Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:30 (GMT +7)

Những trăn trở, suy nghĩ về một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc sắc của người Tày tỉnh Bắc Kạn

 

 1. Đôi nét về đặc điểm, tình hình của tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc bộ (vùng Việt Bắc xưa); phía Bắc giáp các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An (tỉnh Cao Bằng); phía Đông giáp các huyện Tràng Định, Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn); phía Nam giáp các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên); phía Tây giáp các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.996ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 44.116ha, chiếm 9,08%; đất lâm nghiệp 413.366ha chiếm 85,05%; đất khác (đất chuyên dùng, đất ở, đất chưa sử dụng)… là 28.514ha, chiếm 5,87%. Đất đai tương đối màu mỡ, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Dân số Bắc Kạn (tính tại thời điểm ngày 01/4/2019) là 313.905 người, đứng thứ 63 trên cả nước. Có 07 dân tộc anh em sinh sống, gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa, Sán Chỉ. Trong đó, dân tộc Tày và dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ đông nhất. Có mật độ dân số là 65 người/km2.

2. Một số loại hình nghệ thuật trình diễn (NTTD) dân gian truyền thống đặc sc của các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bắc Kạn

Dân tộc Tày có các làn điệu hát, như: hát oóc vằn (thơ lẩu), phuối pác, hát ưi noọng nòn (hát ru), hát then, hát thầy cúng, hát thầy tào, hát pụt, lượn cọi, lượn slương, lượn nàng ới, phong slư, hát khắt, ké tuyện, hai lủng quang… Có các lễ hội cộng đồng (LHCĐ), như: lễ tết, lễ cưới… Về múa: có múa sluông, múa bát, múa quạt, múa bông, múa nộc niệc…

Dân tộc Nùng Phàn Slình có hát sli, hát lượn, hát pụt, hát tào, múa kỳ lân múa sư tử hổ, có Hội Chợ tình Xuân Dương, có LHCĐ thôn bản.

Dân tộc Dao có hát páo dung, hát xích miến, hát múa thầy tào, thổi kèn, thổi sừng trâu, múa lửa, có lễ nhảy lửa, có LHCĐ.

Dân tộc Mông có hát dân ca, múa thổi kèn, kèn lá, sáo mông, lễ hội cầu tàu.

Dân tộc Sán Chỉ, Pác Nặm có lễ hội Khau Đấng - múa mặt nạ Ka Dong

Hầu hết các làn điệu hát dân ca dân tộc thiểu số đều được hát và diễn theo trình tự nghệ thuật trình diễn dân gian gắn liền với văn hoá tín ngưỡng tâm linh và phong tục tập quánlâu đời.

3. Nghiên cứu một số loại hình NTTD của dân tộc Tày

3.1. Văn hóa NTTD hát then đã trở nên phổ biến cả xưa và nay

3.1.1. Về bốn loại bài then

a. Loại bài then thứ 1: Lễ Lẩu then cấp sắc, tăng sắc có 82 bài, 500 trang. Thực hiện Lễ Lẩu then phải diễn ra 02 ngày 02 đêm. Lực lượng tham gia trình diễn từ 5-15 vị Pháp sư cùng nhau đến gia đình tín chủ thực hiện NTTD then.

b. Loại bài then thứ 2: Then nghi lễ cúng chữa bệnh: do 01 Pháp sư hát trình diễn khi đi cúng chữa bệnh “cứu dân độ thế”, có 72 bài, khoảng 500 trang.

c. Loại bài then thứ 3: Then nghi lễ “hảy phi” - hát than tế trong đám ma (hiện chưa sưu tầm được).

d. Loại bài hát then thứ 4: Hát then sa va (hát then mua vui): Then sa va cổ có khoảng 20 bài. Lời then mới được sáng tác sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 rất phong phú số lượng bài. Có cả lời Tày và lời Việt. Nội dung đặt lời mới để ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ và cuộc sống, học tập, chiến đấu, lao động sản xuất.

3.1.2. Nghệ thuật trình diễn hát then nghi lễ

Thường là trong hát then nghi lễ vị Pháp sư gẩy đàn tính tẩu và cũng tuỳ năng lực nghệ thuật của từng người. Cũng có thể người khác gảy đàn giúp Pháp sư. Nhịp điệu gẩy đàn có phụ thuộc vào nội dung bài hát như:

- Hát những bài mang tính trình bày sự việc, tự sự chỉ có gẩy cả ba dây, không bấm phím đàn, không xóc nhạc.

 - Khi hát các bài mang tính hành quân, vận chuyển cỗ lễ Pháp sư phải bấm phím đàn, xóc nhạc tạo thành nhịp hát 2/4, mạnh mẽ, sôi nổi, rộn ràng.

 - Khi hát các bài mang tính khuyên răn thuyết phục thì không xóc nhạc, có bấm phím hát giọng nhẹ nhàng khoan thai, trìu mến.

Bên cạnh đó cũng có bài Pháp sư phải đứng dậy hát không cầm đàn, chỉ cầm thần khí.

3.1.3. Nghệ thuật trình diễn then sa va

Hát then sa va không phải bày lễ, đốt hương. Các nghệ nhân, nghệ sĩ then tha hồ trổ tài trình diễn theo năng lực NTTD của mình để đàn hát sao cho hay và đẹp nhất. Then sa va được hát trong nhà, trên sân khấu, ngoài rừng, ven suối, kể cả hát bằng karaoke… Người hát thích bài nào học thuộc bài đó để có thể biểu diễn cho điêu luyện.

3.1.4. Tình trạng NTTD then nghi lễ hiện nay

Chúng ta biết hát then là một làn điệu dân ca rất đặc sắc và độc đáo của người Tày – Nùng – Thái và đã được Liên hiệp quốc công nhận là Di sản truyền khẩu của nhân loại.

- Lễ hát then Kỳ yên Bắc Kạn được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản quốc gia. Do đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, nhu cầu văn hóa tín ngưỡng cũng ngày càng được nâng lên nên những dòng họ hát then nghi lễ cũng ngày càng được quan tâm hơn. Gần đây đã có người tổ chức cấp sắc then để hành nghề then nghi lễ, rất có tín nhiệm. Đây là triển vọng để bảo tồn NTTD then nghi lễ  để cho then nghi lễ được tồn tại lâu dài trong cộng đồng.

- Hát then sa va - then văn nghệ đã được Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Kạn mở lớp dạy và  được UBND tỉnh cho thành lập mỗi huyện 01 Câu lạc bộ (CLB) hát then. Từ đó đến nay đã có nhiều thôn trong tỉnh tự mở lớp để dạy hát then sa va và có hàng trăm người tham gia. Người tham gia tự mua đàn với giá mỗi chiếc hàng triệu đồng và chăm chỉ luyện tập, thuộc nhiều bài hát.

3.2. Hát lượn và nghệ thuật trình diễn hát lượn

3.2.1. Nghệ thuật trình diễn dân gian đối với hát lượn giao duyên

Dân tộc Tày có làn điệu lượn slương, lượn cọi và lượn nàng ới. Cả ba làn điệu hát lượn để hát giao duyên đều được diễn ra trên nhà sàn, xiên lý (khách) đến lượn với chủa bản (người trong bản – chủ). Thơ để hát lượn slương là dạng thơ: thất ngôn tứ tuyệt. Các cuộc lượn thường có từ 1- 15 cặp lượn. Các cặp lượn thực hiện trình diễn, tương tự như nhau, theo 13 bước như các bước hát lượn slương, để có thể thành vợ, thành chồng như sau:

- Bước thứ nhất: Chủa bản (chủ) lượn câu Naai - mời Xiên lý (khách) , 1-3/ 66 câu.

- Bước thứ 2: lượn slương mà (khách), nhận làm cặp lượn với bằng cách ngân hanh slương -  Ờ …ơ….ứ…slương …ơ…ứ…slương…. ứ!

- Bước thứ 3: (chủ) lượn câu Rặp tiếng slương - cảm ơn đã có người xiên lý (khách) nhận làm Cựu - Bạn lượn của nhau.

- Bước thứ 4: (Khách) lượn Khan - đố và hỏi 1-3/67 câu - Phía chủ phải lượn trả lời.

- Bước thứ 5: lượn Chập (gặp nhau). Khách: lượn 2-3/31 câu - chủ: ngân hanh slương đáp: slương ...ơ…ứ …slương!

- Bước thứ 6: lượn Chào. Khách lượn 2/9 câu - Chủ: Ngân hanh slương đáp.

- Bước thứ 7: lượn Khuyên. Khách: chọn 1-2/12 câu. Chủ: Ngân hanh slương đáp.

- Bước thứ 8: lượn Dạ: có 9 bài, Xl hát 4 câu/bài; chủ ngân đáp: slương….!

- Bước thứ 9: Khách lượn chúc mừng 2-4/91 câu - Chủ ngân đáp: slương….!

- Bước thứ 10: lượn Kiết: Quyết tâm làm cặp lượn với nhau lâu dài. Qua sưu tầm – Khách: chọn lượn 4-5/83 câu /5bài. Chủ: phải lượn các câu đáp.

- Bước thứ 11: Lượn Tuộng (lượn chào). Lượn Tuộng có 34 bài, gần 1000 câu. Bước này người hát hát liền khúc: “Xiên lý” lượn câu trước “Chủa bản” lượn  câu sau, đến hết bài.

Cặp Cốc lượn phải lượn đủ 9 bước đầu. Các cặp lượn khởi sau chỉ lượn 03 bước đầu tiên (Nài, slương mà. Rặp tiếng slương sau đó có thể bỏ qua các bước 4, 5, 6, 7, 8, 9 để đi thẳng tới bước lượn thứ 10 (Kiết) và 11 (Tuộng).

- Bước thứ 12: “Xiên lý” và “Chủa bản” chuyển đi nơi khác đều có Lượn slắng - nghĩa là lượn nhắn nhủ chủ nhà hay còn gọi là “cựu”. Ở bước này chỉ chọn lượn 2-4/19 câu.

- Bước thứ 13: Khi hết mùa lượn, trên đường về phải hát bài “roọng khoăn” –nghĩa là gọi vía. Phần này có 01 bài và chỉ có 02 câu. Bước này ai cũng phải lượn để tự an ủi mình.

3.2.2. NTTD lượn lễ trong ngày Lễ hội Lồng Tông (LHLT)

Trước khi diễn ra ngày LHLT ở thôn, bản, Ban Tổ chức cử 02 người nữ, 02 người nam trẻ và chưa lập gia đình để hát lượn trước ngai thờ thần Thành Hoàng, có 04 bài lượn LHLT, gồm: Cầu mùa, Chồm mường (ca ngợi thôn), Tiễn thần về đền. Cách trình diễn xưa: cứ nam hát 01 câu, nữ ngân hanh thương: slương…ơ…ứ….slương …!

3.2.3. Triển vọng bảo tồn NTTD lượn

Lượn slương, lượn cọi Bắc Kạn đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản Văn hoá Quốc gia. Lượn cọi, nàng ới thỉnh thoảng còn được phát sóng trên truyền hình. Còn làn điệu lượn slương coi như đã mất hẳn, không còn được hát và trình diễn nữa. Năm 2023, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Kạn đã mở lớp dạy lượn slương được 30 người học của các xã (Yên Cư, Yên Hân, Bình Văn - huyện Chợ Mới).

Vấn đề bảo tồn NTTD dân gian lượn giao duyên gặp nhiều khó khăn .Vì có nhiều người do không hiểu và không cảm nhận được nên cho rằng làn điệu lượn hát khó và không hay. Thời nay nam nữ trẻ tập trung đi làm công nhân tại các công ty, không thể có thời gian đi hát lượn như xưa. Máy điện thoại thông minh là phương tiện giao tiếp, giao duyên thuận lợi. Lối hát NTTD lượn giao duyên xưa không thể trở lại với cuộc sống thời công nghệ số 4.0. Số lượng các bài lượn sáng tác mới hiện nay rất hiếm và cũng gần như không còn có người biết sáng tác. Việc đưa NTTD lượn vào cuộc sống và trên sân khấu là quá ít.

Việc để bảo tồn các làn điệu lượn chỉ còn thông qua hình thức lượn lễ trong ngày LHLT của thôn.Vì thế công tác bảo tồn tôn tạo di sản LHLT là rất cấp thiết.

3.3. Lễ hội cộng đồng là môi trường và cơ hội bảo tồn NTTD các loại hình văn hóa di sản dân tộc

Ở Việt Bắc nói chung và Bắc Kạn nói riêng có LHCĐ thôn bản truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, Dao. Đây là loại hình di sản văn hoá tín ngưỡng tạo niềm tin thông qua lễ nghi và phong tục tập quán nhằm mang lại sự bình an cho cá nhân và gia đình, cộng đồng. Có tác dụng gắn kết cộng đồng thôn bản, nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục lòng yêu quê hương, biết ơn tổ tiên và người có công với đất nước, với cộng đồng (thờ thần Thành Hoàng).

LHCĐ thôn  diễn ra 4 lễ hội trong năm: Lễ hội Khấu nghè vào sáng Mồng 3 Tết để phân công giao trách nhiệm cho các hộ gia đình và cá nhân làm tốt các công việc các ngày LHLT; chỉ diễn ra 01 ngày; lễ hội Khẩu đình. Nội dung hoạt động  các ngày LHCĐ là dịp trình diễn tổng hợp hàng trăm nét di sản văn hoá nghệ thuật  dân tộc trong thôn của 06 tỉnh trong vùng Việt Bắc.

Qua phương tiện thông tin đại chúng: những năm gần đây ở các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang… có tổ chức lễ hội Lồng Tồng (LHLT). Nhưng các lễ hội được diễn ra không đúng với NTTD truyền thống: tổ chức kéo dài 2-3 ngày đêm, theo quy mô cấp xã, cấp huyện, sân khấu hoá tiết mục, đọc diễn văn khai mạc. Hầu hết  không lập miếu thờ thần Thành Hoàng thôn, không có lễ rước, tiễn thần, không có cờ lọng; con họ và khách không có dịp tri ân, múa lạy thần theo điệu nhạc trống chiêng lễ. Các bài mo cúng thần (làn điệu Phuối pác) chưa mang lại giá trị văn hóa tín ngưỡng (chưa có thiêng). Các gia đình không mang mâm cỗ để thờ tổ tiên và thi đua giữa các gia đình (không có văn hoá ẩm thực), không có NTTD hát Lượn. NTTD các trò chơi dân gian truyền thống, như: tung còn, kéo co, đu quay… chưa được hoạt động. Thay vào đó bằng các trận giao hữu bóng đá, bóng chuyền… (không phải là di sản văn hóa truyền thống). Những hình thức tổ chức như thế đã biến LHCĐ thành hội vui xuân của cấp xã, cấp huyện, thành. Vô hình chung làm méo mó bản sắc văn hóa lễ hội. Có thể nói LHCĐ đã bị mai một rất nghiêm trọng. Hạn chế lớn đến việc bảo tồn toàn bộ NTTD các di sản văn hoá.

4. Một số kiến nghị và giải pháp gìn giữ, phát huy, kế thừa, bảo tồn các loại hình NTTD

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Văn hoá còn, dân tộc còn”. Ý thức được lời giáo huấn đó. Thực hiện dự án quốc gia theo QĐ 1719/TTG đến năm 2030 phải bảo tồn tôn tạo 80% di sản văn hoá. Nay chúng tôi xin bày tỏ một số kiến nghị tới cấp ủy chính quyền và các cơ quan quản lý văn hoá di sản như sau:

4.1. LHCĐ là di sản văn hoá và là tài sản quốc gia: LHCĐ là phong tục tập quán truyền thống các dân tộc Tày, Nùng, Dao (Việt Bắc). Trước đây LHCĐ do chúng ta nhận thức không đầy đủ nên đã có những hành động sai lệch. Vì cho đó là văn hóa phong kiến nên hoàn toàn phủ nhận nó và thậm chí đã vận động bài trừ mạnh mẽ dẫn tới nhiều cơ sở vật chất bị tiêu huỷ, mục nát giá trị tiền tỷ. Nay muốn khôi phục lại là thách thức lớn. Nhà nước cần có trách nhiệm đầu tư cho các thôn khôi phục ít nhất bộ chiêng, trống, cờ, lọng để tạo lòng tin trong đồng bào.

Công trình LHCĐ của tôi nghiên cứu, sưu tầm hơn 20 năm. Đã được nhận Giải Ba B của hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Đây là bảo bối, là khuôn mẫu cho các điểm thôn có truyền thống khôi phục bảo tồn nguyên vẹn  LHCĐ thôn bản. Tôi mong được các cơ quan văn hoá in để phổ biến truyền dạy di sản văn hoá đặc sắc này tới cộng đồng các thôn. Từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

4.2. Để lưu giữ bảo tồn NTTD đến với dân: Các làn điệu dân ca dân tộc, và các LHCĐ cần mở lớp truyền dạy nhiều hơn. Các cuộc sinh hoạt tổ chức đoàn thể thôn, các tổ chức đoàn thể xã như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, UBMTTQ xã, Đoàn Thanh niên... cần tuyên truyền, lồng ghép, truyền dạy. Người thể hiện cần được trả thù lao mỗi tiết mục từ 10 - 50 ngàn đồng. Khoản tiền này có thể chi từ dự án đầu tư phát triển văn hoá; Hay các cá nhân có lòng hảo tâm, hay xã hội hoá đóng góp thành nguồn quỹ có thể gọi là “Quỹ bảo tồn làn điệu dân ca dân tộc” nhằm động viên khuyến khích người thể hiện tại thôn và trên sân khấu.

Rất mong tại Hội thảo này ý kiến của tôi sẽ được quan tâm để góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ NTTD dân gian – vốn quý của truyền thống dân tộc.

 

Ma Văn Vịnh

(Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy