(Đọc “Tuyển tập văn xuôi Thái Nguyên 2006 - 2015” và “Tuyển tập thơ Thái Nguyên 2006 - 2015”, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2015)
VNTN - Kể từ ngày thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, có một qui định bất thành văn là cứ khoảng 5 năm hoặc khi diễn ra những sự kiện lớn, thường có sự tập hợp các tác phẩm văn xuôi, những bài thơ xuất sắc của các tác giả trong tỉnh để xuất bản thành sách. Nó giống như một cái mốc, một cuộc điểm danh các tác giả, tác phẩm trong một thời gian nhất định. Cũng với khoảng thời gian như vậy, độc giả cũng như các nhà nghiên cứu phê bình lại có dịp nhìn nhận và đánh giá về một giai đoạn văn học, một sự phát hiện và khẳng định vài ba tên tuổi.
Vào năm 2015 này, theo thông lệ, hai cuốn “Tuyển tập văn xuôi Thái Nguyên 2006 - 2015” và “Tuyển tập thơ Thái Nguyên 2006 - 2015” đã đến tay bạn đọc trong một tâm thế và mục đích như vậy. Hơn nữa, năm 2015 lại là năm có nhiều ngày lễ lớn, đặc biệt là năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh. Hai cuốn sách mang nặng tâm tư tình cảm của anh chị em văn nghệ sĩ Thái Nguyên ngoài việc phục vụ bạn đọc còn là món quà tinh thần kính tặng Đại hội.
Nếu như những cuốn tuyển chọn văn xuôi, thơ của những giai đoạn trước thường được giới hạn trong vòng 5 năm thì hai cuốn tuyển lần này, do những lí do khách quan và chủ quan đã kéo dài thêm 5 năm tiếp theo. Tuy đó là một hạn chế nhưng đứng trên quan điểm thuần túy về học thuật thì sự hơi bất thường về thời hạn lại tạo ra một cái nhìn dài rộng hơn, sâu sắc hơn, sự đánh giá đầy đủ hơn về một đội ngũ, một phong trào sáng tác. Sự vượt trội của hai tuyển tập lần này, trước hết ở số lượng tác giả và tác phẩm. Với con số 50 tác giả văn xuôi, 76 tác giả và 166 bài thơ được tuyển chọn ít nhiều đã nói lên điều này.
Cuộc ra quân rầm rộ của đội ngũ văn xuôi
Với cái nhìn tổng quan, ta dễ dàng nhận thấy cuộc “ra quân” của đội ngũ văn xuôi lần này khá rầm rộ với nhiều “binh chủng”: tiểu thuyết, truyện ngắn, kí. Điểm khác biệt của cuốn sách so với những tuyển tập của mấy chục năm trước là bố cục có sự khu biệt rạch ròi về thể tài. Tuy chỉ là hình thức nhưng nó là một mặt biểu hiện của tính chuyên nghiệp trong xuất bản (Thái Nguyên đã từng có tuyển tập in hỗn độn cả truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ chung vào một cuốn sách).
Nổi lên trong tuyển tập là mảng truyện ngắn. Với tỷ lệ 33/50 tác phẩm có mặt trong tuyển tập là sự xuất hiện mang tính “áp đảo” của thể loại tự sự cỡ nhỏ này so với thể kí và tiểu thuyết (tỷ lệ thể kí: 13/50; tiểu thuyết: 4/50). Điều đáng mừng là trong ba mươi ba truyện ngắn ở tuyển tập, ta vẫn nhận ra những tác giả quen thuộc, vốn ít nhiều chiếm được cảm tình của bạn đọc trong nhiều năm qua như: Lê Thế Thành, Bùi Như Lan, Trần Quang Toàn, Phan Thái, Nguyễn Văn, Phan Thức, Ngọc Thị Kẹo, Bùi Nhật Lai, Phạm Quý… Người đọc vẫn nhận ra những quan niệm về nhân tình thế thái trong lối viết giầu chất nhân văn pha chút khôi hài của Lê Thế Thành (Hương trà) bên cạnh sự mô tả cuộc sống nông thôn miền núi với những ngôn từ bay bổng, sự biến ảo không gian nghệ thuật của Bùi Như Lan (Mây trôi) - hai tác giả vốn có nhiều thành tựu trong thể loại này. Với những truyện ngắn hướng về triết lí nhân sinh của Nguyễn Văn (Lí sự thời @), với “trận đồ ảo” được mô tả khá khốc liệt trong công cuộc chống tham nhũng trong truyện ngắn của Phan Thái (Linh khí), với tâm lí phức tạp, đa chiều của người nông dân ở những truyện ngắn của Trần Quang Toàn, Ngọ Quang Tôn, Phan Thức, Ngọc Thị Kẹo, Bùi Nhật Lai, Phạm Quý, Đào Nguyên Hải… có thể nói, sự hiện diện của các tác giả nói trên đã làm nên cái phông chung cho cuốn sách.
Điều đáng mừng là sự hiện diện của nhiều tác giả trẻ đã đem đến cuốn sách những luồng gió tươi mới. Những cái tên chưa quá quen thuộc với bạn đọc như Trinh Nguyên, Trần Phúc Vĩnh, Gia Hân, Lê Đình, Phổ Sơn… nhưng chỉ bằng một truyện ngắn có mặt trong tuyển tập này các bạn viết trẻ đã tạo ra một gương mặt riêng cho chính mình. Điều này thực không phải dễ dàng. Đặc biệt, với Đáy trăng của Nguyễn Nhật Huy, Giếng Mật của Nguyễn Huyền Trang - những truyện ngắn mang vẻ u trầm- u trầm từ không gian đến thời gian, từ giọng điệu đến tâm trạng, từ nhân vật đến cốt truyện, từ hình ảnh đến ngôn từ, những truyện ngắn, nói theo các nhà thi pháp hiện đại là những “ảo giác của cuộc sống, ảo giác của hiện thực”. Chúng đưa đến cho người đọc một lối nhìn không thông thường, một lối nhìn khác về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Hình như chỉ với những truyện ngắn đầu tay như thế, cả hai tác giả trẻ này đã có những dấu hiệu tiến gần đến sự tạo dựng cho mình một phong cách văn chương.
Mỗi tác giả truyện ngắn trong tuyển tập, bằng những con đường riêng, đã phần nào tạo ra một bức tranh toàn cảnh của đất và người xứ Thái.
Phần tiểu thuyết so với mảng truyện ngắn tỏ ra khá khiêm tốn. Bốn trích đoạn tiểu thuyết của bốn tác giả là bốn đề tài khác nhau: chiến tranh cứu nước, bảo vệ rừng, miền núi…Dẫu sao, sự hiện diện của bốn cuốn tiểu thuyết trong tuyển tập cũng đã làm nên bốn cây cột cái trong một ngôi nhà văn chương chung.
Mảng kí vốn là một thế mạnh của Thái Nguyên. Tuy nhiên có điều hơi tiếc là cuốn sách chỉ thu nạp được 13 bài kí của 13 tác giả. Có lẽ đó cũng là tính e nhường cố hữu của thể loại cận văn học này mỗi khi có sự tập hợp, tuyển lựa văn chương. Nhưng không hề quá khi nhận định 13 bài kí có mặt trong tập sách đã như một mảng sáng. Trước hết, bởi nó là mũi nhọn, tràn đầy tính thời sự. Nếu bút kí Hướng ấy là Vạn Lí Trường Sa (Nguyễn Thúy Quỳnh) là một phản ảnh sinh động trước những sự kiện lớn, nóng bỏng của toàn dân tộc, toàn đất nước thì Thương nhớ một người (Nguyễn Minh Hằng) lại mang vẻ suy tưởng thầm kín về một con người - một con người bé nhỏ, bình thường như bao con người khác, nhưng như ai đó đã nói mỗi con người là một “tiểu vũ trụ”. Cũng vậy, ba bài kí Tập làm nông dân (Triệu Doanh), Hồn xứ Thái (Lưu Thị Bạch Liễu), Túc tắc nghề “vô lăng dây, ga roi” (Đào Tuấn) là những tác phầm khá thành công viết về đề tài nông thôn, người nông dân làm chè, làm nghề phụ, những con người chân chất cần cù và sáng tạo trên môi trường ngàn đời thanh sạch của đồng quê. Mảng kí chân dung cũng đóng góp một phần không nhỏ trong tuyển tập qua các bài Nhà giáo Nguyễn Quang Hướng: Trồng cây cho quả phúc (Thu Huyền), Chuyện ít kể về nhà thơ Hà Đức Toàn (Đắc Thế), Họa sĩ Nguyễn Văn Chính: Bằng lòng với những gì mình có (Phương Châm).
Cánh rừng rộng dài đầy hoa thơm, quả ngọt
Nếu ví tuyển văn xuôi như con tầu chở mang đầy ắp những sự kiện, những thông điệp về đất và người xứ Thái thì Tuyển tập thơ Thái Nguyên 2006- 2015 lại có thể ví với một cánh rừng rộng dài đầy hoa thơm, quả ngọt. 76 tác giả, 166 bài thơ được tuyển là một sự chắt lọc khá công phu nhưng vẫn chưa dám nói đã tựu đủ những bài thơ hay của mảnh đất vốn có truyền thống thi ca như tỉnh Thái Nguyên. Cũng giống như văn xuôi, tuyển thơ đã hội tụ hầu như tất cả những tác giả xuất sắc của nhiều thế hệ. Từ những tác giả gạo cội và cao tuổi như Ma Trường Nguyên, Thế Chính, Trần Thị Vân Trung, Nguyễn Hữu Bài, Ba Luận, Hữu Tiệp, Minh Hằng, Hồ Triệu Sơn, Trần Cầu, Nguyễn Long, Đỗ Dũng, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Anh Đào, Ngọc Tuấn…đến các tác giả ở độ tuổi đang chín, những tác giả đã từng thổi bùng trở lại phong trào thơ Thái Nguyên trong những năm đầu của thế kỉ XXI như Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Lưu Thị Bạch Liễu, Phan Thái, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Kiến Thọ…
Với 166 bài thơ được tinh lọc qua sự tự chọn của các tác giả và một hội đồng tuyển chọn gồm các nhà thơ có nghề, nên có thể cho phép người đọc nhận thức đó là những bài thơ mang tính tiêu biểu cho diện mạo thơ Thái Nguyên của thời gian mười năm qua.
Với cái nhìn chung, hầu hết các tác giả vẫn ít biến động trong phương pháp sáng tác, vẫn trung thành với lối viết diễn giải, tuyến tính đậm mầu sắc Á Đông và văn hóa Việt, lấy vẻ đẹp trữ tình làm cứu cánh để hình thành những giá trị mĩ cảm. Tuy vậy, rất không nên cho đó là sự trì trệ trong thi pháp. Trên thực tế, đã có không ít các nhà thơ, các bài thơ Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng rất thành công trong lối viết truyền thống, chiếm được trái tim độc giả. Một điểm mạnh của tuyển thơ lần này, vẫn chỉ là khởi thủy, nhưng có một số tác giả đã mạnh dạn cách tân về bút pháp ngay trên mảnh đất truyền thống quen thuộc của mình. Cách tân trong lối nghĩ, lối cảm; cách tân trong việc tìm ra những thi ảnh mới lạ, đa nghĩa, những từ ngữ có sự can thiệp của thuật “thôi xao”… Có thể dẫn ra một số ví dụ: Nhân chuyện đập tường sửa nhà rất đơn điệu nhưng tác giả Nguyễn Hữu Bài đã có một trường liên tưởng khá sâu sắc, khơi gợi những ẩn ức của đời người. Nếu không phải là người Việt từng trải trong gian nan, nghèo khó thật khó hình dung nổi những câu thơ như thế này:
Tiếng đập tường thình thịch
Bụi bay mờ không gian,
Mấy chục năm đằng đẵng,
Theo bụi về ngổn ngang…
(Viết ngày sửa nhà)
Hoặc một khổ trong bài thơ Gánh cỏ chiêm bao của Hoàng Tố Nga:
nhớ lời mẹ dặn đường xa
con mang cỏ chỉ khâu tà áo bay
gió lắt lay
áo lắt lay
chưa qua cầu đã phải quay lối về.
Đó là lối viết gợi chất ca dao mà chỉ người Việt mới cảm nhận được tận cùng sự thâm sâu.
Ngoài ra, chưa nhiều, nhưng lác đác suốt dọc tập thơ, có thể nhặt ra những thi ảnh, những từ ngữ lạ:
- Vòng tay cha vạm vỡ mùi biển (Nguyễn Thúy Quỳnh)
- Nhạc hồn gào thét/ Nhạc hồn trầm/ Nhạc hồn câm nín/…Vũ trường điên/ Những xác chữ ngổn ngang (Võ Sa Hà)
- Vuốt lên tóc em/ Tuổi tác rối lòng vòng không muốn rơi xuống đất (Nguyễn Đức Hạnh)
- Mảnh ao lõm nắng phập phòng đợi mưa (Phan Thái)
- Mười cánh hoa mầu chì nở ra thành nắng (Nguyễn Thị Sáu)
- Con thầm khấn mẹ/ Khói hương bay cong giữa đất trời (Phạm Đức Thỏa)
Sẽ rất sơ suất khi nói về đội ngũ thơ Thái Nguyên mà bỏ qua những tác giả trẻ. Nếu trong tuyển văn xuôi, sự đóng góp của những cây bút trẻ và những cây bút mới, trừ một hai tác giả đã có sự khẳng định bước đầu, chỉ giống như một sự thể nghiệm, thì ở tình hình thơ lại khác. Sự hiện diện của các tác giả thơ trẻ đã trở nên một bộ phận cấu thành, một bộ phận tất yếu của nền thơ Thái Nguyên. Có lẽ, 7 tác giả trẻ (tuổi trên dưới bốn mươi, ba mươi): Lưu Thị Bạch Liễu, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy, Gia Hân, Nguyễn Doãn Long, Trần Thị Nhung, Nguyễn Thị Sáu chưa phải là sự tập hợp đầy đủ về các tác giả thơ trẻ Thái Nguyên. Tuy nhiên, đọc những bài thơ hiện có trong tuyển tập lần này, người đọc hoàn toàn có quyền hi vọng vào các bạn trẻ, những cây bút đang bước vào thi ca bằng một tinh thần cách tân khá triệt để cả về bút pháp và thi pháp. Đọc các tác giả trẻ trong tập, người ta thường gặp sự mới lạ, quyến rũ. Những câu thơ, khổ thơ tuy chưa thật sự gây ấn tượng mạnh nhưng rất gần với những hình ảnh thơ siêu thực hoặc lối nói “lệch chuẩn thẩm mĩ”:
- Mua rừng tím nở
Tím bầm nỗi nhớ nhung
(Cổ tích Khau Áng - Trần Thị Nhung)
- Những đêm
Cha khum mình trong khói thuốc
Những ngày
Cha mắc cả thời gian trên chiếc xích lô
- Hai mươi nhăm năm
Con mải đuổi theo những rong chơi
quên khói thuốc tựa cửa cong hình dấu hỏi
Hai mươi nhăm năm
Con để chạy theo mình những nếp gấp
đời cha
(Cha - Nguyễn Gia Hân)
Hoặc một kiểu nói rất dân gian mà cũng hiện đại của Phạm Văn Vũ:
Tiền không tiêu bằng lá đa
(Xin lỗi chim sáo)
Thơ không viết bằng tre
(Xin lỗi thi sĩ)
Hàng xóm không kết bằng bầu bí
(Xin lỗi tôi và hàng xóm tôi.)
(Làng ơi)
Bởi vậy, có thể nói, tuyển tập thơ lần này như một sự sang trang.
Có thể nói, tuyển thơ lần này có phần vượt khá xa những tập tuyển trước. Không ở số lượng tác giả, tác phẩm, cũng không bởi đề tài được mở rộng, nội dung phong phú, đa dạng. Điều đáng nói hơn thế là các tác giả Thái Nguyên, dù cao tuổi hay trẻ tuổi, dù truyền thống hay cách tân thì trong hành trình thơ, họ không chỉ đi bằng đôi chân. Có thể, chỉ là khởi thủy nhưng thơ Thái Nguyên hình như đã bắt đầu được khởi hành bằng đôi cánh.
Hai tuyển tập thơ và văn xuôi mười năm được ra đời trong năm 2015 trước hết là nhờ sự quyết tâm của Hội Văn học nghệ thuật cùng sự khẩn trương và trách nhiệm của Ban tuyển chọn. Cũng như nhiều cuốn sách khác, nhất là những cuốn mang tính tổng kết, cả hai tập sách chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những sơ suất từ việc tuyển chọn chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác cùng những lỗi về xuất bản, morat. Nhưng có lẽ, trong một niềm vui lớn/nhỏ khi cầm những tuyển tập trên tay cùng sự rộng lượng của bạn đọc xa gần, cuốn sách chắc chắn sẽ là một món quà tinh thần của năm 2015 đầy ý nghĩa này
Hồ Thủy Giang
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...