hoá.

 1.2. Dân tộc Nùng: Dân số: 63.816 người, chiếm 5,7% dân số ở tỉnh Thái Nguyên (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Ở Thái Nguyên người Nùng tập trung chủ yếu ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ…

Dân tộc Nùng có 2 di sản được công nhận: Nghi lễ hát Khoăn và Nghi lễ Cấp sắc của người Nùng ở Đồng Hỷ.

 1.3. Dân tộc Sán Dìu: Dân số 44.134 người, chiếm 3,9% dân số ở tỉnh Thái Nguyên (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Người Sán Dìu tự gọi mình là Sán Dìu (Sán Dẻo/Sán Dìu, các cộng đồng láng giềng gọi họ bằng nhiều tên khác nhau: Trại đất, Trại ruộng, Mán Quần Cộc, Mán Váy Xẻ, Sán Nhiều, Slán Dao. Các nhà ngôn ngữ học xếp dân tộc Sán Dìu vào nhóm ngôn ngữ Hán, thuộc ngữ hệ Hán - Tạng. Người Sán Dìu cư trú chủ yếu ở các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên… Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái nguyên đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia.

 1.4. Dân tộc Sán Chay: 32.483 người, chiếm 2,9% dân số ở tỉnh Thái Nguyên (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Người Sán Chay bao gồm hai nhóm là Cao Lan và Sán Chí, đồng bào cư trú chủ yếu tại các huyện Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ.

Trong danh mục Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia, dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên có 3 di sản: Múa Tắc Xình, Hát Sấng Cọ và lễ hội Cầu mùa.

 1.5. Dân tộc Dao: 25.360 người, chiếm 2,3% dân số ở tỉnh Thái Nguyên (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), người Dao ở Thái Nguyên thuộc 3 nhóm địa phương: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt và Dao Lô Gang. Dao Quần Chẹt tập trung chủ yếu ở huyện Đại Từ, Dao Đỏ cư trú phân tán ở huyện Phú Lương và Đồng Hỷ, Dao Lô Gang tập trung ở huyện Võ Nhai. Ngoài ra, người Dao còn cư trú rải rác ở Định Hoá, Phổ Yên... Tuy thuộc 3 nhóm khác nhau nhưng đều tự gọi là Dao Đại Bản (Tầm Mả Miền), cùng nói phương ngữ Kiềm Miền.

Dân tộc Dao có: Nghi lễ Cấp sắc, nghi lễ Tết nhảy, Pả Dung, chữ Nôm của người Dao tỉnh Thái Nguyên, nghệ thuật may, thêu của người Dao, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ; xã Nghinh Tường, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai.

 1.6. Dân tộc Mông: Dân số: 7.320, chiếm 0,6% dân số ở tỉnh Thái Nguyên (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), đồng bào cư trú chủ yếu tại các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương, đây là những huyện vùng cao của tỉnh.

Dân tộc Mông có: Nghệ thuật Khèn của người Mông.

 1.7. Dân tộc Hoa: 2.064 người, 0,18% (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Đồng bào sinh sống xen kẽ với các tộc người khác ở các huyện, Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hoá, Võ Nhai… Những người Hoa đầu tiên đã có mặt ở Thái Nguyên khoảng trên dưới 150 năm. Họ là lưu dân có nguồn gốc từ các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây tại Trung Quốc. Tổ tiên của một bộ phận trong số họ vốn là những nông dân nghèo đói phải phiêu bạt mưu sinh, một số ít khác có thể là hậu duệ những chiến binh của phong trào Thái Bình Thiên Quốc chống lại Nhà Thanh, bị đàn áp nên trốn sang Việt Nam. Khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, một bộ phận người Hoa cũng chuyển từ Hà Cối (Quảng Ninh) về Thái Nguyên lập nghiệp.

 1.8. Dân tộc Ngái: Dân số 495 người, chiếm 47,8% tổng số người Ngái tại Việt Nam (Theo Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Theo Tổng điều tra dân số ngày 1/4/1999, người Ngái ở Thái Nguyên chỉ có 422 nhân khẩu, sinh sống phân tán ở các huyện Đại Từ (110 người, nam: 60, nữ: 50), thành phố Thái Nguyên (86 nhân khẩu, nam: 42, nữ: 44), Phổ Yên (31 nhân khẩu, nam: 21, nữ: 10). Người Ngái còn phân bố ở các huyện Phú Lương và Đồng Hỷ. Dân tộc Ngái không có các thôn bản riêng, họ sống xen kẽ với người Kinh, Tày, Hoa và Sán Dìu.

Trên đây là 6/8 tộc người cư trú chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và những di sản văn hoá thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch xếp hạng Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia. Những di sản này chứa đựng giá trị văn hoá, phản ảnh những quan niệm, tâm tư, tình cảm của đồng bào về tự nhiên, môi trường, xã hội… luôn khát khao, ước mong cuộc sống tốt đẹp hơn thể hiện qua nhiều chủ đề như:

- Phản ảnh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất với cảnh quan rừng núi, nương đồi, soi bãi đặc trưng, với công việc cày cấy, gieo trồng hàng ngày thể hiện rõ qua từng lời ca trong Sấng Cọ, các điệu múa gieo mạ, lên nương, thu hoạch trong múa Tắc Xình (dân tộc Sán Chay), hát Sọong Cô (dân tộc Sán Dìu), hát Sli (dân tộc Nùng)… Những tâm tư, suy nghĩ, xử sự của con người với tự nhiên hay với môi trường xã hội đều được phản ảnh chân thực, sinh động trong những bài dân ca mộc mạc.

- Phản ánh quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người,  khát vọng về cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, phản ảnh vẻ đẹp của con người và thiên nhiên, giá trị tinh thần và tâm linh (hát then, cấp sắc, cầu mùa…).

- Phản ánh lịch sử tộc người, nội dung các bài dân ca, bài cúng, các điệu phản ánh khá rõ lịch sự hình thành phát triển của tộc người qua các địa danh, các bài cúng trong các nghi lễ, tích truyện, các điệu múa…

- Phản ánh chủ đề tình yêu đôi lứa được hầu hết các tộc người đề cập trong các di sản nghệ thuật biểu diễn đặc biệt là qua các làn điệu Sấng Cọ, Sli, Lượn, Pả Dung… Qua những lời ca, tiếng hát thể hiện rõ tâm tư của các chàng trai, cô gái đang yêu. Những bài hát bày tỏ tâm tình, diễn tả nỗi nhớ nhung cùng khát vọng gặp lại khi xa cách hay những bài hát gửi gắm nỗi xót xa, tiếc nuối khi không thể nên duyên… đều đã góp phần làm nên nét hấp dẫn riêng có của những khúc hát giao duyên.

- Phản ánh những nội dung mang tính giáo dục, đó là những lời ca, câu thơ mang tính triết lý, răn dạy con trẻ, dòng họ, cộng đồng về tri thức dân gian, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội.

- Phản ảnh giá trị cố kết cộng đồng: Các di sản nghệ thuật biểu diễn trên không chỉ là để giải trí, cầu mùa, hay để thờ thần thánh mà qua các tiết mục biểu diễn còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong các lời hát đều khuyên răn con người nên lấy đức làm đầu, khuyên người dân biết giữ đạo “uống nước nhớ nguồn”, biết nhớ công ơn của vua, ơn ma, ơn thánh, ơn bố mẹ, thầy cô đã có công dưỡng dục… khơi dậy lòng yêu quê hương. Khuyên con người nên chăm chỉ lao động, học tập để làm người có ích. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật biểu diễn của mỗi tộc người đều là hình thức sinh hoạt cộng đồng (dòng họ, làng bản…). Mỗi đợt thực hành, trình diễn có sự tham gia của nhiều người, nhiều lứa tuổi… Đây là những sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội.

- Phản ánh giá trị nghệ thuật, Sình Ca, Soọng Cô, Sli, Lượn, Pả dung… là thể loại dân ca trữ tình do chính những người nông dân thật thà, chất phác sáng tạo nên, được truyền miệng từ đời này sang đời khác hoặc được ghi chép lại bằng chữ Hán Nôm. Nó là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn trong cuộc sống thường ngày. Người hát phải có khả năng hiểu biết, trí nhớ tốt và sáng tạo thì mới có thể hát đối đáp được. Trong việc ứng đối từ các màn hát chào hỏi, xin gỡ dây chăng đường, rửa chân, trải chiếu... trong tiến trình diễn ra trong đám cưới, người hát cần có sự nhanh nhạy trong ứng tác, và sáng tạo thêm lời mới, khiến cho nội dung phong phú, đa dạng… ngôn ngữ sử dụng trong các làn điệu dân ca thường mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời thường nhưng giàu hình ảnh, được diễn đạt bởi lối so sánh ví von, sử dụng từ hình tượng tạo nên sự đặc sắc, sức hấp dẫn riêng có.

- Phản ánh sự sáng tạo, linh hoạt trong các không gian diễn được sử dụng hết sức linh hoạt. Họ có thể thực hành biểu diễn ở trong nhà, ngoài trời, trên nương, ngoài đồng, sân lễ hội… Tính linh hoạt trong hoạt động văn nghệ dân gian cùng tính thích ứng với điều kiện địa lý tự nhiên đã kiến tạo nên bản sắc và ý thức tộc người.

- Phản ánh những kinh nghiệm, tri thức dân gian về thời tiết, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp thông qua lời ca, tiếng hát, trò diễn... Trong những câu hát, những biểu diễn của nghệ thuật ấy còn thể hiện được sự thay đổi của đời sống xã hội để họ có thể có những sự tự chuyển hoá, tự thích nghi để đáp ứng những nhu cầu về văn hoá, nghệ thuật, đời sống của những con người nơi đây.

- Phản ánh giá trị thẩm mỹ, thông qua các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian của một số tộc người trên ta thấy đa dạng về cách phản ánh hiện thực xã hội của mỗi cộng đồng qua chính lăng kính cảm xúc thẩm mỹ của tộc người đó trong mỗi loại hình hát, múa, diễn trò…

2. Thực trạng một số loại hình nghệ thuật biểu diễn của các tộc người trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

 2.1. Đối với những di sản văn hoá thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn đã được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia

- Những di sản này đã được biết đến nhiều hơn, rộng hơn, được cộng đồng quan tâm lưu giữ, bảo tồn tại chính nơi sản sinh ra những di sản văn hoá đó.

- Có sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cụ thể bằng các chỉ thị, nghị quyết, thông tư… trong việc bảo tồn gìn giữ với hình thức đưa vào các chương trình hỗ trợ, trưng bày, tập huấn, giới thiệu quảng bá.

- Nhiều di sản được biểu diễn, thực hành thường xuyên tại các lễ hội, ngày hội tại làng bản, xã, huyện, tỉnh… Nhiều tiết mục được công chúng, du khách đón nhận, tôn vinh, khơi dậy lòng tự hào của chủ thể sản sinh ra những di sản văn hoá đó.

- Nhiều tiết mục biểu diễn có giá trị đặc trưng văn hoá, được giới thiệu với du khách khi đến với thái nguyên tại các điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh… được cộng đồng yêu thích, đây cũng là một trong những yếu tố thu hút công chúng đến với Thái Nguyên.

Tuy nhiên cũng có những di sản sau khi được công nhận, mới chỉ thực hiện được việc gìn giữ tại cộng đồng, chưa có sự lan toả.

 2.2. Những di sản văn hoá chưa được kiểm kê, công nhận:

Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Thái Nguyên có 550 di sản văn hoá trong đó nhiều di sản thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các tộc người. Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, đến nay mới chỉ có được 22/550 di sản được xếp hạng, công nhận ở cấp Quốc gia. Chúng ta không kỳ vọng là tất cả những di sản đó đều đủ tiêu chí ở cấp Quốc gia, nhưng mỗi di sản của một cộng đồng, tộc người đều ẩn chứa những giá trị nhất định, những giá trị đó có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc định hướng, hình thành nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Trong số 22 Di sản Văn hoá Phi vật thể được công nhận chủ yếu liên quan đến thực hành trong tín ngưỡng dân gian trong các nghi lễ, số ít còn lại là dân ca và tri thức dân gian trong sản xuất, nghề thủ công.

Như vậy, còn rất nhiều di sản đang tồn tại, ẩn mình trong cộng đồng chưa được triển khai, nghiên cứu, bảo tồn như các làn điệu dân ca, các điệu múa dân gian…

3. Xu hướng biến đổi trong các loại hình nghệ truyền thống:

- Giản lược hoá về các nghi thức thực hành, trình diễn.

- Nội dung đề cập trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn cũng thay đổi, phù hợp với cuộc sống đương đại.

- Không gian, địa điểm diễn, đối tượng phục vụ thay đổi.

- Trang phục, đạo cụ đa dạng hơn.

4. Một vài đề xuất bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống

- Nghiên cứu, khảo sát tại thực tế, tại các cơ quan hữu quan (bảo tàng tỉnh, phòng văn hóa, trung tâm văn hóa các huyện…). Đặc biệt là thực địa, kiểm kê lại toàn bộ những di sản văn hoá. Trên cơ sở đó đánh giá chi tiết, khách quan toàn bộ những vấn đề liên quan đến di sản văn hoá, trong đó có các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó xác định những loại hình nghệ thuật có nguy cơ bị mai một đưa vào chương trình triển khai trước.

- Triển khai một đợt nghiên cứu, sưu tầm tổng thể về thông tin, tư liệu, hiện vật liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh (trang phục biểu diễn, đạo cụ, sách Nôm ghi chép lại những nội dung về phong tục tập quán, nghi thức, nghi lễ, các bài dân ca, những biểu tượng trong các nghi lễ…). Những tư liệu, hiện vật sưu tầm được phải được lưu giữ, bảo quản lâu dài, an toàn.

+ Xây dựng chuyên đề trưng bày, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống tại nhà truyền thống của các thôn, trung tâm văn hóa các huyện, bảo tàng tỉnh, hội chợ, triển lãm… Tổ chức các cuộc thi trình diễn, tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh. Tạo dựng trang web giới thiệu quảng bá về các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh…

+ Mở lớp truyền dạy, tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh.

+ Quan tâm, hỗ trợ nghệ nhân, những người đang nắm giữ tri thức, kinh nghiệm liên quan đến các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh. Động viên khuyến khích họ trao truyền những tri thức, kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ.

+ Làm tốt công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức phù hợp: Trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội, thông qua các hoạt động trong các đơn vị (trường học, các đoàn thể thanh niên, mặt trận, công đoàn, phụ nữ…).

+ Các cơ quan quản lý từ trung ương cần tăng cường sự quản lý, chỉ đạo ở các cấp, các ngành cần có sự quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân. Làm cho họ tự giác đề cao trách nhiệm, có ý thức để tham gia vào công tác bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh.

+ Nâng cao nhận thức về di sản các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người đó là một di sản quý giá, phong phú và đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị. Nếu mất di sản này thì tộc người đó sẽ bị đồng hóa và mất đi bản sắc văn hóa tộc người mình.

+ Đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh và nhà trường với các chương trình giáo dục ở địa phương cho các em học sinh học tiểu học và trung học cơ sở, các trường Dân tộc nội trú để các em có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm với các loại hình nghệ thuật truyền thống.

+ Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, đầu tư kinh phí cho việc khôi phục các các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người. Nâng cao việc giáo dục, nhận thức cho chính đồng bào các dân tộc thiểu số về việc gìn giữ những di sản văn hoá quí giá của dân tộc mình trong đó có các loại hình nghệ thuật truyền thống của các tộc người trên địa bàn tỉnh. Đầu tư kinh phí cho việc mời các nghệ nhân, các cụ lớn tuổi trong làng, bản truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu nội dung, cách thức, kỹ năng biểu diễn.

+ Lựa chọn tiết mục, đề ra các chính sách phát huy giá trị văn hóa thông qua các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, đặc biệt là xây dựng mô hình, đưa vào tour tham quan, trải nghiệm trong những chuỗi hoạt động du lịch trọng điểm của tỉnh và mang đi quảng bá tại những địa phương khác khi có những buổi giao lưu, quảng bá hoặc xúc tiến hoạt động du lịch. Những hoạt động này nhằm quảng bá, tôn vinh những di sản văn hoá và tạo điều kiện cho đồng bào thu nhập thêm, cải thiện cuộc sống. Khi có đầy đủ về vật chất họ mới yên tâm tham gia hoạt động nghệ thuật và cống hiến cho những giá trị văn hóa tinh thần đó.

-------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. La Công Ý (1992), Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Định Hóa (Thái Nguyên), KTVN số 6.

2. TS. Ma Ngọc Dung (2007), Văn hóa ẩm thực của người Tày ở Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội.

3. Văn hóa truyền thống Tày – Nùng (1993), NXB Văn hóa dân tộc - Hà Nội. 12. Viện dân tộc học (1992), Dân tộc Tày – Nùng ở Việt Nam NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

4. Trần Văn Ái (1999), Trang phục cổ truyền của người Sán Chỉ ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu cấp Viện, Tư liệu lưu giữ của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam.

5. Trần Văn Ái, Đỗ Đức Lợi (1997), Tục Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt ở tỉnh Bắc Thái, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện, Tư liệu lưu giữ của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam.

6. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc), (1978), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Lê Ngọc Canh (1997) “Tục múa hát nghi lễ cổ truyền của người Cao Lan”, Tạp chí Dân tộc học (4).

8. Âu Văn Hợp (2000), Hôn nhân và gia đình của người Cao Lan ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, đề tài thạc sĩ chuyên ngành văn hoá học, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

9. Đỗ Đức Lợi, Trần Văn Ái, Hoàng Hoa Toàn (2001), Tập tục chủ yếu trong chu trình đời người của các tộc người ngôn ngữ Mông - Dao ở một số tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 236 trang, Thái Nguyên.

10. Lâm Quý (1999). Kólan Slam (Truyện tình thơ Cao Lan), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

11. Ma Khánh Bằng (1983), Người Sán Dìu ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

12. Diệp Trung Bình (2005), Phong tục và chu kỳ đời người của người Sán Dìu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

13. Diệp Trung Bình (2011), Tri thức dân gian trong chu kỳ đời người Sán Dìu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

14. Phạm Thị Phương Thái (chủ biên), Nguyễn Thị Mùi, Vũ Thị Mùi (2014), Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu từ góc nhìn văn hóa, Nxb Đại học Thái Nguyên.

15. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên (2009), Địa chí Thái Nguyên.

16. Luật Di sản Văn hoá số 28/2001/QH10, sửa đổi bổ sung 2009.

17. Nghị định 144/2020/NĐ-CPqui định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ngày 14/12/2020.

 

Trần Văn Ái

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

4 đã tặng

3

2

2

-3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy