Một công trình khoa học độc đáo và giàu ý nghĩa về Đạo Mẫu
VNTN - Nền văn hóa Việt Nam vốn có truyền thống coi trọng phụ nữ và chứa đựng trong nó nguyên lý Mẹ lâu đời. Đạo Mẫu là tín ngưỡng đồng thời là một giá trị văn hóa đặc sắc mang tính bản địa của người Việt đã biểu tượng hóa quyền lực đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam trong thực tại như nó vốn có. Tâm điểm của những nghi lễ trong Đạo Mẫu là đức tin rằng đồng (hay thày đồng) là cầu nối giữa thế giới này và thế giới khác, thế giới tâm linh của các vị thần cai quản thiên nhiên, những vị anh hùng và những người quá cố. Đức tin cùng với hệ thống nghi thức của Đạo Mẫu đã trở thành một phần bản sắc văn hóa Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.
Với lòng đam mê nghiên cứu khoa học cùng mong muốn hiểu biết đầy đủ và sâu sắc đời sống văn hóa của người Việt Nam, tác giả Vũ Thị Tú Anh đã dành thời gian quan tâm và nghiên cứu các vấn đề giao thoa giữa văn hóa và ngôn ngữ, văn hóa dân gian, quyền lực mềm và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo đương đại. Sau bao ngày miệt mài “nhả chữ”, chị đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Quyền lực mềm của người phụ nữ trong văn hóa Đạo Mẫu. Cuốn sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành tháng 5 năm 2016.
Qua quá trình nghiên cứu về cuộc sống những người phụ nữ trong văn hóa Đạo Mẫu, về mối quan hệ của cá nhân họ với tín ngưỡng, tác giả đã thể hiện trong cuốn sách của mình những kiến giải mới về các yếu tố của Đạo Mẫu: bao gồm chủ thể thực hành Đạo Mẫu (những người phụ nữ Việt); các nghi lễ vừa huyền bí, vừa gần gũi, lôi cuốn; những không gian thiêng mà rất đời trong hệ thống đền, điện, phủ thờ Đạo Mẫu - có thể nói, đây là những vấn đề khoa học thực sự có giá trị và giàu ý nghĩa.
Vấn đề quyền lực mềm của người phụ nữ trong văn hóa Đạo Mẫu đã được tác giả nghiên cứu khá toàn diện, thể hiện ở năm chương với kết cấu chặt chẽ cùng những kiến giải khoa học sâu sắc, thỏa đáng:
Ở chương 1, văn hóa Đạo Mẫu và vấn đề quyền lực mềm của người phụ nữ trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo: Trên cơ sở một số nghiên cứu của các tác giả nước ngoài trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội, đồng thời tiếp thu quan niệm Việt về vai trò của người phụ nữ, của Mẫu - Mẹ, Vũ Thị Tú Anh đã đề xuất và đưa ra khái niệm quyền lực mềm trong văn hóa Đạo Mẫu: “Quyền lực mềm của người phụ nữ trong văn hóa Đạo Mẫu là khả năng hoàn thành các bổn phận trần gian và bổn phận tâm linh của người phụ nữ trong khi họ vẫn đạt được mục tiêu hiện thực hóa bản sắc (cái tôi tinh thần) và sự phát triển cá nhân thông qua các thực hành nghi lễ của Đạo Mẫu và việc tham gia các cộng đồng bản hội.” [Tr.36]. Đây là công cụ lý thuyết, đồng thời cũng là một nội dung bản chất của Đạo Mẫu; đặc biệt, nó càng có giá trị hơn khi không phải là khái niệm có sẵn hay được vay mượn từ nước ngoài. Khác với công trình khác khi nghiên cứu về Đạo Mẫu chỉ tập trung nhấn mạnh về tính nghi lễ của hầu đồng hay đi sâu vào bối cảnh xã hội của nghi lễ, ở công trình này, tác giả đã có một cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo: nghiên cứu Đạo Mẫu từ lý thuyết quyền lực mềm.
Tiếp đến chương 2, tác giả cho thấy sự gắn kết của người phụ nữ Việt Nam với Đạo Mẫu qua 3 hình thức: đồng thầy, đồng và con nhang đệ tử. Và chương 3: thực hành nghi lễ và bổn phận của tín đồ Đạo Mẫu qua quá trình chuẩn bị và cấu trúc của nghi lễ hầu đồng, vai trò của nghi lễ hầu đồng Đạo Mẫu đã được làm sáng tỏ trong việc tạo điều kiện cho người phụ nữ trải nghiệm giá trị hiện thực và giá trị biểu đạt của bản thân trong khuôn khổ văn hóa xã hội truyền thống. Sự nhận thức và biến đổi về giá trị ấy không chỉ được thúc đẩy bởi nghi lễ hầu đồng mà còn được hỗ trợ tích cực từ không gian thiêng mang đầy màu sắc văn hóa của đền phủ và tục đi lễ Thánh trong chương 4 của cuốn sách: Đền thờ và tục đi lễ thánh: không gian đời sống của con nhang đệ tử Đạo Mẫu. Trong chương 5: Yếu tố thế tục và tính giải trí trong thực hành tín ngưỡng Đạo Mẫu, tác giả nghiên cứu và chỉ ra rằng Đạo Mẫu là một biểu hiện tinh thần vui vẻ ở người Việt với tinh thần sống lạc quan, biết tận hưởng cuộc đời trong điều kiện cho phép, biết chịu đựng sự thiếu thốn với một thái độ hóm hỉnh.
Năm chương trong cuốn sách đã tập trung làm rõ những khía cạnh khác nhau của tín ngưỡng Đạo Mẫu được tiếp cận trong mối quan hệ giữa cá nhân những người phụ nữ thực hành Đạo Mẫu với tín ngưỡng này.
Trên cơ sở những quan sát và phân tích về quyền lực mềm của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam nói chung và ở người phụ nữ theo Đạo Mẫu trong văn hóa Đạo Mẫu nói riêng, tác giả đã cho thấy vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội, đóng góp nhận thức về khía cạnh văn hóa và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Phải chăng đây chính là thành công quan trọng nhất của tác giả trong công trình nghiên cứu này.
Gần 300 trang sách với 5 chương được biên soạn công phu, giá trị ấy chính là thành quả của quá trình lao động khoa học đầy say mê, nghiêm túc của Vũ Thị Tú Anh qua hơn 10 năm. Chị đã dày công khảo cứu tổng hợp một khối lượng các tài liệu khoa học đồ sộ và phức Tạp: thư mục tham khảo với hơn 150 tài liệu (tài liệu tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt). Quá trình thu thập tài liệu (diễn ra từ năm 2008 đến năm 2015) được tác giả tiến hành cẩn thận, kĩ lưỡng tại 2 khu trung tâm dân cư ở phía Bắc Việt Nam là Hà Nội và Thái Nguyên với số lượng lớn tín đồ Đạo Mẫu. Tác giả cho biết khoảng 100 người đã tham gia vào cuộc khảo nghiệm nhân học nhiều đợt trong năm. Bởi vậy, bạn đọc nhận thấy rõ sự phong phú của cứ liệu trong cuốn sách, các vấn đề qua các chương được đề cập một cách liên thông, có sức thuyết phục cao.
Thành công của tác giả cũng được GS.TS. Ngô Đức Thịnh - chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về văn hóa dân gian - ghi nhận trong lời giới thiệu: “Tôi đã có thời gian dài làm việc với tác giả Vũ Thị Tú Anh, từ khi cô bắt đầu chọn Đạo Mẫu để nghiên cứu luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ của mình ở Đại học Hawaii, Hoa Kỳ đầu những năm 2000. Theo dõi quá trình hơn 10 năm trưởng thành về học thuật của tác giả, điều tôi tâm đắc nhất là việc nghiên cứu Đạo Mẫu ở Việt Nam và nước ngoài đã có sự cộng hưởng trong những tìm tòi và phát triển về nhận thức lý luận cũng như thực tiễn của công trình này.” [tr.11,12].
Có thể nói, các cách lý giải về ý nghĩa và chức năng hiện tại của Đạo Mẫu, những tri thức về quyền lực mềm của người phụ nữ trong văn hóa Đạo Mẫu mà cuốn sách đem lại chính là nguồn tư liệu quý giá, nó phản ánh những quan niệm cập nhật về các giá trị và sức mạnh của văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các giảng viên, sinh viên khi học tập, nghiên cứu và bạn đọc quan tâm tới văn hóa tín ngưỡng Đạo Mẫu. Kết quả nghiên cứu của tác giả cũng góp phần đưa ra một số kiến giải khoa học mới về sự trường tồn của tín ngưỡng này trong đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Vi Thị Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...