Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:17 (GMT +7)

Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ múa của tác phẩm biểu diễn

 

Như chúng ta đã biết, đất nước Việt Nam có 4 ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống bên nhau, mỗi vùng miền trên mọi miền của đất nước, Tổ quốc đều mang những nét sinh hoạt đặc trưng riêng, có nền văn hóa phong phú đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, là những nét đặc trưng riêng trong đời sống sinh hoạt...

Trong đó quá trình phát triển về lịch sử của con người, tạo ra bản sắc dân tộc, nó luôn được gắn bó trong ngôn ngữ múa, trong tác phẩm múa, thông qua các chất liệu của mỗi dân tộc, qua bàn tay, trí tuệ của các nghệ sỹ biên đạo, đã cấu trúc tạo nên các tác phẩm múa biểu diễn, phục vụ công chúng. Do đó việc chọn lựa ngôn ngữ múa dân tộc làm chủ đạo riêng, đó là bản sắc của dân tộc trong quá trình phát triển của xã hội.

Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ múa, là một thành tố trong quá trình hình thành nên tác phẩm múa. Mỗi một dân tộc có bản sắc, ngôn ngữ, những nét đẹp riêng, người biên đạo phải biết lựa chọn các ngôn ngữ dân tộc ấy làm chất liệu xây dựng nên các tác phẩm mang hơi thở bản sắc, đặc thù của riêng mình.

Nhưng trong cuộc sống hiện nay, bản sắc dân tộc của các dân tộc ở các vùng miền tạo nên các chất liệu múa, ngôn ngữ múa biểu diễn, biên đạo thành các tác phẩm đang bị mai một, nhiều nghệ nhân nắm giữ vốn văn hóa của dân tộc mình tuổi đã cao và một số đã qua đời, con cháu họ không theo nghề của cha ông và mất dần đi vốn di sản quý báu mà bao đời nay ông cha ta đã gìn giữ.

Do vậy các cụ ta thường nói: Có bột mới gột nên hồ, chúng ta muốn xây dựng và biên đạo nên những tác phẩm mang sắc màu dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, thì chúng ta phải có vốn dân tộc, ngôn ngữ dân tộc. Đó là hành trang mà các biên đạo đã thành công trong các tác phẩm múa dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, được khai thác từ chất liệu dân tộc.

Vậy chúng ta có thể khẳng định và thấy rõ vai trò quan trọng của những điệu múa dân tộc hiện nay trên sân khấu, đã đánh dấu sự thành công của các nhà biên đạo trong việc sáng tác, cải biên, nâng cao và xử lý ngôn ngữ múa dân tộc trong các tác phẩm biểu diễn. Đã đóng góp trí tuệ, tài năng của mình trong việc áp dụng và sáng tác, làm giàu thêm ngôn ngữ múa dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc một cách nhuần nhuyễn và có hiệu quả, nhiều tác phẩm được khai thác từ chất liệu dân gian dân tộc được cải biên và nâng cao hoàn thiện thành tác phẩm, có nội dung tốt để tham gia các chương trình liên hoan sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, lẫn không chuyên như: Tác phẩm múa Nguồn cội, Ngẫu hứng truyền non của biên đạo NSND Văn Quang; Song tấu sáo bầu, hát Ôi xi tan quẩy tỉ nam (Anh gọi em) của NSƯT Vương Vình; Múa nhịp điệu Tang sành, Gọi mùa về, Cấp sắc, Trăng nghiêng, biên đạo NSƯT Lê Cường - NSƯT Thành Nam - những tác phẩm được Huy chương Vàng trong Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc - đều được khai thác từ vốn chất liệu dân gian dân tộc của các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc.

Múa dân tộc càng đẹp, hoàn mỹ về động tác, phong cách, dáng điệu, ngôn ngữ, hình tượng... còn nhờ vào bàn tay, trí tuệ của các nhà biên đạo đã biết vận dụng và phát huy bản sắc, đặc trưng, tính cách hết sức độc đáo của từng dân tộc. Chúng ta thật vui mừng và tự hào về những công trình nghiên cứu thể nghiệm và sáng tác các tác phẩm múa dân tộc đã được biểu diễn thành công của các nhà biên đạo. Qua những thành công bước đầu, chúng ta có quyền tự hào trong việc bảo tồn và gìn giữ, phát huy sáng tạo ngôn ngữ múa và nghệ thuật múa dân tộc, nó càng chứng tỏ nền nghệ thuật các dân tộc Việt Nam nói chung và nền nghệ thuật các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đã giữ một vai trò quan trọng và có giá trị trong cuộc sống xã hội, sinh hoạt của con người trong đời sống đương đại.

Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ múa của tác phẩm biểu diễn rất đa dạng và phong phú. Nó được ra đời từ cuộc sống lao động, từ tập tục lễ hội, lễ cúng, hội hè của các dân tộc miền núi phía Bắc...; đã trở thành tiếng nói chung, máu thịt, hơi thở bằng hoạt động thân thể của con người; diễn tả tâm tư tình cảm, gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Các nhà biên đạo, đạo diễn vẫn không ngừng sáng tạo và phát huy vốn di sản múa đó của các dân tộc. Các tác phẩm múa dân tộc vẫn được phát triển ngày càng rộng khắp, đến với công chúng qua sự trình diễn của diễn viên, thể hiện hình tượng nghệ thuật, phản ánh cuộc sống, góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, nâng cao dân trí, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay, sự phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, trong việc sưu tầm, khai thác và lựa chọn các chất liệu dân tộc để xây dựng các tiết mục mang bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đậm đà cần phải có những nhiệm vụ và giải pháp như sau:

1. Khái niệm về bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ múa, tác phẩm múa biểu diễn, đó là hướng sáng tạo tốt nhất để các tác phẩm múa biểu diễn thực sự mang lại nét bản sắc dân tộc vẫn là xu hướng khai thác toàn diện và chiều sâu cội nguồn văn hóa dân tộc, giá trị vốn có của múa dân tộc, tái tạo chúng trên cơ sở vốn có của chúng, không vay mượn các chất liệu khác.

2. Các đoàn cần phải thành lập tổ nghiên cứu sưu tầm, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện kinh phí để đi về các thôn bản, nơi vùng sâu vùng xa có vốn văn hóa dân gian dân tộc để sưu tầm khai thác.

3. Không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân trong quá trình sáng tạo và dàn dựng, những chất liệu quý từ các lễ hội, phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, để nâng cao và phát triển thành những tác phẩm có giá trị về chất lượng nghệ thuật biểu diễn, phục vụ nhân dân, mang âm hưởng phong cách dân gian đương đại.

4. Mời các nghệ nhân để truyền dạy kinh nghiệm trong việc xử lý hát các làn điệu dân ca, dân vũ và các động tác múa trong nghi lễ của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc.

5. Trên cơ sở tiếp thu truyền thống văn hóa, ngôn ngữ múa dân tộc để sáng tác nâng cao múa đương đại, hội nhập khu vực và thế giới.

Đó là hướng đi đúng đắn nhất của nghệ thuật múa trong cuộc sống đương đại, hội nhập và phát triển hiện nay.

 

Lê Cường

(Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy