Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
20:49 (GMT +7)

Một số lỗi sai trong sách “Học tiếng Tày”

VNTN - Sách “Học tiếng Tày” (Nxb KHXH, năm 2013) có quá nhiều lỗi. Ở đây chỉ đề cập tới một vài chi tiết thuộc về tri thức văn hóa xã hội, về sự không phù hợp giữa thực tế với nội dung cuốn sách.

1. Trang 55, trong bài hội thoại có câu tiếng Tày, dịch sang tiếng Việt:

“Em là cô giáo mầm non ở trường tiểu học Bộc Bố.”

Lời bàn:

Giáo dục Mầm non và giáo dục Tiểu học là hai ngành học, hai bậc học khác nhau, dù ở Bộc Bố hay ở vùng hẻo lánh nào khác cũng không thể ghép mầm non với tiểu học. Chi tiết này sai với thực tế!

Cũng tương tự như vậy, trang 84, đoạn văn bằng tiếng Tày để người học nghe và chép chính tả, có câu:

“Chị Na làm y sĩ thú y ở phòng y tế huyện.”

Lời bàn:

Viết như vậy chẳng hóa ra tiêm người và tiêm lợn, trâu bò là như nhau (?!). Khi có bệnh nhân cần khám bệnh, sẽ gọi y sĩ thú y? Ở Bộc Bố hay ở đâu, không có ai ốm đau lại tìm y sĩ thú y cả.

Tuy cùng làm nghề chữa bệnh, nhưng thú y và y tế là hai lĩnh vực khác nhau. Vậy nên không có chuyện y sĩ thú y làm ở phòng y tế.

2. Trang 199, bài khóa (bằng tiếng Tày) giới thiệu về “Cưới xin của người Tày”. Tác giả giới thiệu: trong đám cưới, con rể cho mẹ vợ một tấm vải thô nhuộm nửa đỏ, nửa để trắng, để khi nào mẹ chết thì đem chôn theo (khâm liệm) mẹ.

Lời bàn: Con rể thật là có hiếu và chu đáo với mẹ vợ! Vừa bước chân vào nhà để ra mắt rồi đón con gái của mẹ về làm vợ đã lo chuyện chôn cất mẹ vợ (?!).

Các tác giả đã hiểu và giải thích sai tục cúng tấm vải can thấp trong lễ cưới của người Tày. Trong lễ cưới, con rể đến nhà gái, khi làm lễ trình tổ tiên, rể dâng lên bàn thờ các lễ vật, trong đó có tấm vải thô nhuộm nửa đỏ, nửa để trắng, gọi là tấm vải can thấp. Lễ vật này biểu trưng cho lòng biết ơn cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng con gái nên người, để cho rể đón về làm dâu. Cùng với lễ vật là tấm vải can thấp, đại diện nhà trai sẽ hát:

 “Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy

Thuở ấu thơ con ấm tròn lòng mẹ,

Chỗ ướt mẹ nằm, con ngủ chỗ khô” và cảm ơn họ hàng:

 “Cây một thân mà có nhiều cành

 Nhà mình đông họ hàng là hơn

 Em tôi đã trình lạy tổ tiên 

 Nhà mình còn anh, em, chú, bác 

 Thuở ấu thơ tặng địu, tã, chăn…

 Bái lạy này trả nghĩa đền ơn.

 Con là con gia đình 

 Nhưng là cháu họ hàng nội, ngoại.”

Tấm vải can thấp không phải con rể tặng mẹ vợ để chờ mẹ chết thì đem chôn mẹ!

3. Trang 181, trong đoạn văn bằng tiếng Việt dùng làm bài tập dịch ra tiếng Tày có câu: “Nhà sàn có bộ sườn làm theo kiểu vì kèo 4, 5, 6, 12, 24 hàng cột. Nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hay lá cọ”.

Lời bàn:

Nhà sàn thường là nhà có hình vuông. Vậy, 24 hàng cột sẽ có 24x24= 556 cột. Khoảng cách giữa 2 hàng cột là một gian. Vậy, nhà sàn sẽ có 23 gian. Trung bình mỗi gian rộng 3m. Nhà sàn vuông mỗi chiều khoảng 23x3= 69m.

Ngày xưa không có xi măng đổ mái bê tông, nhà thường lợp lá cọ. Ngôi nhà dài rộng khoảng 70m thì cột phải cao bao nhiêu để cho mái có độ dốc, chảy nước mưa? Ở đâu có ngôi nhà như này xin các tác giả dẫn tôi đi xem, phương tiện giao thông sang nhất, nếu phải nghỉ lại thì khách sạn nào sang nhất (4 sao, 5 sao hay… 1000 sao) các tác giả cứ thuê, tốn bao nhiêu tôi chịu hết. Ngược lại, nếu không tìm thấy ngôi nhà sàn nào có 24 hàng cột để tôi xem, thì… !

Phải nói rằng các tác giả sách “Học tiếng Tày” giỏi tưởng tượng, chẳng khác gì trong truyện cổ tích, tác giả dân gian đã ngoa dụ có những ngôi chùa dài rộng hàng trăm sải tay! Còn trong hiện thực không thể làm được và cũng chẳng làm để làm gì ngôi nhà sàn hình vuông, mỗi chiều 70m.

4. Trang 264, trong bài khóa giới thiệu về hồ Ba Bể, bằng tiếng Tày, có câu, xin dịch ra tiếng Việt là:

“Nước từ sông Năng, chảy qua động Puông, trào xuống thành hồ Ba Bể.”

Lời bàn: Đúng là sông Năng chảy qua động Puông thật, nhưng không trào vào hồ mà chỉ chảy qua gần hồ. Hồ Ba Bể không nhận nước từ sông Năng mà chỉ có cửa thông ra sông Năng, mùa lũ lụt hay mùa khô cũng thế.

Có lẽ các tác giả chưa đến hồ Ba Bể lần nào hoặc chưa tìm hiểu kĩ về hồ Ba Bể nên mới tưởng tượng ra như vậy!

Cũng ở bài này, trang này, đoạn sau các tác giả còn viết:

“Đến Ba Bể, ta sẽ được ngồi trên thuyền độc mộc, cô gái chèo thuyền xuống thác, đưa ta đi ngắm những cảnh đẹp của Ba Bể”.

Lời bàn:

Xin hỏi là thác nào? Ở Ba Bể chỉ có thác Đầu Đẳng. “Chèo thuyền xuống thác” ư? Thác Đầu Đẳng rất cao và hiểm trở. Không thể có cô gái nào chèo thuyền xuống thác được. Nếu có thì cũng đố có du khách nào ngồi cùng thuyền với cô gái “chèo thuyền xuống thác” để đi gặp… long vương!

***

Giáo trình biên soạn ra để dạy tiếng Tày. Nhưng những tri thức về văn hóa, xã hội, về thiên nhiên cần phải đúng. Trong quyển sách này có quá nhiều lỗi tương tự như các chi tiết chúng tôi vừa nêu. Sinh viên học theo giáo trình này, học xong trình độ vẫn còn như cũ, là may.

 

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy