Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:27 (GMT +7)

Giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại

 

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, có từ lâu đời của Việt Nam nói chung và một số dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang nói riêng. Qua thời gian tồn tại và phát triển, nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc đã thấm sâu trong tâm thức của người dân địa phương và gắn liền với cuộc sống của họ. Những giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật biểu diễn truyền thống góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của nền văn hóa dân tộc.

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của tổ quốc, hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống đan xen là: Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giáy, Hoa (Hán), La Chí, Pà Thẻn, Phù Lá, Lô Lô, Cơ Lao, Bố Y, Pu Péo, Mường, Cao Lan, Thái, Sán Dìu... Trong đó mỗi dân tộc đều sở hữu các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của Hà Giang phong phú, đa dạng, mà thống nhất, giàu bản sắc… Trong những năm qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ở Hà Giang đã được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện theo hướng đồng bộ; hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong đó loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội,... được nhân dân quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy; nhiều nghi lễ, văn hóa nghệ thuật dân gian được tổ chức thường xuyên.

 Xác định tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể về bộ môn nghệ thuật Biểu diễn truyền thống, ngày 04/7/2017 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục DSVHPVT quốc gia và phục dựng bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, năm 2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025(1).  Các nội dung cụ thể trong Nghị quyết, Dự án, kế hoạch đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống ở Hà Giang. Đồng thời, quan tâm, tạo mọi điều kiện để chủ thể nắm giữ di sản được thực hành, truyền dạy, bảo vệ di sản văn hóa và đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống đến gần hơn với công chúng, du khách trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, nhất là từ khi Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc quy định kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm triển khai thực hiện, cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng đã tiến hành kiểm kê nhận diện di sản văn hóa phi vật thể, kết quả kiểm kê năm 2021, Hà Giang có 446 di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản), trong đó có 17 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 47 di sản ngữ văn dân gian; 12 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 259 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng; 13 di sản lễ hội truyền thống; 41 di sản nghề thủ công truyền thống;  57 di sản tri thức dân gian và 32 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cấp Quốc gia(2) trong đó có 9 di sản của 5 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Pà Thẻn, Bố Y, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao(3) .

Cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho hoạt động văn học, nghệ thuật và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của nhân dân, bảo tồn, phát huy, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Tỉnh đã có cơ chế, chính sách, đầu tư và khuyến khích sự nghiệp văn học nghệ thuật phát triển. Quyết định số 859/QĐ-UBND, ngày 10/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Đề án phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025 đã khuyến khích các văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm trong đó có văn nghệ dân gian và nghệ thuật biểu diễn. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tạp chí Văn nghệ Hà Giang luôn duy trì xuất bản đủ số, đúng kỳ, có nhiều chuyên mục, chuyên trang đăng tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tác. Qua các chuyến thực tế, các biên đạo, nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc dựa trên các chất liệu dân ca Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô và được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, tại các hội diễn, hội thi nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp từ địa phương đến trung ương. Trong đó, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc trong khu vực và toàn quốc. Tỉnh Hà Giang cũng triển khai rất tốt các đề án đưa kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát triển, phát huy văn hóa truyền thống thông qua các giờ học ngoại khóa; thực hành truyền dạy hát then, đàn tính và nghi lễ Then của dân tộc Tày, hát dân ca dân tộc Dao đỏ, các làn điệu dân ca của dân tộc Dao áo dài, Pà Thẻn, Mông, La Chí, Pu Péo… Mở các lớp truyền dạy bí quyết và cách thức tổ chức thực hành các nghi lễ, phong tục như Lễ cúng thần rừng của đồng bào Pu Péo; Lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông; Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn; Lễ Cấp sắc của đồng bào Dao; Lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô; Lễ mừng năm mới của đồng bào Giáy; Tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và các địa phương hàng năm đã tổ chức các lớp truyền dạy bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống tại các huyện, thành phố đã thu hút hàng trăm học viên tham gia, hướng dẫn và thành lập các CLB văn hóa. Hàng năm tổ chức các hội thi, hội diễn, biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội tại các địa phương(4) ; thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ để bảo tồn mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống của tỉnh đến với du khách khi đến Hà Giang.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói hiện nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong tỉnh chỉ được lưu truyền trong nhân dân bằng hình thức truyền miệng. Cùng với quá trình đô thị hóa và sự biến đổi của đời sống hiện đại, biểu diễn truyền thống đang ngày càng bị mai một.  Những nghệ nhân hát, biểu diễn truyền thống cổ, được coi là “di sản sống”, “báu vật sống” ngày càng ít do tuổi cao, sức yếu, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn vào các trò chơi công nghệ cao; số người biết về các làn điệu dân ca và có khả năng giỏi ứng khẩu trong các cuộc giao duyên ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã - nơi tổ chức lễ hội, hội diễn, các cuộc thi có biểu diễn văn hóa truyền thống đang ngày càng biến đổi, thu hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục, phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Hà Giang. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là chính sách hỗ trợ động viên các nghệ nhân cũng chưa được đặt ra; việc tổ chức ở các địa phương chỉ mang tính tự phát chưa có sự chỉ đạo, quản lý, khôi phục và phát triển hình thức sinh hoạt này. Đây là vấn đề đặt ra cho di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Hà Giang.

Để di sản biểu diễn truyền thống ở một bộ phận hợp thành của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay tại Hà Giang và các tỉnh trong khu vực, chúng tôi đề xuất cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, giải pháp về tuyên truyền, truyền dạy và nâng cao nhận thức

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể biểu diễn truyền thống cần xây dựng được ý thức bảo vệ của cộng đồng trước loại hình di sản với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Đây là công việc cần được tiến hành ngay, bởi lẽ đây chính là chiếc cầu nối để đưa di sản trở về với cộng đồng, với chủ thể sáng tạo trong quá trình giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể biểu diễn truyền thống. Để thực hiện được điều này phải kể đến là vai trò của các lực lượng truyền thông. Đây là lực lượng tuyên truyền, quảng bá nhanh nhạy, hiệu quả, dễ đi sâu vào các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường chương trình giáo dục cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường. Ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói riêng để giảng dạy trong các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở, xây dựng giáo trình để giảng dạy ngoại khóa, tổ chức trình diễn nghệ thuật biểu diễn truyền thống tại các trường học theo cuộc vận động xây dựng “nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”. Đồng thời đưa nội dung thực hành di sản tích hợp, lồng ghép vào giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa trong trường học phù hợp với đặc thù dân cư địa phương, giúp cho học sinh dễ dàng nhận biết cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hà Giang để tiếp nhận nó một cách chủ động và tích cực. Đầu tư phát triển một số cơ sở đào tạo năng khiếu, tài năng văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy, bảo tồn, trao truyền các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Để các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống mang tính chất bền vững và phù hợp với bối cảnh hiện nay thì phải có kế hoạch tổ chức thường xuyên các liên hoan, hội thi, trình diễn nghệ thuật truyền thống, tạo sân chơi cho các nghệ nhân, người yêu nghệ thuật hoạt động…

Hai là, giải pháp về cơ chế, chính sách

Để có thể thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, phụ thuộc rất nhiều vào tài năng diễn xuất, truyền đạt, vận dụng các câu thơ, bài vè, tục ngữ, ca dao và khả năng sáng tác của người nghệ nhân - được mệnh danh là những “báu vật sống”. Chính vì lẽ đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của nghệ thuật biểu diễn truyền thống cũng có nghĩa là “bảo vệ” các nghệ nhân đang giữ những “báu vật sống” đó.

Hiện nay nghệ nhân biết về nghệ thuật biểu diễn truyền thống đa phần đã lớn tuổi và không còn nhiều. Vì thế, việc bảo vệ và tôn vinh những nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên địa bàn các tỉnh theo quy định của Nhà nước trở thành nhiệm vụ cấp bách, đó chính là đưa chính sách đãi ngộ nghệ nhân vào hiện thực cuộc sống, đặc biệt là tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn, trình diễn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

Ba là, giải pháp về xây dựng nguồn lực

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống là loại hình di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng và cộng đồng chính là chủ thể bảo tồn di sản. Do vậy, cần kiện toàn đội ngũ nghệ nhân: Đội ngũ nghệ nhân thuộc nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống là những người lưu giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Trong tình hình hiện nay, trong dân gian vẫn còn nhiều người am hiểu về nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống và có khả năng thực hành di sản, chính các nghệ nhân này đang lưu giữ một kho tàng văn học dân gian thật quý báu cần được chú trọng trong việc hình thành được một lớp nghệ nhân trẻ về nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống.

Mặt khác, thường xuyên đào tạo cho cán bộ quản lý văn hóa tại địa phương, nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm trong việc quản lý, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể với định hướng lâu dài mang tính bền vững. Tạo điều kiện để cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở được học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong công tác quản lý.

Bốn là, giải pháp về kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa

Để thực hiện tốt giải pháp này, cần phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có loại hình di sản đã và đang tồn tại để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật biểu diễn truyền thống; tiến hành sưu tầm và tổng kiểm kê khoa học toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên địa bàn, bao gồm cả việc tổng kiểm kê nghệ nhân, nhằm làm cho mỗi địa phương, mỗi nhà quản lý nắm được chính xác di sản văn hóa phi vật thể quý báu ở địa phương mình. Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá, phân loại, xếp đặt thứ tự ưu tiên trước - sau để nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến. Sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Hà Giang, bao gồm: sưu tầm các làn điệu dân ca cổ, lời mới; sưu tầm các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; cách thức biểu diễn…

Việc tiến hành điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hà Giang được thực hiện cùng với việc tư liệu hóa thông qua việc chụp ảnh, ghi chép, ghi âm, ghi hình,… sẽ giúp chúng ta phục hồi, bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống của các dân tộc Hà Giang.

Năm là, kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng

Các cấp chính quyền cần phát huy vai trò, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động của nghệ thuật biểu diễn, trình diễn dân gian truyền thống. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về đời sống văn hóa cơ sở, kiểm tra CLB hoạt động văn hóa nghệ thuật như thế nào, trong đó có lồng ghép nội dung kiểm tra thực trạng hoạt động trình diễn, biểu diễn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Trên cơ sở đó, cán bộ văn hóa tại địa phương có thể nắm bắt được tình hình hoạt động thực tế của di sản trình diễn dân gian truyền thống ở địa phương mình được gìn giữ và phát triển trong đời sống của người dân. Từ đó, đề xuất giải pháp hữu hiệu để khen thưởng những người có công trong việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật độc đáo này.

Làm tốt công tác sơ, tổng kết hàng năm về lĩnh vực văn hóa, tổng hợp các kết quả, đánh giá những mặt tích cực, mặt hạn chế, những nguyên nhân của những mặt ưu điểm, nguyên nhân của các mặt tồn tại hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác quản lý văn hóa; đồng thời, đề ra phương hướng để triển khai tốt hơn trong thời gian tới; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả, tích cực trong công tác quản lý văn hóa, truyền dạy, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên địa bàn.

----------

Chú thích

(1) Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 06/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

(2) Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô; Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo; Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông; Lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giáy; Tết Khu Cù Tê của người La Chí; Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang; Lễ hội Quỹa hiẻng (Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ; Nghi lễ Then của người Tày; Nghệ thuật Khèn của người Mông; Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông; Tết cá của người Tày; Lễ cúng rừng (Mo đông trư) của người Nùng; Dân ca của người Bố Y; Lễ ra đồng của người Pu Péo; Nghề làm giấy bản của người Dao đỏ; Lễ cúng rừng của người Phù Lá; Lễ hội Cầu trăng của người Tày Ngạn; Nghề chạm bạc của người Nùng; Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ; Lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao đỏ; Lễ cầu an của người Giáy; Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ; Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Lô Lô đen.

(3) Lễ hội Nhảy lửa cùa người Pà Thẻn; Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô; Lê cúng thần rừng của người Pu Péo; Dân ca của người Bố Y; Lễ ra đồng của người Pu Péo;Lễ cầu mùa của người Cờ Lao đỏ; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Lô Lô đen.

(4) Lễ Hội Khèn Mông, Lễ hội hoa Tam giác mạch tại huyện Đồng Văn; Lễ hội qua những miền di sản ruộng bậc thang huyện Hoàng Su Phì;...

 

Hội VHNT tỉnh Hà Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy