Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:38 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Thanh Mai

Tác phẩm mới:          

MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ TẬP SÁCH: 33 GƯƠNG MẶT THƠ NỮ   

(Đọc 33 gương mặt thơ nữ của Vũ Nho, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2009)

Năm cuối cùng của thập niên thứ nhất thế kỉ 21...

Vàng lên giá mà thơ thì mất giá...

Vẫn cứ có người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, cây thơ đất Việt vẫn sum suê ra trái... Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người la lối: thơ lạm phát hay loạn thơ, việc thoáng trong cơ cấu xuất bản khiến thơ mất dần bạn đọc…

Thế nhưng, thời mở cửa cũng cho ta thật nhiều ân huệ. Mọi năng lượng đều được giải phóng, ai cũng có thể tự công bố được tác phẩm của mình. Và chỉ có đặt trong một đời sống văn học phong phú như vậy, những giá trị vững bền mới có  điều kiện được khẳng định, những gì là chân, thiện, mĩ mới có dịp lắng lại và định hình rõ rệt  trong tâm trí bạn yêu thơ.

Tôi đã nghĩ như vậy khi cầm trên tay tập sách dày dặn: 33 gương mặt thơ Nữ, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội, 2009 của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Nho.

1. Trước hết, phải khẳng định rằng, đây là một công trình nghiên cứu có giá trị. Bởi nó đã đem đến cho ta một cái nhìn khá đầy đủ và toàn diện về thơ nữ đất Việt, từ hai nhà thơ trung đại Hồ Xuân Hương đến Bà huyện Thanh Quan, tiếp đó là những nhà thơ nữ được sắp xếp theo trình tự A, B, C, không phân biệt đại thụ và non tơ, để trước độc giả, thơ của họ đều được bình đẳng, như nhà phê bình từng lý giải.

Để giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan ấy, tác giả đã khá cẩn trọng trong khâu tuyển chọn thơ của mỗi nhà theo tiêu chí: "Vừa phải mang những phẩm chất đại diện cho tác giả, vừa phải khác biệt với những bài của tác giả khác". Vì vậy, dù mỗi nhà thơ nữ chỉ được tuyển chọn năm bài, kèm theo một trang tóm tắt tiểu sử và ảnh chân dung, tiểu luận thơ, nhưng người đọc đã có thể hình dung ra phần nào dấu vân chữ của những phong cách, những gương mặt, những chân dung không nhòa nhạt. Từ tuyển tập này, những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu về thơ nữ Việt Nam sẽ dễ dàng có một tư liệu quí để tiếp tục khai phá, làm những công trình kế tiếp về một mảng đề tài rộng và hãy còn khá mới mẻ...

2. Có thể thấy rõ hơn tâm huyết và đóng góp của người làm sách qua mảng tiểu luận thơ. Từ đôi lời vào sách, ta đã ngỡ ngàng khi Vũ Nho quả quyết: Những người phụ nữ là những người đáng kính trọng nhất trong xã hội. Câu ấy có vẻ mang ý nghĩa tụng ca bởi bác Gorki đã nói từ lâu về vai trò lớn lao của người phụ nữ trong đời sống nhân loại. Nhưng giữa thế kỉ mà vấn đề phụ nữ còn hết sức nhức nhối, mà có một người không phải phụ nữ thành tâm tôn vinh chị em đến thế, thật cảm động xiết bao! Hơn nữa, việc tác giả đưa ra một tuyên ngôn như vậy còn là để dẫn đến một nhận xét không khỏi khiến ta ngỡ ngàng: Vì sao hàng chục thế kỉ qua đi, cũng chỉ có một vài phụ nữ có tên tuổi trong làng thơ...? Một điều thật đơn giản nhưng không phải ai cũng để ý, ít ra là với kiến văn hạn hẹp của người viết bài này.

Bởi thế cho nên, khi lần đầu tiên chị em nữ xứ mình được gặp nhau trong một ngày hội rộn ràng, sang trọng như thế này, nhiều người đã ứa nước mắt... Có phải đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp mặt cảm động giữa các thế hệ  mà khoảng cách giữa họ đã là mấy trăm năm? Khác xa lắm về thời gian, không gian, từ lối trang phục cho đến nếp ăn nếp ở hàng ngày, cho đến cách nhìn, cách nghĩ... thế mà, lật giở từng trang, từng trang và suy ngẫm, thì vẫn thấy là họ đấy thôi! Cùng chung giọt nước mắt, cùng chắt từng giọt vui, cùng bao nỗi đắng cay, nhọc nhằn, thua thiệt...Và điều kì lạ là từ trong mồ hôi của đá, vẫn ứa ra khát vọng sống, khát vọng yêu, có lúc bừng bừng như thiêu, có lúc nhẫn nại và âm thầm như  bóng...Ta gặp lại ở đây những nhà thơ mình vô cùng yêu mến, những lời thơ khiến mình từng sung sướng đam mê như nữ sĩ Xuân Quỳnh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Mây, Thu Nguyệt, Vi Thùy Linh.... Nhưng khi đặt những nhà thơ ấy, lời thơ ấy, bên những nhà thơ khác, lời thơ khác, rồi đọc trong bối cảnh khác, bỗng nhiên nó mang một vóc dáng mới mẻ, một cảm giác là lạ, có cái gì tuồng như bỡ ngỡ...Đây đúng là nơi tụ hội của các nhà thơ nữ anh tài, mỗi người một vẻ, có người tài lẻ, có người tài cao, có người tài năng đang vẫn ở độ dồi dào, có người đã thành thiên cổ, có người mới chỉ như bức họa đang vẽ...Nhưng khi để họ quần tiên hội, ta có thể đã có một hình dung, khá ấn tượng và rõ nét về diện mạo thơ nữ đất Việt, dù chưa thể và có lẽ không bao giờ có thể đầy đủ.

Bên cạnh những người muôn năm cũ, ta còn được biết thêm bao người bạn mới, những người chị em có thể bạn và tôi chưa biết, mỗi người đều là một mảnh của thiên tài nhân loại như cách nói của Chế Lan Viên, họ thực sự đã đem đến cho ta nhưng cái nhìn mới, góc nhìn mới về cuộc sống như Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Dư Thị Hoàn, Đỗ Thị Tấc, Vi Thùy Linh...

Thật tự hào khi trong một công trình nghiên cứu hoành tráng này, Thái Nguyên cũng vinh dự được góp mặt hai nhà: Trần Thị Vân Trung và Nguyễn Thúy Quỳnh. Dù đã biết, đã gặp các chị một số lần, đọc thơ các chị không ít, vậy mà giờ đây, tôi lại như được nhìn lại hai nữ sĩ ấy với không ít những ngạc nhiên. Rất có lý khi nhà phê bình cho rằng, có thể Vân Trung viết về nhiều đề tài, cho nhiều đối tượng, cho gia đình, cho tình bạn, cho các bạn sinh viên, cho thành phố Thái Nguyên yêu dấu, nhưng cái khiến thơ chị neo đậu vững chắc trong lòng bạn đọc chủ yếu là ở mảng thơ tình. Đọc những vần thơ như Có phải?; Vết gai của bông hồng; Gửi chàng thi sĩ Thánh Tông; Mặt trời đang lặn, rồi Sẽ có một ngày, cứ ngỡ rằng người đàn bà này không có tuổi. Chỉ cần gẩy ra ở Vân Trung nét thông minh nhạy cảm khi diễn tả khá tinh tế phút bùng nổ tâm lý của người thiếu nữ bắt đầu biết phút giây yêu : Như cây chỉ quen non tơ nhành lá/ Rùng mình khi sắp trổ bông; hay gặp được tâm hồn Thúy Quỳnh đẫm nước trong cơn mưa ướt sũng đá Đồng Văn khi chị  thấy em nhỏ lấy ô che cho củi, tôi cho thế  là vừa đủ để thấy chất riêng của hai nhà thơ nữ Thái Nguyên. Dù sau này Thúy Quỳnh đáo để hơn, gai góc sắc sảo hơn trong Tự cảm, Nhớ Trịnh, Im lặng, và mới nhất là bài tôi đọc được trên Blog của chị: Tản mạn ngày nắng nóng... nhưng cái làm nên một Thúy Quỳnh dễ thương nhất, tôi nghĩ, vẫn là sự dịu dàng đôn hậu, là chất đàn bà như Thơ trên đường về nhà, Mưa mùa đông, Thơ về nhà mình mà bạn đọc vô cùng yêu mến...

3. Chọn 33 gương mặt thơ nữ, viết về giới nữ, cùng mang một mẫu số nữ tính và mẫu tính như tiêu chí người viết đặt ra để lựa chọn và phê bình, mà không lặp lại mình là một điều không dễ. Nhưng Vũ Nho đã khéo chọn cho mình cách viết đa dạng, những lối tiếp cận riêng, khá thuyết phục với từng trường hợp. Với các nhà thơ lớp trước là cái nhìn tổng thể về thời gian, không gian theo từng chặng đường sáng tác, với các nhà thơ lớp mới là sự cố gắng lý giải, cắt nghĩa về sự độc đáo, mới mẻ trong bút pháp. Ví như như Ngân Giang, Vân Đài, Anh Thơ, Cẩm Lai....những thi sĩ sớm có tên trên văn đàn và đã đồng hành cùng dân tộc trong mấy mùa kháng chiến, anh đã chi chút dõi theo từng bước đường thơ của họ, tôn vinh họ bằng tất cả sự mến yêu, kính trọng. Đọc tiểu luận của anh về những nữ thi nhân ấy, vẫn như thấy rõ không khí rộn ràng của một thời để nhớ, một thời để yêu, khi biết bao người con gái tài sắc của quê hương đã từ biệt mẹ cha lên đường theo kháng chiến, để từ đó, những vần thơ tươi tắn đã đi cùng...Với hai nữ sĩ tiền bối như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, anh đã có những phát hiện và lý giải thật sâu sắc. Tài hoa nhất có lẽ là những lời bình mang tính phát hiện của anh khi đi vào thế giới thi ca Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Dư Thị Hoàn, Đỗ Thị Tấc, Lê Thị Mây, Thu Nguyệt, Vi Thùy Linh...Có những hiện tượng thơ không dễ lý giải, có những phong cách có thể chưa định hình...Ây thế mà chỉ bằng vài nét phác họa, đã thấy rõ người nào ra người ấy, không lẫn vào đâu được. Đó là gương mặt thơ Đỗ Thị Tấc với giọng điệu riêng, khỏe, mộc, và hồn nhiên đặt trong không khí thiêng của một miền quê núi ở góc trời Tây Bắc, hùng vĩ mà hoang sơ, khắc nghiệt, nơi chênh vênh mái nhà Tổ Quốc, nơi trâu thở ra khói, người nói ra sương, nơi có những con người mộc mạc ân tình với lời mời gọi Người ơi! Rượu chưa cạn, tình còn vơi! Đó là thơ Đạo Tĩnh với sự cô đọng sắc sảo của một cây bút văn xuôi vừa phóng khoáng như một cây thơ dạt dào nhựa sống, niềm khát vọng như tràn vào cảnh vật trong bức tranh Hoa dại...để dệt nên những câu thơ buồn, nhưng là nỗi buồn vạm vỡ của phận đàn bà kết tụ lại thành những dòng thơ trong và buốt...Có lúc, nhà phê bình chỉ đưa ra ấn tượng tổng quan về chân dung tinh thần nhà thơ: như Hằng Phương, một hồn thơ dịu dàng trong trẻo, hay Nguyễn Thúy Quỳnh mãnh liệt mà đôn hậu; Có khi, anh lại xem xét tác phẩm của họ dưới cái nhìn về đề tài và thi pháp như trường hợp Trần Lan Vinh; cũng có khi, nhà phê bình lại như một họa sĩ đưa ra những mảng màu tưởng như đối nghịch mà thống nhất như trường hợp Phạm Dạ Thủy...Lại có những lời bình thật dịu dàng thơm thảo về thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong Đám cưới ngày mùa, Hương thầm, đọc mãi rồi vẫn thích, như được ngậm trong mình một dư vang...

Dù công phu, sắc sảo hay chỉ là vài nét phác họa, nhưng nhìn chung ta thấy anh không đi quá xa, không cố ý nói  những gì mà thơ không nói...

4. Có khập khiễng không khi đọc văn phê bình Vũ Nho, tôi cứ thầm nghĩ đến hai cây phê bình, một người đã thiên thu, một người vẫn đang độ sung mãn, đó là nhà phê bình Hoài Thanh và tiến sĩ Chu Văn Sơn. Một người như làm thơ trong văn phê bình để rót vào tai người đọc những khoái cảm thẩm mĩ ngây ngất, một người thiên về luận chứng, phân tích, lập luận để xoay đến kiệt cùng đối tượng, bắt nó phải hiện nguyên bản chất có thể lý giải được về cấu trúc, ngôn ngữ, ý, tình, cảnh giọng điệu câu thơ...Mỗi cách làm đều có cái hay của nó. Nhưng tôi thích lối viết điềm đạm, chừng mực mà đằm thắm, ân tình của Vũ Nho. Cũng có lúc, cảm xúc như thăng hoa khiến anh nhập hồn cùng câu chữ mà cho ra đời những lời văn dẫn dụ, mê hoặc như lời bình cho Hờn nửa vầng trăng của Lê Thị Mây ( tr 271); nhưng nhìn chung, văn phong Vũ Nho nghiêng về sự giản dị mà tinh tế, vừa lý giải, cắt nghĩa để thuyết phục người đọc bằng chứng cứ rõ ràng, không áp đặt, cưỡng bức độc giả phải yêu, phải tin, nhưng thái độ và tình cảm rõ ràng của anh, cách làm việc cẩn trọng và  khách quan, khoa học của anh tự nó đã có sức thuyết phục. Chẳng hạn như anh khi viết về cái chưa được trong thơ Vi Thùy Linh ( tr 195); Trần Lan Vinh ( tr 504, 505), Dư Thị Hoàn ( tr 133)... Bạn đọc đặc biệt trân trọng những phát hiện thú vị của anh, mà dù ít dù nhiều, bài nào cũng có, ví như cái tinh diệu của  hương thầm trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn; cái tình ẩn sau hình ảnh con dế không rời cỏ xanh trong thơ Lê Thị Mây hay cái nhìn mới, cách tiếp cận mới, giọng điệu mới của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh...

Người đọc có thể thấy được phần nào những nỗ lực của nhà thơ khi đi tìm cái đẹp trong cuộc đời và nỗ lực của nhà phê bình khi đi tìm cái đẹp trong thơ qua những bài tiểu luận của Vũ Nho. Thấp thoáng trong những lời bình, có thể thấy cả quan niệm nghệ thuật của anh về thơ, về nghề bình thơ, về phẩm chất công dân và năng lượng sáng tạo của người nghệ sĩ, về chất suy tư và yếu tố cảm xúc...( Những quan niệm ấy đã được phát biểu đầy đủ và khá hào hoa qua Đi tìm vẻ đẹp thơ  trong Thơ những vẻ đẹp và đăng lại trên Blog cá nhân), nó sẽ chi phối cách chiếm lĩnh đối tượng và phần nào là cả văn phong Vũ Nho qua những trang tiểu luận ở tập sách này.

Một điều đáng quí nữa ở Vũ Nho là, một mặt anh vẫn thật trân trọng những giá trị truyền thống, và cố gắng tìm ra điểm mới trong một góc nhìn mới, như trường hợp Anh Thơ và thơ của chị sau cách mạng; mặt khác, anh không hề né tránh thực tại, không ngại lặn lội vào những trang viết còn khuyết thiếu mặt này mặt khác. Vẫn đồng hành cùng các nhà thơ nữ của thời này, dù sự đánh giá của giới phê bình về họ còn dè dặt, chứ không làm công việc khảo cổ văn chương như một số nhà phê bình hiện nay đã và đang làm mà nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từng cảnh báo.

5. Còn điều gì bạn đọc mong muốn hơn ở cuốn sách? Tất nhiên là có. Liệu có nhất thiết phải là 33 tác giả? Có nhất thiết phải chọn bình quân mỗi tác giả năm bài, trong khi chất lượng nghệ thuật của chúng không đồng đều? Vả lại, nếu chọn thơ theo tiêu chí: "Vừa phải mang những phẩm chất đại diện cho tác giả, vừa phải khác biệt với những bài của tác giả khác", liệu cái sau có loại trừ cái trước? Và một tập sách dày hơn 500 trang, không khỏi tránh những lỗi trong khâu in ấn hay sửa bản thảo, nhưng bạn đọc vẫn mong muốn tác giả sẽ làm kĩ lưỡng hơn và hi vọng có thể thấy nó sẽ được khắc phục ở những lần tái bản sau.

33 gương mặt thơ nữ là một quyển sách quí trong nhiều quyển sách quí mà thêm một lần nữa, nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình Vũ Nho đã góp được cho đời. Cảm ơn  tác giả, người đã giúp ta hiểu đến tận cùng những nông nỗi, những thân phận, những khát khao hi vọng đầy giá trị nhân văn của người phụ nữ... Người đã làm bao nhiêu phận đàn bà xứ Việt phải rơi lệ khi gặp lại nỗi mình trong lời thơ, lời bình đau nhức. Chân thành cảm ơn anh,  một- người - lạ - quen- biết: thầy giáo, nhà phê bình văn học Vũ Nho.

(Bài đã đăng trên Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam- Số tháng 4/2010)

 

CẢM NHẬN VỀ GƯƠNG MẶT TINH THẦN CỦA NHÂN VẬT HỘ QUA CHI TIẾT VỀ “ĐÔI MẮT” TRONG TRUYỆN NGẰN “ĐỜI THỪA”

Ai đó đã nói rằng, truyện ngắn là một lát cắt mà nhìn vào đó, có thể biết tuổi của một đời cây. Với dung lượng ngắn, đòi hỏi phải có sự “nén chặt năng lượng” tư tưởng, cảm xúc, hơn bất kỳ thể văn xuôi nào khác, một truyện ngắn hay phải được “bật lên” từ những “công tắc” – những chi tiết nghệ thuật độc đáo.

Đến với “Đời thừa” nói riêng, Nam Cao nói chung, đã có nhiều bài viết hay, đã có những công trình nghiên cứu dày dặn; trong bài viết nhỏ này chỉ xin đi vào một chi tiết: Ánh nhìn của Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”.

Trong tác phẩm, chi tiết về cái nhìn của nhân vạt Hộ (với những biến thể là “đôi mắt”, “nước mắt”, ánh mắt...) được xuất hiện 17 lần. Nhưng, theo thiển ý của người viết, chỉ 5 lần, nó được coi là chi tiết nghệ thuật – tức là những chi tiết có khả năng bộc lộ sâu sắc chân dung tâm hồn nhân vật, chứa đựng tư tưởng chủ đề, mang tính thẩm mĩ. Còn lại, 12 lần, ánh mắt chỉ xuất hiện như những chi tiết – vật liệu đơn thuần, không có khả năng “phát sáng”.

Xin được dừng lại ở năm chi tiết về đôi mắt đã nói ở trên.

  1. Hắn đang đọc chăm chú quá... Đôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhăn”. Đôi mắt sáng – toát lên tư chất, trí tuệ, sự thông minh thiên bẩm. Đôi mắt “sáng quắc” – Sáng ở độ cao đến chói, gắt- đó là sự tập trung cao độ tâm huyết, tinh anh vào trang viết. Mọi chi tiết điển hình khắc họa được thần thái của bức chân dung. Chân dung một tri thức thâm tuệ đang “sống toàn thân” trước trí tuệ nhân loại. Nhưng... đôi mắt ấy hình như cũng dự báo một sự bất thường. Có phải, trong một dàn điện, khi một bóng sáng rực lên thì bóng kia phải tắt?

Sự đam mê cháy bỏng của con người - sự nghiệp- đôi khi lại thiêu rụi những khả năng tồn tại với cái-hàng-ngày.

  1. “...Hắn lảo đảo bước vào nhà, mắt gườm gườm, đôi môi mím chặt,...hắn cúi xuống, quắc mắt nhìn Từ... đôi mắt ngầu ngầu nhìn vào tận mặt Từ”. Có còn là Hộ đấy không? Chao ôi là đôi mắt của một tên Chí Phèo – trí thức! Nó “gườm gườm” hung hãn; nó “ngầu ngầu” cuồng nộ; nó “quắc lên” giận dữ, trút tất cả sự hung bạo tức tối vào mặt “kẻ thù” – Mà “kẻ thù” của hắn là ai? Một người vợ rất hiền, rất ngoan, một đàn con ngây thơ bé bỏng... những người hắn đã tự nguyện cưu mang, che chở, những người hắn đã rất mực thương yêu...Vì sao cuộc đời hắn đến nông nỗi ấy? Văn Nam Cao đã có tiếng trả lời. Nhưng không hiểu sao, trong tôi lại hiện lên hình ảnh dòng sông quê đục ngầu mùa nước lũ đang phá phách, nổi loạn giữa một trận cuồng phong. Tôi không muốn trách Hộ đâu, bởi tôi biết rằng, ánh mắt điên cuồng của tội đồ - rượu kia chỉ là chân dung lộn trái của một linh hồn đau khổ. Bước thứ nhất của sự Xói mòn về Nhân cách.

  1. Sau cơn say, Hộ lại ăn năn, trở về vị trí là một người chồng tốt, một người cha hiền, một tâm hồn trong sạch. Nhưng ngay cả khi Hộ muốn co thật hẹp khát vọng lại để làm một con người tự trọng, tử tế nhất, thì Nam Cao bất ngờ lại “chộp lấy” một pha chua chát. Đứng trước hiệu thịt quay, hắn cẩn thận “nhìn trước, nhìn sau”... Hình như nhà văn thì phải có dáng thong dong, hai tay chắp sau lưng, giữa “chiều thì đẹp mà phố thì vui”... có vẻ là hợp hơn một ông bố đang mắt trước mắt sau “cố nhét gói thịt vào túi áo”, mang về để nhìn đàn con háu ăn và đói khát rón thịt bằng tay... “môi bóng nhờn những mỡ” mà cảm động quá đỗi đến nỗi “lòng hắn sáng bừng”? “Nỗi sợ cố hữu” của một “ nhà” trí thức, luôn sợ bị người ta khinh thường bởi những cái tẹp nhẹp, nhếch nhác ở đời tự lúc nào đã biến Hộ thành con người đạo đức giả. Nào anh có ăn trộm của ai, lấy của họ cái gì mà giật mình hốt hoảng, mà lấm lét, cảnh giác cao độ thế kia? Chẳng qua anh sợ “người ta” lấy mất danh dự và sĩ diện - bệnh biến chứng của lòng tự trọng – vốn là “của báu” để anh trí thức cao ngạo với đời. Nam Cao quả tàn nhẫn, lạnh lùng khi tia vào Hộ một ánh nhìn “rất tinh và rất ác”. Bước thứ 2 của sự Han rỉ về tâm hồn.
  2. “Đời thừa” cơ bản được kết cấu theo dòng tâm trạng nhân vật. Tuy nhiên cũng có một vài sự kiện nho nhỏ có thể gọi là tình huống. Chẳng hạn như cuộc gặp gỡ với Mão và Trung.

Tưởng đâu như Hộ đã đành vùi chôn những giấc mơ đẹp đẽ ngày nào... Đi theo tiếng gọi của tình thương, Hộ dằn lòng “phí đi một vài năm” để lo cho chuyện gạo, tiền, cơm, áo. Đối với một “thằng đàn ông”, để vợ con mình đói rách là một nỗi “đau khổ”. Nhưng phải hy sinh cả sự nghiệp thì lại là một sự khổ - nhục không thể nói hết thành lời! Là một nhà văn mà “suốt từ mồng mười đến hết tháng hắn không ra khỏi nhà để khỏi tiêu thêm thứ gì” (!). Là một nghệ sĩ mà phải “kiếu” bạn bè trước một chiều thơ và mộng. Là một kẻ tâm huyết, mà phải “thừ mặt” như một kẻ đi đày, mỗi lần nghe người ta nhắc đến một quyển sách mới ra, một cái tên mới kí... Khi lý tưởng đã không còn, Hộ đành kéo lê những ngày thảm hại của mình trong âm thầm đớn đau, tuyệt vong... Ai bảo bi kịch nào nhỏ hơn bi kịch nào cho được?

Cuộc gặp gỡ tình cờ với Mão và Trung - hai người bạn văn đã chạm đúng vào nỗi đau của Hộ. Chỉ cần nghe Trung nhắc đến một tin sốt dẻo: “Đường về” sắp được dịch ra tiếng anh...” Hộ đã “trợn mắt lên. Người hắn bổi hổi”. Văn Nam Cao như chết lặng...Như có một luồng điện bỏng rát chạy qua miền nhạy cảm nhất của tâm hồn, Hộ trợn mắt như người phải bỏng. Câu nói của Trung đã khía vào chỗ vết thương chưa kịp mọc da non trong tâm hồn anh. Khát vọng bấy lâu cố dồn nén giờ bật dậy như lò xo cực mạnh. Thế là Hộ “Đi đâu mà vội?...Tôi có tiền...? Bước thứ ba: Sự sụp đổ của nguyên tắc Tình thương.

  1. Sự trở về với con người trung thực

 “Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn...hình như hắn lại gây sự...đánh cả Từ, đuổi Từ đi...đột nhiên hoảng sợ, hắn nhổm dậy, mắt nhớn nhác tìm Từ”. Trong 17 lần miêu tả cái nhìn của Hộ, Nam Cao đã dành 9 lần cho sự xất hiện của ánh mắt - tình thương, đau khổ vì thương yêu. Cái gốc nhân đạo sâu vững của Nam Cao đã khiến cho nhân vật, dù có biến hình biến dạng về gương mặt, méo mó về tâm hồn, tâm tư có trải qua những khuất khúc, cuối cùng vẫn trở về với bến bờ lương thiện.  “Tôi yêu những dòng sông mùa nước lũ/ Sau phá phách ngàn đời vẫn là lượng phù sa...” Lời thơ nhân hậu của nữ sĩ nào lại vẳng bên tai tôi, khi chứng kiến ánh mắt và những giọt nước mắt chân thành của Hộ. “Hắn ngắm nghía mặt Từ lâu lắm... tất cả lộ ra một cái gì mềm yếu, một cái gì đó ẻo lả, cần được hắn che chở và bênh vực...Thế mà hắn đã làm gì để đời Từ đỡ khổ hơn? Hắn đã làm gì?” Phút “ngắm trộm” gương mặt Từ, Hộ đã nhận ra tất cả sự “khốn nạn”, “khổ sở”của chính mình. Những câu hỏi dồn dập, tức tưởi, đau thương, và nước mắt bật ra như một quả chanh bị người ta bóp mạnh...những giọt nước mắt vỡ ra sau bao dồn nén; những hối hận, xót xa, chua đắng của cả cuộc đười...

 Qua sự khảo sát năm lần xuất hiện tiêu biểu của “ánh mắt” nhân vật Hộ, có thể rút ra một số nhận xét sau:

- Nhân vật trí thức Nam Cao, dù là kiểu nhân vật tâm trạng, nhân vật tư tưởng, thì tính cách và bản chất xã hội vẫn hiện lên khá rõ dù chỉ qua một vài nét khắc họa chân dung (Điều này được hiện lên sắc sảo hơn trong “Đôi mắt” - 1946).

- Nếu như nhân vật Từ chỉ có một cái nhìn e dè, sợ sệt, cái nhìn cúi xuống thể hiện rõ nỗi cam chịu đầy mặc cảm của một kẻ suốt đời chỉ biết yêu thương, nhường nhịn, chịu ơn; cái nhìn của Trung “kinh ngạc và khinh bỉ” thì cái nhìn của Hộ được soi tỏ dưới nhiều góc độ, nhiều chiều. Có cái nhìn nhân hậu, yêu thương của con người, tình thương; có đôi mắt “sáng quắc” của tinh anh, tâm huyết; có nỗi hoang mang bế tắc và sự đau khổ cùng cực của một con người khi không thể dung hòa được tình thương và khát vọng... Qua đó, thấy được bức tranh chân thực về chân dung tinh thần của người nghệ sĩ dưới chế độ xưa. Và cuộc đấu tranh cam go giữa cái cao thượng và thấp hèn; con người thiên thần và ác quỉ, sự nỗ lực vượt lên và sự yếu đuối trong một bước lùi của khát vọng.

Nước mắt có thể xoa dịu được vết thương nhưng không thể cứu chữa và băng bó cho một xã hội đã điêu tàn. Qua gương mặt và ánh mắt của nhân vật Hộ, có thể thấy được không khí chung của một dân tộc trong thời kì lịch sử đầy biến động đang thoi thóp bên bờ vực thẳm và cũng đang nỗ lực để tự vượt mình.

Càng thấy rõ Nam Cao, nhà tiểu thuyết tâm lý bậc thầy; người thư kí trung thành của thời đại.

---------------------------------------------------

18/7/2004. In lần đầu trên Văn học và Tuổi trẻ số tháng 4/2004 

THÊM MỘT LẦN GIĂNG MẮC VỚI “TÌNH SÔNG” 

Bắt đầu từ con suối

vòng vo suốt cuộc đời

Qua bao nhiêu vùng đất

 Trải bấy nhiêu buồn vui

 

Dòng sông Cầu êm trôi

Giữa hương chè  hương lúa

Sông Cầu như dải lụa

Ôm Thái Nguyên vào lòng

 

Thành phố nằm bên sông

Suốt một đời để nhớ

Hương chè xanh duyên nợ

Với Thái Nguyên ngàn đời

 

Như tình yêu không lời

 Sông mãi ôm thành phố

Vẫn xanh mềm dải lụa

Cho thép hồng sinh sôi

 

Đau thắt bên bờ lở

Dịu êm bên bờ bồi

Sông một mình ở giữa

Thương bên nào sông ơi!

 Ba Luận

(Tập thơ Chảy giữa mùa xuân, NXB Văn Học, 2000) 

Khác hẳn với sông Đà, sông Hương từng rầm rộ, cuộn xoáy làm mưa làm gió trên những khúc thượng nguồn, dòng sông Cầu quê tôi chỉ giản dị khiêm nhường chắt vui buồn từ ruột núi mà mang hương đồng hương lúa đi xa, để khi về tới thành phố quê nhà, ta bỗng thảng thốt nhận ra nó còn mang trong mình một sức mạnh:

Vẫn xanh mềm dải lụa

Cho thép hồng sinh sôi

Từ khổ thơ thứ nhất đến khổ thơ thứ tư, ta như được thấy một dòng sông xanh mềm, dòng sông thơm đã hiến trọn đời mình cho thành phố, mà vẫn nặng lòng với vui buồn đã trải trên những miền đất núi từ thuở nó còn là suối, khe. Từ đời sông mà càng thấy yêu thương hơn những con người Thái Nguyên chung thuỷ, cần cù với tình yêu không ồn ào mà muôn đời bền chặt: Như tình yêu không lời/ Sông mãi ôm thành phố.

Thế nhưng đến khổ thơ cuối, nhà thơ còn khiến ta bất ngờ hơn khi nhận ra chiều sâu triết luận của ý thơ:

Đau thắt bên bờ lở

Dịu êm bên bờ bồi

Sông một mình ở giữa

Thương bên nào sông ơi!

Lời gọi sông tha thiết mà nghe sao day dứt tận tâm can? Đã bao giờ bạn nhận ra khoảng chênh vênh trống vắng của lòng mình khi ở giữa đôi bờ được - mất? Từ hiện tượng bình thường mang tính qui luật của dòng sông (Bên lở, bên bồi), nhà thơ khiến ta phải ngẫm ngợi bao điều về những vui buồn đã trải, những đau thắt, những dịu êm trong cuộc đời. Để rồi đứng giữa sông Cầu đang gồng mình hiện đại hoá ngày hôm nay, lại thấy thương dòng sông vẫn ngàn đời vấn vương với đồng đồi đất bãi, vòng vo dùng dằng mãi với duyên nợ hương lúa hương chè...

Đi suốt bài thơ, có thể nhận ra mối tình sông vương vít với nơi mình đã sinh ra, nơi mình từng đi qua, nơi mình nhận vào lòng bao nhiêu ân tình ân nghĩa. Dòng sông đã trở thành một sinh thể có lai lịch, có cuộc đời, giàu tâm trạng, mang rất rõ nét linh hồn, thần thái đặc trưng của con người đất Thái. Có phải cái tình ấy đã trở thành chất keo gắn kết mọi yếu tố thuộc ngôn ngữ, giọng điệu, hình tượng thơ để làm nên một Tình sông rất mực trữ tình duyên dáng được dệt nên bởi vô vàn sợi tơ thắm của tấm lòng nhà thơ Ba Luận với mảnh đất và con người Thái Nguyên?

Không phải ngẫu nhiên, bài thơ đã được phổ nhạc và trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích. Nó sẽ còn Chảy giữa mùa xuân và chảy trong trái tim bao người...

16 Tháng 7/2010

 

TẤM LÒNG NGƯỜI CHO MUÔN VẠN ĐỜI SAU

Dạy các em bài học Bác ơi!(1)

Đọc trăm lần vẫn nghẹn lời, không nói được...

Bác vĩ đại như biển, trời, non nước,

Lại gần gụi, thân thương, như hạt lúa nhành cây...

                             *

Biết nói gì cho em trong buổi học sáng nay?

Bao lứa học trò, mỗi thời mỗi khác

Những cặp mắt tròn long lanh, ngơ ngác

Bác- trong em như cổ tích xa vời...

Đời các em nào biết những buồn, vui

Độc lập có rồi, sẵn cơm no áo đẹp

Em say học Vì ngày mai lập nghiệp

Em đam mê cuồng nhiệt những sao Hàn

Đọc thơ cho em, lòng lại chạnh lòng

Bọc trứng trăm con, trứng tròn trứng lép...

                               *

Từ trên cao ánh mắt Người thầm nhắc:

- Con ơi,

trẻ em như búp trên cành...(2)

Đừng bắt chúng là bản sao của mình

bốn mươi lăm đứa, mỗi tính tình khác nhau!

                       *

Ôi tấm lòng Người nghĩ cho muôn vạn đời sau

Tình yêu con người phải đâu là trang sách... (3)

-------------------------------------------------------------

(1) Thơ Tố Hữu

  • Thơ Hồ Chí Minh
  • Bài thơ đạt Giải B cuộc vận động sáng tác về đề tài Hồ Chí Minh- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy TN 2009.

 

KHÔNG ĐỀ

Tôi là Alađanh xách cây đèn thần

Khẽ gọi cửa “Vừng ơi!”

- Trái tim em không mở

Em lơ đễnh nhìn qua khung cửa sổ

Tôi nước mắt lưng tròng- em vô cảm đứng lên

Có lúc thấy mình thật nhạt nhẽo vô duyên

Cứ  hú gọi mênh mông không một lời đồng vọng

Có những lúc giữa bảng đen, phấn trắng

Chửa kịp viết gì nắng đã ngủ ngoài hiên

Ước làm sao nhen lại ngọn lửa hồng

Và trái tim mình đừng hóa đá

Ước bài hát đừng xa xôi quá

Và em nhỏ của tôi không khỏi u buồn

 Vừng ơi!

 Vừng ơi!

 Tôi thảm thiết gọi thầm

Thảm thiết buồn và trách lòng tôi nữa

 Mà quên rằng đã nhầm câu thần chú...

Câu chuyện này chỉ tôi biết với bảng xanh

THIẾU PHỤ

“Anh vẫn từng đợi em

Như hoa chờ đợi nắng…”

Ai hát thế lời ca da diết thế?

Anh vẫn đợi tôi ư? Anh ở phương nào?

Nơi cuối con đường có ngọn gió xanh xao?

Nơi nắng lả ngã nhào trên bậu cửa?

Ở đây rồi hàng phi lao lá rủ

Tôi đã đứng đợi anh suốt nửa cuộc đời

Đây vì sao lấp lánh tuổi hai mươi

Ngửa bàn tay mình thầm thì nhắn gọi…

Kỉ niệm nhạt nhòa trong mắt ai vời vợi

Anh còn có đợi tôi, anh là nắng, là hoa?

“Anh vẫn từng đợi em…”

Thôi đừng hát, bài ca!

Đừng da diết và đừng buồn quá thế

Lửa đã tắt trong lòng người thiếu phụ

Trái tim còn thổn thức gọi điều chi?

Nhưng cuộc sống ơi, cuộc sống sẽ là gì?

Nếu cả anh cả tôi mà không người đón đợi?

CÂY LÚA, CUỘC ĐỜI

(Giải Khuyến khích Cuộc thi “Em yêu đồng ruộng quê em”- Báo TNTP 1983) 

Hôm nay em đi học

Qua những cánh đồng

Trời xanh mênh mông

Biển vàng mênh mông

Lúa từng bông

Nặng trĩu

Qua cơn đau mùa lũ

Qua cơn khát mùa khô

Trái tim nhỏ nhoi đập gấp từng giờ

Hôm nay lúa hát lời no ấm

Bông vàng thắm

Nặng bàn tay

Thấy mồ hôi chảy dài

Cuộc đời người cầy cấy

Em mở trang sách thấy

Mồ hôi thấm từng trang...

1983


0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy