
Góc biếm họa số 7 (2025)

Chiến tranh đã rời xa nửa thế kỷ.
Thời gian có thể xoa dịu mọi vết thương, rằng những nỗi đau rồi cũng sẽ lùi xa vào quá khứ. Nhưng khi nhìn những đôi mắt đỏ hoe, những bàn tay run run siết chặt nhau giữa nghĩa trang liệt sĩ, tôi mới hiểu có những nỗi nhớ không thể phai mờ, có những tình cảm vĩnh viễn không thể thay thế.
Những người lính năm xưa, dù tóc đã bạc, lưng đã còng, nhưng trong ánh mắt họ vẫn vẹn nguyên hình bóng đồng đội một thời. Họ trở về chiến trường xưa, không chỉ để tưởng nhớ mà như đang lắng nghe những lời thì thầm của đồng đội cũ, những người đã nằm lại nơi đây mãi mãi. Họ cúi đầu trước từng tấm bia, đôi mắt nhòa đi trong làn khói hương, như thể vẫn còn thấy đồng đội mình đứng đó, cười cợt trêu nhau giữa tiếng bom đạn ngày nào.
Tôi là người chứng kiến tình đồng đội của bạn tôi - một thứ tình cảm không thể gọi tên bằng những ngôn từ thông thường. Nó là nỗi day dứt khôn nguôi, là ký ức không thể tách rời, là một sợi dây vô hình nối những người còn sống với những người đã khuất. Và câu chuyện tôi sắp kể sẽ là một minh chứng cho điều đó…
Tháng Tư năm 2024, tôi nhận được cuộc gọi từ Nguyễn Quang Vinh, giọng anh vẫn hào sảng như ngày nào: “Đang trên tàu vào đây, chuẩn bị mà đón tiếp nhé, năm chiến sĩ!”.
Nghe tin mà lòng tôi rộn ràng. Những người anh em thân thiết sắp tụ họp: vợ chồng Vinh từ Bắc Kạn, vợ chồng Thoan từ Quảng Bình, và Lăng từ Thanh Hóa. Tôi phấn khích đáp ngay: “Ok! Ok!”
Tôi và Nguyễn Quang Vinh cùng khoác áo lính năm 1971, khi cả hai vẫn còn là những cậu học trò. Tôi nhập ngũ vào bộ binh, được điều vào “B ngắn” (B5), cuốn vào vòng xoáy khốc liệt của chiến trường Quảng Trị năm 1972. Còn Vinh, anh “oai hùng” hơn khi trở thành lính đặc công, được điều vào “B dài”, chiến đấu nơi chiến trường Đông Nam Bộ. Anh còn vinh dự tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến giây phút lịch sử giải phóng Sài Gòn.
Sau chiến tranh, Vinh ở lại miền Nam một thời gian rồi ra quân, về Thái Nguyên công tác trong ngành Ngân hàng, từng bước vươn lên đến chức lãnh đạo. Còn tôi, chọn con đường làm thầy giáo làng. Số phận đưa đẩy, chúng tôi lại có những năm tháng công tác ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên), rồi không hiểu cơ duyên nào mà cả hai cùng đặt chân đến Đồng Nai, sinh hoạt chung trong Chi hội Cựu chiến binh.
Nhưng rồi, cuộc đời lại xoay vần. Vì hoàn cảnh, Vinh phải trở ra Bắc Kạn để “làm lại cuộc đời”. Ngày tiễn anh đi, tôi có cảm giác như mất đi một phần cơ thể, như thể mình vừa chia tay một cánh tay đã gắn bó suốt bao năm tháng…
Vậy mà giờ đây, sau bao năm xa cách, những người đồng đội lại sắp hội ngộ. Tôi bất giác mỉm cười, lòng rộn lên niềm mong chờ khôn xiết. Tình đồng đội, có bao giờ phai nhạt đâu!
Dưới cái nắng gay gắt của tháng Tư, chúng tôi thuê một chiếc xe 7 chỗ, lao nhanh từ thành phố Biên Hòa về Ngã Tư An Sương theo tuyến Quốc lộ 1. Cái nóng oi ả chẳng thể làm chậm bước chân của những con người đang háo hức tìm về một ký ức thiêng liêng.
Khi xe vừa chạm đến cầu Bình Phước 1, Vinh chợt cất giọng, như thể nghẹn lại: “Đây… Nguyên hy sinh ngay trên cây cầu này, đúng ngày này 29 tháng Tư…”. Chiếc xe dừng lại. Không ai bảo ai, chúng tôi lặng lẽ bước xuống, cúi đầu, dành một phút mặc niệm. Cây cầu Bình Phước 1 đã trải qua bao tháng năm thăng trầm, chứng kiến biết bao biến cố. Ngày ấy, nơi đây từng rung chuyển trong tiếng súng, tiếng bom. Hôm nay, giữa dòng xe cộ hối hả, quá khứ như hiện về rõ mồn một qua lời kể đứt quãng của Vinh và Thoan…
Xe tiếp tục lăn bánh. Đến Ngã Tư An Sương, chúng tôi rẽ phải vào Quốc lộ 22A. Không mất nhiều thời gian, một khu nghĩa trang hiện ra trước mắt với hai hàng chữ lớn nổi bật: “MẢNH ĐẤT NHỎ 18 THÔN VƯỜN TRẦU BẤT DIỆT/ NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TÂN XUÂN”.
Nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân còn khiêm tốn lắm, chỉ khoảng 500 ngôi mộ, xây dựng từ năm 1982 rồi tu bổ lại, như người quản trang kể lại. Những tấm bia ốp đá hoa cương xếp ngay ngắn, trang nghiêm. Theo lời vị quản trang, nơi đây có tới 182 ngôi mộ chưa xác định danh tính, và phần lớn các anh không phải là người gốc Sài Gòn…
Vào năm 2015, Vinh một mình vào Nam tìm mộ người đồng đội năm xưa. Sau bao ngày lần mò, anh mới hay Nguyên đang yên nghỉ tại đây. Nhưng điều kỳ lạ là, trên bia mộ lại khắc tên Hồ Sĩ Nguyên, trong khi tên thật của bạn anh là Ngô Sĩ Nguyên. Không chút do dự, Vinh tức tốc trở ra Bắc, liên hệ với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nghệ An, nhờ họ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP. Hồ Chí Minh để xác minh danh tính liệt sĩ. Sau những thủ tục đối chiếu hồ sơ, kết luận cuối cùng cũng sáng tỏ: Hồ Sĩ Nguyên trên bia mộ chính là Ngô Sĩ Nguyên.
Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, mộ của người đồng đội thân thương mới được tìm thấy! Niềm vui vỡ òa, nhưng cũng trĩu nặng những cảm xúc khó gọi tên. Người còn sống, người đã khuất, những năm tháng đạn bom tưởng đã xa, bỗng chốc lại ùa về, quặn thắt trong lòng những người lính năm xưa...
Mộ liệt sĩ Ngô Sĩ Nguyên nằm lặng lẽ ở hàng thứ hai, tính từ trong cùng trở ra, giữa nghĩa trang nhuốm màu thời gian. Ngô Sĩ Nguyên, người con của xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, không chỉ là đồng chí mà còn là người bạn thân thiết của Nguyễn Quang Vinh và Hoàng Trọng Thoan. Cả ba đã cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc hào hùng và bi tráng trong chiến dịch cuối cùng, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Suốt mấy chục năm qua, Vinh và Thoan luôn đau đáu một nỗi niềm - tìm lại nơi an nghỉ của bạn mình. Và giờ đây, đứng trước mộ Nguyên, họ mới có cơ hội hiểu thêm về người đồng đội đã hy sinh tuổi trẻ cho Tổ quốc.
Bên nấm mộ, Vinh và Thoan không kìm được xúc động, nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc sâu những năm tháng chiến tranh. Thoan nghẹn ngào, hồi tưởng lại khoảnh khắc thiêng liêng: chính anh, với tư cách đại diện Chi bộ, đã tuyên bố kết nạp Đảng cho Ngô Sĩ Nguyên vào ngày 29 tháng Tư năm 1975 - chỉ một ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Vinh nấc lên, giọng lạc đi trong những tiếng gọi tha thiết: “Ơi Nguyên ơi! Tao và Thoan vào thăm mày đây này, có cả các anh em nữa! Sao mày ra đi sớm thế hả? Chỉ còn một ngày nữa thôi là đất nước hòa bình…”.
Họ gọi Nguyên là “Chiến sĩ đặc công bất tử”, người đã hiên ngang phất cao lá cờ giữa lửa đạn, dẫn đường cho đoàn quân tiến về Sài Gòn. Giữa không gian trang nghiêm, mọi người lặng lẽ lắng nghe câu chuyện về người anh hùng, như thể thời gian lùi lại, tái hiện hình ảnh Nguyên cùng đồng đội xông pha giữa mưa bom bão đạn, để rồi vĩnh viễn nằm lại nơi này, trong lòng đất mẹ…
***
Những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, 1975.
Vinh, Thoan và Nguyên lặng lẽ thu dọn quân tư trang, xếp lại từng món đồ vào chiếc “bồng” đã sờn cũ. Suốt mấy đêm liền mất ngủ vì những cuộc họp bàn phương án tác chiến, ánh mắt họ trũng sâu, mệt mỏi hằn lên từng đường nét trên khuôn mặt. Trên bầu trời, máy bay địch vẫn lượn vòng trinh sát, những tiếng động cơ gầm rú như muốn xé toang không gian.
Dưới mặt đất, những người lính đặc công vẫn kiên trì ẩn mình giữa sình lầy, nấp dưới lớp cỏ dại lúp xúp. Chỉ cần vài cành trâm bầu, họ có thể dựng lên một mái che đơn sơ từ chiếc tăng mỏng. Khi tiếng súng tạm ngưng, nằm trên võng giữa đêm khuya, ai nấy đều thả mình theo dòng suy nghĩ, vừa mơ về ngày toàn thắng, vừa canh cánh những nhiệm vụ phía trước.
Lương thực ít ỏi, có lúc phải tự tìm kiếm trong những ngôi làng gần đó. Những trận mưa pháo từ các cứ điểm Đồng Dù, Tân Quy, Bến Cát nã xuống như cơm bữa, rung chuyển cả một vùng trời. Vậy mà trong khoảnh khắc ngắn ngủi giữa chiến tranh ấy, Nguyên bỗng cất lên giọng hát trầm ấm, ngân vang giữa đêm tối: "Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây… Lướt qua nắng mưa, súng bom nhịp chân đi…".
Vinh bật cười, bắt chước giọng xứ Nghệ đặc sệt:
- Chu cha, đêm qua thức trắng điều nghiên, giờ mi còn nghêu ngao chi rứa, muốn ăn pháo địch à?
Nguyên cười khẽ, giọng vẫn tràn đầy nhiệt huyết:
- Hát để át tiếng bom! Cứ nhởn đi!
Nhưng Thoan không cười, nét mặt anh đanh lại sau khi trở về từ cuộc họp tại C bộ. Giọng anh dứt khoát, đầy trọng trách:
- Đây là trận đánh cuối cùng! Có thích đánh nữa cũng chả còn đâu! Nhiệm vụ của đặc công chúng ta là chiếm và giữ cầu Bình Phước, đảm bảo Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn an toàn!
Không gian chợt lặng đi. Trong đầu mỗi người hiện lên hình ảnh cây cầu trọng yếu, nơi sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử. Vinh chợt nhớ đến lời Chính trị viên, kiêm Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Dậu: "Đảng viên phải là những người tiên phong trong chiến đấu… Không để địch phá hủy cầu!".
Thoan quay sang Nguyên, ánh mắt nghiêm nghị nhưng cũng xen lẫn niềm tin tưởng:
- Cậu là đối tượng Đảng, nhiệm vụ của cậu là cắm lá cờ chiến thắng trên cầu Bình Phước để báo hiệu xe tăng tiến vào Sài Gòn. Đây là thử thách cuối cùng để cậu chính thức được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng!
Nguyên sững lại, tim đập mạnh. Trong đầu anh vang lên lời dặn dò của Bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Dậu: "Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Hoàng Trọng Thoan – Chi ủy viên, tổ trưởng Đảng, mũi trưởng mũi thọc sâu – thay mặt Chi bộ tuyên bố kết nạp Đảng cho đồng chí Ngô Sĩ Nguyên sau khi hoàn thành nhiệm vụ cắm cờ trên cầu Bình Phước!".
Lời nói ấy như ngọn lửa rực cháy trong lòng Nguyên. Anh hít một hơi thật sâu, siết chặt nắm tay. Trước mắt anh, không chỉ là cây cầu Bình Phước, mà còn là cả tương lai, là sứ mệnh thiêng liêng mà thế hệ của anh đang gánh vác - giành lấy độc lập, thống nhất non sông.
Dưới bầu trời đêm sâu thẳm của ngày 28 tháng Tư, khi vạn vật chìm trong giấc ngủ, những người lính đặc công lặng lẽ bò qua những con rạch, bãi sình lầy, quân tư trang nặng trĩu bùn đất. Không một tiếng động. Thời khắc hành động đã đến - quan trọng hơn bao giờ hết. Trên các chốt gác, địch căng mắt quan sát, cảnh giác đến cực độ, như thể không để lọt qua dù chỉ một con kiến. Vinh ghé sát Nguyên, thì thầm:
- Trận này sẽ quyết định tất cả. Sài Gòn nhất định phải được giải phóng. Cậu có gì lo lắng không?
Nguyên khẽ lắc đầu, giọng kiên định:
- Không! Tôi thấy vinh dự vì được có mặt ở đây.
Những ngày tháng dầm mình trong bùn lầy, ẩn dưới những bụi dừa nước, chịu đói, chịu khát… nhưng Nguyên chưa bao giờ than vãn. Anh chỉ cười, nói với Vinh:
- Tôi đang tưởng tượng lá cờ giải phóng tung bay trên cầu Bình Phước…
Đêm đen phủ trùm khi các mũi đặc công tiếp cận mục tiêu. Quân ta bí mật vào vị trí, sẵn sàng hành động. Tín hiệu nổ bộc phá vang lên - mệnh lệnh tấn công đã phát ra! Các phân đội đồng loạt xông lên, đánh thẳng vào các lô cốt, nhà nghỉ nổi, ụ đại liên… Địch phản công điên cuồng. Tiếng súng nổ đinh tai. Xe tăng, xe bọc thép của chúng rầm rập lao tới, phá vỡ màn đêm bằng ánh lửa hủy diệt. Lửa khói ngập trời. Những người lính giải phóng ngã xuống, nhưng đội hình vẫn giữ vững.
Ngày 29 tháng Tư, cuộc chiến giành cầu Bình Phước càng khốc liệt. Thời gian như bị kéo dài vô tận giữa tiếng súng địch xối xả. Chúng dường như đã đoán được đường tiến công của ta. Nguyên siết chặt lá cờ, nhét cán vào dây thắt lưng, có lẽ bạn đang thì thầm với chính mình: “Sài Gòn đang đợi…”.
Khi trời bắt đầu rạng, Vinh nghe rõ từng nhịp đập trái tim mình hòa vào bài ca Tiến về Sài Gòn trong tâm trí. Trung đội trưởng Hoàng Trọng Thoan đột ngột phóng một loạt AK - hiệu lệnh tấn công vang lên thay cho bộc phá! Đặc công nước đã kịp gỡ mìn tự hủy của địch. Mặt đất rung chuyển. Những mũi tiến công sắc bén dần áp sát đầu cầu. Lửa đạn vơi dần… rồi im bặt.
Chớp lấy khoảnh khắc đó, Nguyên lao lên mặt cầu, tay siết chặt cán cờ. Anh cắm phập xuống nền bê tông, rồi phất mạnh, hô vang: “Chiếm được cầu rồi, các đồng chí ơi!”.
Lá cờ giải phóng tung bay trong gió… nhưng chỉ trong khoảnh khắc, một loạt đạn địch xé toạc màn sương, cắm vào cơ thể Nguyên. Anh gục xuống bên lá cờ, thân hình bất động.
Tiếng súng địch lại gầm lên, quân ta bị áp đảo. Cầu Bình Phước vẫn chưa thể thông. Ngày 29 tháng Tư năm 1975… Quân giải phóng chưa thể qua cầu.
Ông Thoan kể lại, dù chưa kịp cắm được lá cờ chiến thắng, nhưng hành động của Ngô Sĩ Nguyên giữa tình thế cam go, ác liệt ấy là một hành động anh hùng. Giữa mưa bom, bão đạn, tôi đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi, Hoàng Trọng Thoan, Chi ủy viên, Chi bộ C59, thay mặt Chi bộ, trân trọng tuyên bố kết nạp đồng chí Ngô Sĩ Nguyên vào Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 29 tháng Tư năm 1975”.
Nhưng suốt ngày hôm đó, chúng tôi không thể đưa Nguyên trở về. Địch phòng thủ dày đặc, súng máy quét ngang cầu, giữ chặt thi thể đồng đội tôi giữa chiến trường lạnh lẽo. Thỉnh thoảng, tiếng AR-15 lại vang lên phía nơi Nguyên nằm - có lẽ kẻ thù sợ rằng anh vẫn chưa gục ngã!
Ngày 30 tháng Tư, quân ta chiếm được cầu Bình Phước. Đoàn quân giải phóng ào ạt tiến qua cầu, gấp rút hợp điểm với các mũi tiến công khác vào nội đô Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu ngày toàn thắng của dân tộc.
Nguyên đã hòa mình vào đất mẹ, để những bước chân đồng đội tiếp tục tiến về phía trước, viết tiếp khúc khải hoàn.
***
Vượt qua hàng ngàn cây số, những cựu chiến binh trở về bên đồng đội năm xưa - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của họ. Trước những nấm mồ trầm mặc giữa đất trời, họ quặn lòng trong nỗi đau khôn tả, nước mắt lặng lẽ rơi trên những bia mộ rêu phong. Không ai muốn rời đi. Bởi với họ, đây không chỉ là một sự mất mát - mà là khoảng trống không gì bù đắp nổi trong cuộc đời. Ngô Sĩ Nguyên, người anh hùng đã nằm lại trên mảnh đất “Mười tám thôn vườn trầu”, đã đi qua 50 mùa xuân trong lòng đất mẹ. Nơi đây, chính quyền huyện Hóc Môn đã chăm lo, quy tập và xây dựng mộ phần cho những người con trung kiên đã ngã xuống vì độc lập tự do.
Vinh và Thoan lặng lẽ nhìn nhau, không cần nói cũng hiểu chung một ý nghĩ. Họ quyết định, một ngày không xa, sẽ cùng gia đình Nguyên từ Nghệ An vào Nam, đưa anh về quê để hương khói, để đất mẹ vỗ về giấc ngủ ngàn thu. Hoàng Trọng Thoan nghẹn ngào kể lại: ngày ấy, khi cấp trên hỏi ai xung phong cắm cờ, những cánh tay rắn rỏi đều đồng loạt giơ lên. Nhưng cuối cùng, Chi bộ tin tưởng giao trọng trách thiêng liêng ấy cho Ngô Sĩ Nguyên. Và rồi, anh đã mãi mãi nằm lại trước khi đất nước trọn niềm vui thống nhất.
Cầu Bình Phước giờ đây vẫn ngày ngày gồng mình cõng những dòng người và xe cộ ngược xuôi, hối hả. Nhưng mấy ai biết rằng, mùa Xuân năm ấy, ngay tại nơi này, một chiến sĩ đặc công - chàng trai sinh ra từ đất Nghệ, quê hương của Bác Hồ - đã đổ máu, ngã xuống để đại quân tiến bước, giải phóng miền Nam?
Giờ đây, anh yên giấc trong lòng mảnh đất từng chứng kiến những trang sử oai hùng, nơi những lãnh đạo cách mạng như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần… đã họp bàn cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Hồn anh quyện vào đất, vào trời, vào từng tấc quê hương mà anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân.
Đất nước đang từng ngày đổi mới, đạt được những thành tựu lớn trong việc duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế, củng cố an ninh - quốc phòng. Những con đường mở rộng, những khu đô thị mọc lên, những cánh đồng bạt ngàn mùa màng tốt tươi, tất cả vẽ nên một bức tranh tươi sáng về một Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ.
Chiếc xe ô tô chầm chậm lăn bánh, như mang theo những ký ức một thời oanh liệt, nhưng cũng mở ra một hành trình mới của sự hòa hợp và phát triển. Tiếng động cơ đều đặn hòa lẫn trong không gian yên bình, tựa như nhịp chảy trầm lặng của thời gian, đưa quá khứ dần lùi xa nhưng không bao giờ phai nhạt. Trong khoang xe, ánh mắt mọi người đỏ hoe, không chỉ vì nỗi đau và sự tiếc thương, mà còn bởi niềm tự hào sâu sắc về một người đồng đội đã hy sinh trọn vẹn cho Tổ quốc. Những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt người lính già, bàn tay siết chặt kỷ vật của người bạn năm xưa, cả những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài - tất cả nói lên những ký ức chưa bao giờ nguôi ngoai.
Trên mảnh đất hòa bình hôm nay, những người từng ở hai chiến tuyến giờ đây chung tay dựng xây quê hương, khép lại quá khứ để hướng về tương lai tươi sáng. Những cây cầu nối liền bờ sông, những con đường trải dài về những vùng quê xa xôi, như minh chứng cho sự đổi thay. Người lính ngày nào nay trở thành những người cha, người ông, truyền lại cho thế hệ trẻ bài học về lòng yêu nước, về sự hy sinh cao cả. Trong từng lớp học, từng nhà máy, từng cánh đồng, những đôi tay mạnh mẽ tiếp nối hành trình xây dựng đất nước, nơi tình người và lòng yêu nước hòa quyện thành một, tạo nên sức mạnh để vững bước tiến về phía trước.
Đào Sỹ Quang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...