Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:17 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Lê Thế Thành

CHIẾC VÁY MÀU XANH DA TRỜI

                                                                            Truyện ngắn

Rụt rè mấy tiếng gõ cửa.

- Cộc, cộc, cộc.

Chắc chắn là của một em học sinh nào đó. Cô giáo Thảo gọi:

- Em mở cửa, vào đi.

Bé Hạnh nâng gót chân để đôi dép tổ ong trước cửa, rón rén đến bên Thảo. Thưa cô, ngày kia cô cho em xin phép không đi dự hội trại 26 tháng 3.

Nhà em có việc gì thế, cô hỏi. Đôi mắt bé Hạnh bối rối. Một lát sau như lấy lại được bình tĩnh, em lí nhí, thưa cô em phải ở nhà trông em, nó sốt. Thảo suýt bật cười, còn tới 3 ngày nữa mà bé Hạnh đã nói em nó còn sốt. Nhưng cô trở lại sự chăm chú. Bố em đi đâu? Bé Hạnh như được gợi ý, nói mạnh dạn hơn, bố em nằm viện cả tuần nay, bố em đi xây nhà, bị một thanh sắt rơi vào chân, bố em phải bó bột. Thế số điện thoại nhà em là gì? Bé Hạnh đáp bẽn lẽn, nhà em chẳng ai mắc điện thoại cho. Thảo bật cười, thôi em cứ ra sinh hoạt Đội đi, còn ngày mai nữa mà. Ngay lúc đó cô đã nghĩ đến một cái gì đó, mơ hồ, không rõ ràng trong những lời xin phép của bé Hạnh.

Chiều hôm ấy, cô Thảo đi xe máy đến nhà bé Hạnh trong một con ngõ phía ngoại ô. Cô đã đến nhà bé một đôi lần. Bé Hạnh không có nhà, ba bốn đứa trẻ nô đùa ở góc sân, mẹ Hạnh đang nhóm than tổ ong, chị đã mấy lần đi họp cha mẹ học sinh. Kìa cô giáo, mời cô vào nhà, chị đon đả và bối rối.

Cháu Hạnh đi đâu hả chị, câu chào đầu tiên của cô. Dạ, cháu nó sang bà ngoại hái mớ rau ngót về nấu canh. Thằng Phúc lớn quá nhỉ, cháu học lớp mấy rồi. Cảm ơn cô có lời khen, cháu học lớp 1. Phúc ơi, vào nhà chào cô giáo của chị Hạnh đi con. Thằng Phúc chạy xộc lại khoanh tay, em chào cô, trán nó lấm tấm mồ hôi. Chào như có lệ, nó nhào đi luôn tiếp tục cuộc chơi. Thế là rõ, bé Hạnh đã nói dối, Thảo thầm nghĩ, hỏi luôn, chị có biết trường tổ chức cắm trại ngày 26 tháng 3 chứ. Dạ biết nhưng em cho cháu đến thưa với cô, cho cháu xin nghỉ.

Vì bố cháu ốm hay sao? Không ạ, ốm đã có bệnh viện. Sau một giây đắn đo, mẹ cháu bùi ngùi, chẳng giấu gì cô, nhà nghèo quá không đủ tiền sắm cho cháu chiếc váy. Chị thổ lộ, đến bộ đồ đồng phục hồi mùa rét năm ngoái cũng nhờ ông ngoại cháu đóng tiền mua.

Thảo cay xé nơi mũi. Thật vậy sao. Thôi được để tôi tính, cô nói vậy rồi quày quả quay xe. Trước khi đi cô còn nói thêm, bé Hạnh về chị bảo cháu ở nhà, tôi quay lại sau.

Mẹ bé ngơ ngác chợt quên chưa mời được cô vào nhà, em sơ ý quá, cô bỏ quá cho.

Phố xá lên đèn một lúc, cô Thảo đã trở lại nhà bé Hạnh. Nhìn mấy mẹ con ăn cơm với một bát canh rau ngót và mấy miếng cùi dừa kho, Thảo quay mặt đi khi thấy mẹ bé Hạnh mặt đỏ rần lên, có lẽ xấu hổ vì bữa ăn sơ sài quá.

Mấy mẹ con cuống quýt dọn mâm bát.

Bé Hạnh đứng chết trân, nó nhớ lại cái lý do nó thưa với cô. Nó ý thức được rằng, trẻ con nói dối - lại nói dối với cô giáo - là tội to lắm. Nhưng nó cảm thấy yên tâm khi nhìn gương mặt cô cứ tươi cười, không có chút gì giận cả.

Chưa cần mời, cô Thảo đã tự phủi bụi trên chiếc ghế nhựa, ngồi xuống ôn tồn nói, Hạnh lại đây, cô tặng em cái này.

Gì vậy cô. Bé Hạnh ngơ ngác.

Thảo lấy từ trong túi xách ra một cuộn vải rồi rũ tung ra, một chiếc váy màu xanh thả buông trong tay cô. Em vào nhà mặc thử cô xem. Thằng Phúc reo lên, mẹ, cô cho chị Hạnh cái váy đẹp cực sốc luôn. Cô cười. Đúng là trẻ con bây giờ nói cứ như quảng cáo trên tivi. Mẹ Hạnh dân dấn nước mắt, con cảm ơn cô đi. Hạnh lí nhí, em cảm ơn cô.

Mọi người chờ đợi như chờ sân khấu kéo màn trước lúc biểu diễn và bé Hạnh từ trong buồng bước ra với chiếc váy xinh xắn ngang đầu gối. Cặp chân nó trắng thon, nổi bật dưới làn vải màu xanh da trời của chiếc váy.

Cô day day mũi bằng chiếc khăn mùi xoa, liếc nhìn thấy mẹ bé dường như đang nghẹn ngào, bỗng chị quay đi, lấy tay áo quệt ngang mắt.

Trong hội trại, bé Hạnh lên hát bài "Bụi phấn", "có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy". Lớp của cô trò Thảo được giải nhất toàn trường. Bé Hạnh được cô hiệu trưởng trao tặng phẩm với 12 tập vở.

Một ngày chủ nhật, cô Thảo đang ngồi xem tivi chương trình giáo dục. Tiếng gõ cửa rụt rè, cộc cộc cộc. Cửa không cài đâu, em mở vào đi. Hình như đôi tai cô phân biệt được tiếng gõ cửa của học sinh với những người khác.

Hai mẹ con bé Hạnh bước vào.

Mẹ bé có vẻ chủ động và nhanh nhảu hơn lần trước cô gặp ở nhà chị. Chị nói ngay, lâu lắm mới mua được mớ khoai lang héo, luộc kỹ ra mật, mẹ con em đến biếu cô giáo. Cô chẳng khách sáo, còn nói vui, lúc nào có khoai ngon cứ bảo cháu Hạnh đem đến cho cô, không luộc cũng được.

Thấy mẹ cháu dùng dằng một ý gì đó chưa kịp nói, cô động viên, có việc gì không chị, cứ nói đi, chủ nhật mà, các thầy cô về nhà hoặc đi chơi cả. Sau vài giây ngập ngừng, chị lấy trong túi bóng ra, lóng ngóng nói, mẹ con em gửi lại cô chiếc váy đầm cô cho mượn hôm cắm trại.

Cô cười, cô cho em mà, mồng 1 tháng 6 tới lại cần đến nó. Cô còn gửi cho thằng Phúc mấy bài mẫu chữ đẹp, mấy tập vở và cho mẹ con Hạnh một bọc mỳ tôm. Cô nói cho các cháu ăn sáng. Mẹ Hạnh nhận quà mà rưng rưng.

Họ ra về, cô gài chặt cửa rồi gục đầu xuống gối rưng rức khóc.

.... Bố ơi! Tuần sau con đi cắm trại.

- Con cứ đi, cắm trại vui lắm đấy. Bố Thảo hồ hởi động viên.

- Nhưng ...

- Gì thế con?

- Cô con bảo, ai đi dự trại cũng phải mặc váy đầm.

Bố Thảo ngớ ra, con bé chưa sắm được bộ quần áo nào cho ra hồn. Ông nhẩm tính trong đầu, còn hơn 10 ngày nữa mới đến kỳ lĩnh lương. Chắc là phải vay ai đó rồi đi may ngay mới kịp.

Hai cha con đang bần thần thì chị Hương bước vào nhà. Chị Hương vốn vui tính, đi đâu cũng ồn ào như một cơn lốc. Linh cảm thấy nét băn khoăn trên gương mặt chú và em, chị hỏi luôn, có việc gì mà có vẻ căng thẳng thế chú. Bố Thảo cười buồn. Chẳng có gì nghiêm trọng đâu, tuần sau đi cắm trại, nhà trường quy định học sinh phải mặc váy đầm, mà con Thảo đã có cái nào đâu. Chị Hương hồ hởi, yên tâm đi Thảo, chị sẽ may cho em chiếc váy hết ý. Thế em thích màu gì? Bé Thảo nở bừng một nụ cười, cô em bảo màu xanh. Ô kê, đi với chị ngay bây giờ. Hai chị em cuốn nhau đi.

Chiều trước ngày cắm trại, chị Hương phóng xe máy đem váy đầm đến cho Thảo, chị bắt Thảo phải mặc thử ngay. Mấy bác, mấy chú trong khu tập thể xúm lại khen. Thảo đỏ dừ cả mặt, tim đập như trống trường vì quá sức tưởng tượng của em. Đêm ấy khi vén màn con, bố Thảo nhìn thấy con gái ôm chiếc váy đầm trong lòng như ôm chiếc gối ngủ, mặt rạng rỡ, môi hé một nụ cười trong mơ. Chắc là một giấc mơ đẹp.

Sáng ngày cắm trại, bé Thảo bật dậy, tỉnh như sáo, không chờ bố gọi như mọi ngày. Học sinh tiểu học trong khu tập thể ồn ã rủ nhau đi. Thảo chẳng buồn ăn, no vì vui. Người ta nói vui có khi quên cả ăn, Thảo cũng vậy. Bố rang cơm đập thêm một quả trứng, món khoái khẩu của Thảo, Thảo chỉ thử có một thìa rồi lắc đầu, con no. Bố rút tiền cho bảo mua bánh mì hay xôi nếu con đói, Thảo lắc đầu.

Nhìn con đi như sáo nhảy, bố Thảo vui lắm. Hai bố con mới từ nông thôn ra. Bố Thảo là thương binh, được người cùng đơn vị cũ xin cho làm bảo vệ ở cơ quan. Đây là năm học đầu tiên của em ở thành phố.

Ở trường cũ, Thảo cũng từng đi cắm trại. Chưa có lần nào vui như ngày 26 tháng 3 này. Thành phố có khác. Cả sân trường rậm rịch. Tiếng nói cười, trêu chọc nhau. Tiếng hò hét. Tiếng chân người rì rầm như đất chuyển. Màu sắc mới rực rỡ làm sao. Bao nhiêu là những cột trại quấn giấy màu. Bao nhiêu là những ông sao to đùng, sắc màu rực rỡ. Và mọi gương mặt đều bừng sáng.

Tiếng trống trường vang lên. Các lớp tập trung riêng chuẩn bị ra bãi cắm trại. Thảo bé nhất lớp nên đứng hàng đầu. Cô giáo của em hôm nay cũng đẹp hẳn ra, trẻ hẳn ra.

Cả lớp im lặng nghe cô nhắc nhở trước khi hành quân ra bãi cắm trại. Đang nói, bỗng cô chủ nhiệm im bặt.

- Em Thảo!

- Dạ, thưa cô, gì ạ?

- Em bước ra khỏi hàng.

Thảo run run bước lên trước mấy bước.

- Chiếc váy của em không cùng màu với váy của các bạn. Thôi em ở lại, không đi trại nữa.

Nghe cô giáo nói, Thảo không biết mình mơ hay là thật. Cô chỉ nói gọn lỏn có vậy rồi dẫn cả lớp đi như gà mẹ dẫn bầy con đi theo, bỏ lại một mình Thảo đứng trước sân lớp. Mọi việc diễn ra nhanh quá khiến Thảo không kịp phản ứng. Khi cả lớp ào đi, ai cũng quay lại nhìn Thảo lẻ loi một mình, Thảo mới bừng tỉnh.

Mấy phút sau, sân trường vắng tanh, Thảo vẫn đứng y trân chỗ cũ, chỗ cô giáo bảo bước ra khỏi hàng. Lúc này em mới thấy mình run sợ. Nỗi sợ nhất là lẻ loi, cô độc trước một dòng người ấm áp đã cuốn đi đâu. Em trơ mắt nhìn sân trường sao hôm nay nó rộng và lạnh lẽo đến vậy. Không biết bãi tha ma nó thế nào, người ta bảo nó lạnh lắm, hoang vắng lắm, sợ lắm. Em nghĩ chắc bãi tha ma cũng vắng, cũng sợ như thế này chăng. Chẳng có ai đến hỏi em, chẳng có ai ở xung quanh, trừ bác bảo vệ đang đứng ở cổng trường.

Em chợt nhớ ra, mệnh lệnh của cô giáo, thôi em ở lại không đi trại nữa. Tiếng nói của cô xoáy vào óc em như một chiếc khoan. Em muốn khuỵu xuống. Nước mắt bây giờ mới trào ra. Bỗng em thấy không chỉ buồn mà tủi nhục. Bị gạt ra khỏi bầy đàn đến gà và chó cũng cảm thấy sợ hãi huống chi là em.

Trái tim đập những nhịp thổn thức. Lâu lắm em mới nghĩ tới việc phải trở về nhà, nơi ấy sáng nay bố vui lắm lúc em chào bố để đến lớp.

Từ trường đến nhà chưa đầy một cây số mà em bỗng thấy nó xa quá, tít tắp mãi tận nơi nào, không hiểu đôi chân mảnh khảnh của em có đủ sức bước về đến nhà không. Em bắt đầu bước đi, hướng về nhà. Sao bỗng dưng em cầu mong trên đường về đừng gặp bất cứ một ai, nhất là đừng gặp người quen. Sao lúc nãy em cần có mọi người xung quanh, mà lúc này em lại sợ mọi người đến như vậy. Em nhìn xuống, đôi mắt bỗng gặp chiếc váy đầm màu xanh da trời sáng lên trong nắng sớm. Vì cái màu lộng lẫy này mà em bị một cú giáng đến choáng váng mà chính em không biết vì lỗi gì. Lẽ nào, sự khác biệt về màu sắc lại trở thành một thiếu sót của em? Và biết làm sao mà sửa chữa.

Em bỗng nhớ đến trường cũ, đến cô giáo Hà của em ở lớp 4. Có lần ra chơi trong lúc đuổi nhau em bị đứt một chiếc cúc áo, không hiểu ở đâu mà cô lại có kim chỉ, cô đính cúc cho em. Ở trường cũ các bạn đều nghèo, chưa may nổi đồng phục mà sao vui thế

Khi nhìn thấy ngôi nhà một gian lợp ngói đỏ trong khu tập thể, em bàng hoàng không hiểu sức đâu mà em đi được về đến đây.

Người lớn đi làm, bạn bè đi cắm trại, chỉ một mình em trơ vơ. Em ngồi xuống bậc hè, như một bao cát, vô cảm, không biết mình đang nghĩ gì. Sao mặt trời hôm nay đi chậm thế. Bao lâu là bao lâu, mệt đến rã rời ra mà bóng nắng hình như chẳng chịu ngắn đi.

Rồi cũng đến giờ nghỉ trưa, bố em đạp xe từ cơ quan về. Thấy em ngồi đờ đẫn ở trước cửa, bố hỏi:

- Sao con lại ngồi đây?

Hình như câu hỏi ấy như một nhát cuốc phá tung con bờ ứ tràn nước. Nghe bố hỏi, em bỗng nức nở khóc. Bố em quăng xe, ôm chầm lấy em, lóng ngóng mở cửa. Em càng khóc to. Bố phải bế em trên vai. Em ôm chặt cổ bố, nước mắt tràn vai áo, nghẹn ngào, nức nở:

- Cô không cho đi trại vì chiếc váy đầm của con không giống màu của các bạn.

- Thế váy các bạn con màu gì?

- Màu nước biển.

- Mẹ kiếp! Bố em rít lên rồi dùng nắm tay phải giáng một quả đấm xuống mặt bàn. Rầm.

Em sợ quá, ôm chặt cổ bố hơn.

Con ngồi xuống đây, bố nấu cơm. Con không đói, em nói vậy. Mà không đói thật. Sáng nay vui quá, không thấy đói. Bây giờ xót xa quá cũng không thấy đói.

Hình như nỗi đau lòng của con gái lây sang ông. Mà ông còn đau hơn, ngẫm lại cái cảnh nghèo của người đi đánh giặc trở về. Lâu lắm rồi, ông không bế con gái. Bây giờ ông cảm thấy nó bé bỏng quá, cần được che chở hơn nữa. Em ngủ trong nỗi tức tưởi, vừa nấc vừa ngủ mê.

Một lát, Thảo thức trong cơn mơ.

- Con nhớ mẹ, nhớ chị Thuỷ.

- Ờ...ờ...

- Bây giờ mẹ với chị Thuỷ ăn cơm chưa bố nhỉ?

Bố Thảo ôm siết con vào lòng. Con bé đa cảm quá. Bụng nó trống không mà nó chỉ nghĩ đến mẹ, đến chị gái ở trong quê.

Đầu giờ chiều, Thảo thức giấc. Bố bảo, chiều nay bố nghỉ việc, con muốn đi đâu bố dẫn đi. Nghe thế, Thảo bật dậy.

- Bố dẫn con ra sân vận động xem trường con cắm trại.

Bố Thảo biết lòng con gái đã nguôi ngoai với mặc cảm.

Hai cha con vào nơi đang reo hò ầm ĩ nhất. Thảo chỉ tay:

- Bố ơi! Cô con đang đánh cầu lông đấy.

Cô Quyên đang có những cú đập, cú vớt rất thành thạo, duyên dáng. Cô mặc áo phông màu xanh, quần soóc trắng, giầy trắng, mũ lưỡi trai vành trắng. Thảo reo lên, hay quá, hay quá. Bỗng em thấy vai em bị siết lại và những ngón tay bố run run. Em ngước nhìn bố thấy mặt bố như đanh lại. Em sực nhớ, bàn tay ấy đã đấm một quả xuống mặt bàn, miệng chửi thề.

- Bố ơi! Cho con uống nước mía.

Một lát sau, tiếng loa vang lên, mời các lớp tập trung để bế mạc trại 26 tháng 3.

Trong khi nghe đọc lời bế mạc hội trại và phần khen thưởng, Thảo reo lên. bố ơi, lớp 5B của con được giải nhất kỳ này.

Cô Quyên vẫn trong trang phục thể thao bước lên lĩnh thưởng và phát biểu. Cô nói, các em lớp 5B có tới 100% (một trăm phần trăm) tới hội trại và tự quyên góp được 200.000đ ủng hộ các bạn nghèo chăm học.

Nghe thấy thế, Thảo hỏi bố: Con vắng mặt mà sao lớp vẫn có đủ 100% người cắm trại.

Bố Thảo ậm ừ trong cổ như con mèo gừ gừ, lát sau nói:

- Cô giáo của con có báo cáo thế thì lớp con mới được khen thưởng.

Em phản ứng ngay:

- Sao lại thế? Sao cứ phải báo cáo sai, không thật, không đúng mới được khen thưởng hả bố?

Bố Thảo lặng thinh không trả lời. Mắt bố lảng tránh cái nhìn vừa ngơ ngác, vừa soi mói của em. Hình như người lớn cố giấu một điều bí ẩn nào đó. Câu hỏi bám mãi trong đầu em trên đường hai bố con về nhà.

Đêm ấy, khi giắt màn cho con gái, bố Thảo vẫn nhìn thấy em ôm chiếc váy đầm khi đi ngủ. Nhìn lâu ông vẫn không thấy nụ cười trong mơ của em như đêm qua mà còn cảm thấy sự tức tưởi trong hơi thở với gương mặt còn căng thẳng ... Ông thấy cay xé nơi sống mũi nghĩ đến sự máy móc và vô cảm của cô giáo đã gây nên cú sốc mạnh trong tâm trí cô con gái bé bỏng và đa cảm của mình. Cú sốc ấy chắc chắn sẽ hằn rất lâu trong ký ức con gái ông.

Tiếng chuông điện thoại reo giòn tan cắt ngang bộ phim ký ức của cô giáo Thảo. A lô, tôi nghe đây. Chào cô, em là Hạnh cô ạ. Vậy hả, em gọi từ máy nào đấy. Máy di động của bố em, bố em đi bệnh viện về, họ bồi dưỡng cho một số tiền, bố em bảo thế, bố em mua một cái máy di động về nhà, em bấm máy gọi cho cô đầu tiên đấy cô ạ. Cô ơi, cô ăn khoai có thấy ngon không. Nếu cô thích, ngày mai mẹ em lại gửi đến cho cô. Ờ ... ờ..., ngon lắm. Cô Thảo động viên bé Hạnh. Em chào cô. Cô Thảo giấu bé Hạnh, thực ra cô chưa ăn khoai.

Cô hình dung lại bé Hạnh lúc lên nhận phần thưởng. bé là phiên bản của cô mười mấy năm về trước. Đó là một bức tranh mô phỏng với những tình tiết trái ngược nhau. Có cả nước mắt, nhưng là nước mắt của những xúc cảm ngọt ngào.

Tiếng xe máy ầm ào và tiếng người râm ran trước cửa khu tập thể giáo viên. Cô Thảo sực nhớ, thế là ngày chủ nhật đã qua nhanh.

Cô cảm thấy đói bụng liền nhớ ngay đến những củ khoai lang héo, luộc kỹ, để nguội.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy