Nhận diện, bảo tồn và phát huy loại hình Múa dân gian dân tộc khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại
Trên mảnh đất Việt Nam, 54 dân tộc anh em cùng sinh sống như 54 loại chỉ sắc màu rực rỡ dệt nên tấm thổ cẩm hình chữ S. Trong đó sự đa dạng phong phú, những nét đặc trưng, đặc điểm tiêu biểu của từng dân tộc thể hiện qua các điệu múa chính là một phần tạo nên bản sắc dân tộc trong Văn hóa Việt Nam.
Bước sang thế kỷ XXI – thế kỷ của thông tin, khoa học, công nghệ, xu thế toàncầu hoá trên các mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá, đã và đang mở ra những cơ hội và thách thức mới. Cuốn theo vòng xoáy đó, văn hoá nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa dân gian dân tộc khu vực Việt Bắc nói riêng luôn tìm cho mình những bước đi, hướng đi để thích ứng và phát triển. Nhận diện, bảo tồn và phát huy của loại hình Múa dân gian dân tộc khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại - vấn đề đặt ra cho những người làm công tác sáng tạo nghệ thuật múa chúng tôiluôn phải suy nghĩ, tìm tòi cái mới trong sáng tạo để những tác phẩm múa mang tính tư tưởng, thẩm mỹ và giáo dục cao, thể hiện được hơi thở, nhịp sống của ngày hôm nay. Đó là việc làm thật sự cần thiết trong bất cứ giai đoạn và hoàn cảnh nào, nhất là trong thời điểm hiện tại. Có như vậy, nghệ thuật múa mới tồn tại và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng trong thời đại mới.
Là một biên đạo múa, tôi muốn được cùng bàn với các nhà chuyên môn, nhiều bạn đồng nghiệp về tiếp thu những kinh nghiệm được đào tạo,được giảng dạy, sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa dân tộc khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại.
Chúng ta cần tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa thế giới như thế nào? Ta rất cần tiếp thu các kiến thức chung mà ta đang thiếu, đang yếu,tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến, phương pháp kết cấu xây dựng những tác phẩm múa phải hiện đại nhưng không rời xa bản sắc dân tộc. Đó là một định hướng hết sức khoa học mang tính chân lý khách quan. Ðó là một sự tiếp thu tinh hoa đa dạng nhiều mặt vô cùng phức tạp của một thế giới đầy biến động trong xu thế toàn cầu hóa. Nó đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ, mỗi biên đạo phải có trách nhiệm tự làm chủ được mình để không bị lạc hướng, tìm được, học được những bước đi riêng có cùng với bản lĩnh vững vàng, vốn kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú về nghề nghiệp, lòng tự trọng dân tộc cao, phục vụ việc nâng cao và phát triển nghệ thuật múa dân tộc khu vực Việt Bắc nói riêng, nghệ thuật dân tộc Việt Nam nói chung. Để sáng tác các tác phẩm múa phải mang hơi thở, phong cách “Hiện đại nhưng không được rời xa bản sắc dân tộc”.
Hoạt động nghệ thuật múa chuyên nghiệp trong những năm qua có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt lĩnh vực sáng tác múa. Sự biến đổi được thể hiện dưới hai góc độ: Đội ngũ và chất lượng sáng tác. Đó là vấn đề liên quan đến xu hướng sáng tác múa. Thực tế đã phản ánh bức tranh đa sắc màu cùng những biểu hiện sinh động, phức tạp trong quá trình phát triển nghệ thuật sáng tác múa chuyên nghiệp. Trước tình hình đó,là một biên đạo, điều cần thiết phải nhận diện được các xu hướng sáng tác múa hiện nay để định hướng cho mình là một việc vô cùng cần thiết và hữu ích.Chúng ta có thể điểm qua một số xu hướng sáng tác như: Xu hướng phát triển từ chất liệu múa dân gian; Xu hướng kết hợp múa dân gian với những động tác sinh hoạt đương đại; Xu hướng kết hợp múa dân gian với múa nước ngoài (múa ballet).
Nói đến xu hướng sáng tác hiện nay là nói đến phương pháp tư duy sáng tạođược nhiều tác giả đang theo đuổi. Theo đuổi bởi lẽ đã có kiểm nghiệm, đã có người làm và đã có kết quả nhất định. Thực tế cho thấy, thông qua một số hoạt động như: Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, các cuộc thi tài năng biên đạo, kết quả xét giải thưởng hàng năm của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT các tỉnh, thành phố, sự xuất hiện trên sân khấu ở những thời điểm khác nhau, các tỉnh trong khu vực khác nhau… Mỗi biên đạo với tư cách là một tác giả, tự tìm cho mình một xu hướng sáng tác, họ đã ý thức được điều đó như một cách tự nhiên, họ tự điều chỉnh, chọn cho mình một cách nghĩ, cách làm theo phương pháp riêng của họ.
Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, các biên đạo Việt Nam đã đi bằng nhiều con đường khác nhau, tìm kiếm sáng tạo theo nhiều xu hướng khác nhau để cùng đến một đích - Múa Việt Nam Dân tộc - Hiện đại. Dù sáng tạo theo một xu hướng nào đi chăng nữa, thực tiễn đòi hỏi mỗi nhà biên đạo múa phải nắm vững 2 yếu tố: Dân tộc và hiện đại- 2 yếu tố không thể tách rời trong một tác phẩm múa hiện nay. Dân tộc để không đánh rơi truyền thống, không đánh mất chính mình, Hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại.
Với Khu vực Việt Bắc, có thể khẳng địnhdòng múa Dân gian Dân tộc là một dòng chủ chủ yếu đã tồn tại và chi phối mạnh mẽ, lâu bền đối với lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp trong khu vực. Dòng múa Dân gian Dân tộc như một dòng chảy mang trên mình những sắc màu văn hóa múa của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân gian của dân tộc mình. Nhìn từ góc độ nghệ thuật múa, có thể nói di sản múa dân gian là cơ sở tiêu biểu xác định bản sắc múa của mỗi tộc người, là nguồn tài nguyênvô tận cho các hoạt động sáng tác múa, từ nghệ thuật múa chuyên nghiệp đến nghệ thuật múa quần chúng. Văn hóa múa của 54 dân tộc đối với lĩnh vực múa chuyên nghiệp từ lâu được coi là chất liệu để làm nên hình ảnh, phẩm chất của tác phẩm múa. Khán giả sẽ không khó khăn khi nhận ra địa chỉ của tác phẩm sáng tác. Trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp ởkhu vực Việt Bắc, có thể nói đây là dòng múa chính trong các dòng múa hiện nay. Dòng múa Dân gian Dân tộc không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn vốn cổ truyền mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá bản sắc dân tộc trong múa khu vực Việt Bắc nói riêng, Bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó là dòng múa Đương đại. Trong nghệ thuật múa, khái niệm về múa đương đại và múa hiện đại còn có cách hiểu khác nhau. Đương đại là một loại hình múa đặc biệt bởi nó mang tính tổng hợp. Trong dòng múa này tác giả đã sử dụng hệ thống, phương pháp múa hiện đại, cận hiện đại và múa Ballet cổ điển, múa đương đại đã đưa ra một hình thức mới, một cách diễn đạt mới. Múa đương đại tạo cảm xúc mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa diễn viên và khán giả. Một đặc điểm mang tính đặc thù đó là trong múa đương đại, người diễn viên múa hoàn toàn làm chủ không gian mình diễn. Họ hoàn toàn tự do, chủ động thể hiện chính mình một cách mạnh mẽ, bản năng, tác phẩm không mô tả theo lối kể chuyện, khai thác triệt để tính tự do phóng khoáng, người diễn viên có những khoảng có thể tự do ứng tác, những biến đổi đột ngột trong động tác múa một cách tự nhiên và rất đời thường, nhiều kĩ xảo, tạo hình mới lạ…đó là mục đích của dòng múa này chấp nhận và hướng tới.
Trở lại chủ đề của tham luận “Nhận diện, bảo tồn và phát huy loại hình Múa dân gian dân tộc khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại”với cách nhìn nhận còn hạn hẹp của cá nhân, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến như sau:
Nói đến nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Bắc, có thể khẳng định một điều không thể phủ nhận được đó là các tác phẩm của các tác giả gạo cội trong làng múa ở khu vực Việt Bắc nói riêng, ngành múa Việt Nam nói chung (như của NSND Lê Khình, Cố NSƯT Vương Thào) vẫn luôn sống mãi với thời gian - trong vài thập niên qua và còn nguyên giá trị trong đời sống đương đại hôm nay. Những tác phẩm múanhư “Những bông đỏ của rừng” ; “Múa Lô Lô”; “Múa cầu phúc”…. hiện nay vẫn được Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc bảo tồn, gìn giữ và biểu diễn trong nước cũng như các nước trên thế giới, đáp ứng nhu cầu cũng như thành tựu của loại hình Múa dân gian dân tộc khu vực Việt Bắc nói riêng, toàn ngành nói chung trong đời sống đương đại.
Trong lĩnh vực sáng tác múa hiện nay, dòng múa Đương đại được phổ cập nhất, ngôn ngữ mở rộng, phóng khoáng, có thể kết hợp với ngôn ngữ của các dòng múa khác nhau như: Múa dân gian dân tộc, kết hợp múa hiện đại, múa Ballet để xây dựng tác phẩm. Đặc biệt tác phẩm cũng thể hiện được cảm xúc mới, hơi thở mới, mang tới cho khán giả một cảm nhận mới trong thưởng thức nghệ thuật múa. Không ít các tác phẩm, tác giả đã tạo được chân dung sáng tác của mình qua dòng múa này. Họ đã có cách diễn đạt mới và tìm được sự chia sẻ với khán giả đương đại và đóng góp rất nhiều tác phẩm múa trong khu vực Việt Bắc qua những kỳ Hội diễn toàn quốc như: NSND Kiểu Lê, NSND Hữu Từ, NSND Trần Ly Ly, Tuyết Minh, NSƯT Xuân Chiến, Hải Trường, Tứ Thiên…; các biên đạo trong địa bàn khu vực như: NSƯTMai Thamh, NSƯT Thanh Hương, Tú Nam, NSƯT Thiện Thực…Với các tác giả này, đồng nghiệp và khán giả tìm thấy ở họ hơi thở mới, qua ngôn ngữ biểu đạt và góc nhìn mới lạ trong tiếp cận và phản ánh hiện thực.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế bất cập, còn hiện tượng rất nhiều tác phẩm được giải thưởng cao, huy chương vàng, huy chương bạc trong các kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc (đó là những tác múa múa được đầu tư lớn từ khâu đặt hàng nội dung ý tưởng kịch bản đến hình thức dàn dựng, trang phục, đạo cụ…) nhưng liền sau đó cũng không được quảng bá, không được trình diễn trên sân khấu phục vụ khán giả địa phương - với lý do rất thuyết phục rằng sân khấu phục vụ khán giả của các tỉnh lẻ không giống các sân khấu khi đi tham gia hội diễn toàn quốc. Không đủ điều kiện để diễn viên thể hiện kỹ năng, kỹ thuật, với những đạo cụ phụ trợ cồng kềnh, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh hỗ trợ thiếu… Hiện tượng này tác phẩm không đủ điều kiện để đem đến phục vụ khán giả cho dù tác phẩm đạt giải cao. Có nghĩa là trong tư duy của biên đạo không có hình ảnh của khán giả. Như vậy, với tác giả là biên đạo, thì khán giả không phải là đối tượng sáng tác của mình. Thậm chí còn có hiện tượng căn cứ vào thẩm mĩ và năng lực chuyên môn của các giám khảo để sáng tác tác phẩm, tất nhiên hiện tượng này không nhiều nhưng cũng là lý do góp phần dẫn đến tác phẩm không có đời sống sân khấu. Đây là vấn đề để các tác giả sáng tạo cũng như các nhà lãnh đạo quản lý các đoàn nghệ thuật ngày nay cần đặt ra suy ngẫm khi sáng tác, hoặc đặt sáng tác các tác phẩm nghệ thuật múa cho đơn vị mình.
Có thể nói, từ tác giả qua tác phẩm tới khán giả và ngược lại - đó là mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm; giữa tác phẩm và khán giả. Đây là một mối quan hệ phức tạp. Bởi lẽ cung cầu nghệ thuật luôn chuyển động và biến đổỉ. Người biên đạo không nắm bắt được sự biến đổi mang tính quy luật đó, đương nhiên tác phẩm sẽ không bám dễ lâu bền trong tâm thức người xem. Đối với nghệ thuật biểu diễn, cho dù ở các thời đại khác nhau, yếu tố khán giả bao giờ cũng là yếu tố quan trọng, quyết định đến số phận của tác phẩm.Khán giả của chúng ta đa dạng. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, các đối tượng phục vụ với những yêu cầu phục vụ khác nhau. Đây cũng là một điều kiện mang tính khách quan khi muốn đánh giá chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Điều này là một vấn đề lớn, quan trọng đối với các tác giả. Vì vậy tác phẩm múa không bám vào hiện thực đời sống khán giả, không lấy đối tượng khán giả để sáng tác, để phục vụ sẽ là một sai lầm trong tư duy sáng tạo, trong định hướng. Có người ví khán giả là khách hàng, mà trong kinh doanh người ta còn nói “khách hàng là thượng đế”. Vậy có “tác giả chân chính” thì đương nhiên cũng có “khán giả chân chính”. Đó là đối tượng cơ bản để tác phẩm hướng tới.
Chúng ta đều biết, khán giả hiện nay đan xen nhiều thế hệ. Mỗi thế hệ có quan điểm thẩm mĩ khác nhau. Điều này biểu hiện rất rõ trong hiện thực sân khấu Ca Múa Nhạc hiện nay. Thế hệ khán giả đã đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại với những dấu ấn mạnh mẽ, sâu sắc về vẻ đẹp của quá khứ sẽ không dễ dàng chấp nhận ngay những biến đổi của thẩm mĩ hiện đại, đó là điều hiển nhiên. Loại thứ hai là thế hệ sau chiến tranh với tầng tầng, lớp lớp những thông tinphong phú, đa dạng từ bên ngoài ồ ạt bằng nhiều con đường đến Việt Nam và thị hiếu của lớp khán giả trẻ tiếp cận cũng như biến đổi thẩm mĩ rất nhanh. Đây là một đặc điểm nổi bật của đời sống đương đại. Từ đó cho thấy các đội ngũ sáng tác múa hiện nay nếu không xem xét, nghiên cứu một cách nghiên túc,vẫn phương pháp tư duy cũ, phương thức biểu đạt cũthì sáng tác của chúng ta sẽ đứng ngoài đời sống khán giả. Khán giả hôm nay rất đa dạng và phức tạp. Nhưng cho dù phức tạp đến đâu thì người biên đạo cần xác định khán giả luôn là đối tượng sáng tác của mình.Có điều người sáng tác phải tìm ra thị hiếu chung của số đông khán giả.
Giao lưu đồng nghĩa với phát triển nhưng bên cạnh yếu tố tích cực vẫn có không ít những hiện tượng tiêu cực thẩm thấu vào văn hóa nghệ thuật bản địa. Vì thế nhìn từ hai chiều thì tác giả phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm sáng tạo của mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng thẩm mĩ lành mạnh trong đời sống đương đại. Đó là trách nhiệm của tác giả trong sáng tạo - trách nhiệm trong tham mưu cho các nhà quản lý để định hướng trong sáng tác.
Tác phẩm múa phải được nhìn từ hai chiều có nghĩa là từ tác giả qua tác phẩm đến khán giả và ngược lại. Đây là mối quan hệ mang tính biện chứng, tạo động lực phát huy sáng tạo, thúc đẩy chất lượng sáng tác múa chuyên nghiệp. Khán giả đương đại đã khó tính nhiều, họ không chấp nhận những tác phẩm không hướng tới con người, phục vụ lợi ích con người, họ đủ trình độ cảm nhận và thưởng thức cái mới và nhu cầu luôn đòi hỏi cái mới, nhưng cái mới phải được hiểu, được chia sẻ bằng tài năng sáng tạo của các tác giả, đem đến các tác phẩm múa Cái mới, cái đương đại mang đậm bản sắc dân tộc thì trong nó tính hiện đại, tính tiên tiến càng cao. Có như vậy, nghệ thuật múa mới tồn tại và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng trong thời đại mới.
Trần Thị Thanh
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...