Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Một năm nhìn lại thấy nhiều niềm vui

VNTN - Không chỉ là trang viết của những ai đang sống và viết trên mảnh đất hương chè xứ Thái, mà còn là nơi gặp gỡ của các văn nghệ sĩ mọi miền, từ địa đầu núi cao phía Bắc đến mênh mang sông nước miền Tây, Văn nghệ Thái Nguyên là nơi hội tụ của tình thơ - tình người. Nhân tết đến xuân về, thử làm cuộc phiêu du suốt 52 số báo, tôi nhận ra nồng nàn hương hoa của vườn thơ.


Đầu tiên là sức lan tỏa từ Cuộc thi Sáng tác văn học trên Văn nghệ Thái Nguyên (2014 - 2016). Cuộc thi đã đi được gần trọn chặng đường, và báo hiệu một vụ mùa bội thu. Không chỉ là sự gia tăng đơn thuần về số lượng bài thơ hay tác giả, mà điều cốt yếu đáng ghi nhận là chất lượng cũng như sự phong phú, đa dạng của cuộc thi thơ lần này, với sự góp mặt của nhiều hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, các tác giả từ nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhiều gương mặt, nhiều cá tính thơ đã đem đến cho vườn thơ Thái Nguyên những hương sắc, khơi gợi được những đam mê từ chính người viết, sự nhiệt tình yêu mến đến với thơ cũng như đến với Văn nghệ Thái Nguyên từ độc giả.

Cũng bởi sự góp mặt của anh em bè bạn, những sứ giả thơ từ khắp mọi miền, trang thơ đã thoát ra và vượt lên cái gọi là “thơ của xứ chè”, thơ của “an toàn khu thủ đô kháng chiến”.  Không cần tới một sự tập trung cần thiết cũng có thể nhận ra điều đó. Bên cạnh nhiều bài thơ mang sắc thái vùng miền rõ rệt như: Hồ Núi Cốc, Ấm trà Tân Cương (Nguyễn Thị Thùy Linh), Thu chín chiều Tân Cương (Võ Sa Hà), Em có về đất Thái với tôi không (Nguyễn Khoái), Giang Tiên Phú Lương huyền tích (Hiền Mặc Chất), Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú (Lê Thìn) còn có những bài thơ của những tác giả đến từ những địa phương khác nhau như: Người mẹ Vĩnh Linh vẽ lá cờ Tổ quốc (Lâm Bằng), Nghe tiếng cừu trưa ở Ninh Thuận (Nguyễn Minh Khiêm), Bài ca bên dãy núi Răng Cưa (Đinh Thị Như Thúy), Uống bia bên bờ đại dương (Mã Anh Lâm), Thạch Hãn, Một sư đoàn hóa đá Vị Xuyên (Nguyễn Trọng Luân), Hòn Khói (Lê Quốc Sinh)…

Sự mở rộng biên độ về đề tài, chủ đề, phạm vi phản ánh là một trong những lí do để thơ Văn nghệ Thái Nguyên không còn là một sân chơi dành riêng cho những văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Cũng vì thế, cuộc thi thơ lần này có lẽ sẽ hứa hẹn nhiều niềm vui.

Đã là thơ thì điều cốt yếu trước tiên, nó phải là… thơ đã. Thơ không phải là khảo tả, phục dựng cái đẹp, mà là sự rung động trước cái đẹp. Sự rung động ấy không chỉ đơn thuần nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của nhà thơ, mà cao hơn, còn là sự khơi gợi, chia sẻ, giúp cho người đọc cùng được thưởng thức những sắc thái thẩm mỹ ấy, từ đó gợi ra những vấn đề mang tính nhân văn sâu sắc. Nói như Nam Cao, nó làm cho mỗi con người trở nên người hơn.

Thơ trên Văn nghệ Thái Nguyên đã có những tác phẩm đạt đến thứ thơ chuyên nghiệp/đích thực? Phải khẳng định luôn: có, thậm chí rất đậm.

Nhiều người băn khoăn, trong đó không ít người làm thơ, rằng thế nào là thơ hay. Theo tôi, thơ hay là phải gợi lên được sự đồng cảm, những suy tư từ phía người đọc, ám ảnh của người đọc, gợi cho người đọc một sự day dứt, suy tư, ngẫm ngợi. Thơ không phải để lấy nước mắt hay nụ cười của người đọc, dẫu rằng có thể, mà còn phải để dành những khoảng trống để người đọc chiêm nghiệm, suy tư. Có những bài thơ không dễ viết, và không dễ viết hay, ấy là khi người thơ muốn nói tới điều gì hoặc lớn lao, hoặc sâu xa từ những cái gì rất đỗi bình thường. Tâm hồn của nhà thơ phải luôn căng như sợi dây đàn, khẽ chạm vào là đã vang ngân. Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là thứ âm thanh xô bồ mà phải có sức lắng, sức gợi.

Trong một chừng mực nào đó, Tiếng cừu trưa Ninh Thuận (Nguyễn Minh Khiêm), Dâng trà (Nguyễn Quang Thiều), Dưới cánh cửa chùa (Phạm Văn Vũ), Kính tiễn người vừa đi xa (Nguyễn Thúy Quỳnh)… là những bài thơ chạm tới đáy sâu tâm hồn người đọc, có sức lay động, ám ảnh. Sự đón đợi ở người đọc qua các bài thơ là sự đón đợi những đồng vọng từ tâm hồn người làm thơ. Thơ là tiếng nói của tình cảm nên thơ cần/ phải có sự thành thực của cảm xúc. Nguyễn Quang Thiều dâng chén trà lên vong linh người cha cũng chính là dâng lên một lời bộc bạch, một sự sám hối: Phận con nhàu tựa lòng tay/ Một câu thơ bạc một ngày vô ơn/ Chén trà, con có gì hơn/ Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha (Dâng trà - Nguyễn Quang Thiều). Nguyễn Minh Khiêm nghe tiếng ẹ ẹ, e e của bầy cừu trong buổi trưa Ninh Thuận giữa “Hầm hập một vùng gió nắng lân tinh/ Cát xối cát trập trùng rộp bỏng” cũng là nghe những ám ảnh về một cái gì lớn hơn sự đói khát, về một chuyện gì lớn hơn chuyện bầy cừu. Những tiếng kêu như “câu liêm móc ruột”, “như tuốt vào cật nứa”, những tiếng kêu máu chảy ấy mờ nhòe đi trong mênh mông cát trắng nhưng lại ám ảnh nhà thơ đến độ “Mấy nghìn cây số rồi tôi vẫn còn nghe/ Ẹ ẹ, e e hơn tiếng còi tàu rú”. Và chỉ có trái tim nhà thơ không thể nào vô cảm, mới tìm thấy hạnh phúc trong sự đồng cảm đầy tính nhân văn: Trong giấc mơ tôi thấy mình hóa cỏ/ Ngút ngát xanh tít tắp dưới chân cừu. Bài thơ Dưới cánh cửa chùa của Phạm Văn Vũ, vừa gợi một cảm giác nhẹ nhàng của tiếng chuông loang xa trong buổi chiều cô tịch, vừa gợi ra những ám ảnh về sự hiện hữu - hư vô của cõi người. Những câu thơ lặp lại gần như hoàn toàn ở đầu các khổ thơ gợi một sự đều đều, trễ nải: Tiếng mõ trên kia gõ ra đều thế/… Tiếng mõ ai kia gõ ra đều thế/… Tiếng mõ nói gì mà sao đều thế. Tiếng mõ không gợi sự an nhiên mà trái lại, gợi những ưu tư trước cửa thiền, đến độ nhà thơ phải vừa như cầu xin, vừa như thú nhận: Lòng mình xin gõ một hồi.

Nhà thơ (đúng nghĩa) không nhìn bằng mắt, mà nhìn bằng con tim. Nhà thơ viết thơ cũng chính là đang lắng nghe những nhịp đập của con tim mình. Nhiều bài thơ trên Văn nghệ Thái Nguyên giúp ta lắng nghe như thế. Đây là sự chia sẻ đầy tha thiết, yêu thương của nhà thơ về hạnh phúc giản dị của những số phận thiệt thòi: Vuông trời độ lượng/hong những mảnh đời cớm nắng/ Chảy tan những kỳ thị đời thường/ Mái ấm nhỏ vượt qua nghịch cảnh/Má con thơm hôi hổi sang mình. (Chuyện tình ở trại người bệnh phong - Trần Cầu). Còn đây là lời nhắn nhủ, cảnh tỉnh người nay từ chuyện xưa, đọc lên đầy xa xót nhưng khiến người ta cảnh giác hơn, bởi đất nước đâu đã hết mọi âu lo về sự tồn vong: Mỵ Châu xưa đã bị chém đầu rồi/ Tượng đá mang đớn đau ngàn năm chưa hết/ Xin đừng thêm những Mỵ Châu chịu lời oan nghiệt/ Vì gánh tội thay cha bên bờ biển mai này (Nỗi oan nàng Mỵ Châu - Nguyễn Thanh Huyền)

Vượt lên trên những cảm nghiệm về lẽ vui buồn sướng khổ ở đời người là đạt đến sự thấu hiểu và an nhiên trong cõi vũ trụ. Một sự đắc đạo mang tinh thần vô vi, toát lên từ những câu thơ viết một cách nhẹ tênh như gió mà lại lừng lững như thái sơn thế này: Gọi trăng/trăng bận luân hồi/Thì tôi gọi núi về ngồi bên song/ Gọi trời tát cạn mênh mông/ Để tôi ngồi lại chờ không có gì. (Không có gì - Tôn Phong)

Thơ phải là sự chất chứa những tâm trạng. Không có tâm trạng không có thơ. Nhà thơ là người cả nghĩ, dễ suy tư, dằn vặt. Thơ trên Văn nghệ Thái Nguyên đưa ta vào thế giới cung bậc như thế. Dẫu sao, thời gian và cuộc đời nghiệt ngã cũng lấy đi của chúng ta nhiều thứ, những vết thương đắng cay dẫu có nên da non vẫn thành sẹo, không dễ gì mà nguôi ngoai: Đời bỏ lại cho anh dăm sợi bạc trên đầu/ Dăm cây kim và ngàn đêm mất ngủ/…/ Em một lần đò như ngọn gió/ Nhưng hễ chạm vào ánh mắt nào/ Dẫu có mềm như cỏ/ cũng đau (Người cùng quê - Bùi Việt Phương). Những nỗi đau không thể sẻ chia nhưng khi đi vào thơ, dù là viết cho mình, tâm sự với mình, cũng đau đáu và trĩu nặng nỗi niềm, vẫn có những ánh xạ ngậm ngùi về thân phận. Đó là trường hợp của những “người đàn bà nhặt lời cho bóng lá/ Bóng lá nhòa bước chân” (Giấc muộn của đêm - Bùi Kim Anh). Hoặc một phút giây nào đó, ta chợt nhận ra rằng:  Sự ngộ nhận còn xót xa hơn mọi chia lìa/ Biết bao nước mắt cho những cũ mòn nhàm chán/ Nước mắt không sao khép được giấc mơ… (Nhà thơ - Hồ Triệu Sơn).

Đa tình là một phẩm chất nổi trội ở thi nhân. Nhiều khi, ranh giới giữa lí trí và tình cảm trở nên mong manh: Tôi chín chắn mà em thì trẻ quá/ Tôi vợ già em đang độ còn son/ Liếc trộm em một con mắt đã mòn/ Xà cạp quấn lòng tôi chưa cưới vợ (Uống rượu đêm Sa Pa - Hoàng Anh Tuấn). Người thơ là như vậy, không yêu giống như chưa tồn tại ở đời. Cho nên: Những vui buồn chảy qua đêm/ Thế nào cũng chạm vào một người con gái (Đành nói thêm về tình yêu - Nguyễn Đức Hạnh).

Sẽ là một sự xao nhãng nếu không nói tới sự xuất hiện gần như thường xuyên của một số cây bút trẻ trên trang Văn nghệ Thái Nguyên. Họ trẻ về tuổi đời, trẻ về nghề viết nhưng lại rất già dặn trong thơ. Có thể là do họ được sự quan tâm chăm sóc bồi dưỡng chu đáo của Hội Văn nghệ, của báo Văn nghệ Thái Nguyên. Những cuộc giao lưu như “Gặp mặt các tác giả trẻ Việt Bắc”, những lớp bồi dưỡng sáng tác, những chuyến đi thực tế đã làm cho những cây bút trẻ trưởng thành nhanh hơn, thơ của họ cũng mới hơn và hướng đến tính chuyên nghiệp. Đó là những cái tên đã ít nhiều được khẳng định trong làng thơ Thái Nguyên như Nguyễn Nhật Huy, Doãn Long, Trần Nhung, Gia Hân… Người đọc dễ nhận ra một Nhật Huy thông minh, thâm trầm và hóm hỉnh mà chua xót, một Doãn Long ưa những tìm tòi, trải nghiệm mới mẻ, hay một Trần Nhung trong sáng đến thánh thiện. Ai dám bảo tuổi trẻ không hoài niệm, không đăm đắm những nỗi niềm. Hãy lắng nghe những tiếng lòng của họ. Đây là tâm trạng vừa khao khát, vừa đắm say khi được trở về, được sống lại ngày thơ bé: Con tìm nón lá ngày xưa/ Che lên mái tóc ngày chưa hết buồn/ Về mơ giấc ngủ ổ rơm/ Quả lồng đèn chín, rước thơm trăng trời (Mùa thu thơ ấu - Trần Thị Nhung). Còn đây lại là một sự tỉnh táo đầy bản lĩnh và cá tính trong cách ứng xử với tình yêu thời hiện đại. Nhà anh không có điều hòa (Nguyễn Nhật Huy) là một bài thơ hay, gọn gàng và xinh xắn nhưng lại rất chặt chẽ về cấu tứ: Nếu nhiệt độ từ 40 đổ lên/ Mọi câu thơ đều vặn vẹo/ Em có tin không tình yêu mình sẽ chết/ Nếu không có điều hòa/ Xin đừng làm thơ giải nhiệt/ Mà đi cày tiền cho hóa đơn điện vừa tăng/ Mình đã buông tay nhau không phải vì hết yêu/ Mà do đài báo chiều nay mất điện/ Nhìn mắt em đã không còn biêng biếc/ Như hồi mình tưởng sống chỉ để yêu. Và đây, ta lại được nghe lời tâm tình thủ thỉ, chân mộc nhưng không kém phần mãnh liệt, táo bạo: Đừng hỏi câu củi mục/ Không thương xuống chợ làm gì/…/ Nhà anh bên kia con thác/ Nước toạc ngón chân/ Đừng nhìn nhau lá héo/ Không yêu xuống chợ làm gì (Xuống chợ - Doãn Long).

Một nét đặc sắc nữa của trang thơ báo Văn nghệ Thái Nguyên là luôn bám sát những vấn đề mang tính thời sự. Những sự kiện chính trị vốn ít chất thơ, nhưng lại có sự hấp dẫn đặc biệt, bởi nó được thẩm thấu qua lăng kính của tình cảm, của ngôn ngữ hình tượng. Từ chuyện biển đảo đến Festival Trà Thái Nguyên, đều có những trang thơ riêng với những bài thơ của Trần Đăng Khoa, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Quang Thiều, Võ Sa Hà… Những bài thơ nóng hổi chất thời sự của Lính biển Việt Nam như Chở mùa xuân ra đảo, Lính nhà giàn, Con yêu ơi… tàu đã cất tiếng còi, Nhắn bạn ra Trường Sa… đều rất chân thực, cảm động, và đầy chất thơ.

Tất cả những điều này góp thêm cho sự phong phú, sinh động của vườn thơ Văn nghệ Thái Nguyên.

Một năm nhìn lại, thấy có nhiều niềm vui!

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy