Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:00 (GMT +7)

Vai trò của văn học nghệ thuật trong bảo tồn phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống

Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh

Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) theo hướng vừa tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam (1). VHNT nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo phát triển VHNT, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương chính sách về phát triển văn hoá nghệ thuật: Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”,… Nhờ đó hoạt động văn học nghệ thuật có nhiều khởi sắc từ phương thức tổ chức đến đầu tư, sáng tạo, phát hành, phổ biến và quảng bá, giới thiệu tác phẩm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 600 hội viên; hội Văn học nghệ thuật các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với gần 1200 hội viên. Hoạt động sáng tác VHNT ngày càng bám sát thực tiễn, đúng định hướng tư tưởng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, làm cho đời sống VHNT toàn tỉnh có bước khởi sắc, phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động thường xuyên, định kỳ. Số lượng tác phẩm không ngừng tăng nhanh, mỗi năm có trên 500 tác phẩm có chất lượng được công bố; phương thức giới thiệu, công bố tác phẩm ngày càng đa dạng và phong phú. Hàng năm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các hội Văn học nghệ thuật địa phương đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động sáng tác, giới thiệu tác phẩm VHNT nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của địa phương; tổ chức các hội thảo, tọa đàm,… chương trình nghệ thuật công bố tác phẩm mới với chủ đề “Khát vọng Quảng Ninh” được tổ chức tại 13/13 địa phương đã thu hút trên 50.000 lượt người tham dự. Công tác bảo tồn phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống được quan tâm gắn với các lễ hội, phát triển du lịch.

Quảng Ninh đã quan tâm lưu giữ, truyền dạy đàn tính, hát then (đồng bào Tày), hát soóng cọ (đồng bào Sán Chỉ), múa rối, hát nhà tơ, cửa đình, hát đúm, hát chèo... cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên được tổ chức thông qua các câu lạc bộ, lớp học tại một số địa phương. Một số điệu múa dân gian, trò chơi dân gian đã được phục dựng và đưa vào sinh hoạt ngoại khóa trong trường học; tham gia lập hồ sơ Di sản Then của người Tày tại 11 tỉnh có Then Tày Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hoạt động sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình văn nghệ dân gian đã đóng góp vào thành tựu chung của nền văn học, nghệ thuật tỉnh; đẩy mạnh việc phổ biến, truyền dạy, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, quý báu của các dân tộc, đồng thời góp phần tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh Carnaval Hạ Long, chương trình nghệ thuật “Hạ Long thần tiên”, các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp Hạ Long, các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam, Festival Áo dài,… Nhiều công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tiễn, đem lại những kết quả tích cực. Tiêu biểu như các công trình: “Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh - Thực trạng và giải pháp tạo sinh kế bền vững”, “Vận dụng luật tục của người Dao, Sán Chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào quản lý và xây dựng cộng đồng tự quản thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập”,… Huyện Bình Liêu tổ chức thành công Hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát huy diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh” qua đó nghiên cứu, định vị Then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, không gian văn hóa Then và văn hóa Tày - Thái nói riêng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị Then của người Tày huyện Bình Liêu hiện nay. Đồng thời đề xuất các giải pháp khai thác diễn xướng Then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu nói riêng, khu vực cư trú các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam nói chung. Toàn tỉnh hiện có 31 nghệ nhân ưu tú và 01 nghệ nhân Nhân dân, đang nỗ lực tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống gặp nhiều khó khăn, nghệ nhân hát, múa hầu hết đều tuổi cao, sức yếu, còn lớp trẻ ít hào hứng với những điệu múa, giai điệu cổ xưa,… nhiều nội dung có nguy cơ bị mai một; cơ chế chính sách cho bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống còn hạn chế; môi trường biểu diễn chưa nhiều.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển văn hóa nói chung và VHNT nói riêng. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết và khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, bảo tồn phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống với một số giải pháp trọng tâm:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, VHNT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của VHNT đối với khơi dậy và phát huy, giá trị văn hóa, con người, là nguồn lực nội sinh, là động lực trong sự phát triển bền vững của tỉnh. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.

Hai là, chú trọng đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào các lễ hội, các dịch vụ du lịch tạo nguồn lực để duy trì, khơi dậy và phát huy, không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Để thu hút du khách, nội dung diễn đạt cần lựa chọn kỹ, tập trung vào những câu chuyện, giao duyên, hấp dẫn, gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương,… biểu diễn “sân khấu hóa” tại các điểm du lịch như: bãi biển, trên các con tàu du lịch, các hang động, trên các khách sạn nhà hàng.

Ba là, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy; Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Tổ chức cho một số nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín gặp gỡ, giao lưu với học sinh, sinh viên; truyền dạy, phát hiện, dung dưỡng lứa tuổi là học sinh phổ thông có năng khiếu để bồi dưỡng.

Bốn là, tăng cường quảng bá, biểu diễn các tác phẩm, khơi dậy nghệ thuật biểu diễn truyền thống hướng về cơ sở tổ chức các hoạt động, đưa VHNT thấm sâu vào cuộc sống. Công bố tác phẩm mới tại cơ sở, luân chuyển các triển lãm đến địa phương để phục vụ nhân dân; các chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, giới thiệu quảng bá tác phẩm VHNT với quy mô lớn theo định kỳ hàng quý, 6 tháng tại một số địa phương trong tỉnh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào nghệ thuật quần chúng, gắn với nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các làng văn hóa du lịch; duy trì, phát triển các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, các đội văn nghệ ở cơ sở, ở khu dân cư, đưa văn hóa, nghệ thuật thấm sâu vào đời sống.

Phát triển VHNT, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người nói chung và bảo tồn phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, lâu dài, tạo nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

----------

Chú thích

 (1), NQ 23-NQ/TW ngày 16/6/2018 của của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

 

Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy